Thánh BÔNAVENTUR

Khi hai sứ thần mang mũ Hồng y đến, ngài còn đang rửa chén. Ngày 28 tháng 5 năm 1273 ngài nhận chức và là cánh tay đắc lực của Đức Giáo Hoàng. Phần đóng góp của ngài vào sự hợp nhất Giáo Hội Hy lạp và Rôma tại Công đồng Lyon thật lớn lao.

Thánh BÔNAVENTUR

Giám mục, tiến sĩ hội thánh. (1221 - 1274)

Sinh năm 1221 tại Bagnorea, gần Viterbo, thánh Bonaventura là con ông Giovanni di Fidanza và bà Ritella. Ngài được đặt tên là Giovanni, lúc lên bốn, Ngài lâm trọng bệnh vô phương cứu chữa. Người mẹ vội ẵm ngài tới gặp thánh Phanxicô khó khăn. Thánh nhân thương cha mẹ dâng lời cầu nguyện và Giovanni hết bệnh. Sung sướng, người mẹ kêu lên: "Obuona Ventura" (Ôi biến cố phúc lộc). Từ đó Giovanni mang tên Bônaventura. Ngài theo học tại dòng anh em hèn mọn.

Tới tuổi 15, Bonaventura theo học tại Paris, trung tâm ánh sáng thời đó. Ngài sống thanh trong đến nỗi Alexandre de Hales nhận xét:
Anh giống như Ađam chưa hề phạm tội.

Ngài kết thân với sinh viên tài ba khác là Thomas Aquinô. Ngỡ ngàng về sự hiểu biết của bạn mình. Thomas hỏi Bonaventura xem ngài đã học sách nào? Bonaventura chỉ cây thánh giá trả lời:
Đây là nguồn mọi hiểu biết của tôi. Tôi học Chúa Giêsu bị đóng đinh.

Năm 1257, ngài được chọn làm bề trên cả dòng Phanxicô. Tình thế ngài phải đối diện rất là phức tạp. Trong dòng đang có sự phân rẽ giữa những người nhiệt tâm muốn tuân giữ nghiêm nhặt luật dòng và những người muốn chước giảm. Nhờ sự thánh thiện và tài khéo léo, Bonaventura đã giải quyết các vấn đề cách ổn thỏa, đến nỗi ngài đang được gọi là Đấng sáng lập thứ hai của dòng. Trong kỳ đại hội ở Narbonne 1250, ngài đã ban hành hiến pháp đầu tiên cho dòng. Sau đó ngài liên tiếp thăm viếng không biết mệt các tỉnh dòng để quan sát việc thực hiện bản quy luật này.

Chính ngài tổ chức việc học hành cho các giáo sĩ trong dòng, làm cho công cuộc tông đồ được phổ biến rộng rãi đến cả những bậc thức giả lẫn giới bình dân. Chính Bonaventura là một nhà dòng giảng thuyết có biệt tài. Ngài đã giảng thuyết từ các tu viện, tới các thành phố ở Âu Châu, trước mặt vua Lu-y IX Đức Giáo Hoàng. Luôn luôn ngài thu phục được cảm tình của thính giả.
Một thầy dòng khiêm tốn tên là Gilles hỏi ngài:

Các cha thông thái, được Chúa ban cho nhiều tài năng. Còn chúng con, chúng con có thể làm được gì?

Bonaventura trả lời:
Nếu Chúa ban cho một người tài năng khác là ơn yêu mến Ngài thế là đủ rồi, và là kho tàng quí báu nhất.

Thầy dòng hỏi tiếp:
Một người không biết đọc biết viết có thể yêu mến Thiên Chúa như một nhà thông thái biết mọi sự không?

Thánh nhân trả lời:
Chắc chắn rồi, một bà già có thể yêu Chúa hơn cả một nhà tiến sĩ thần học.

Thầy dòng vui vẻ la lớn:
Một bà già có thể yêu Chúa hơn cả cha Bonaventura của chúng ta nữa.

Ngài còn tiếp:
Biết một chút về Chúa còn hơn là biết mọi sự trong trời đất.

Ngoài những hoạt động bên ngoài ấy. Bonaventura còn lo viết sách để huấn luyện các tu sĩ và những sách về triết học, thần học và Thánh Kinh. Chúng ta có thể kể đến cuốn "chú giải luật dòng Phanxicô", "hạnh tích thánh Phanxicô" nhất là cuốn "hành trình của linh hồn hướng về Thiên Chúa".

Trong nỗ lực xây dựng Hội Thánh, Bonaventura luôn tỏ ra khiêm tốn. Người ta kể rằng: Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X truyền cho thánh Thomas và thánh Bonaventura soạn thảo bộ kinh lễ Thánh Thể. Khi hai vị vào yết kiến Đức Giáo Hoàng trình bày công việc, thánh Bonaventura xé nát bản văn của mình!

Cùng với lời khiêm tốn ấy, Bonaventura đã từ chối chức Tổng Giám mục thành York mà Đức Giáo Hoàng Clêment IV đề nghị, lòng khiêm tốn ấy không ngăn cản sự cương quyết và can đảm của ngài chống lại thuyết sai lầm của thuyết Aristote và Avérroès ... Nhưng Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X đã quyết định đặt Ngài làm Hồng y cai quản giáo phận Albanô và truyền ngài về Rôma ngay.

Khi hai sứ thần mang mũ Hồng y đến, ngài còn đang rửa chén. Ngày 28 tháng 5 năm 1273 ngài nhận chức và là cánh tay đắc lực của Đức Giáo Hoàng. Phần đóng góp của ngài vào sự hợp nhất Giáo Hội Hy lạp và Rôma tại Công đồng Lyon thật lớn lao.

Nhưng khi công đồng Lyon còn đang nhóm họp thì Bonaventura từ trần ngày 14 tháng 7 năm 1274.

Đức Sixtô IV phong ngài lên bậc hiển thánh năm 1482 và Đức Sixtô V đã đặt ngài làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1858. Người ta gọi ngài là "Tiến sĩ sốt mến".

Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý