Các vị thầy ngoại hạng
Thư viện không phải là nơi cung cấp kiến thức duy nhất cho Fernand. Tại đan viện Thánh giá có những vị thầy xuất sắc mà danh tiếng vang dội khắp thành phố. Hai trong số họ là tiến sĩ thần học Jean và Raymond tốt nghiệp ở trường đại học danh tiếng Paris (họ là đệ tử của thầy Guillaume de Champeaux).
Người học trò xuất sắc
Chúng ta biết Fernand đã học ở trường nhà thờ chính tòa Lisbon và ở đan viện Thánh Vinh Sơn Fora. Với hành trang như thế, lại ở trong môi trường thuận lợi có các vị thầy nổi tiếng nên Fernand sẽ được đào tạo trong các điều kiện tốt nhất có thể.
Trước hết anh có một trí nhớ phi thường, một trong các bạn anh kể: “Anh thuộc lòng những gì mình đọc. Anh thuộc lòng Sách Thánh đến mức có thể trích dẫn văn bản ngay lập tức, với một độ chính xác rất cao, có vẻ như Lời Thánh đã được viết trong lòng anh.”
Nhưng ký ức dù mạnh như thế nào, nó sẽ phục vụ anh cái gì nếu anh gặp quá nhiều khó khăn trong việc trau dồi trí thông minh của mình? Cách anh đọc Thánh Kinh chứng tỏ cho thấy nỗ lực vượt bực của anh. Anh không hài lòng với việc diễn giải theo nghĩa đen, mà theo anh chỉ là “vỏ cây”, anh tìm nghĩa ẩn dụ của nó. Sau đó anh suy gẫm về văn bản “đi vào chiều sâu của nó để tìm ở đó thức ăn cho đức tin của mình.”
Do đó anh “đi đến cốt tủy của bản văn với một óc hiếu kỳ về tôn giáo mà không có gì có thể làm anh mệt mỏi hoặc giảm bớt, và từ đó anh có một đường lối mà anh giữ như báu vật”.
Anh đọc các bài của các Giáo phụ và ghi chú “các điểm phù hợp giữa hai bản tân-cựu ước” đặc biệt những gì trong bản đầu loan báo, tiên đoán hoặc biểu tượng cho bản sau. Các ghi chú này anh giữ cẩn thận để viết thành sách.
Nhưng anh không giới hạn mình trong các công việc trí tuệ. Anh luôn đúng giờ trong các buổi lễ và xem tiếng chuông như tiếng gọi của Chúa.
Từ ngòi bút đến vườn rau
Anh dùng thì giờ cho các công việc tay chân hoặc theo lệnh hoặc khi có dịp. Dù không giữ nhiệm vụ làm bếp, thỉnh thoảng anh vào nhà bếp để gọt rau quả hay rửa chén. Anh hăng say làm việc ở vườn rau cũng như khi anh học tập: “Anh vui vẻ ngừng bút để cầm cuốc.”
Nhìn ngắm Chúa trong bánh thánh…
Một ngày nọ đang khi dự thánh lễ. Anh nghe chuông reo lúc dâng mình thánh, anh buồn vì ở chỗ khuất nên không thấy bánh thánh lúc linh mục dâng lên. Anh thở dài buồn bã. Anh muốn được thấy bánh thánh! Nhưng anh vâng lời ở nguyên chỗ cũ. Khi đó anh sấp mình xuống đất, anh nói với Chúa anh rất buồn vì không thấy Chúa trong mình thánh, rồi anh ngẫng nhìn về phía bàn thờ, lúc đó anh ngạc nhiên thấy các bức tường nhà thờ như mở ra đúng lúc linh mục đang dâng Mình, Máu Thánh Chúa.
Đưa thần dữ đi chỗ khác
Thời gian rảnh rỗi anh thường đi thăm các bạn bị đau, giúp đỡ họ, hoặc đọc sách cho họ nghe, an ủi, cười đùa với họ… Một ngày nọ, anh đến thăm một người bạn bị kích động mạnh, nhưng anh bạn này không có triệu chứng bệnh lý nào, anh lấy khăn quàng thánh của mình để trên lưng bạn. Ngay lập tức anh bạn được bình yên.
Một vinh quang xứng đáng
Khi các bạn biết được việc này, họ nhớ lại câu chuyện chiếc áo của tiên tri Êlia chia dòng sông Giócđani ra làm đôi hay bóng của quần áo Thánh Phêrô đã chữa lành người bệnh. Người này người kia nhận xét về Fernand: anh là tấm gương sống động của một tu sĩ khiêm nhường thực hành câu châm ngôn của Thánh Jérôme: “Quan trọng không phải là sống nơi thánh, nhưng sống ở đó một cách thánh thiện.” Chúng ta có thể đọc trong các tài liệu để lại, “chắc chắn đó là người xứng đáng, uyên bác và sốt sắng […] một vinh quang xứng đáng đi theo ngài khắp nơi.”
Một vinh quang còn xứng đáng hơn “các tiến sĩ thông thái của tu viện […] đã lộ ra vì sự thiếu hiểu biết của họ trước tu sĩ trẻ đã có được ánh sáng diệu kỳ nhất; và những người sốt sắng nhất thấy mình bất toàn trước sự thánh thiện này”.
Không có gì ngạc nhiên khi bề trên của Fernand thấy anh đủ điều kiện để nhận chức thánh. Các nhà viết tiểu sử đầu tiên của Fernand không cho biết chính xác ngày anh chịu chức; nhưng tài liệu của dòng Thánh Âugutinô cho biết anh chịu chức năm 1219, bảy năm sau khi anh đến Coïmbre, lúc đó anh 24 tuổi.
Sau khi chịu chức, Fernand muốn dành thời gian để hiểu biết thêm về thần học. Nhưng anh được đề cử làm thầy giữ cửa cho nhà khách nên anh không có thì giờ để học. Quyết định của bề trên dựa trên các đức tính của anh:
– khả năng tiếp đón nồng hậu của anh, họ không sợ anh gặp bất trắc khi tiếp xúc với khách hành hương hay người đến thăm.
– thiện cảm tự nhiên, văn hóa vững chắc, ý thức tiếp xúc nhân đạo làm thuận lợi cho việc giao tiếp.
Trong số các khách đến thăm đan viện có các khách hành hương, linh mục hay tu sĩ quá giang ở qua đêm hay ở lại vài ngày. Cũng có người bệnh, người nghèo, người không có việc làm thỉnh thoảng đến xin áo quần hoặc thức ăn.
Khi việc từ thiện mang một hình ảnh
Cách đan viện Thánh giá giàu có này vài cây số, Thánh Phanxicô Assisi vừa mở một đan viện cho dòng của mình được vua Alphonse Đệ nhị và vợ là nữ hoàng Urraque tài trợ. Đan viện khiêm tốn này được xây gần nhà nguyện kính Thánh Antôn (sa mạc), bao quanh là rừng ô-liu nên còn được gọi là đan viện “Thánh Antôn Olivares”.
Theo chỉ dẫn của Thánh Phanxicô Assisi, người có biệt danh “Người nghèo Poverello”, tình yêu ngài dành cho người nghèo là mục đích của một nhóm nhỏ tu sĩ bằng lòng với cuộc sống khó nghèo, không có một lợi tức nào. Các tu sĩ sống nhờ quyên góp, bằng tiền hoặc hiện vật và họ thường đi thăm các gia đình, các giáo xứ, các tu viện…
Về công việc phụ trách nhà trọ, Fernand tiếp thầy phụ trách từ thiện của đan viện Thánh Antôn Olivares từ hai đến ba lần một tuần. Trong mỗi chuyến thăm, thầy cho Fernand của từ thiện mà Fernand đặc biệt để dành riêng. Qua các cuộc gặp gỡ, hai người đã kết mối dây bằng hữu với nhau…
Người anh em nhỏ bé với trái tim nhiệt thành vĩ đại
Thêm nữa, Fernand được xây dựng trên tình yêu của Chúa mà quả tim của anh thấm đậm một tình yêu lây lan. Lây lan như quả tim của vị thầy Assisi của anh, một tình yêu say sưa ngài ca tụng trong cuộc sống cũng như trong cái chết, từ sương sớm ban mai đến sương mù ban chiều; nơi động vật, nơi cây cối muôn hoa, nơi suối nguồn, nơi mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, ngày đêm, nơi dòng sông, trong đại dương, nơi núi non thung lũng… Thiên Chúa nhân lành này Thánh Phanxicô Assisi thấy ở mọi người, nhất là những người nghèo khổ nhất và ngay cả những người hèn hạ nhất. Ngài vào bệnh viện để rửa chân cho người bệnh không ai săn sóc; ngài vượt lệnh cấm để đến với người phong cùi, ngài chữa lành vết loét bằng cách hôn lên vết thương; ngài tước vũ khí những tên giết người bằng sức mạnh duy nhất là ánh nhìn như lửa của ngài…
Và nếu ngài có lòng thương xót với những người yếu đuối, những người nghèo thì ngài rất lo cho sự tuyệt vọng thiêng liêng của những người không có lòng tin. Tình yêu Chúa nhiệt thành này, ngài muốn chia sẻ với tất cả mọi người, ngài muốn đi khắp nơi để loan báo Tin Mừng… Và đặc biệt với người hồi giáo mà dấu vết ngày nay vẫn còn ở các vùng đất miền nam Tây Ban Nha vàBologna, với tất cả cố gắng để chinh phục lại đức tin.
Một tu sĩ nghèo nhưng nhiều công trạng
Dần dần qua các cuộc nói chuyện với thầy phụ trách từ thiện của đan viện Thánh Antôn Olivares, Fernand đã hiểu được tính cách triệt để của sự không bám dính của cải vật chất của vị tu sĩ này và nhà dòng của thầy, bằng sự quên mình, từ tình yêu cho Chúa Kitô mời gọi anh đi theo bước chân của Ngài, rao giảng Tin Mừng đến tận các nước hồi giáo dù phải hy sinh mạng sống.
Và thầy này sắp chết. Không phải vì tử đạo nhưng trên tấm nệm rơm bên cạnh anh em của mình. Lúc đó, Fernand sống trong trạng thái xuất thần, một con chim bồ câu trắng bay lên trời. Anh cho rằng đó là tâm hồn người bạn của mình vừa đến để khuyến khích anh rời bỏ đan viện giàu có để gia nhập làm con của Thánh Phanxicô Assisi.
Nhưng Fernand đã được cộng đoàn đón nhận và đào tạo. Anh đã khấn dòng Thánh Âugutinô, các hiểu biết và tài năng hùng biện của anh đã giúp anh rao giảng Lời Chúa đến những nơi bề trên gởi anh đi.
Marta An Nguyễn dịch