Ngày quốc tế tự do báo chí
Mùng 3 tháng 5 vừa qua là Ngày quốc tế tự do báo chí. Ngày này đã do Liên Hiệp Quốc thành lập hồi năm 1993 theo lời yêu cầu của tổ chức UNESCO trong hội nghị khoáng đại nhằm thăng tiến sự độc lập và đa nguyên báo chí Phi châu triệu tập tại Windhoek bên Namibia trong các ngày từ 29 tháng 4 tới mùng 3 tháng 5 năm 1991.
Hội nghị đã soạn thảo và công bố Tuyên Ngôn Windhoek khẳng định các nguyên tắc bảo vệ quyền tự do báo chí, sự đa nguyên và độc lập của các phương tiện truyền thông xã hội như các yếu tố nền tảng giúp bảo vệ nền dân chủ và việc tôn trọng các quyền con người. Mục đích của Ngày quốc tế tự do báo chí là thông tin cho mọi công dân thế giới biết các vi phạm tự do ngôn luận xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Đây là quyền đã được minh xác trong số 19 của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc và trong số 21 của Hiến Pháp Italia.
Tuyên ngôn Windhoek quy chiếu khoản 19 của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền thiết định rằng: “Mọi cá nhân đều có quyền tự do diễn tả, quyền đó bao gồm sự tự do ngôn luận không bị can thiệp, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến các tin tức và ý tưởng qua mọi phương tiện”. Trong khi số 21 của Hiến Pháp Italia khẳng định rằng “Tất cả mọi người đều có quyền bày tỏ tư tưởng riêng bằng lời nói, bài viết và mọi phương tiện phổ biến khác. Báo chí không thể bị đặt để dưới các quyền bính hay bị kiểm duyệt”.
Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều chính quyền trên thế giới hằng ngày vẫn chà đạp các quyền căn bản này với chính sách kiểm duyệt, cắt xén, trừng phạt, cấm xuất bản báo chí, cấm phổ biến các tin tức và sự thật liên quan tới chính quyền và thực tại cuộc sống của người dân. Các nhà báo, phóng viên, nhiếp ảnh gia và các nhà in ấn hằng ngày bị đe dọa, bị tấn công, bị bắt giữ, bỏ tù và có khi bị sát hại trong khi thi hành nghề nghiệp của mình.
Đây là những điều xảy ra hằng ngày tại các nước nằm dưới ách thống trị của các chính quyền cộng sản độc tài như Trung Quốc, Băc Hàn, Cuba và Việt Nam. Tại các nước này mọi phương tiện truyền thông đều nằm trong tay nhà nước, và giới báo chí phải viết theo các chỉ thị và đường lối của đảng. Nghĩa là họ chỉ là bồi bút phục vụ chế độ độc tài khát máu. Vì thế cho dù có tới 800 tờ báo như tại Việt Nam chẳng hạn, người đọc cũng không bao giờ biết được sự thật, vì trong các chế độ cộng sản độc tài thì “dối trá là quốc sách”; và nhà nước còn bắt viết lại lịch sử quốc gia theo quan điểm xã hội chủ nghĩa, bóp méo và nhồi nhét mọi sự vào khuôn ống một chiều dối trá, điêu ngoa và chủ trương ngu dân. Biết bao nhiêu nhà báo hay các blogger đã bị bắt, bị bỏ tù và hành hạ hết năm này sang năm khác chỉ vì họ dám nói lên sự thật, dám viết là loan tin tức trung thực, phê bình các sái trái và cung cách cai trị tội phạm tồi bại vô luân của chính quyền, không ca tụng chế độ và rập theo khuôn mẫu gian dối ác độc, trơ trẽn của nhà nước.
** Thảm cảnh này của giới truyền thông cũng xảy ra tại nhiều nước khác có chế độ cai trị độc tài chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Recep Tayyib Erdogan đã bắt bỏ tù hàng trăm nhà báo và phóng viên sau vụ đảo chánh hụt ngày 15 tháng 7 năm 2016, và hiện nay quyền tự do báo chí tại Thổ Nhĩ Kỳ bị hạn chế rất nhiều. Tại nhiều nước bên Phi châu, Á châu, châu Mỹ Latinh và các nước A rập quyền tự do báo chí ít nhiều cũng bị hạn chế và giới truyền thông cũng bị khủng bố. Theo thống kê của tổ chức “Nhà tự do - Freedom House” số các quốc gia không có tự do báo hiện nay là 40, đa số bên Á châu và Phi châu. Tuy nhiên so sánh với năm 1985 cho tới nay đã giảm được 20%.
Bản tường trình cuối cùng của tổ chức UNESCO nhân Ngày quốc tế tự do báo chí đã báo động tình trạng giới báo chí bị tấn công đó đây trên toàn thế giới. Trong 5 năm, từ 2012 tới 2016, đã có 530 nhà báo bị giết, tính trung bình mỗi tuần hai người. Và chỉ có một trên mười trường hợp được xét xử. Sự kiện các tội phạm này không bị trừng phạt đã trở thành điều lệ.
Ông Getachew Engida, phó giám đốc tổ chức UNESCO cho biết trong 10 năm qua đã có 800 nhà báo bị sát hại, nhưng 9 phần 10 các vụ tội phạm này đã không bị trừng phạt. Nhưng chúng ta tất cả đều xác tín rằng “không có dân chủ thực sự nếu không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Và không có phát triển, nếu không có dân chủ. Số lần ngăn chặn vào hệ thống liên mạng Internet đã gia tăng từ 18% trong năm 2015 lên tới 56% trong năm 2016. Các vụ ngăn chặn và tuyển lọc cũng gia tăng rất nhiều.
Tuy nhiên, mặc dù bị ngăn chặn cản trở, số người tìm vào mạng từ 34% trong năm 2012 đã tăng lên 48% trong năm 2017. Một trong những lý do khiến cho các chính quyền ngày càng kiểm soát các phương tiện truyền thông nhiều hơn là vì chúng được dùng để xúi giục thù hận hay có các nội dung khuyến khích bạo lực quá khích, cũng như đưa ra các lập trường chính trị hợp pháp.
Theo dữ liệu của tổ chức thống kê Âu châu EUROSTAT trong năm 2017 tại Âu châu có khoảng 1 triệu người hoạt động truyền thông, gồm các nhà văn, nhà báo hay chuyên viên ngữ học, trong đó có 400.000 là nhà báo. So với cách đây 5 năm số nhà báo tại Âu châu gia tăng 38.000 người, tức gia tăng 10%. Vẫn theo tổ chức này tại Âu châu có 1,2 triệu người làm việc trong các lãnh vực in ấn nhật báo, tuần san và nguyệt san, trong khi có khoảng 1, 4 triệu là các nhân viên làm việc trong lãnh vực thông tin tức, soạn thảo các dữ kiện, cai quản các địa chỉ trên mạng, hay làm việc trong các hãng thông tin báo chí.
** Các nước có nhiều nhà báo nhất là Estonia và Thụy Điển chiếm 0,5% tổng số các nhà báo Âu châu, đứng trước các nước Hòa Lan, Phần Lan và Đức mỗi nước chiếm hơn 0,3%. Hai nước Slolvachia và Ba Lan mỗi nước chiếm 0,1%. Tiếp đến là Italia, Tchèque, Bỉ, Pháp, Hungaria và Luxembourg mỗi nước đưới 0,2%.
Tổ chức Phóng viên vô biên giới cho biết từ đầu năm tới nay đã có ít nhất 29 nhà báo hay nhân viên truyền thông bị giết, cộng thêm 9 nhà báo và phóng viên bị thiệt mạng trong vụ khủng bố mới đây tại Afghanistan. Về tự do báo chí Afghanistan đứng hàng thứ 118 trên danh sách 180 nước. Trong một thông cáo tổ chức các Phóng viên vô biên giới ghi nhận các nỗ lực của chính quyền Afghanistan che chở các nhà báo, và khích lệ các giới hữu trách tiếp tục cải tiến an ninh và việc thông tin tức. Ngoài ra tổ chức cũng cho biết đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc chỉ định một đặc phái viên có nhiệm vụ che chở các nhà báo.
Trong năm 2017 đã có 65 nhà báo bị giết, ít hơn so với 79 người bị giết năm 2016. Trong số các phóng viên bị sát hại năm 2017 có 50 người chuyên nghiệp, 7 blogger và 8 cộng sự viên. Năm ngoái Siria là nước nguy hiểm nhất với 12 nhà báo bị giết, đứng trên Mehico với 11 người, Afghanistan 9 người, Iraq 8 người và Philippiness 4 người bị giết.
Năm nay Ngày quốc tế tự do báo chí được cử hành tại Helsinki với sự tham dự của các hiệp hội báo chí đến từ khắp nơi trên thế giới, các hãng thông tin quốc tế, đại diện của tổ chức UNESCO và các tổ chức quốc gia. Trong ngày này mỗi năm Giải UNESCO Guillermo Cano về tự do báo chí đều được trao cho một nhà báo để vinh danh các cá nhân, tổ chức đã góp phần vào việc bảo vệ và thăng tiến tự do báo chí, đặc biệt những người làm việc trong các hoàn cảnh nguy hiểm. Giải thưởng mang tên nhà báo Guillermo Cano Isaza người Colombia bị ám sát năm 1986 trước trụ sở nhật báo El Espectador nơi ông làm việc. Hồi năm 2016 giải thưởng đã được trao cho nhà báo Khadija Ismayilova của đài phát thánh Âu châu tự do Azerbaigian.
Trong một sứ điệp video ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, khẳng định rằng: “Tự do báo chí là nòng cốt đối với hòa bình, công bằng và các quyền của tất cả mọi người. Nó là điều nền tảng giúp xây dựng các xã hội trong sáng và dân chủ, và làm sao để những người lãnh đạo được coi là có trách nhiệm. Nhưng không chỉ có thế. Tự do báo chí là điều sinh tử đối với sự phát triển có thể thực hiện được. Các nhà báo và các nhân viên truyền thông chiếu sáng trên các thách đố toàn cầu và địa phương, và tường thuật các câu chuyện phải được kể lại.
Việc phục vụ công chúng của họ là điều vô giá. Vì thế các luật bảo vệ báo chí độc lập, sự tự do phát biểu và quyền thông tin phải được thông qua, thực thi và tôn trọng. Các tội phạm chống lại các nhà báo phải bị truy tố”. Trong Ngày quốc tế tự do báo chí năm 2018 này ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi “củng cố tự do báo chí và che chở các nhà báo. Vì thăng tiến một nền báo chí tự do có nghĩa là tranh đấu cho quyền được biết sự thật”.
** Nhân ngày này tổng thống Italia Sergio Mattarella đã gửi cho ông Alessandro Galimberti, chủ tịch Hiệp hội các nhà báo Italia, một sứ điệp, trong đó tổng thống khẳng định rằng: “Các nhà báo góp phần rất lớn cho nền dân chủ. Chính vì thế cần nâng đỡ công việc làm của họ, bởi vì qua việc thông tin tự do và đúng đắn họ bảo vệ cuộc sống xã hội và sự tự do cá nhân và gia đình của chúng ta khỏi sự tấn kích. Cần bảo vệ tiếng nói của họ khước từ mọi áp bức. Quyền tự to thông tin như Hiến Pháp của chúng ta chứng thực, là nền tảng của dân chủ.”
Đây cũng là ngày tưởng niệm lần thứ XI các nhà báo Italia bị các tổ chức tội phạm mafia sát hại. Tổng thống Mattarella cũng bày tỏ các tâm tình gần gũi và liên đới vói các thân nhân, bạn bè, bạn đời và các đồng nghiệp đã trông thấy cuộc sống của người thân của họ bị bẻ gẫy. “Việc kiếm tìm sự thật, bền chí, can đảm với trực giác bén nhạy, trí thông minh, nghiêm xác đã đồng hành với những người có ý thức dùng nghề nghiệp của mình để phục vụ sự lớn mạnh của xã hội. Chính nhờ những người nam nữ này và công việc của họ mà nơi đâu trước kia có sự bao che phổ biến, thì giờ đây có các dấu chỉ sự hiện diện của các hiệp hội chống tội phạm mafia. Nơi đâu trước kia có sự thinh lặng do sợ hãi áp đặt hay có sự đồng lõa, thì giờ đây có các tiếng nói, mạnh mẽ và can đảm của người trẻ chúng ta. Nơi đâu có thờ ơ hay cam chịu, giờ đây người ta dậy tôn trọng luật lệ. Một mùa bạo lực mới chống lại báo chí tại Italia, ở Âu châu, trên thế giới xem ra lại ló mặt. Cả ngày nay nữa các tấn kích và đe dọa công việc của các nhà báo không cúi mình trước luận lý của các lợi nhuận và quyền bính bất hợp pháp và của nạn tội phạm, và như thế họ góp phần đáng kể cho nền dân chủ”.
Bà Maria Elisabetta Alberti Casellati, chủ tịch Thượng Viện Iatalia, thì tuyên bố: “Tự do báo chí là một nguyên tắc xây nền cho mọi thể chế dân chủ. Không thể có dân chủ mà không có tự do báo chí. Trong Ngày quốc tế tự do báo chí này tôi muốn tưởng niệm các nhân viên truyền thông tại biết bao nơi trên thế giới này đã mất mạng sống, và tôi muốn bầy tỏ sự gần gũi của tôi với những người bị đe dọa cả tại Italia này, vì hoạt động nghề nghiệp của họ. Tôi đặc biệt cám ơn các nhà báo quốc hội giữ nhiệm vụ nòng cốt để loại trừ mọi ngăn cách giữa các công dân và các cơ quan chính quyền”.
Dân biểu Roberto Fico thì tuyên bố: “Hôm nay chúng ta không thể quên những chuyện thê thảm đã xảy ra trong thời gian qua chống lại các nhà báo như chị Daphne Caruana Galizia người Malta, nhà báo Jan Kuriak và bạn gái đính hôn Martina Kusnirova bị giết vì đang can đảm điều tra các tội phạm. Vì thế mỗi ngày xã hội chúng ta phải đặt vấn đề bảo vệ tự do báo chí, đặc biệt cho những nhà báo không được bênh đỡ nhất. Khi bảo vệ những người yếu đuối nhất, là chúng ta bảo vệ toàn xã hội. Điều này có giá trị đối với báo chí cũng như đối với các lãnh vực quan trọng khác của đất nước chúng ta”.
Linh Tiến Khải
(RadioVaticana 08.05.2018)