Lectio divina - Cầu nguyện bằng Kinh Thánh

Lectio divina - Cầu nguyện bằng Kinh Thánh

Lm FX Vũ Phan Long, OFM

Điểm đến của lectio divina chính là công việc phúc âm hóa. Ta chỉ đạt được hoa trái của lectio divina khi chịu mở lòng ra và để cho người khác cũng được giải khát nơi cùng một Lời, một Lời cuối cùng đã biến đổi trái tim chúng ta.

1.- Giới thiệu tổng quát

Một cám dỗ xảy ra hằng ngày, đó là chúng ta bị chia trí (lo ra). Để đương đầu với cám dỗ này, các bậc thầy thiêng liêng khuyên dùng lectio divina[1][1], đọc Kinh Thánh trong tư thế cầu nguyện, vì đây là một phương pháp đọc Kinh Thánh trong thái độ mở ra với Chúa Thánh Thần, để Kinh Thánh trở thành Lời Thiên Chúa. Chính vì thế, từ thời xa xưa, các đan sĩ đã coi lectio divina là một kho báu thiêng liêng lớn lao, và những người nam người nữ của mọi thời đã coi lectio divina là cẩm nang đơn giản và phong phú giúp cầu nguyện.  

2.- Một con đường với năm chặng

Lectio divina là một hoạt động có năm thì, một con đường với bốn chặng chính và một hệ luận: đọc (lectio), suy gẫm (meditatio), cầu nguyện (oratio), chiêm niệm (contemplatio) và hành động (actio). Đan sĩ Guigues le Chartreux (tk XII) viết: “Việc đọc đưa thức ăn lên miệng, việc suy gẫm nhai và nghiền nát thức ăn, việc cầu nguyện giúp thưởng thức hương vị thức ăn và việc chiêm niệm là chính hương vị ấy đang làm cho ta hoan hỉ và được tại tạo” (L’échelle des moines, I). Còn hành động là vận dụng năng lực được lương thực cung cấp để phục vụ, xây dựng.
Đây không phải là một hành trình với các chặng cứng ngắc máy móc. Rất thường xảy ra là việc suy gẫm trở thành cầu nguyện và việc chiêm niệm mà chính chúng ta không ngờ: trong thực hành, không hề có ranh giới rõ rệt và một diễn tiến về thời gian tuyệt đối giữa các yếu tố trên. Đây không phải là một “kỹ thuật” cho bằng là một “nghệ thuật”! Có tác giả ví không sai lectio divina là như động tác hít vào (với hai việc đọc và suy gẫm hiểu Lời) và động tác thở ra (với hai việc cầu nguyện và chiêm niệm: đáp lại), nhờ đó con người được tăng sức mà hành động.

* Nơi và lúc thích hợp

Trước khi bắt đầu, cần có một nơi cô tịch và thinh lặng, vì ta muốn gặp vị Thiên Chúa “hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6). Để nghe được Lời, phải cố gắng làm im lặng những lời và những tiếng động đang làm cho lòng ta bị ù đi: đó là tách khỏi vô số những “sự hiện diện” vẫn tấn công ta hằng ngày. Có thể đặt trước mặt một ảnh tượng, một cây nến cháy, dùng một chiếc chiếu để quỳ. Nói chung, thân xác phải được vận dụng vào việc gặp gỡ Thiên Chúa.

Nên thực hành lectio divina vào một thời điểm cố định mỗi ngày; điều này còn quan trọng hơn cả thời lượng. Nghe hăng hái mà không kiên trì thì không kết quả. Phải chiến đấu, để giữ Lời lại và không để Lời bị chết nghẹt bởi gai góc là các ước muốn trần tục (x. Mc 4,13-20). Dần dà lectio divina sẽ giúp cho Lời Thiên Chúa nắm quyền tối thượng trên cuộc đời ta.

* Cầu khẩn Chúa Thánh Thần
Khi đã ở trong khung cảnh và thời gian thích hợp, hãy cầm lấy Kinh Thánh và đặt trước mặt. Ta chuẩn bị lectio divina bằng một thời gian thinh lặng, để làm im tiếng mọi tiếng động trong lòng, và để cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.  

(1) Lectio - Đọc/Lắng nghe điều bản văn muốn nói

Quyển Kinh Thánh đang ở trước mặt: đây chính là sách chứa Lời Thiên Chúa. Xuyên qua Lời ta sẽ đọc, Thiên Chúa sắp trực tiếp nói với ta. Đừng chọn bản văn tùy hứng: hãy lấy đoạn văn đã được sách Bài đọc tiên liệu cho phụng vụ của ngày, hoặc đọc một quyển Kinh Thánh ngày qua ngày, đoạn này sang đoạn kia, không nhảy chỗ này sang chỗ khác theo ý thích. Ta phải vâng phục bản văn. Đọc chầm chậm, không vội vã, làm sao cho nội dung được khắc ghi vào trong tim. Nếu cần, đọc lại 4-5 lần, để thật sự nghe Lời bằng cả con tim, bằng trọn trí tuệ, bằng cả con người.


Nếu gặp bài tường thuật quen thuộc, rất có thể ta sẽ đọc phớt qua, chứ không thật sự dừng lại với bản văn. Khi đó có thể chép lại bản văn hoặc nhẩm lại trong trí. Làm như vậy, ta sẽ phải nỗ lực tập trung, nhờ đó làm bật ra những phương diện không ngờ của bản văn. Nếu đọc được bản văn trong nguyên ngữ thì rất tốt; nhưng một bản dịch tốt hay nhiều bản dịch đối chiếu với nhau cũng có thể cung cấp cho ta một bản văn nền vững chắc.


Do thời đại chúng ta quen đọc nhanh, để tích lũy tối đa các thông tin trong một thời gian tối thiểu, ta phải học đọc lại. Cũng khi đó, ta biết chính bản thân mình.


Nên đọc to tiếng, để nghe được bản văn. Nghe tiếng phát xuất từ bản văn Kinh Thánh đã là cầu nguyện, đã là đón tiếp nơi mình Lời Thiên Chúa và đón tiếp sự hiện diện của Đấng đang lên tiếng.

(2) Meditatio - Suy niệm/Hấp thụ điều mà Lời đang nói với ta hôm nay

“Nhai đi nhai lại” các tư tưởng trong tim và áp dụng sứ điệp vào chính mình, vào hoàn cảnh, vào các mối bận tâm của mình. Đây không phải là phân tích tâm lý chiều sâu, mà là để cho chính Lời Chúa làm ta ngạc nhiên, thu hút ta. Chính Thiên Chúa đang nói với ta mà ! Suy gẫm không hề là việc nội quan hay một động tác tự phân tích về tâm lý, mà là một việc đào sâu ý nghĩa của bản văn đã đọc. Có thể dùng một quyển đối chiếu, một từ điển Kinh Thánh, một quyển chú giải của các Giáo Phụ. Dĩ nhiên đây không phải là học Kinh Thánh, mà lấp đầy khoảng cách giữa bản văn và ta, nhờ thế tránh khỏi chủ quan khi gán cho bản văn những ý nghĩa nó không muốn nói. Nhưng cũng đừng lo lắng quá: bên kia những khác biệt bề ngoài, Kinh Thánh nói một ngôn ngữ con người, đơn giản và hoàn toàn là một ngôn ngữ loài người. Bản văn Kinh Thánh sẽ làm cho ta ngày càng nên “người” hơn, như vị đã soạn ra bản văn ấy... Người nào từ chối tập tành, thì đã chọn con đường làm nghèo mình đi, làm cho chính mình hoặc cộng đoàn sa sút. Đây là vấn đề vâng phục Lời Chúa, chứ không phải là lèo lái Lời Chúa. Hãy để cho các khả năng trí tuệ của ta quy phục ý muốn của Thiên Chúa, sứ điệp của Người.


Đừng quên rằng Kinh Thánh là quyển sách có một không hai và hãy giải thích Kinh Thánh bằng Kinh Thánh : tìm những chỗ quy chiếu hoặc những âm vang mà đoạn văn ta đang suy gẫm gợi tới trong Kinh Thánh. Luôn luôn tìm Đức Kitô chết và sống lại, là trung tâm của mỗi trang và của toàn bộ Kinh Thánh. Trong suy gẫm, cố gắng tìm ra “mũi nhọn” của bản văn, sứ điệp trung tâm. Khi đó bắt đầu có đối thoại giữa con người và bản văn, sự tương tác giữa đời sống của người đọc và sứ điệp của bản văn.

(3) Oratio - Cầu nguyện với vị Thiên Chúa đã nói với bạn

Đến chặng này, hãy cố gắng thưa chuyện với Thiên Chúa, đáp lại các tiếng gọi, các soi sáng, các gợi ý đến từ bản văn. Hãy cầu nguyện thẳng thắn, tin tưởng, không sợ hãi, nhưng cũng đừng buông theo cám dỗ nói lải nhải những chuyện thiêng liêng. Đây là thời khắc để ca ngợi, tri ân, chuyển cầu. Hãy rời mắt khỏi chính mình và cố gắng đặt bàn chân vào vết chân của Đức Giêsu: hãy bước theo Người ! Giữ cho các khả năng sáng tạo, tính nhạy cảm, và cả khả năng cảm xúc, được thong dong: hãy vận dụng các khả năng ấy mà phục vụ Lời Chúa, trong một thái độ vâng phục yêu thương.


Chuyển động đối thoại giữa bản văn và bản thân ta trở thành một trao đổi trong cầu nguyện trong đó ta thưa chuyện trực tiếp với Thiên Chúa. Hãy tiếp tục ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần và với Lời đã nghe. Chính Lời này hun đúc lời cầu nguyện của ta bằng cách hướng ta về việc chuyển cầu, tạ ơn, cầu khẩn...


Cũng có khi ta diễn tả lời cầu nguyện ra đơn giản bằng một sự thinh lặng thờ phượng, hoặc tâm tình thống hối ăn năn. Nhưng đôi khi lectio divina cũng ở trong tình trạng khô khan: bản văn kháng cự lại cố gắng tìm hiểu của ta, Lời vẫn im lặng, và lời cầu nguyện của ta không trào dâng lên thêm được. Trong mọi tương quan trung thực, đều có những khoảnh khắc này. Cứ phải kiên trì, đứng vững, tận hiến trong thinh lặng.

(4) Contemplatio - Chiêm ngưỡng Thiên Chúa

Đến cuối giờ cầu nguyện hằng ngày bằng lectio divina, hãy cố gắng giữ trong tim sứ điệp đã nhận, như một người yêu không quên những lời người yêu đã nói với mình! Hãy ghi nhớ một vài lời tiêu biểu, một câu của bản văn, để lặp lại dọc theo ngày sống.


Xin nhớ rằng “chiêm niệm/chiêm ngưỡng” không phải là có những thị kiến lạ lùng về các thiên thần, nhưng là nhìn thế giới, mỗi người và mọi vật, với chính cặp mắt của Thiên Chúa, với cái nhìn yêu thương luôn ban lại sự sống cho mỗi thọ tạo. Sự chiêm niệm, “bậc” cuối cùng của cái thang lý tưởng là lectio divina, sẽ cho bạn cảm nhận là bạn được Thiên Chúa viếng thăm và sẽ cho bạn được biết “niềm vui khôn tả” (1 Pr 1,8) do có Thiên Chúa cư ngụ trong lòng. Đến lúc này, không còn có thể suy nghĩ và suy gẫm về Lời theo kiểu lý luận nữa, nhưng là thông dự vào ngọn lửa hiệp thông và tình yêu của Người, bên kia những lời lẽ và cả sự thinh lặng nữa...

(5) Actio - Đưa ra thực hành/Đi loan báo

Chúa sẽ ban cho bạn một tinh thần biết ơn và trắc ẩn, biện phân và nhân ái, kiên nhẫn và bình an. Khi đó, bạn lại có thể trở lại với các sinh hoạt, với công việc thường ngày, trong khi tìm cách sống giống với chính cuộc sống của Đức Giêsu. Không có điều gì bạn sẽ làm sau đó mà lại xa lạ với tương quan tình yêu đang nối kết bạn với Đức Chúa của bạn.


Nếu bạn dần dà sống được như thế, cầu nguyện sẽ không còn là một khoảnh khắc đoạn tuyệt, khó mà chinh phục và luôn luôn bị chia trí bởi muôn ngàn bận tâm trong ngày, nhưng chính đời sống của bạn sẽ hoàn toàn được tưới đẫm bằng việc cầu nguyện bằng Lời. Kể từ nay, kinh nguyện sẽ hoàn toàn được tháp nhập vào đời sống bạn và Lời đã nghiền ngẫm sẽ linh hoạt các lời nói và hành động của bạn.
Kết luận tự nhiên của lectio divina sẽ là: đưa Lời ra thực hành và làm chứng cho Chúa. Trong Kinh Thánh, một từ ngữ duy nhất, shemá, có nghĩa là nghe, vâng phục, đưa ra thực hành. Nghe không chỉ là đạt được một thông tin về Thiên Chúa, nhưng là gắn bó với một Lời đưa cách sống của chúng ta đến những dấn thân. Nếu nghe là cách trả lời tự nhiên của con người với một vì Thiên Chúa đang nói, vâng phục trong đức tin (x. Rm 1,5; 10,14-17) là mục tiêu của mọi việc lắng nghe.

           
Vậy việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện không chỉ là một trường dạy về cầu nguyện, mà còn là một trường dạy sống. “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai nghe và thi hành Lời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Sự hiệp thông của chúng ta với Chúa, được diễn tả ra bằng các từ ngữ nhân loại được Tin Mừng sử dụng – mẹ, anh em, chị em –, tùy thuộc vào sự sống chúng ta dành cho Lời trong đời sống chúng ta (x. Mt 12,48-50).

           
Ai đón tiếp Lời trong đức tin và sự vâng phục và để cho Lời hành động, thì trải nghiệm một sức mạnh biến đổi bởi vì người ấy có Chúa Kitô cư ngụ, như thánh Tông đồ đã nói: “Chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vâng phục Lời soi chiếu bất cứ sự vâng phục nào khác. Lời được đón tiếp với một trái tim tinh trong thì không bao giờ vô hiệu, bởi vì như vị ngôn sứ đã nói: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,10-11).     
Điểm đến của lectio divina chính là công việc phúc âm hóa. Ta chỉ đạt được hoa trái của lectio divina khi chịu mở lòng ra và để cho người khác cũng được giải khát nơi cùng một Lời, một Lời cuối cùng đã biến đổi trái tim chúng ta. Đức Bênêđitô XVI đã khẳng định: “Anh chị em hãy nuôi dưỡng ngày sống của anh chị em bằng cầu nguyện, suy niệm và nghe Lời Chúa. Là những người đã quen với việc thực hành lectio divina, anh chị em cũng hãy giúp các tín hữu đánh giá cao phương pháp này trong cuộc sống thường nhật của họ. Và anh chị em nên biết cách diễn ra thành chứng từ những gì Lời đã chỉ cho anh chị em, bằng cách để cho anh chị em được Lời ấy nắn đúc như hạt giống được đón nhận vào trong một mảnh đất tốt sẽ cung cấp hoa trái dồi dào. Như thế anh chị em phải ngoan ngoãn với Thần Khí và anh chị em sẽ lớn lên trong sự hợp nhất với Thiên Chúa, anh chị em phải trau dồi sự hiệp thông huynh đệ giữa anh chị em với nhau và anh chị em phải sẵn sàng phục vụ anh em mình với lòng quảng đại, nhất là những người đang sống trong quẫn bách”
[2][2].

 

                                                                        Lm FX Vũ Phan Long, OFM



[1][1] Xem Đức Gioan-Phaolô II, Novo millennio ineunte, số 39; Đức Bênêđitô XVI, Verbum Domini, số 87; Lm José R. Carballo, OFM, Tổng phục Vụ Dòng AEHM, Thư gửi cho Gia đình Phan sinh dịp Lễ Hiện Xuống 2008.

[2][2] Đức Bênêđictô XVI, Diễn từ cho Ngày Đời sống thánh hiến 2008.