Bài Giáo Lý Thứ Sáu về Chữa Lành Thế giới của Đức Phanxicô

Toàn văn bài giáo lý về chữa lành thế giới của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư, ngày 09/09/2020 tại sân Damaso thuộc dinh Tông tòa Vatican.

Bài 6. Tình yêu và thiện ích chung

Anh chị em thân mến!

Cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua do đại dịch làm ảnh hưởng đến tất cả mọi người; chúng ta có thể vươn lên từ đó để trở nên tốt hơn nếu tất cả mọi người cùng tìm kiếm thiện ích chung; nếu không chúng ta sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thật không may, chúng ta thấy lợi ích của các đảng phái đang nổi lên. Ví dụ, có người muốn chiếm đoạt các giải pháp khả thi cho mình, như trong trường hợp vắc-xin và bán nó cho những người khác. Một số đang lợi dụng tình hình này để xúi giục chia rẽ: tìm lợi thế về kinh tế hay chính trị bằng cách tạo ra hoặc gia tăng các xung đột. Những người khác đơn giản là không cần quan tâm đến đau khổ của đồng loại, họ tránh sang một bên và đi theo lối riêng của họ (LC 10, 30-32). Họ là những người trung thành của Phongxiô Philatô, họ rửa tay mình. 

Phản ứng của người tín hữu đối với đại dịch và với hậu quả của khủng hoảng xã hội – kinh tế dựa trên tình yêu, đặc biệt là tình yêu đối với Thiên Chúa luôn luôn đi trước chúng ta (1Ga 4,19). Ngài yêu chúng ta trước hết. Ngài luôn đi trước chúng ta trong tình yêu và trong các giải pháp. Ngài yêu chúng ta vô điều kiện, và khi chúng ta đón nhận tình yêu thiêng liêng này, chúng ta có thể đáp trả bằng cách tương tự. Không phải tôi chỉ yêu người yêu tôi: gia đình, bạn bè, nhóm bạn, nhưng yêu cả những người không yêu tôi; tôi cũng yêu những người tôi không quen biết, những người ngoại kiều; tôi cũng yêu những người khiến tôi đau khổ hay xem như kẻ thù (x. Mt 5,44). Đây là sự khôn ngoan Kitô giáo, đây là thái độ của Chúa Giêsu. Và chúng ta hay nói đỉnh cao của sự thánh thiện đó là yêu thương kẻ thù, thật không dễ tí nào. Tất nhiên, để yêu thương tất cả mọi người, bao gồm cả kẻ thù là điều rất khó – tôi muốn nói rằng đó là một nghệ thuật. Tuy nhiên nghệ thuật đó có thể học tập và cải thiện. Tình yêu chân thật khiến chúng ta đơm hoa kết trái và tự do luôn mở rộng; tình yêu đích thực không chỉ mở rộng mà nó còn bao gồm tất cả. Tình yêu này quan tâm, chữa lành và làm điều tốt. Đôi khi cử chỉ vuốt ve còn tốt hơn cãi vã nhiều lần, vuốt ve để tha thứ và không có quá nhiều cãi vã để bảo vệ chính mình. Tình yêu đó bao gồm việc chữa lành. 

Vì vậy, tình yêu không bị giới hạn trong mối tương quan giữa hai hay ba người, hay giữa bạn bè, gia đình, nhưng nó còn vượt xa hơn thế nữa. Nó bao gồm các mối tương quan dân sự và chính trị (x GLCG 1907-1912), bao gồm cả mối tương quan với tự nhiên (x. Laudato Sì, 231). Bởi vì chúng ta là những sinh vật mang tính xã hội và chính trị, một trong những biểu hiện cao nhất của tình yêu chính là xã hội và chính trị, là điều quyết định cho sự phát triển con người và để đối mặt với bất kỳ khủng hoảng nào (Sđd 231). Chúng ta biết rằng tình yêu làm cho gia đình và bạn bè thêm phong phú; thật tuyệt vời khi nhớ rằng tình yêu cũng làm thăng hoa các mối tương quan xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, nó cho phép chúng ta xây dựng “nền văn minh tình thương”, như thánh Phaolô VI [1] đã nói, và đến lượt mình, Thánh Gioan Phaolô II cũng nói điều đó. Nếu không có nguồn cảm hứng này, nền văn hóa ích kỷ, thờ ơ, gạt bỏ sẽ thắng thế, nghĩa là người ta gạt bỏ những gì tôi không yêu thích, những gì tôi không thể yêu hay những thứ mà đối với tôi là vô dụng trong xã hội. Hôm nay ở lối vào có cặp vợ chồng nói với tôi: “Xin cha cầu nguyện cho chúng con bởi vì chúng con có đứa con bị tật. Tôi hỏi họ : “Nó bao nhiêu tuổi rồi? – Nhiều tuổi rồi - Và hai người đã làm như thế nào? – Chúng con ở bên nó và giúp đỡ nó”.  Cả một đời của cha mẹ dành cho đứa con tật nguyền. Đó là tình yêu. Và các kẻ thù, các chính trị gia đối nghịch, theo quan điểm của chúng ta, luôn là những kẻ tật nguyền về chính trị và xã hội. Chỉ có Thiên Chúa biết thực sự họ có hay không. Nhưng chúng ta phải yêu thương họ, phải đối thoại, phải xây dựng nền văn minh tình thương, văn minh chính trị, xã hội, xây dựng sự hiệp nhất trong toàn thể nhân loại. Tất cả những điều này đối nghịch với chiến tranh, chia rẽ, đố kỵ, thậm chí cả những cuộc chiến tranh nơi gia đình. Tình yêu bao trùm xã hội, gia đình, chính trị: tình yêu bao trùm mọi thứ!

Virus corona cho chúng ta thấy rằng lợi ích thực sự đối với mọi người là lợi ích chung chứ không chỉ là cá nhân và ngược lại, công ích là lợi ích thực sự dành cho con người (x.GLCG 1905-1906). Nếu một người chỉ tìm kiếm lợi ích của mình, người đó thật ích kỷ. Thay vào đó, con người là con người hơn, khi điều tốt của mình mở ra cho mọi người, chia sẻ nó cho mọi người. Ngoài lợi ích cá nhân, sức khỏe cũng là một lợi ích chung. Một xã hội lành mạnh là một xã hội quan tâm đến sức khỏe của mọi người.

Một thứ virus không biết đến rào cản, biên giới hay những khác biệt về văn hóa và chính trị phải đối mặt với một tình yêu không rào cản, biên giới hay phân biệt. Tình yêu này có thể sản sinh ra cấu trúc xã hội vốn khích lệ chúng ta chia sẻ hơn là cạnh tranh, cho phép chúng ta hợp nhất những người dễ bị tổn thương nhất và không loại trừ họ, chúng giúp chúng ta diễn tả đúng đắn bản chất loài người chúng ta chứ không phải là thứ tồi tệ nhất. Tình yêu chân thực không biết đến nền văn hóa loại bỏ, không biết nó là gì. Thật vậy, khi nào chúng ta yêu thương và tạo ra sự sáng tạo, tạo ra niềm tin và tình liên đới, thì lúc đó các sáng kiến cụ thể vì lợi ích chung sẽ xuất hiện [2]. Và điều này có giá trị ở cả cấp độ cộng đồng nhỏ - lớn, và cả cấp độ quốc tế. Điều chúng ta thực hiện trong gia đình, nơi các khu phố, làng mạc, trong các thành phố lớn và quốc tế đều giống nhau: đó là hạt giống phát triển và sinh hoa kết trái. Nếu trong gia đình, trong khu phố, bạn bắt đầu với sự đố kỵ tranh giành, thì kết cục sẽ xảy ra chiến tranh. Thay vào đó, nếu bạn bắt đầu bằng tình yêu, chia sẻ tình yêu, tha thứ, thì bạn sẽ có tình yêu và sự tha thứ cho tất cả mọi người. 

Trái lại, nếu các giải pháp đối với đại dịch mang dấu ấn của ích kỷ, dù nó là của con người, doanh nghiệp hay quốc gia, có lẽ chúng ta có thể thoát khỏi khủng hoảng virus, nhưng chắc chắc không phải thoát khỏi khủng hoảng nhân loại và xã hội mà virus đã  dấy lên và đưa ra ánh sáng. Cho nên anh chị em hãy chú ý đừng xây nhà trên cát (x. Mt 7, 21-27)! Để xây dựng một xã hội lành mạnh, hòa nhập, công bằng và hòa bình, chúng ta phải thực hiện nó trên nền tảng của lợi ích chung. [3] Thiện ích chung là một tảng đá. Và đây là nhiệm vụ của tất cả chúng ta chứ không chỉ dành cho một số chuyên gia. Thánh Tôma Aquinô nói rằng việc cổ võ công ích là bổn phận của công lý đối với mọi công dân. Mọi công dân đều có trách nhiệm vì lợi ích chung. Và đối với người Kitô hữu thì đó cũng là một sứ mệnh. Như Thánh Inhaxiô thành Loyola dạy, hướng những nỗ lực hàng ngày của chúng ta đến công ích là một cách để tiếp nhận và truyền bá vinh quang của Thiên Chúa.

Đáng tiếc, chính trị thường không đem lại danh tiếng tốt, và chúng ta biết tại sao. Điều này không có nghĩa là tất cả các chính trị gia đều xấu, không, tôi không có ý đó. Tôi chỉ nói rằng không may là chính trị thường không đem lại danh tiếng tốt. Nhưng chúng ta không được cam chịu trước cái nhìn tiêu cực này, mà hãy phản ứng bằng cách chứng minh rằng mọi việc đều có thể, hay đúng hơn là cần phải có một chính sách tốt [4], đó là đặt con người và thiện ích chung ở trung tâm. Nếu bạn đọc lịch sử nhân loại, bạn sẽ thấy nhiều chính trị gia thánh thiện đã đi theo con đường này. Có thể ở mức độ mà mọi công dân và đặc biệt, những người đảm nhận các bổn phận, vị trí xã hội và chính trị, hành động của họ có thể bắt nguồn từ các nguyên tắc đạo đức và làm cho nó hoạt động bằng tình yêu chính trị và xã hội. Các Kitô hữu, đặc biệt là các giáo dân, được mời gọi làm chứng tốt cho điều này và có thể làm được điều này nhờ đức ái, nuôi dưỡng chiều kích xã hội nội tại của nó.

Do đó, đã đến lúc chúng ta phải gia tăng tình yêu xã hội - tôi muốn nhấn mạnh điều này: tình yêu xã hội của chúng ta – với sự đóng góp của tất cả mọi người, bắt đầu từ sự nhỏ bé của chúng ta. Công ích đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người. Nếu tất cả mọi người đều nỗ lực hết mình và nếu không một ai bị bỏ rơi, chúng ta sẽ có thể tái tạo các mối quan hệ tốt đẹp ở cấp cộng đồng, quốc gia, quốc tế và cũng hài hòa với môi trường (xem LS , 236). Vì vậy, trong các cử chỉ của chúng ta, ngay cả những cử chỉ khiêm tốn nhất, một cái gì đó của hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta mang trong mình sẽ trở nên hiển hiện, bởi vì Thiên Chúa là Ba Ngôi, Thiên Chúa là tình yêu. Đây là định nghĩa đẹp nhất về Chúa trong Kinh thánh. Tông đồ Gioan người rất yêu mến Chúa Giêsu, đã cho chúng ta biết điều đó: Thiên Chúa là tình yêu. Với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể hàn gắn thế giới bằng cách cùng nhau làm việc vì lợi ích chung , không chỉ vì lợi ích của bản thân mà vì lợi ích chung của tất cả mọi người.

----------------
[1] Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 10, ngày 1 tháng 1 năm 1977 : AAS 68 (1976), 709.
[2] Xem Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp. Sollicitudo rei socialis , 38.
[3] Sđd . , 10.
[4] Xem thêm Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới 1 tháng 1 năm 2019 (8 tháng 12 năm 2018).
 
 
 
 
 
 
 
 

 G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ