Hãy Coi Chừng Sự Giả Hình; Hành Động Thì Hơn Lời Nói

Trong buổi tiếp kiến chung hàng ngàn tín hữu, hôm thứ Tư, ngày 21/08/2019, tại Đại Thính đường Phaolo VI, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục suy tư về cộng đoàn Kitô hữu được sinh ra trong ơn Chúa Thánh Thần như thế nào và được tăng trưởng qua việc chia sẻ cuộc sống giữa những người môn đệ của Chúa.

Tiếp tục bài giáo lý về Sách Tông đồ Công vụ, Đức Thánh Cha chia sẻ với các tín hữu về sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu như yếu tố quan trọng làm nên gia đình của Thiên Chúa, và Đức Thánh Cha khẳng định tình huynh đệ đó được nuôi dưỡng qua việc lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô.

Hiệp thông và hiệp nhất

Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhấn mạnh có một “động lực hiệp nhất hình thành nên Giáo hội, như là gia đình của Chúa, chính là cảm nghiệm về sự hiệp thông (koinonia)”. Đức Thánh Cha nói: “trong Giáo hội, “sự hiệp thông này, cộng đoàn này ám chỉ trước hết đến sự thông hiệp trong Mình và Máu Chúa Kitô. Do vậy khi chúng ta rước lễ là chúng ta thông dự, đi vào sự hiệp thông với Chúa Giêsu, rồi sự hiệp thông này dẫn chúng ta đến thông hiệp với anh chị em chúng ta”.

Hành động và lời nói

Cũng trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha khẳng định: để biết được chúng ta là Kitô hữu tốt, thì đúng thật là chúng ta phải cầu nguyện, nỗ lực sống hiệp nhất, hòa giải nhưng dấu chỉ chứng tỏ tâm hồn chúng ta được biến đổi thật sự, đó là khi chúng ta rộng lòng sẻ chia với người khác, nhất là những người yếu kém nhất. Đức Thánh Cha nói: “một khi trái tim người ta được biến đổi thật sự thì hành động của người ấy diễn tả nhiều điều, hơn chỉ là nói suông.

Nhắc nhớ về lịch sử Giáo hội, Đức Thánh Cha khẳng định luôn có những Kitô hữu từ bỏ của cải vật chất để chia sẻ với những ai có nhu cầu. Đức Thánh Cha đưa ra ví dụ, khi nói rằng: “ở Italia này, chẳng hạn, người ta thấy có bao nhiêu là tình nguyện viên! Điều này thật đẹp khi biết chia sẻ thời giờ với người khác, đồng thời giúp đỡ những người khó khăn, thiếu thốn. Từ đây, Đức Thánh Cha lưu ý rằng trong Kinh Thánh có một trường hợp cụ thể của sự hiệp thông và chia sẻ của cải, từ lời chứng của ông Barnabas: “Giuse, người đã được các Tông đồ đặt tên cho là Barnaba - nghĩa là Con của sự an ủi -- một Lêvi, người gốc Kyprô, có một thửa ruộng, ông đã bán đi và đem bạc đặt dưới chân các tông đồ. Có người kia tên là Anania cùng với vợ là Saphira bán một thửa đất, 2 đã khấu trừ giấu đi một phần giá cả, có vợ đồng tình, rồi đem một phần nào đó đặt dưới chân các tông đồ” (Cv 4,36-37).

Kẻ thù của sự giả hình

Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý khi nói rằng: “Giả hình là kẻ thù tồi tệ nhất của cộng đoàn Kitô hữu”. Thật vậy, khi không có khả năng chia sẻ và yêu thương chân thành cũng đồng nghĩa với việc nuôi dưỡng sự giả hình, xa rời sự thật, trở nên ích kỷ, dập tắt ngọn lửa hiệp thông và rồi sẽ dẫn đến cái chết lạnh lẽo bên trong tâm hồn. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng những ai cư xử như thế thì tựa như người ta đi qua Giáo hội như một khách du lịch.

Kết thúc bài giáo lý, Đức Thánh Cha khẳng định: “Một cuộc sống chỉ lo trục lợi và lợi dụng hoàn cảnh để gây hại cho người khác thì chỉ có nhận lấy cái chết bên trong tâm hồn mình. Có bao nhiêu người nói rằng mình gần gũi với Giáo hội, bạn hữu với các linh mục, giám mục, trong khi họ chỉ tìm kiếm lợi ích riêng mình. Đây là những kẻ giả hình chỉ phá hủy Giáo hội".

Đức Thánh Cha kết thúc buổi tiếp kiến chung bằng Kinh Lạy Cha và phép lành ngài ban cho mọi người tham dự.

Duy An