Cử hành ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55

Xin Chúa chúc lành cho tất cả những nỗ lực của các anh chị em đang tham gia vào các hoạt động truyền thông mục vụ, và xin cho tất cả mọi người biết sử dụng các phương tiện truyền thông cho những mục đích tốt đẹp, để đem lại nhiều lợi ích cho bản thân cũng như cho toàn xã hội.

Cử hành ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55
năm 2021 - tại Tổng Giáo phận Sài Gòn

Hàng năm, ngày Thế giới Truyền thông Xã hội được cử hành vào Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, vì khi về trời Chúa đã truyền cho các tông đồ thực hiện một công cuộc truyền thông quan trọng, là đi loan báo tin mừng cho muôn loài thụ tạo ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chủ đề cho Ngày Thế giới về Truyền thông Xã hội lần thứ 55 của năm 2021 do ĐTC Phanxicô chọn là: “Hãy đến và xem” (Ga 1,46). ĐTC mời gọi tất cả chúng ta hãy đi đến gặp gỡ mọi người như họ là và tại chính nơi họ đang sống, nhờ đó chúng ta có thể hiểu được thực trạng của họ, và nhờ đó những gì chúng ta kể lại về họ mới thật sự chính xác và đáng tin.

Tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn, ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội đã được cử hành vào sáng ngày thứ bảy 15 tháng 5 năm 2021. Ngoài các thành viên trong Ban Truyền thông của các Giáo xứ còn có quý khách mời và đại diện các Dòng tu về tham dự. Mặc dù số lượng hạn chế và phải tuân thủ những qui định giãn cách, khẩu trang... nhưng ai cũng hân hoan vui mừng gạp gỡ nhau. Sau khi long trọng cung nghinh và Lắng Nghe Lời Chúa, các tham dự viên đã cùng nhau nhìn lại những sinh hoạt Mục vụ truyền thông mà ban truyền thông của Tổng Giáo phận đã thực hiện được trong suốt 1 năm qua. Các sinh hoạt được giới thiệu rất sống động qua một video clip, trong đó có thêm nhiều chương trình mới trên các phương tiện truyền thông, các khóa học khác nhau về truyền thông, việc quan tâm chăm sóc mục vụ cho những người làm truyền thông… Nhìn chung các chương trình truyền thông của Tổng Giáo Phận đã được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng so với những năm trước.

Nối tiếp Sứ điệp truyền thông năm 2020 với chủ đề “Cuộc sống trở thành câu chuyện”, nhà báo Hoàng Mạnh Hà đã bắt đầu phần hội thảo trao đổi với việc trình bày Chuyên đề về Cuộc sống trở thành câu chuyện và Hãy đến mà xem: Làm phóng sự và Thực trạng Truyền thông hôm nay. Sau đó là phần trình bày của nhà báo Trần Nguyên tin về các vấn đề liên quan đến bản quyền. Với nhiều kinh nghiệm phong phú và những câu chuyện sống động, hai nhà báo đã dẫn dắt cử toạ đi vào những nội dung rất thiết thực. Tiếp đến là những trao đổi về hoạt động truyền thông của các Giáo xứ và Dòng tu trong Tổng Giáo phận. Nhiều tham dự viên đã đặt ra những câu hỏi khá gay cấn để áp dụng những gì đã học hỏi vào trong thực tế cuộc sống. Hai nhà báo đã giúp làm sáng tỏ cần làm cách nào để có thể sử dụng các sản phẩm truyền thông một cách đúng đắn trong tinh thần tôn trọng và biết ơn các tác giả đã thực hiện.

Ngoài ra người làm truyền thông cũng cần nối kết, hợp tác và phát huy những cách làm việc tập thể để tránh những sơ suất, và có thể ứng phó trước nhiều tình huống bất ngờ, vì hoạt động truyền thông luôn có rất nhiều thách đố. Một kinh nghiệm rất hay là khi không thể dàn trải vấn đề theo chiều rộng, chúng ta có thể xoáy vào chiều sâu để có thể trình bày một cách sáng tạo mới mẻ, mà không sợ bị chất vấn. Nhà truyền thông cũng cần nắm bắt tình hình, nguồn lực và chuyên môn, luôn nhạy bén với bối cảnh của từng nơi chốn để đưa ra các tiêu chí cho sứ mạng của mình, và cần nghiên cứu sáng tạo để biết chọn hướng đi riêng cho mình.

Sau giờ nghỉ giải lao các tham dự viên rất vui mừng vì được tiếp đón Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng đến chia sẻ với hội thảo. Ngài rất vui khi có dịp gặp các anh chị em lo công tác truyền thông của Tổng Giáo Phận. Ngài đùa rằng các cô ai cũng đều dễ thương cả, nhưng có mỗi “cô-vít” thật khó thương quá… Ngài dẫn dắt mọi người nhận ra truyền thông chính là mũi nhọn trong các sinh hoạt của Giáo hội. Truyền thông có nhiều khả năng lớn lao khi người ta biết liên kết với nhau cách tích cực. Nhưng điều quan trọng là mọi thông tin chia sẻ phải hướng về mục đích chính của truyền thông Công giáo, là kiến tạo sự hiệp thông với Chúa và với anh chị em. Từ mục tiêu đó, chúng ta cần biết cách sử dụng và phát huy những khả năng của truyền thông, vì nếu không nắm rõ mục tiêu thì truyền sẽ không thông, và sự hiệp thông sẽ bị rối loạn. Hoặc cũng có khi cần thông mà không có ai truyền cũng rất khó. Ngài phân tích cho các tham dự viên thấy hai điều:

Điều thứ nhất là TRUYỀN

Để có thể loan truyền, tất cả những người làm truyền thông cần tìm lại sự hứng khởi ban đầu khi Chúa mời gọi chúng ta đi rao truyền tin vui cho anh chị em mình. Chúng ta cần sử dụng những phương tiện và những khí cụ Chúa ban để rao truyền tin mừng mọi nơi mọi lúc, ngay cả trong những nghịch cảnh. Cần truyền đi những thông điệp tốt lành giúp mọi người hiểu biết các giá trị tin mừng và các quan điểm của Giáo hội. Điều đáng sợ là nhiều người chỉ thích loan truyền những “Hot News” bằng cách nói xấu người khác, họ không thích truyền đi những điều tốt vì nó không “hot”. Họ không có niềm vui thật nên phải đi tìm những điều không hay để truyền đi.

Nhưng khi có niềm vui thật chúng ta không thể nào giấu được, và sẽ muốn truyền đi cho người khác ngay. Vì thế là người truyền thông chúng ta cần xem lại, trong chúng ta có đầy tin mừng, đầy niềm vui, hy vọng, hạnh phúc và sự phấn khởi của tin mừng hay không? Chúng ta cần truyền đi điều tốt trong sự thật, vì mọi người đều có quyền biết sự thật. Nếu truyền đi sự gian dối, chúng ta đang vi phạm quyền biết sự thật của người khác. Môn đệ của Đức Kitô phải là những con người của sự thật, vì gian dối thuộc về ma quỷ. Chính vì thế, trước Giêsu mời chúng ta “Hãy đến mà xem”; khi đến xem phải biết nghe, biết nghĩ, biết nhìn để hiểu cho đúng. Cần xem xét và hiểu đúng sự thật chúng ta mới có thể tường thuật lại cách đúng đắn. Khi trình bày cũng chúng ta cần thuật lại nguyên vẹn không cắt xén sự thật, vì một nửa sự thật không còn là sự thật nữa. Thời nay tin lừa đảo rất nhiều, việc làm truyền thông đòi có sự phân định, xem xét và đưa tin cách nào để đem lại ích lợi cho người khác. Cần cẩn trọng vì có nhiều điều chính tai chúng ta nghe, nhưng sự thật lại khác, cần thẩm định xem nguồn tin đó có đáng tin không… Trên mạng người ta nói rất nhiều thứ nhưng không phải chuyện gì cũng tốt và cũng đúng sự thật.

Điều thứ hai là THÔNG.

Chúng ta cần truyền tải những gì để xây dựng sự hiệp thông và giúp người khác tốt hơn, trưởng thành hơn về tâm linh. Nếu chúng ta truyền đi những “hot news” và tạo nên những chia rẽ, chúng ta đang làm sai vai trò của mình. Vì thế cần thông truyền những giá trị tích cực cho cuộc sống. Về mặt luân lý, ở ngoài đời thực bình thường chúng ta không dám nói xấu nhau, còn khi lên mạng viết một bản tin xấu chúng ta thường không cảm thấy có vấn đề. Nhưng làm như thế là lỗi bác ái, vì trách nhiệm luân lý của chúng ta khi đi vào trang mạng cũng giống y như ngoài đời thật. Cần loại trừ những gì gây hận thù, ghen ghét, soi mói đời tư hoặc kích động những bản năng xấu của con người. Mọi người đều có quyền được tôn trọng thanh danh và uy tín của mình, những gì chúng ta được nghe trao đổi riêng tư chúng ta không có quyền đưa ra cho mọi người. 

Muốn xây dựng sự hiệp thông, những gì chúng ta loan truyền cần làm cho mọi người hiệp nhất, yêu thương và biết chia sẻ với nhau. Đừng vội xét đoán hoặc kết án người khác vì chúng ta dễ đeo kính đen khi nhìn người khác, hoặc hay vội vàng phê phán nhau. Việc phê phán sẽ dễ trở thành “hot”, nhất là khi phê phán các “Đấng bậc” hoặc giáo xứ, nhà dòng, bề trên... Chúng ta nhận định hay có nhiều thiếu sót, nhưng ai cũng cứ nghĩ là mình đúng và truyền đi. Vì thế khi làm truyền thông chúng ta cần cảnh giác, xem xét kỹ, nhận định rõ, cần đi đến tận nơi để xem xét. Và đừng bắt mọi người phải theo cách nghĩ, cách phê phán của mình, vì như thế là "truyền mà không thông".

Nhà truyền thông cần nhận định chín chắn, biết tôn trọng người khác. Hãy luôn biết đặt câu hỏi ngược lại để kiểm xem có đúng như vậy không. Vì mỗi nơi mỗi khác, chúng ta phải hết sức thận trọng. Đừng tạo ra thành kiến hoặc áp đặt lèo lái dư luận. Là người truyền thông phải khiêm tốn về cái biết của mình, như thế mới có thể kiến tạo hiệp thông. Chúng ta cũng cần sử dụng truyền thông để động viên giúp đỡ nhau, không truyền đi điều xấu nhưng biết chuyển tải điều tốt để khích lệ nhau. Nơi đâu có nhiều hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo đói, chúng ta có thể chia sẻ và mời gọi sự giúp đỡ. Truyền thông cần biết kết nối và động viên mọi người sống tốt đẹp hơn.

Để kết, Đức Tổng Giám Mục Giuse nói rằng truyền và thông là những gì đã được chia sẻ nhiều rồi, nhưng như Thánh Phaolô dạy, chúng ta cần “nói Sự Thật trong Đức Ái”. Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng đã trao mệnh lệnh truyền thông cho chúng ta giúp chúng ta thực hiện tốt đẹp sứ vụ của mình, Xin Chúa chúc lành cho công việc của anh chị em Ban Mục vụ truyền thông được kết sinh nhiều hoa trái… Sau phần chia sẻ, Đức Tổng Giám Mục Giuse cùng với cha Tổng thư ký Ủy ban Truyền thông xã hội chủ tọa nghi thức tuyên hứa của các anh chị em Tân thành viên Ủy ban Truyền thông xã hội - Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

Cảm tạ ơn Chúa vì buổi gặp gỡ và cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 55 của Tổng giáo phận đã kết thúc tốt đẹp. Các tham dự viên chia tay nhau rất vui vẻ, với cả món quà vật chất và quan trọng hơn là món quà tinh thần gồm những gì đã được lắng nghe nghe và cảm nhận. Nhờ “đi đến” tham dự, họ đã “xem thấy” tỏ tường để hiểu rõ hơn sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội và có được những hướng dẫn thực tế để sống sứ mạng của mình. Xin Chúa chúc lành cho tất cả những nỗ lực của các anh chị em đang tham gia vào các hoạt động truyền thông mục vụ, và xin cho tất cả mọi người biết sử dụng các phương tiện truyền thông cho những mục đích tốt đẹp, để đem lại nhiều lợi ích cho bản thân cũng như cho toàn xã hội. 

Ngọc Lan, fmm.

https://www.youtube.com/watch?v=v1qq4j364MU