Cha Tonino sinh năm 1939, có niềm hăng say và đam mê trong hoạt động tông đồ. Cha chia sẻ hoạt động truyền giáo của cha trong những năm tháng đầu tiên ở châu Phi như sau: Năm 1966 cha đến vùng đất này và vào năm 2006 cha tham gia vào hoạt động truyền thông. Sở dĩ cha say mê tham gia hoạt động này vì theo cha hoạt động truyền thông có một tầm ảnh hưởng rất lớn trong cánh đồng truyền giáo.
Ở giáo phận Arua, nơi nhà truyền giáo đã hiện diện trong nhiều thập niên, chỉ trong hơn hai năm, có một triệu hai trăm ngàn người tị nạn đến từ Nam Sudan. Sự xâm lược hòa bình này, ở nơi chỉ có hơn một triệu 660 nghìn dân cư đã tạo ra sự thiếu cân bằng. Nhưng người dân địa phương đã đón tiếp những người nước ngoài này một cách cởi mở bởi vì họ nhận thức rằng ai cũng có thể trở thành người tị nạn và cần được đón tiếp từ những người khác. Những người tị nạn và những người Bắc Uganda nói cùng một ngôn ngữ và các thổ ngữ. Các đường biên giới được vẽ ở châu Âu, trên bản đồ không tính đến dân số ở đây. Thực tế này cổ võ sự hòa nhập tự nhiên, tuy nhiên những con số vẫn là một vấn đề.
Mục đích của Đài phát thanh Pacis là thúc đẩy công ích, hạnh phúc cộng đồng. Đây chính là một phương tiện giáo dục cho người nghe. Các chủ đề bao gồm sức khỏe, quyền phụ nữ, bạo lực gia đình, nông nghiệp, phát triển, trường học, cuộc sống gia đình và các chương trình dành cho trẻ em. Cha Tonino nói: “Đài phát thanh Pacis, với ba kênh, là một phương tiện có tầm ảnh hưởng để chia sẻ, thông tin, truyền đạt ý tưởng”.
Để có tính thực tế cho sứ mạng, mỗi tuần cha cùng với các cộng tác viên đi đến những ngôi làng của những người tị nạn. Theo cha, đây là những nơi mà cha và các cộng tác viên không muốn gọi là trại tị nạn nữa, nhưng được gọi là những khu định cư. Bởi vì cha muốn cho mọi người suy nghĩ rằng họ đã được ổn định, có một cuộc sống thoải mái, không phải là người phải bị lệ thuộc, phải thay đổi quan điểm, thay đổi cách suy nghĩ.
Vị linh mục nói thêm: “Chúng tôi cùng nhau đi bộ khoảng 120-150 km trên những con đường mòn, gồ ghề để gặp những người nghèo. Chúng tôi nói chuyện với các nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế khác nhau để họ có thể giúp đỡ người nghèo. Chúng tôi lắng nghe người dân. Chúng tôi muốn là tiếng nói của những người không có tiếng nói, để cho mọi người biết được tình hình đang xảy ra cho người Uganda, những gì đang xảy ra ở biên giới Nam Sudan. Chúng tôi muốn nghe tiếng nói của tất cả: những người đau khổ và những người được kêu gọi để giúp đỡ và hỗ trợ những người đã mất tất cả mọi thứ".
Đài phát thanh Pacis phát năm ngôn ngữ khác nhau. Có hơn 60 nhà báo làm việc cho đài. Đài Pacis được nhiều người đón nhận bởi vì đây là phương tiện truyền thông phổ biến nhất. Không có điện, nhưng các máy thu bán dẫn bằng pin có ở khắp mọi nơi, hầu hết mọi người đều có nó. Đó là lý do tại sao cha và các cộng tác viên có thể để đưa ra những tư tưởng, ý kiến có ảnh hưởng đến xã hội. Tất cả nhờ vào tính chuyên nghiệp mà cha và đồng nghiệp có thể đưa vào lĩnh vực này, một việc làm tốt nhất trong cả nước .
Nhà truyền giáo nói thêm: "Chúng tôi đã đạt được một giá trị về mặt chính trị như vậy ở Uganda. Và mặc dù đem lại lợi ích cho người dân nhưng Ủy ban Truyền thông, do sự thúc đẩy của chính quyền trung ương, thường đe dọa đóng các tần số phát sóng của chúng tôi; nhưng chúng tôi không nản lòng hay chùn bước. Chúng tôi cố gắng mỗi ngày làm cho đài phát triển tốt hơn; cụ thể chúng tôi đào tạo các phóng viên địa phương hai lần một năm với các khóa học đặc biệt, trang bị điện thoại thông minh cho các phóng viên".
Tuy bận rộn với công việc truyền thông nhưng cha Tonino, một linh mục nhà báo chắc chắn không quên vai trò thi hành mục vụ của mình. Cha kết thúc bài nói chuyện với nụ cười: "Tôi xin Đức cha cho tôi hoạt động mục vụ tại một giáo xứ không có linh mục. Ngài đã giao phó cho tôi một giáo xứ với 28 nhà nguyện và khoảng 50 nghìn cư dân. Từ lễ Phục sinh cho đến đầu tháng 7, tôi đã cử hành bí tích Rửa tội cho 292 người".
Châu Phi tiếp tục là một vùng đất bao bao trong việc loan báo Tin Mừng, như công việc của cha Pasolini khẳng định. (Sir 14/04/2018)
Ngọc Yến - Vatican