Giới trẻ quên mất Nhà thờ
Bạn, tớ, tức là chúng ta, có một định kiến: Giới trẻ Phương Tây quê mất Nhà thờ. Câu chuyện về Giáo hội tại Châu Âu đang già đi là có thật. Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa của sự thật. Như câu nói kinh điển trong truyền thông: một nửa cái bánh mì là cái bánh mì và một nửa sự thật là sự giả dối. Và định kiến của chúng ta ở câu nói đầy khiếm khuyết kia đã sai rồi đó.
Tớ đã sống một tháng, bao gồm 3 tuần chuẩn bị đại hội, với các bạn trẻ chủ yếu đến từ Châu Âu như: Pháp, Đức, Ba Lan, Hungary… Đó là những buổi sáng dậy sớm, ăn sáng với baguettes trong tiếng nhạc cầu nguyện Taizé, giờ Kinh Phụng vụ sáng và phút suy niệm theo phương pháp Thánh I-nhã; Thánh lễ giữa ngày và giờ Chầu Thánh Thể chiều tối. Dĩ nhiên, xen kẽ đó là những giờ làm việc theo từng ban để chuẩn bị cho đại hội. Cuối mỗi tuần là giờ hồi tâm xin lỗi. Sau bài giảng của linh mục, mọi người có thể tìm đến nhau để nói đôi lời dịu nhẹ, cảm ơn vì không ít chuyện đã xảy ra trong một tuần làm việc cùng nhau. Những cái ôm ấm áp trao nhau luôn là một dấu chấm đẹp cuối tuần để tiếp sức cho những chuyến đi tiếp.
Giới trẻ Ki-tô hữu nồng nhiệt trong điệu nhảy, những cuộc gặp gỡ. Giới trẻ Ki-tô hữu lặng lẽ đi về mình trong giờ Chầu, giờ đi đường Thánh giá, Thánh lễ, nơi Bí tích Thanh Tẩy. Giới trẻ Ki-tô hữu sống tri thức trong những giờ hội thảo lớn nhỏ về giới tính, về chính trị, về môi trường, về phục vụ người nghèo dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Giới trẻ Ki-tô hữu hăng say ra đi và sống hình ảnh của Giê-su trên đường, trên trường, nơi làm việc. Và đó là “Nhà thờ” của giới trẻ, là nơi mà Giới trẻ Ki-tô hữu hiện diện.
Chúng ta là số một hay một số?
Không ít lần, tớ nghe mọi người nói rằng Giáo hội tại Việt Nam triển nở và sức sống không ngừng, không như ở đây, kia. Xét ở góc cạnh nào đó, chúng ta tìm thấy niềm vui trong Giáo hội đầy trẻ trung của quê hương. Nhưng, nếu áp đặt lên những miền đất khác để so sánh hơn thua thì chẳng lẽ bàn tay ta lại chê đôi chân không biết cầm bút. Chúng ta quên bẵng Giáo hội là một thân thể, chỉ một và chỉ một. Khi cảm thức về một thân thể của Đức Ki-tô thì chúng ta vui với niềm vui của Giáo hội địa phương khác và “đau” những nỗi đau có trong họ.
Trong đại hội, 2.000 bạn trẻ chúng tớ đến từ nhiều nhánh trong Ki-tô giáo như Chính thống giáo, Anh Giáo, Tin lành,… và có khoảng 20 quốc tịch khác nhau. Quả thật là “Welcome to paradise”.
Chúng tớ đã sống, thở cùng một nhịp trong Đức Ki-tô như vậy. Và chỉ đến khi, ngồi một nhóm nói chuyện với gần chục quốc gia khác nhau, tớ mới thầm tạ ơn sự liên kết tuyệt hảo của Thiên Chúa. Những màu sắc khác nhau không làm phân tách nhưng khiến cho vườn hoa trở nên đẹp đẽ hơn.
Giáo hội khiêm nhường
Trong đêm thứ Tư của đại hội, chúng tớ có giờ sám hối. Cạnh tu viện cổ Hautcombe, bên kia hồ và những chỏm đồi của vùng núi Alpes tại Pháp, trong ánh trăng lẫn ánh nến, một đại hội “kiếm tình thương” diễn ra sống động. Đó không còn gọi là giờ “xưng tội” nữa những là giờ đến với Chúa để nhận lấy tình thương. Hành động quỳ gối, ngồi với linh mục như một cầu nối tình thương với Thiên Chúa. “Đó có thể là quãng thời gian đã lâu lắm rồi, hoặc chưa từng một lần trong đời sau Bí tích Rửa tội” – một nữ tu cộng đoàn chia sẻ với chúng tớ.
Trong đêm lang thang chụp ảnh, tớ bị “đụng chạm bởi” hình ảnh Giám mục người Pháp tại Algeri, Gioan Phao-lô Vesco. Sau giờ ngồi “làm hòa” cùng các bạn trẻ, ngài cũng chịu bí tích Hoà giải với vị linh mục trong cộng đoàn. Hình ảnh vị giám mục quỳ gối, lãnh nhận ơn giao hoà thực sự ‘chạm’ vào mình. Đó là hình ảnh của một Giáo hội khiêm nhường, một Giáo hội luôn cần tình thương và chữa lãnh của Thiên Chúa. Và chỉ trong khiêm nhường, chúng ta mới không tranh cãi xem Công giáo hơn hay Tin lành hơn; Giáo hội ở Châu Âu sâu sắc về trí thức tôn giáo hơn Châu Á;… Chỉ khi cúi mình xuống, chúng ta mới thấy sự bé mọn của mình và sự lớn lao của Thiên Chúa.
Sau đại hội với gần 2.000 bạn trẻ tham dự là 2.000 sứ mệnh khác nhau. Một sức nóng của Chúa Thánh Thần thực sự thổi vào nơi nhiệt huyết của người trẻ. Và tin tớ đi, chúng mình – những người trẻ sẽ ra đi để học, để làm, để sống, để phục vụ với một tiếng gọi chung: Nơi đâu cũng là nhà thờ của thiên đàng.
Và, chúng ta sẽ sống những tháng ngày thanh xuân như vậy cùng Đức Ki-tô!
An Duyên - Tình nguyện viên Vatican News