LỐI SỐNG HÈN MỌN PHAN SINH

LỐI SỐNG HÈN MỌN PHAN SINH

Đôi lời tâm sự: tính hèn mọn không phải là một vấn đề để nghiên cứu hay bàn cãi nhưng là những cảm nghiệm sống, cách sống, hay cách ứng xử của một người luôn chấp nhận mình là kẻ thấp hèn, luôn coi người khác là hơn mình, và vâng phục mọi người trong sự khiêm tốn và lòng kính trọng. Sau khi đọc một số tài liệu viết về Tính Hèn mọn, tôi thấy rất hay và rất mới đối với tôi, nhưng khi phải bắt đầu viết thì tôi lại rất lúng túng. Tôi chợt nghĩ trong đầu viết hay lí luận về tính hèn mọn thì không còn là hèn mọn nữa, vì nó đã được tri-thức-hóa và đánh mất phần quan trọng hay cốt lõi của nó đó là kinh nghiệm và cung cách sống. Vậy xin cho tôi bắt đầu bằng những cảm nghiệm, những kinh nghiệm có thể là xót xa, thất bại, nhưng cũng là những thử thách cho tính hèn mọn của mình. Một hôm trong một bữa ăn cùng với nhiều người, và thực khách đang say sưa bàn cãi xoay quanh các vấn đề nóng bỏng trong Giáo hội hiện nay ở Hà nội, nhiều người khen ngợi về việc đấu tranh can trường của các anh em CCT, lòng gan dạ của các người giáo dân Thái Hà. Tôi chăm chú lắng nghe và vẫn giữ thinh lặng, vì thú thật là mình cũng chẳng biết gì để nói. Trong số thực khách có người biết tôi là một anh em Phan-sinh, nên anh ta quay lại tôi mà nói: “không biết là anh em Hèn mọn hay anh em Hèn nhát đây?” và anh ta cười một cách mỉa mai! Thú thật lúc đó tôi bị chạm tự ái nặng nề, nhưng cũng chợt ý thức đây có thể là cái bẫy cho chính mình. Trấn tỉnh lại, tôi chỉ trả lời “cũng có thể đúng đấy!” và nét mặt của người tấn công xem ra thỏa mãn! Thế nhưng câu nói đó cứ vấn vương trong tâm trí tôi: “có thể anh ta nói đúng, chúng ta đang đứng về phía nào? Đâu là lập trường của các AEHM thật? Im lặng phải chăng là thái độ hèn mọn thật, hay là một sự hèn nhát, hay ít nhất là sự cẩn trọng của những người trí thức chuyên lí luận trên bàn giấy bất chấp thực tại? Thật ra thì chữ “hèn” (trong “thằng hèn”[1]) thì cũng có nghĩa là “nhát”. Cũng đã nhiều lần tôi nghe người ta nói nửa đùa nửa thật: “anh em Hèn mọn gì? Anh em “Nhỏ mọn” hay “Nhọn mỏ” thì có! Lần này người ta đổi chữ trước, chữ “Hèn” ra chữ “Nhỏ”. Xét riêng từng chữ thì cũng đồng nghĩa “nhỏ” = “mọn” (ví dụ như “con mọn”). Lúc đầu thì tôi còn cười được, nhưng riết rồi cũng làm mình khó chịu và suy nghĩ. Sống hèn mọn không có nghĩa là sống ti tiện, chi li, bắt chẹt người khác từng li từng tí. Đây cũng là nét mà tôi cũng phải luôn nhắc bản thân tôi khi tính toán với người khác vì có lần tôi nghe người khác nói nửa đùa nửa thật: “cha ăn cơm thì để con ăn cháo với!”, vì thế “hèn mọn” cũng có thể trở thành “nhỏ mọn” nếu chúng ta không ý thức hay để ý trong cung cách sống của mình! Cách đây gần 18 năm khi tôi đặc trách xây dựng ĐCV, trong một ngày đổ bê-tông công nhân phải làm việc từ 6 giờ sáng cho tới 11 đêm; vào giờ chơi ban chiều (5giờ) tôi nhờ các thầy ĐCV giúp cho một giờ để các công nhân có thì giờ ăn uống nghỉ ngơi. Họ vẫn làm việc giúp, nhưng sau đó tôi nghe phản ảnh là có thầy nói rằng: “Vào chủng viện là để học và làm LM chứ có phải đi đổ bê tông đâu!”. Nghe xong tôi đã tức bực và muôn phun ra câu: “Thì tao cũng là LM đây nè!”, nhưng may tính hèn mọn đã giúp tôi giữ im lặng và không phản ứng, nhưng nỗi tức ấm ức thì vẫn còn! Đúng là sống hèn mọn không dễ!  

Khi nghe danh xưng Dòng Anh Em Hèn Mọn, nhiều người thắc mắc không biết là Dòng nào, vì từ ngữ nghe có vẻ lạ lẫm đối với người Việt nam. Khi nói đến Thánh Phan-xi-cô người ta thường thêm tính từ Khó nghèo, Khó khăn, ít khi nghe Thánh Phan-xi-cô hèn mọn. Đối với người Tây phương thì từ ngữ Minor hay Mineur tương đối dễ hiểu. Theo nghĩa thông thường thì Minor hay Mineur có nghĩa là “nhỏ, không quan trọng, thứ yếu[2]; danh từ minor có nghĩa là vị thành niên; còn minority có nghĩa là người thiểu số”[3]. Không biết từ lúc nào danh xưng AEHM được sử dụng tại Việt nam, và khi viết tắt thì nhiều người đọc không ra; từ tiếng Việt không thể đi chung với từ viết tắt OFM thông dụng trong các ngôn ngữ Tây Phương. Chắc hẳn danh xưng Anh Em Hèn Mọn nói lên “căn tính” của Dòng, và các điểm mấu chốt trong Linh đạo đó là Tình huynh đệ và Tính hèn mọn[4]. Tuy nhiên trong các sách viết về Linh đạo của Thánh Phan-xi-cô, các tác giả trước đây thường đồng hóa tính hèn mọn với nghèo khó và khiêm hạ. Đó là một vấn đề mang tính lịch sử và tiến hóa chung của các linh đạo theo dòng thời gian. Trong bài này tôi muốn tìm về nguyên thủy của tính hèn mọn Phan sinh và sự biến hóa của nó theo dòng lịch sử ít nhất là của những thập niên đầu tiên của Lịch sử hội Dòng; cuối cùng bài học lịch sử đó có thể được vận dụng như thế nào trong thời đại của chúng ta.

HÌNH THÀNH CĂN TÍNH HÈN MỌN

Trong bài này tôi dựa trên những khám phá của Michael. F. Cusato và một số sử gia trong và ngoài Dòng[5] để tìm nguồn gốc về danh xưng Anh Em Hèn Mọn và Lối sống Hèn mọn.

Linh đạo không phải là một cái gì từ trên trời rơi xuống, nhưng nó phát xuất từ những con người sống trong một thời đại và cố gắng tìm một con đường thiêng liêng để hướng dẫn cho thời đại đó. Khi nói về Linh đạo Phan sinh các tác giả đều cho rằng Linh đạo Phan sinh chính là thánh Phan-xi-cô, nghĩa là linh đạo đó phát xuất từ kinh nghiệm hay cảm nghiệm của Phan-xi-cô về con người, về Thiên Chúa, về tạo vật và bối cảnh văn hóa, kinh tế, xã hội thời bấy giờ. Linh đạo ấy lấy Đức Kitô – và là Đức Kitô chịu đóng đinh- làm trung tâm (Christocentric) để cắt nghĩa các thực tại trên[6]. Để hiểu nguồn gốc của AEHM thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu về bối cảnh văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị, tôn giáo của thời đại Phan-xi-cô và các anh em tiên khởi.

Bối cảnh chính trị, Văn hóa, Xã hội, Tôn giáo: Phan-xi-cô sinh vào một thời đại chinh chiến nhiễu nhương và bất ổn về mặt chính trị và xã hội. Về mặt chính trị và quân sự, đế quốc Đức làm bá chủ thời bấy giờ. Đức làm bá chủ và thu tóm phần lớn Châu Âu, gồm có Áo, Thụy sĩ, miền tây Tiệp khắc, miền nam nước Bỉ, một phần lớn nước Pháp và toàn cõi nước Ý, quê hương của Phan-xi-cô, trừ lãnh thổ của Đức Giáo Hoàng[7]. Trong số các hoàng đế nước Đức phải kể đến Frederic Barberousse lên ngôi năm 1155, ông là một người hiếu chiến và ham quyền lực. Ông muốn nắm trong tay cả quyền hành chính trị lẫn tôn giáo. Đức Giáo hoàng thời bấy giờ ủng hộ các cuộc nổi dậy của miền Lombardie, bắc Ý, nhưng quân của Hoàng đế mạnh hơn. Năm 1167 hoàng đế đến bình địa Milano và chiếm luôn cả lãnh thổ của Đức Giáo Hoàng. Nhưng may thay một trận dịch đã tiêu hủy gần hết cả đạo binh của Hoàng đế. Lợi dụng tình thế dân chúng nổi lên và đánh bại quân xâm lược. Cuối cùng Hoàng đế phải kí hòa ước với Đức Giáo Hoàng tại Venise. Phan-xi-cô ra đời vào khoảng thời gian này, nhưng chỉ là một thời gian hòa bình giả tạo, để chuẩn bị cho những cuộc chiến khác.

Hoàn cảnh của thành phố Assisi cũng không có gì khả quan hơn các thành phố khác ở Ý. Dân thành Assisi phải đương đầu với ba thế lực để dành độc lập: đế quốc Đức, giai cấp quí tộc, và dân thành Perugia. Đế quốc Đức tìm mọi cách áp đặt chế độ cai trị, và thường có sự tiếp tay của giai cấp quí tộc, còn dân chúng thì muốn độc lập, nhất là tầng lớp con buôn, trong đó có gia đình Phan-xi-cô. 1197, dân chúng Assisi chiếm pháo đài La Rocca, và ngày 20-12-1198 dân chúng Assisi bầu lên một thị trưởng và một chính quyền độc lập, bất chấp vạ tuyệt thông của Đức Giáo Hoàng (có lẽ Phan-xi-cô cũng tham gia cùng với dân thành chiếm pháo đài La Rocca Maggiore, và lấy gạch xây thành lũy bao quanh thành phố, và theo một số sử gia thì Phan-xi-cô biết nghề thợ xây từ đó, vì khi nghe tiếng Chúa kêu mời, Ngài đã tự tay tu sửa ít nhất là ba nhà nguyện!). Trong bối cảnh đó, chúng ta không ngạc nhiên khi có sự bất đồng sâu xa giữa Giám mục Assisi và thị trưởng, mà Phan-xi-cô đứng ra làm trung gian hòa giải. Nhiều gia đình giai cấp quí tộc Assisi phải đi lánh nạn sang Perugia, trong đó có nghị sĩ Offreduccio là thân phụ của Clara. Năm 1201, Perugia tuyên chiến với Assisi và đã có những cuộc giao tranh dữ dội, Phan-xi-cô, con của một thương gia, cũng tham gia cuộc chiến này và bị bắt làm tù binh. Trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc như thế, Phan-xi-cô đã ao ước có một nền hòa bình đích thực và đã trở nên con người của Hòa giải, Hòa bình nhân danh Đức Ki-tô[8].

Về mặt xã hội: Phan-xi-cô sống trong một xã hội đang chuyển mình từ chế độ phong kiến sang chế độ xã hội công xã tự do. Trong xã hội phong kiến, các thành phần xã hội được chia làm hai giai cấp chính: Major là giai cấp có phẩm hàm, chức tước, gồm có quí tộc, vương giả, và hiệp sĩ. Họ ăn trên ngồi trước, hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, có lãnh thổ riêng, cai trị đám dân đen. Minor là gia cấp dân đen, gồm người tự do và nô lệ. Người nô lệ bị trói buộc vào giai cấp có phẩm hàm, họ chỉ là những món hàng đổi chác của giai cấp thống trị, Còn người tự do thì có thể làm nông, làm thợ, buôn bán. Họ có quyền sở hữu và tự do đi lại, nhưng cũng bị giai cấp thống trị khống chế bởi sưu cao thuế nặng, và các nghĩa vụ quân sự phục vụ cho chế độ phong kiến. Vào thời thánh Phan-xi-cô xuất hiện một giai cấp mới, giai cấp thương nhân, có khả năng làm cho chế độ phong kiến bị lung lay và suy yếu. Vào thời Phan-xi-cô thương mại trong toàn cõi châu Âu đang phát triển mạnh nhờ hệ thống giao thông và sự phát triển của nền thủ công nghiệp, nhất là vải vóc, len dạ. Họ trở thành những người giàu có, và khi có tiền thì họ cũng muốn có thế lực nên đã thành lập các thương hội. Và để trao đổi thuận tiện hơn, người ta sử dụng vàng, bạc và tiền tệ để làm ăn buôn bán và giao dịch. Tiền bạc trở thành phương tiện thống trị. Tiền bạc có thể mua được chức tước và là lực đẩy lên các nấc thang xã hội. Sự xung khắc giữa giữa chế độ phong kiến và giai cấp thương nhân mới nổi đưa đến một hình thức xã hội mới: xã hội công xã. Những thị dân giàu có muốn có quyền hành và tự do thoát khỏi kiềm tỏa của chế độ phong kiến, họ tụ tập nhau để thành lập các công xã. Khát vọng của họ là tự do và bình đẳng. Ý tưởng huynh đệ bình đẳng cũng ẩn hiện trong phong trào này[9].

 Về mặt tôn giáo: đây là thời kì cực thịnh của thần quyền bao gồm luôn thế quyền. Giáo hội trở thành độc tôn với quyền ra vạ tuyệt thông các vua chúa, và chiếm hữu các tài sản mênh mông khắp toàn cõi châu Âu. Đức Giáo Hoàng Innocentio III là một gương mặt điển hình về thế lực, ngài muốn thiết lập chế độ giáo trị khắp thế giới. Một Giáo hội rất mạnh bên ngoài nhưng lại rất yếu bên trong vì để các công việc thế tục lấn át trách nhiệm thiêng liêng và mục vụ. Một Giáo hội dùng các phương cách thế tục để điều hành hơn là dựa trên những giá trị và nguyên tắc của Phúc Âm, như tòa án tôn giáo, lạm dụng vạ tuyệt thông, thành lập quân đội như Thập tự quân. Một Giáo hội như thế đã bị phân hóa và có thể trở thành một công cụ cho chế độ phong kiến áp bức ngay trong nội bộ của mình. Giáo sĩ và giáo dân xa cách nhau, nhất là đối với các thành phần theo công xã. Trước một Giáo hội như thế, nhiều người đã có ý hướng tốt muốn Giáo hội trở về với sự đơn sơ nghèo khó Phúc Âm và lí tưởng huynh đệ đại đồng. Họ tạo nên những phong trào và lan nhanh như vết dầu loang khiến Giáo hội quyền lực lo sợ. Điều sai lầm của họ là nóng vội và dần dần xa lìa Giáo hội[10].

Phan-xi-cô đã sống trong bối cảnh như thế vào thời tuổi trẻ của mình. Hoàn cảnh trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến hướng chọn lựa và lối sống sau này của Phan-xi-cô mà chúng ta thấy rất rõ trong bản Luật không sắc dụ, nhất là các chương 1, 4, 8, 9.

Kinh nghiệm về con người: Theo các triết gia hiện sinh và hiện tượng luận thì quan niệm về con người phát sinh từ kinh nghiệm sống và tương quan giữa người với người. Thánh Phan-xi-cô đã có một  kinh nghiệm sâu sắc về con người và kinh nghiệm đó đã biến đổi hoàn toàn con người và cách nhìn của Ngài. Phan-xi-cô đã khởi đầu Di chúc bằng kinh nghiệm đó: “Chúa đã ban cho tôi, tu sĩ Phan-xi-cô, ơn bắt đầu cuộc đời hoán cải như thế này: khi còn sống trong tội lỗi, mỗi lần trông thấy người phung, tôi lấy làm ghê tởm lắm. Nhưng chính Chúa đã dẫn tôi đến với họ và tôi đã tỏ lòng thương xót họ. Khi xa cách họ, điều trước kí đối với tôi là ghê tởm đã trở thành ngọt ngào cho tôi trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác. Sau đó, tôi tôi chờ đợi ít lâu và ra khỏi thế gian” (DC, 1-3). Theo Thomas Celano thì kinh nghiệm này Phan-xi-cô đã có “vào thời còn sống theo thế tục, nhưng dưới tác động của ân sủng và quyền năng của đấng tối cao đã bắt đầu suy nghĩ về một cuộc sống lành thánh và hữu ích” (1Cel.7,17). Theo các nhà nghiên cứu ngày nay, thì “sống trong tội lỗi” hay “sống theo thế tục” theo kiểu nói của Phan-xi-cô không phải là sống ăn chơi, trác táng hay phi luân lí, nhưng là sống theo lề thói thông thường, sống trong xã hội áp bức, quyền hành, hay sống ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân mình. Phan-xi-cô là con một thương gia giàu có, ngài có quyền hưởng tất cả quyền lợi mà giai cấp đang lên của gia đình ngài đang có; nhưng ngài muốn thóat khỏi vòng kiềm tỏa đó. Theo Phan-xi-cô thì sống trong thế giới áp bức, tiền bạc, quyền thế là sống trong tội. Ngài vốn là con người nhạy cảm và có lòng yêu mến người nghèo (1Cel.7, 17), nhưng ngài còn sợ những người phong cùi, là những người bị đẩy ra ngoài xã hội và phải sống xa thành phố. Kinh nghiệm ôm hôn người cùi là một kinh nghiệm đột phá có sức đẩy ngài thoát khỏi con người cũ và bắt đầu một cuộc đời hoán cải, để trở về với giá trị thật của con người. Chỉ khi nào lột bỏ tất cả những gì hào nhoáng mà xã hội khoác cho, thì con người mới có thể trở về với giá trị thực của mình. Con người là tạo vật của Thiên Chúa tình yêu, Thiên Chúa nguồn mạch mọi sự tốt lành, là hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa. Đó là phẩm giá đích thực của con người mà không ai hay xã hội nào có thể tước đoạt được.  Chính từ kinh nghiệm đó Phan-xi-cô đã từ bỏ những thú vui của tuổi trẻ để đến sống và chăm sóc những người phong cùi như Celanô đã mô tả: “rồi con người thánh thiện và ái mộ đức khiêm nhường sâu thẳm ấy đã đến chỗ những người phong cùi và ở lại với họ. Vì lòng mến Chúa, chàng tận tâm săn sóc từng người trong họ” (1Cel.7,17). Kinh nghiệm với người cùi cũng là kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Ki-tô chịu đau khổ và đóng đinh (Is 53), vì chính Phan-xi-cô đã gọi người phung cùi là “những anh em của tôi trong Đức Ki-tô” hay “những anh em Ki-tô của tôi” (Gương trọn lành 58). Chính kinh nghiệm này làm thay đổi hoàn toàn con người và lối sống của Phan-xi-cô để thúc đẩy ngài “ra khỏi thế gian” và để lại một di sản về “viễn ảnh con người” theo truyền thống Phan-sinh[11]

Kinh nghiệm về Đức Kitô chịu đóng đinh: trong khoảng thời gian khủng hoảng về hướng đời và đi tìm thánh ý Chúa, Phan-xi-cô thường tìm đến những nơi thanh vắng hay những ngôi nhà nguyện nhỏ bé và đổ nát để cầu nguyện. Vào khoảng mùa xuân năm 1205, sau khi từ Spoletô trở về, một hôm đang khi cầu nguyện trước tượng thánh giá trong nhà nguyện đổ nát San Damiano, Phan-xi-cô đã nghe tiếng Chúa nói từ trên Thánh giá: “Phan-xi-cô, con không thấy Nhà của Ta đổ nát sao? Hãy đi và sửa lại cho Ta”. Phan-xi-cô đã mau mắn nghe theo, và ngài đã ăn cắp len dạ của cha mình và bán cả ngựa để sửa lại nhà nguyện này. Phan-xi-cô đã hiểu một cách đơn sơ lời mời gọi của Chúa, sửa lại ngôi nhà nguyện bằng gạch đá, và dần dà ngài mới hiểu được đó phải sửa lại tòa nhà Giáo hội đang bị đổ nát, phân rẽ. Có lẽ cũng từ kinh nghiệm này mà Phan-xi-cô đã viết trong Di chúc: “Chúa đã ban cho tôi ơn tin mạnh mẽ vào sự hiện diện của Chúa trong các nhà thờ…” (DC, 4-5) Kinh nghiệm của Phan-xi-cô về Thiên Chúa là Đấng gần gủi và hèn mọn, khiêm hạ đến tột cùng. Đức Giê-su Ki-tô, là con chí ái của Đức Chúa Cha đã nhập thể và đến sống giữa loài người như một người tôi tớ, tự hủy mình ra không, và chết trần trụi, nghèo khó trên Thập giá[12]. Với kinh nghiệm đó Phan-xi-cô suốt đời “đi theo vết chân” của Đức Kitô, trở nên “đồng hình đồng dạng” với Người và trở nên người tôi tớ phục vụ mọi người như Đức Kitô nghèo khó và khiêm hạ (x. 2Cel 6,10-11)

 Căn tính hèn mọn trong Phan-xi-cô là kết quả của sự phân định ý định của Thiên Chúa đối với con người và thế giới. Hèn mọn là kết tinh của những kinh nghiệm của ngài về thời đại và hoàn cảnh mình đang sống, về con người và Thiên Chúa. Hèn mọn là một chọn lựa căn bản và được thể hiện qua những hạnh động cụ thể. Phan-xi-cô đã nắm bắt được điều cơ bản nhất khi khám phá ra tính Hèn mọn nơi Đức Kitô.

HÈN MỌN LÀ CĂN TÍNH CỦA ANH EM

Chúng ta không biết chính xác là từ khi nào Anh em tiên khởi được gọi là anh em Hèn mọn, vì từ nguyên thủy anh em tự xem mình là “những người đền tội Assisi”. Theo Celanô kể lại thì một hôm khi nghe đọc Luật Dòng đến câu “họ phải là những người hèn mọn”, Phan-xi-cô cắt ngang và nói “Tôi muốn huynh đệ đoàn chúng ta mang tên Dòng Anh Em Hèn Mọn” (1Cel 15,38). Chúng ta không biết đích xác đó là bản luật nào, và vào thời điểm nào. Nếu là bản luật sống được chấp thuận năm 1209, thì trong bản Luật không sắc chỉ đã phải nói đến danh xưng này. Bản Luật 1221 cũng chưa sử dụng danh xưng này, mà khởi đầu bằng: “Luật và đời sống anh em này là…” (Lksc 1,1). Trong bản luật này  có câu: “Không ai được mang danh bề trên, nhưng tất cả hãy cùng mang danh là Anh em Hèn mọn” (Lksc 6,3) và ở chương tiếp theo có câu: “nhưng anh em hãy sống hèn mọn, phục tùng mọi người trong nhà ấy” (Lksc 7,2). Như thế có thể là danh xưng chính thức này ra đời trong khoảng 1221 – 1223, vì bản Luật 1223 đã sử dụng từ này ngay trong câu mở đầu: “Luật và đời sống Anh Em Hèn Mọn…” (Lcsc 1,1). Theo như lời Celanô kể thì có vẻ như là PXC đã cố gắng tìm một cái tên chính xác cho anh em, nhưng Ngài chưa tìm được một tên nào thích hợp khả dĩ tóm gọn tất cả trực giác của mình, và trong phút chốc khi nghe lại Luật Dòng do mình viết ra, Ngài đã bắt gặp được điều mình muốn nói, tìm được từ mình muốn tìm. Ta có thể ví khám phá và cảm nghiệm này của PXC như cảm nghiệm của Archimede khi reo lên “Eureka”. Có vẻ như Mẹ Marie de la Passion cũng có cảm nghiệm tương tự khi Mẹ thốt lên: “Danh xưng “hèn mọn” đã làm tôi bừng cháy[13] (câu này nói lên một kinh nghiệm khá đặc biệt của Mẹ khi nghe về danh xưng này – nhờ các chị nghiên cứu thêm trong tiểu sử và bút tích của Mẹ). Như thế danh xưng Hèn Mọn có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với PXC và Mẹ Marie de la Passion. PXC vốn là con người thực tế, và nói và viết “một cách đơn sơ và trong sáng” (CT 30) thì ta cũng phải đọc và hiểu những lời ấy một cách “đơn sơ và trong sáng”. Nhưng có vẻ như các anh em của Ngài đã không hoàn toàn hiểu một cách “đơn sơ” như Ngài mong muốn, còn “trong sáng” thì cũng khó nói vì nhiều yếu tố lịch sử, xã hội chen lấn vào trong các giải thích.   

Phan-xi-cô thường dùng từ forma vitae , có nghĩa là một hình thức sống, một lối sống, hơn là Luật Dòng. Năm 1209 được coi là mốc khai sinh phong trào Phan-sinh, Phan-xi-cô và các anh em tiên khởi đã được Đức Giáo hoàng và Tòa thánh chấp nhận một thể thức sống (forma vitae), một lối sống của những người hèn mọn, những người thuộc giai cấp hạ lưu (minores) thực sự. Lối sống này được khai sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ người cùi như Phan-xi-cô đã nói trong phần mở đầu Di chúc. Qua kinh nghiệm đó Phan-xi-cô khám phá tình huynh đệ đại đồng, tất cả mọi tạo vật đều là anh em, chị em vì từ một Đấng tạo dựng mà có. Tuy nhiên tình huynh đệ đại đồng đó đã không còn được như thời ở vườn địa đàng vì đã bị phá hủy bởi lòng tham của cải, quyền lực, và bạo động. Đó là thế giới của tội lỗi. Muốn trở về với tình huynh đệ đại đồng ban đầu thì phải “đền tội”, phải từ bỏ thế giới của tội lỗi, đó là thế giới của thu tích của cải, quyền lực, bạo động. Xã hội Assisi mà Phan-xi-cô đang sống là một xã hội giai cấp bao gồm 2 giai cấp chính: giai cấp thượng lưu và giai cấp hạ lưu. Giai cấp thương lưu (Majores) gồm những người giàu có, chức tước, thế giá, quyền lực, ăn trên ngồi trước, và mọi người phải nghe theo, tuân lệnh. Còn giai cấp hạ lưu (Minores) là những người nghèo, những người thấp cổ bé miệng, những người bị loại ra khỏi xã hội, cụ thể là những người cùi, người nghèo, những người ăn xin trên đường phố, những người làm thuê làm mướn thời bấy giờ. Phan-xi-cô và các anh em tiên khởi đã đồng hóa mình là anh em với họ (fratres) và hèn mọn (minores) như họ. Từ đó khai sinh lối sống của Anh em-Hèn mọn (Fratres et  minores).  Như thế ngay từ ban đầu chọn lựa danh xưng Anh Em Hèn Mọn là một chọn lựa mang tính xã hội, và có thể nói mạnh hơn là một chọn lựa mang tính “giai cấp”, và nói lên một lối sống cụ thể chứ không hoàn toàn mang tính tinh thần hay tượng trưng. Ta có thể chứng minh điều này qua Luật Dòng (Lksc và Lcsc).

Theo William Short thì dựa theo nội dung ta có thể phân chia bản Luật không sắc chỉ 1221 làm 9 phần. Ở đây chúng ta đặc biệt chú ý đến 4 phần đầu: (1) Lối sống theo Phúc Âm (mở đầu – ch.1 -3); (2) Tổ chức anh em (ch.4-6); (3) Cuộc sống hằng ngày của anh em (ch.7 – 9); (4) Một huynh đệ đoàn “hèn mọn” (nối kết 2 phần trên để thành AEHM (ch.10 – 13)[14]. Vì hạn chế của đề tài ở đây chúng ta chỉ nói đến những gì liên quan đến danh xưng AEHM.

Phần 2 của Lksc nói về việc tổ chức cộng đoàn anh em. Đây là một cộng đoàn anh em thực sự, một cơ cấu huynh đệ thật sự, không ai có quyền cai trị hay khống chế anh em mình, tất cả là bình đẳng và từ chìa khóa là “phục vụ”. Chương 4 nói về vai trò và công việc của “những anh em được đặt làm người phục vụ và tôi tớ các anh em khác” (Lksc 4, 2). Đây là một điều mới mẻ đối với xã hội thời bấy giờ (một xã hội giai cấp) và đối với cơ cấu GH (một GH quyền lực phẩm trật, các đan viện có các đan viện phụ là người thầy dạy, là cha, là người cai quản). Bổn phận của các “anh em phục vụ” là “thăm viếng và dùng lời lẽ thiêng liêng mà hướng dẫn và khích lệ họ” (Lksc 4,2), để “hầu hạ anh em” (Lksc 4,6), chịu trách nhiệm “săn sóc linh hồn anh em” (Lksc 4,6), sửa dạy anh em “cách khiêm nhường và tận tình”. Còn tất cả anh em phải sống phục vụ lẫn nhau, làm “người phục vụ và đầy tớ anh em” (Lksc 5,14), anh em hãy “sẵn sàng phục vụ và vâng lời lẫn nhau” (Lksc 5,14). Trong cộng đoàn đó “không ai được mang danh là bề trên, nhưng tất cả cùng mang danh là Anh Em Hèn Mọn. Và anh em hãy “rửa chân cho nhau” (Lksc 6, 3). PXC cũng hay nói đến tình mẫu tử, anh em hãy chăm sóc như người mẹ chăm sóc con cái. Đây là một cộng đoàn anh em lí tưởng, một tập thể của những con người bình đẳng, yêu thương, phục vụ lẫn nhau, một tập thể của những người hèn mọn thực sự. Ở đây ta thấy lí tưởng bình đẳng, và huynh đệ của công xã được đẩy lên mức độ lí tưởng, dựa trên Phúc Âm và chính cuộc sống của Đức Ki-tô. Đó là điểm thứ nhất của căn tính Phan-sinh: sống huynh đệ.

Phần 3 (từ chương 7 đến chương 9) nói về cuộc sống thường nhật của anh em. Anh em là những người lao động và phục vụ, là những người rốt hết, không được giữ một chức vụ nào khi đi làm việc hay phục vụ, “anh em hãy sống hèn mọn, phục tùng mọi người trong nhà ấy” (Lksc 7,2). Anh em là những người làm nghề lương thiện mà mình biết, và phải chăm chỉ làm việc; anh em là những người làm công kiếm sống qua ngày, mà nếu không đủ sống thì “hãy đi hành khất như những người nghèo khác” (Lksc 7,8). Anh em “hèn mọn” thật sự là những người lao động tay chân, những người nghèo khổ rốt hết trong xã hội. Anh em không được sở hữu bất cứ điều gì, chỗ ở hay tiền bạc  (Lksc 7,13). Đây là những người công nhân lao động tự nguyện và vui vẻ thực sự, “không chút phàn nàn” “anh em hãy cẩn thận bề ngoài đừng tỏ ra buồn rầu và ủ dột như những người đạo đức giả, nhưng hãy tỏ ra “vui mừng trong Chúa”, tươi cười và hòa nhã cho hợp lẽ” (Lksc 7,15-16). Đặc biệt chương 9 của bản Lksc nói đến việc đi xin của bố thí. Sau khi nói đến việc anh em “hãy lấy làm vui mừng khi sống với những người hèn hạ và bị khinh dể, nghèo hèn và đau ốm, tàn tật và phong cùi, cũng như những kẻ ăn xin ngoài đường”(Lksc 9,2) thì bản luật nói đến một cách thức sống hèn mọn cao nhất đó là đi xin của bố thí. Dĩ nhiên anh em phải dùng sức lực của mình để làm việc để nuôi thân, nhưng khi cần thiết anh em mới đi xin của bố thí, và đây là cách bắt chước sự nghèo khó và khiêm hạ cao nhất của Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ và các tông đồ (Lksc 9,3-5). Điều quan trọng là đừng “lấy làm xấu hổ” khi đi ăn xin, và lấy làm “vui mừng” khi sống với giới hạ lưu, cùng đinh! Điều đó nói lên rằng đây là một lối sống tự nguyện, một chọn lựa thật sự, chứ không phải một sự cưỡng ép. Khi nói đến sự nghèo khó và khiêm hạ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, PXC muốn nói đến sự tự hạ thật sự và tự nguyện. Đức Giêsu đã từ bỏ địa vị là Thiên Chúa, hạ sinh xuống làm người (Pl 2,6-8)  và chọn một trong những gia đình nghèo nhất và một người mẹ nghèo, sinh hạ trong cảnh thiếu thốn, chọn “kiếp sống lữ hành và khách lạ”, sống bằng của bố thí, rồi hạ mình xuống “rửa chân cho các môn đệ”, và chết trần trụi trên Thánh giá. PXC muốn cảm nghiệm tất cả những biến cố đó một cách cụ thể trong cuộc sống của mình và mời gọi các anh em theo Ngài cùng sống lí tưởng đó: biến cố Grecciô, La Verna… PXC đã tự nguyện từ bỏ mọi của cải, quyền lợi mình được hưởng, giai cấp đang lên của gia đình để “xuống” sống với những người nghèo, người cùi, người ăn xin, và ra khỏi thế giới của tiền bạc quyền lực của thành phố để đến sống ở vùng ngoại ô, vùng quê (thung lũng Umbria) là vùng đất ở của hạng thứ dân (DC 1 -3). Ẩn dưới những hành động cụ thể và một lối sống hèn mọn như thế PXC có một trực giác hay “viễn ảnh” về con người và thế giới. Ngài mong ước có một thế giới tốt đẹp, một thế giới như vườn địa đàng khi loài người chưa sa ngã. Trong thế giới ấy con người sống huynh đệ với nhau và với toàn thể tạo vật. Tất cả là anh em và chị em. Tội lỗi đã làm thay đổi cục diện, con người trở thành tham lam và tích lũy đưa đến áp bức, bất công. Của cải là của tất cả mọi người chứ khống phải của riêng một nhóm nào, và mọi người được quyền sử dụng cho những nhu cầu cần thiết (“có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” Lksc 9,1) và phải sử dụng một cách có trách nhiệm và tôn trọng sự tồn tại của mọi tạo vật. Vì lòng tham lam, ích kỉ một số người đã chiếm lĩnh của cải cho mình, và đẩy người khác vào chỗ nghèo đói, đó là những cơ cấu kinh tế xã hội của Phong kiến, Công xã và kinh tế thương mại tự do. Vì những cơ cấu kinh tế bất công, xã hội bị phân tầng thành một thiểu số giàu có và đại đa số dân nghèo. Trong một cơ cấu bất công như thế, đi xin của bố thí là quyền của người nghèo, đó là phần của họ đáng được hưởng. Chương 9 Lksc kết thúc bằng câu: “khi túng thiếu thì không phải giữ luật pháp” (Lksc 9,16), có nghĩa là PXC và anh em tiên khởi biết khá rõ về quan điểm của GH và các nhà thần học luân lí thời bấy giờ về vấn đề công bằng xã hội[15]. PXC có những phản ứng cụ thể với hệ thống xã hội và kinh tế áp bức và quyền lực. Ngài dứt khoát không cho anh em nhận nơi ở, đất đai, (Lksc 7,13) hay bảo trợ cho ai đó (Lksc 12, 4), không nuôi súc vật hay đi ngựa (Lksc 15,1-2) là dấu chỉ quyền lực và giàu có của chế độ phong kiến: chiếm hữu đất đai, của cải, súc vật, nô lệ. PXC rất gay gắt và dứt khoát với việc nhận tiền bạc ((Lksc 8, 1-12) đó là quyền lực của giai cấp đang lên, giai cấp thương nhân trong một hệ thống kinh tế mới sử dụng tiền bạc, một nền kinh tế thị trường! Xem ra PXC chấp nhận một nền kinh tế trao đổi hiện vật (barter economy), dựa trên công sức lao động thực và giá trị thực của sản phẩm, đó là những tương quan giữa những người lao động với nhau, giữa những người bình đẳng! 

Theo Cusato thì đi xin của bố thí không phải là điểm chính yếu hay đặc điểm của AEHM tuy rằng chính thức GH xem Dòng là một trong hai Hội Dòng “Ăn mày” “Hành khất” đầu tiên trong GH. Anh em chỉ đi ăn mày khi công việc không cung cấp đủ cho cuộc sống nghèo khó của mình. Phân tích chương 9 Lksc Cusato đưa ra ba điểm: (1) Ăn xin làm anh em xấu hổ: đây là kinh nghiệm mà các anh em tiên khởi cảm nhận thực sự. Đi ăn xin có nghĩa là công khai nhận mình nghèo thật sự, hòa nhập với những người lang thang, mà dân thành Assisi biết rằng họ không phải là người nghèo thật mà là những người đã cho đi của cải và bây giờ lại trở thành kẻ ăn xin. Thật là xấu hổ! PXC nhận ra điều đó nên đã lấy cuộc đời của Chúa Ki-tô, Mẹ Maria, và các tông đồ ra làm gương, để anh em đừng xấu hổ nữa vì Chúa cũng đã “trơ mặt như đá” (Lksc 4). Đây là một lối cắt nghĩa độc đáo của PXC vì trước đó chưa ai cắt nghĩa là Đức Giêsu và Mẹ người đi ăn xin cả! Điều PXC muốn nói là anh em không phải đơn độc đâu, anh em hãy bắt chước Chúa và Mẹ của người cũng như các tông đồ! Các ngài đã sống nhờ vào người khác! (2) Ăn xin là một lời bình phẩm về xã hội: đó là một xã hội đáng xấu hổ, một xã hội bất công, hãy trở về với các giá trị PÂ! (3) Bố thí cho người nghèo là một thứ thuốc chữa xã hội: đó là một lời mời gọi thế giới hãy xã hội hãy nhìn thế giới dưới con mắt của người nghèo. Của bố thí là gia nghiệp thật của người giàu có và là gia tài thừa hưởng của người nghèo và là công lí đối với họ[16].

Trên đây là hai điểm chính của Linh đạo AEHM: là những người sống huynh đệ Phúc Âm và sống Hèn mọn giữa những người hèn mọn, nghèo khổ nhất của xã hội. Chọn lựa căn bản của anh em ngay từ buổi đầu đó là một chọn lựa mang tính xã hội và giai cấp dựa trên các giá trị nền tảng của PÂ. Bản luật có sắc chỉ 1223 ngắn gọn hơn và độ dài chỉ bằng một phần ba của Lksc (Lksc 1221 gồm 24 chương, Lcsc 1223 chỉ còn lại 12 chương)[17] nhưng vẫn giữ lại được những điểm chính trong Linh đạo nguyên thủy. Đặc biệt chương 6 nói về cách sống hèn mọn của anh em và việc đi xin của bố thí và chương 10 nói về cách tổ chức huynh đệ đoàn cũng như cách ứng xử của AEHM với nhau và người ngoài. Đó là hai trái tim hay hay trụ cột của Luật 1223, và đó cũng là 2 trụ cột của lối sống hay Linh đạo AEHM.

LỐI SỐNG HÈN MỌN VÀ SỰ BIẾN CHUYỂN TRONG DÒNG LỊCH SỬ

PXC và những anh em tiên khởi đã sống như những người AEHM thật sự như chúng ta đã trình bày ở trên. Nhưng xem ra lối sống hay phong cách sống đó hình như chỉ thích hợp cho một nhóm nhỏ, sống lang thang, làm các công việc tay chân hay giúp việc trong các gia đình. Anh em là những người hèn mọn thực sự, những người dốt nát hay ít chữ nghĩa, sống bằng sức lực của mình. Nhưng lối sống của anh em đã hấp dẫn rất nhiều người đủ mọi thành phần, và phong trào đã lan rộng rất nhanh, và điều đó nằm ngoài dự đoán và khả năng của Ngài như Ngài đã tâm sự trong Di chúc (DC 14). Nhưng cho đến cuối đời Ngài vẫn nhắc đến những điều chính yếu của lí tưởng của mình: “Phần tôi, tôi đã làm việc tay chân và vẫn muốn làm việc. Tôi tha thiết muốn tất cả anh em khác đều phải chuyên tâm làm một công việc lương thiện. Ai không biết làm việc thì phải học, không phải vì ham muốn nhận thù lao, nhưng là để làm gương và tránh ở nhưng. Khi người ta không trả công, chúng ta hãy chạy đến bàn ăn của Chúa bằng cách đi xin của bố thí từng nhà” (DC 20-22). Nhưng như trên đã trình bày, linh đạo Phan-sinh phát sinh trong một bối cảnh cụ thể và chịu ảnh hưởng qua lại của nhiều xu thế thời đại, linh đạo ấy cũng phải tuân theo qui luật phát triển lịch sử dầu muốn hay không. Ở đây ta chỉ chú trọng đến sự biến chuyển của lối sống hèn mọn trong những thập kỉ đầu của phong trào Phan-sinh.

Theo Cusato[18] thì đoàn sủng hèn mọn đã biến chuyển vì các sự kiện lịch sử và yếu tố sau đây. (1) Các giáo sĩ gia nhập nhập Dòng; (2) Khuynh hướng tri-thức-hóa anh em. (3) Áp lực về sự tồn tại của mình: AEHM làm gì có ích cho xã hội và GH? (4) Ảnh hưởng của Bonaventura.

(1) Các giáo sĩ gia nhập Dòng càng ngày càng đông. Vào năm 1220, PXC triệu tập tu nghị khẩn cấp vì những tin tức và sự kiện xẩy ra cho anh em ở châu Âu, và trong tu nghị này PXC đã từ chức Tổng phục vụ của anh em. Điểm đáng nói là số lượng các anh em giáo sĩ càng ngày càng đông và họ tạo ra một “não trạng giáo sĩ” của những anh em được gọi là “những người khôn ngoan và học thức”, và họ muốn trở thành giới lãnh đạo của Hội Dòng mới thành lập (đặc biệt Tổng tu nghị 1230 hạn chế nghị viên vào giới lãnh đạo, những người có chức vụ mà thôi). Với số lượng lớn các giáo sĩ, GH muốn anh em tham gia vào các chương trình của GH để chấn hưng đời sống tâm linh cho dân Chúa, và ngay cả trong việc điều hành GH. Xu hướng giáo sĩ lên đến cao điểm trong Tổng Tu nghị 1239, khi phe giáo sĩ bắt anh TPV Elias of Cortona, một anh em không giáo sĩ phải từ chức và bầu Albert of Pisa, một LM lên làm TPV. Nhưng không may, anh này chỉ làm TPV được sáu tháng thì chết, và anh Haymo of Faversham, một LM khác lên thay thế. Vị tân TPV này là người đã tìm mọi cách lật đổ anh Elias. Haymo đã làm ba điều liên quan đến hướng đi của Hội Dòng. Thứ nhất, Haymo tìm mọi cách để đưa anh em mình vào công việc mục vụ của hàng giáo sĩ, ngay cả việc nhận chức vụ GM. Thứ hai, Haymo hạn chế nghiêm khắc các anh em không giáo sĩ gia nhập Dòng, chỉ trừ khi anh em ấy cần thiết cho cộng đoàn hoặc anh em ấy có sự thánh thiện tuyệt vời để giữ sự vinh quang cho Dòng. Thứ ba, Haymo cố đẩy mạnh khuynh hướng cho rằng sự nghèo khó PÂ là yếu tố nổi bật của đoàn sủng Phan-sinh, và định nghĩa nghèo khó PÂ theo nghĩa pháp lý và luật lệ, và phân biệt quyền sở hữu và quyền sử dụng. Khuynh hướng cho rằng nghèo khó (paupertas), và nhấn mạnh sự nghèo khó vật chất là điểm cốt yếu của đoàn sủng đã loại trừ dần tính chất hèn mọn mang tính xã hội (social minoritas) ban đầu. Đây là một vấn đề tồn tại suốt trong dòng lịch sử dài về sau.

(2) Khuynh hướng giáo sĩ hóa Dòng đương nhiên kéo theo khuynh hướng tri thức hóa anh em. Trong Lcsd có đoạn nói: “Ai không biết chữ thì đừng chăm lo học hành; nhưng hãy chăm lo điều này là trên hết mọi sự, ao ước được Thần Linh Chúa hiện diện và tác động nơi mình…”(Lcsd 10,7b-8). Vào thời Trung cổ, học hành là con đường duy nhất để nhanh chóng được thăng tiến trong xã hội, cho nên PXC khá dè dặt cho anh em theo đuổi con đường học vấn (Hn 7,2-4). Nhiều anh em chạy theo con đường học vấn và đã tốt nghiệp từ những đại học danh tiếng thời bấy giờ như ĐH Paris, ĐH Bologna. Khuynh hướng này gây nên một sự phân rẽ trầm trọng giữa những anh em giáo sĩ thông thái và những anh em hèn mọn ít học của thuở ban đầu. Đương nhiên, với trình độ học hành cao, anh em khó mà đồng hóa mình với những “minores” thực sự.

(3) Với xu thế giáo sĩ hóa và tri thức hóa, anh em phải làm gì cho Giáo hội. Những công việc hèn mọn của anh em thuở ban đầu xem ra không còn thích hợp nữa, các anh em LM nhận nhiều chức vụ trong GH, và chú tâm làm công việc mục vụ và đi rao giảng chuyên nghiệp chứ không còn đi làm lao động, sống lang thang được nữa. Đặc biệt các triều đại Giáo Hoàng sau khi PXC qua đời rất tôn trọng anh em của Dòng và muốn anh em trở thành những đội quân thiện chiến cho các chương trình của GH.

(4) Ảnh hưởng của Bonaventura: Ngài gia nhập dòng năm 1238 tại Paris và chịu ảnh hưởng của Alexander of Hales (gia nhập dòng năm 1236), là người cha và người thầy của Bonaventura. Alexander và Haymo là những người đẩy Dòng vào khuynh hướng giáo sĩ hóa và tri thức hóa. Lúc ấy cũng có những anh em khoa bảng như John of Parma ở ĐH Paris chịu ảnh hưởng học thuyết cánh chung của Joachim of Fiore, cho rằng sẽ đến thời cánh chung của GH, và GH sẽ được điều hành và cứu vớt nhờ các đan sĩ và các Dòng Hành Khất. Các giáo sĩ triều rất có ác cảm với lí thuyết này. Ngay trong ĐH Paris vào những năm 1250, xung khắc giữa các giáo sư triều và các giao sư và sinh viên của hai Dòng Hành Khất đã lên đến tột độ, đặc biệt đối với AEHM. GH và các ĐGH trước đây rất ủng hộ anh em bỗng nhiên vào cuối triều đại của ĐGH Innocentiô IV thì quay lưng lại với AEHM, thắc mắc về sự hiện diện của các AEHM ở các ĐH và rút các quyền lợi mục vụ của anh em AEHM ở châu Âu! Trước tình trạng đó, Bonaventura phải đứng ra bênh vực Dòng vào những năm 1255 – 1256 qua các tập disputatio. Đây là một công việc khó khăn và rắc rối, nhưng nhờ sự thông minh và thánh thiện mà Bonaventura đã có thể bênh vực cho sự tồn tại của Dòng. Tất nhiên, trong quá trình bênh vực và tùy thuộc vào hiện tình của Dòng vào thời điểm đó Bonaventura đã có những biến đổi trong đoàn sủng ban đầu của Dòng.

Theo Michael F. Cusato thì trong khi cố gắng tái xác lập đoàn sủng Phan-sinh, Bonaventura đã đem vào ba thay đổi quan trọng: (1) Xem PXC là một biểu tượng của lộ trình hoàn thiện Kitô hơn là một đấng sáng lập một phong trào tôn giáo với những năng động lịch sử cụ thể riêng biệt (x. Lộ trình lên cùng Thiên Chúa). (2) Dòng Phan-sinh là một thực thể lịch sử tiến triển trong thời gian với một số thông số luật pháp nào đó. (3) Nghèo khó và Khiêm hạ là những nhân đức nội tâm cần được nuôi dưỡng trong mỗi người hơn là những nhân đức xã hội nhằm biến đổi thế giới. Đây là điểm mà Bonaventura đã tri thức hóa, thần học hóa, và huyền nhiệm hóa tính cách Hèn mọn Phan-sinh để đi đôi với truyền thống của GH và các linh đạo khác đã có sẵn để đối phương dễ chấp nhận Dòng hơn. Theo Cusato thì chính điều này đã làm đánh mất sự độc đáo của đoàn sủng Hèn mọn ban đầu của Dòng và chọn lựa cơ bản của PXC.

Chúng ta có thể dùng mô hình của Peter Berger[19] để tìm hiểu sự biến chuyển của đoàn sủng hèn mọn Phan-sinh qua các tiến trình nội hóa (internalization) và quá trình ngoại hóa (externalization). PXC đã nội hóa các giá trị Tin mừng như nghèo khó và khiêm hạ, phục vụ và tôi tớ, và các giá trị của xã hội đương thời như bình đẳng và huynh đệ trong chính bản thân mình. Tiếp theo PXC đã ngoại hóa các giá trị đó bằng một lối sống huynh đệ và hèn mọn tạo nên một phong trào, một lối sống mới trong thời đại của mình. Đến lượt Bonaventura lại nội hóa các giá trị của lối sống đó (nghèo khó và khiêm hạ) theo hoàn cảnh và thời đại của mình, và các anh em của Ngài lại tiếp tục quá trình ngoại hóa. Lịch sử được tạo nên bởi sự tương tác của hai quá trình đó. Ngày nay chúng ta cũng cần nội hóa các giá trị Phan sinh nhất là huynh đệ và hèn mọn và ngoại hóa chúng bằng một lối sống thích ứng với đòi hỏi của thời đại mà không đánh mất căn tính của mình.  

TẠM KẾT

Lịch sử là một huyền nhiệm, là một dòng chảy liên tục. Thay đổi hay tiến triển cũng là một qui luật tự nhiên của vũ trụ, vì vũ trụ không đứng yên một chỗ nhưng luôn luôn xoay chuyển. Là Kitô hữu chúng ta tin rằng Thiên Chúa làm chủ lịch sử và chúng ta phải học từ những bài học của lịch sử để phân định ý Chúa. Lịch sử biến chuyển của linh đạo AEHM đặc biệt là lối sống hèn mọn cũng cho ta một bài học để ta xem xét lịch sử của chính tỉnh Dòng chúng ta hôm qua và hôm nay. Chúng ta đã sống lối sống hèn mọn như thế nào trong quá khứ và ngày hôm nay chúng ta đang thực hiện lối sống hèn mọn như thế nào trong xã hội? Chúng ta có đang đánh mất căn tính hèn mọn khi chạy theo những xu hướng mới không. Công đồng Vatican II mời gọi các Dòng tu hãy trở về nguồn, trở về với đặc sủng của Đấng sáng lập và “sống trung thành một cách sáng tạo” trong hoàn cảnh hiện tại.

                                                            Paul Nguyễn Đình Vịnh, ofm

                                                                                             



[1] X. Tô Hải, Nhật kí một thằng hèn

[2] Ngày nay một số tài liệu đã dùng từ Lesser friar

[3] Từ điển Anh Việt, Nxb: Viện Ngôn ngữ học, 1975

[4] Nguyễn Văn Khanh, Linh đạo của Thánh Phan-xi-cô At-xi-di, 2009, 95-110. Tác giả viết rất dài về Tình Huynh đệ, nhưng Tính Hèn mọn thì rất ít. Xem thêm: Vũ Phan Long, Linh đạo Thánh Phan-xi-cô

[5] Michael.F.Cusato, Bonaventure of Bagnoregio and the reformulation of the Franciscan Charism và Alms-asking and Alms-giving as Social commentary and Social remedy, Franciscan Studies (?).

[6] Xem Leonardo Boff, Saint Francis, Model of Human Liberation, Paulist Press, Manila, 1988)

[7] Nguyễn Phước, Giới thiệu Thánh Phan-xi-cô Assisi, 9

[8] Nguyễn Phước, Giới thiệu Thánh Phan-xi-cô, 11-12. Xem thêm Eloi Leclec, Phan-xi-cô trong luồng gió lịch sử

[9] Ibid, 14-16

[10] Nguyễn Phước, ibid, 16 – 19. Xem thêm L. Boff, Saint Francis, A Model for Human Liberation (Claretian Publications, 1988), 3-46. Xem thêm: A. Rotzetter – W. Van Dijk, M.Matura, Một Lối Sống Tin Mừng, 26-27

[11] Xem Dawn M.Nothwehr, OSF, The Franciscan View of  the Human Person (CFIT/ESC-OFM, 2005), 19

[12] Ilia Delio, The Humility of  God (St Anthony Messenger Press, 2005) 37-48. Xem thêm: The Crucified Love

[13] Trích lại trong Văn Kiện Tổng Tu Nghị (FMM) 2008. Xem thêm chú thích của Văn kiện.

[14] X. trong Jacques Dalarun, (director) Francois d’Assise: Ecrits, Vies, temoignages – Edition du VIIIe Centenaire, (Editions du Cerf – Editions Franciscaines, 2010 ) 182

[15] X. Cusato, Alms-asking and Alms-giving as Social Commentary and Social Remedy (tài liệu riêng, chưa xuất bản)

[16] Ibid, 1-12

[17] X. trong Jacques Dalarun, (director) Francois d’Assise: Ecrits, Vies, temoignages – Edition du VIIIe Centenaire, (Editions du Cerf – Editions Franciscaines, 2010 ) 256-257

[18] Michael F.Cusato, Bonaventure of Bagnoregio and the reformulation of the Franciscan Charism, Franciscan Studies (?).

[19] Peter Berger, Social Construct of Reality