LECTIO DIVINA - TRƯỜNG HỌC CẦU NGUYỆN

LECTIO DIVINA

TRƯỜNG HỌC CẦU NGUYỆN

Fr. M. Bảo Tịnh Ocist chuyển dịch

KINH THÁNH, TRƯỜNG HỌC CỦA CUỘC SỐNG

Ơn gọi của thánh Antôn, như thánh Athanase đã thuật lại cho chúng ta trong sách Vita Antoni (Cuộc đời của Antôn), chúng ta đã biết. Một ngày kia chàng trai Antôn, được lớn lên và giáo dục trong một gia đình kitô hữu thuộc Giáo Hội Alexandrie, và như thế đã được nghe đọc Kinh Thánh ngay từ thiếu thời, chàng vào nhà thờ và đặc biệt ấn tượng về câu Kinh Thánh mà chàng nghe đọc: đó là trình thuật về ơn gọi của người thanh niên giầu có: “Nếu anh muốn nên trọn lành, hay đi, bán tất cả những gì anh có rồi phân phát cho kẻ nghèo, và đến đây theo tôi, anh sẽ có được một kho tàng trên trời (Mt 19,21; Vit.Ant. 2)

Chắc chắn là trước đó Antôn đã nhiều lần nghe đoạn Kinh Thánh này; nhưng ngày hôm đó sứ điệp đã như sét đánh, và Antôn đã đón nhận như tiếng gọi dành cho cá nhân mình. Chàng liền thực hiện, bán tư sản của gia đình – khá quan trọng – phân phát tiền bán được cho kẻ nghèo trong làng, chỉ giữ lại một phần đủ để lo cho cô em gái mà chàng có trách nhiên săn sóc.

Sau đó ít lâu, lại vào nhà thờ lần nữa, chàng lại nghe được một đoạn Phúc Âm khác cũng đánh động chàng không kém đoạn hôm trước: “Các con đừng lo lắng gì cho ngày mai” (Mt 6,34; Vit. Ant. 3). Chàng cũng đã nhận như một sứ điệp được gửi cho chính chàng. Chàng liền dẫn cô em gái đến ủy thác cho một cộng đoàn các trinh nữ (những cộng đoàn này đã có từ lâu trước), buông bỏ tất cả những gì còn lại và bắt đầu sống cuộc sống khổ hạnh gần làng, đi theo xin các vị khổ tu trong vùng hướng dẫn mình.

Câu chuyện này nói lên tầm quan trọng và ý nghĩa của Kinh Thánh đối với các đan phụ rừng vắng thuở xưa. Kinh Thánh trước hết là trường học của cuộc sống. Cũng vì là trường học của cuộc sống, nên Kinh Thánh cũng đồng thời là trường học của cầu nguyện đối với những người, nam cũng như nữ, có ước nguyện biến cuộc sống của mình thành một đời kinh nguyện liên lỉ, như Kinh Thánh khuyên dục họ.

Các đan phụ rừng vắng đã muốn sống trung thành với tất cả những giới luật của Kinh Thánh. Và, trong Kinh Thánh, giới luật cụ thể duy nhất mà các ngài tìm gặp được về việc năng cầu nguyện đó không phải là cầu nguyện vào một số giờ nào đó, nhưng là phải cầu nguyện không ngừng.

Thánh Athanase đã viết cề Antôn: “Antôn tự làm việc, vì đã nghe: Ai không làm việc, thì đừng ăn” (2 Th 3,10). Đàng khác làm được đồng nào, Antôn mua đủ bánh, còn lại thì phân phát cho những người túng thiếu. Antôn cầu nguyện liên lỉ, vì đã được biết rằng phải cầu nguyện không ngừng. Antôn rất chăm chú trong việc đọc và không để sót bất kỳ điều gì trong Kinh Thánh và ghi nhớ thuộc lòng thay cho sách vở” (Vit. Ant. 3).

Chúng ta nên lưu ý đến đoạn văn trên đây của Thánh Athanase, rằng cầu nguyện liên lỉ ngay cả trong bất cứ những hoạt động nào khác, nhất là lao động..

Cassien trong Conférences (thứ 9 và thứ 10) đã viết: “Tất cả mục đích của đan sĩ và sự hoàn hảo của con tim hệ tại ở việc kiên trì cầu nguyện không ngừng nghỉ”. Và ngài cắt nghĩa tất cả những gì khác trong đời đan tu: khổ chế và thực hành các nhân đức chẳng có ý nghĩa gì nếu không dẫn tới mục đích này.

LECTIO DIVINA LÀ GÌ?

 

A- KHÁI NIỆM NGUYÊN THỦY

Từ latinh lectio, theo nghĩa nguyên thủy có nghĩa là một bài học, một bài dạy. Tiếp đến có thể hiểu đó là một bản văn, toàn bộ bản văn của bài học này. Do đấy người ta đã có thể nói đến bài dạy (hay bài học của Kinh Thánh (lectiones) được dùng đọc trong phụng vụ. Cuối cùng người ta mới hiểu lectio theo nghĩa bài đọc, hoặc việc đọc.

Chính ý nghĩa cuối cùng này được người ta dùng hôm nay để hiểu lectio divina. Ngày nay, lectio divina là một việc thiêng liêng nhất định. Tuy nhiên người ta cũng vẫn lưu ý chúng ta rằng lectio divina, hiểu cho đúng nghĩa thì hoàn toàn khác với bất cứ hình thức “đọc sách thiêng liêng” nào khác (chúng ta sẽ bàn tới ở phần sau). Dù sao đi nữa hiểu như thế, lectio divina của hôm nay hoàn toàn khác lạ đối với lectio divina của thời các đan phụ tu rừng.

Nếu lục tìm đọc các tác phẩm la tinh nguyên thủy, mỗi khi gặp từ lectio divina người ta sẽ rõ ràng nhận ra rằng trong các tác phẩm của các tác giả la tinh, trước thời Trung Cổ, từ này được dùng để nói về Kinh Thánh chứ không nói về một hành động nào (đọc hay suy nghĩ) của con người về Kinh Thánh. Lectio divina cũng đồng nghĩa với từ sacra pagina (trang sách thánh). Chính vì thế người ta thường nói lectio divina dạy chúng ta điều này điều nọ; rằng chúng ta phải chăm chú đọc lectio divina, rằng Thầy Chí Thánh, trong lectio divina, nhắc chúng ta những đòi hỏi này, đòi hỏi nọ, v.v...

Ví dụ:   Cyprien: “Sit in manibus divina lectio”  (Cần có Kinh Thánh trên tay) -  (De zelo et livore, cap.16)

              Ambroise: “ut divinae lectionis exemplo utamur” (Để chúng ta dùng theo mẫu Kinh Thánh) - (De bono mortis, cap 1, par.2)

              Augustin: “aliter invenerit in lectione divina”  (Tìm thấy một  cách khác trong Kinh Thánh) -  (Enarr. in psalmos, ps 36, serm.3,par.1)

Đó là ý nghĩa duy nhất của Lectio divina vào thời các đan phụ rừng vắng.

Nhưng tại sao lại nói đến việc đọc?

Thực ra nói đến “đọc” Kinh Thánh thời các đan phụ rừng vắng sẽ không tránh khỏi lúng túng. Đọc theo nghĩa người ta hiểu ngày nay, thì quả là rất hiếm vào thời xa xưa ấy. Ví dụ các đan sĩ của đan phụ Pacômiô, đại đa số đều xuất thân từ dân ngoại, khi mới đến đan viện việc đầu tiên là phải học đọc chữ nếu chưa biết đọc để có thể học Kinh Thánh. Một câu trong Tu Luật cho biết là không được phép để cho một người nào không thuộc lòng, ít nữa là Tân Ước và các Thánh Vịnh. Một khi đã thuộc rồi, các đoạn văn này sẽ trở thành đối tượng để suy niệm (meditatio), để nghiền ngẫm (ruminatio) liên lỉ suốt ngày và nhiều giờ ban đêm, ở nơi riêng hoặc nơi chung. Việc “nghiền ngẫm” Kinh Thánh này không được hiểu như một việc đọc kinh, nhưng như một tiếp cận bền bỉ với Chúa qua Lời của Ngài. Một sự chú tâm bền bỉ như thế tất nhiên trở thành một việc cầu nguyện bền bỉ.

Câu chuyện sau đây cho thấy tầm quan trọng có tính cách tương đối cũa việc đọc liên quan đến tầm quan trọng tuyệt đối của Kinh Thánh:

“Vào một ngày giá lạnh, đan phụ Sérapion gặp một người nghèo ở Alexandrie hoàn toàn trần trụi. Ngài tự nhủ: ‘Đó là Chúa Kitô, và tôi sẽ là tên sát nhân nếu Người chết trước khi tôi tìm cách giúp Người’. Sérapion liền cởi hết áo của mình và cho người nghèo đó, rồi ở trần đi trong phố, tay chỉ cầm Tân Ước... Có người quen đi qua gặp, hỏi ngài: Đan phụ Sérapion ơi, ai đã lột mất áo của ngài thế?’ Sérapion chỉ vào Tin Mừng đang cầm trên tay, trả lời: Đây là Đấng đã lột mất áo xống của tôi’. Sau đó Sérapion tiếp tục đi đến một nơi khác và gặp một người đang bị người ta lôi vào tù vì anh ta đã không thể trả được món nợ. Động lòng thương, Sérapion liền trao tập Tin Mừng cho anh này để đi bán lấy tiền trả nợ. Chiều đến Sérapion run lập cập trở về tu phòng của mình, môn đệ của ngài gặp liền hỏi: áo của cha đâu mất rồi. Ngài trả lời là đã gửi áo đến nơi cần chiếc áo đó hơn là thân mình của ngài. Với câu hỏi thứ hai của môn đệ: ‘Còn Tin Mừng của cha đâu’?  Ngài trả lời: ‘cha đã bán cái đã luôn nhắc cha không ngừng: các con hãy bán của cải của các con, và hãy phân phát cho người nghèo (Lc 12,33); cha đã cho nó cho người nghèo, để có được niềm hy vọng lớn hơn trong ngày phán xét (Pat. Arm. 13,8,R: III,189).

Chúng ta nhớ lại câu chuyện của thánh Antôn, là kitô hữu, đã rời bỏ “thế gian” đi vào đời sống khổ chế là do lectio divina, hay sacra pagina, được công bố trong cộng đoàn tín hữu khi cử hành phụng vụ.

Còn Pacômiô thì xuất thân từ một gia đình ngoại giáo ở miền Thượng Ai Cập, cũng đã được hoán cải nhờ Kinh Thánh, nhưng là một Kinh Thánh được giải thích, được nhập thể trong đời sống cụ thể của một cộng đoàn kitô hữu đã sống Phúc Âm, đó là cộng đoàn ở Latopolis. Chắc chúng ta biết câu chuyện của ngài: Chàng thanh niên Pacômiô bị gọi nhập ngũ trong quân đội Rôma và bị đưa xuống tầu chung với các người bị gọi nhập ngũ khác để sang Alexandrie. Một buổi chiều nọ, tầu ngừng ở Latopolis các tân binh bị bắt tống ngục; lúc đó các kitô hữu ở đấy đã tiếp tế cuả ăn thức uống cho họ. Đó là lần đầu tiên Pacômiô gặp kitô giáo.

Đối với thánh Antôn, đại diện cho tu trào ẩn tu, cũng như đối với Pacômiô, đại diện cho tu trào viện tu, Kinh Thánh trước hết là Luật của đời sống. Kinh Thánh chính là Luật duy nhất của đan sĩ. Cả Antôn lẫn Pacômiô đều đã không viết tu luật, như trong truyền thống đan tu sau các ngài, cho dù đã có một số những khoản luật thực tiễn của Pacômiô và của các vị kế tiếp ngài đã được thu tập dưới tên gọi “Tu Luật Pacômiô”.

Kinh thánh là Luật duy nhất của đan sĩ

Thánh Antôn nói với một nhóm người muốn được một lời của thánh nhân: “Các anh em đã lắng nghe Kinh Thánh rồi chứ? Kinh Thánh thật thích hợp cho anh em rồi đấy”.

Có một người hỏi Antôn: “Con phải làm gì để làm đẹp lòng Chúa?” Thánh nhân trả lời: Hãy giữ điều cha yêu cầu con đây: dù con đi đâu con hãy luôn có Chúa trước mặt; dù con làm gì, con hãy làm theo những chứng từ của Phúc Âm” (Ant.3).

Chúng ta hãy chú ý đến 3 điều trong câu chuyện ngắn này. Trước hết đan sĩ hỏi thánh Antôn đã không tìm kiếm một lời khuyên dạy có tính cách lý thuyết và trừu tượng. Câu hỏi của thầy, cũng giống như câu hỏi của chàng thanh niên trong Tin Mừng, rất cụ thể. “Con phải làm gì? – “Con phải làm gì để làm đẹp lòng Chúa”? (Thái độ này người ta gặp được trong hầu hết các châm ngôn của của các đan phụ rừng vắng). Câu trả lời của thánh Antôn có hai khía cạnh: Người ta làm đẹp lòng Chúa nếu người ta luôn có Chúa trước mặt, có nghĩa là nếu người ta luôn sống trước sự hiện diện của Chúa – điều này chính là quan niệm của các đan phụ rừng vắng về vấn đề cầu nguyện liên lỉ; và điều đó có thể được nếu người ta luôn để cho Tin Mừng hướng dẫn. Ở đây thánh Antôn không nói gì đến việc đọc hay suy niệm Kinh Thánh, nhưng là làm tất cả theo chứng từ của Tin Mừng.

Một ngày kia Théodore, đệ tử ruột của Pacômiô, với lòng nhiệt thành của một người mới vào tu, hỏi đan phụ rằng mình phải giữ chay, không ăn uống gì bao nhiêu ngày trong Tuần Thánh (Luật của Hội Thánh lúc đó và theo tục lệ chung là giữ chay hoàn toàn trong hai ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh; nhưng cũng có một số người không ăn uống gì 3, 4 ngày trước lễ Phục Sinh). Pacômiô yêu cầu anh ta cứ giữ đúng theo luật của Hội Thánh, tuân thủ tuyệt đối giữ chay trong hai ngày cuối của Tuần Thánh, để, ngài nói, có sức chu toàn những gì Kinh Thánh đòi hỏi chúng ta: liên lỉ cầu nguyện, canh thức, đọc luật Chúa và lao động.

Đối với các đan phụ rừng vắng, điều quan trọng trước hết đó không phải là đọc Kinh Thánh, nhưng là sống Kinh Thánh. Dĩ nhiên để sống Kinh Thánh thì phải biết Kinh Thánh. Và cũng như các kitô hữu khác, đan sĩ học Kinh Thánh trước tiên là nhờ nghe những đoạn Kinh Thánh được cộng bố trong cử hành phụng vụ. Đan sĩ cũng cố học thuộc lòng những phần quan trọng trong Kinh Thánh để có thể “nghiền ngẫm” suốt ngày. Và cũng có một số ít đan sĩ có may mắn có được những thủ bản Kinh Thánh để có thể đọc riêng tư. Việc đọc riêng tư này cũng chỉ là một hình thức trong nhiều hình thức khác để Lời Chúa thấm nhập tâm hồn mình cách bền bỉ, không nhất thiết là việc quan trọng nhất.

Khoa chú giải của rừng vắng

Mấy ví dụ trích dẫn trên đây có thể cho chúng ta thấy cách thế chú giải Kinh Thánh của các đan phụ sa mạc – một cách thế, chắc chắn không bao giờ được hình thành dưới hình thức những nguyên tắc trừu tượng. Các bậc thầy chú giải Kinh Thánh ngày nay đều cho rằng tất cả mọi thứ cắt nghĩa đều là cuộc đối thoại giữa bản văn và người đọc hoặc người nghe, và cũng cho rằng thường dẫn tới biến đổi hoặc hoán cải. Nhận định như thế, họ đã không nói gì mới cả. Họ đã trình bày rõ ràng điều mà các đan phụ rừng vắng đã sống nhưng đã không thể trình bày – hay nói đúng hơn đã không bận tâm trình bày.

Kinh Thánh đã luôn được giải thích trong rừng vắng. Việc cắt nghĩa này không được trình bày dưới hình thức những bài chú giải hay những bài giảng, nhưng trong hành động và cử chỉ, trong cuộc sống thánh thiện được biến đổi nhờ cuộc đối thoại bền bỉ của đan sĩ với Kinh Thánh. Các bản văn đã luôn có ý nghĩa hơn không những cho người đọc hay người nghe, nhưng cũng cho những người gặp gỡ các đan sĩ này trong đời họ. Người của Chúa lĩnh hội Lời Chúa đã trở thành một “bản văn” mới, một đối tượng mới để giải nghĩa. Chính trong bối cảnh này mà phải hiểu sự kiện tại rừng vắng lời của vị trưởng lão được coi như cũng có giá trị như Lời của Sách Thánh.

Trên đây đã nhắc đến câu chuyện thánh Antôn trả lời cho các đan sĩ: “Các thầy đã lắng nghe Sách Thánh? Sách Thánh rất thích hợp cho các thầy”. Thực ra các đan sĩ đã chưa thỏa mãn về câu trả lời này, và họ thưa với thánh nhân: Thưa cha, chúng con cũng muốn một lời của cha”. Lúc đó thánh nhân đáp: “Phúc Âm nói: nếu ai vả má bên phải của con, con hãy đưa má trái cho người đó”. Các đan sĩ trả lời: Chúng con không thể làm được điều đó”, Cụ già nói với họ: “Chúng tôi cũng không thể làm được”, nếu các thầy cũng không thể làm được thì ít ra đừng lấy dữ báo dữ”. Họ nói: “Điều này chúng con cũng không làm nổi”. Bấy giờ ngài nói: Hãy dọn cho người đó một bát cháo nóng vì anh ta đau yếu. Mà nếu điều này các thầy cũng làm không nổi nữa thì, tôi có thể làm gì được cho các thầy? Các thầy cần những lời cầu nguyện”.

Truyền thống của cái mà hôm nay chúng ta gọi là lectio divina, chính là mối bận tâm để lửa Lời Chúa thấm nhập và biến đổi cuộc sống. Muốn hiểu điều đó, chúng ta phải trở về nguồn đan tu tiên khởi, và vượt qua đó phải trở về với truyền thống khổ chế kitô hữu của ba thế kỷ đầu và ngay cả phải trở về với truyền thống do thái về phương diện Sách Thánh.

Từ bài học giáo lý nhận được tại Hội Thánh địa phương, đan sĩ hiểu rằng mình đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và hình ảnh này đã bị biến dạng bởi tội lỗi và hình ảnh này phải được phục hồi. Để đạt được điều đó, mình phải để được biến đổi và trở nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh Chúa Kitô. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần và sống theo Phúc Âm, việc trở nên giống Chúa dần dần được hình thành, được hồi phục và có thể nhận biết Thiên Chúa.

Mục đích của đời người đan sĩ, như Cassien trình bày, là cầu nguyện liên lỉ, là bền bỉ chú tâm đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Việc chú tâm này được thực hiện qua tấm trong trong sạch. Người ta đạt được không phải là do giữ những luật lệ này nọ, ngay cả qua việc đọc và suy niệm Lời Chúa, nhưng là qua việc để mình được biến cải bởi Kinh Thánh.

Việc tiếp cận với Lời Chúa – qua bài đọc trong phụng vụ, sự giáo huấn của một cha linh hồn, đọc tư riêng những đoạn Kinh Thánh, hay chỉ là việc nghiền ngẫm một câu hay vài chữ thuộc lòng, không quan trọng lắm – việc tiếp cận này là điểm mốc khởi đầu cho việc đối thoại với Thiên Chúa. Cuộc đối thoại này được thiết lập và được tiếp tục trong mức độ người đan sĩ đã đạt được phần nào đó sự trong sạch của con tim, sự đơn sơ của con tim và sự chú ý của tâm hồn, và cũng trong mức độ mà người đan sĩ đưa vào thực hành những phương tiện để đạt được và nắm giữ sự trong sạch của con tim. Cuộc đối thoại này mà trong đó Lời Chúa can thiệp vào, không ngừng để hoán cải chúng ta sẽ giúp chúng ta liên tục chú tâm tới Chúa, và các đan phụ rừng vắng coi đó là cầu nguyện liên lỉ, và đó chính là mục đích của cuộc sống của các ngài..

Đối với các đan sĩ trong hoang mạc xưa kia, đọc Lời Chúa không đơn sơ chỉ là việc một tu sĩ thực hành lectio (đọc) để chuẩn bị tinh thần và con tim đi tới meditatio (suy) rồi oratio (cầu) ngay cả với hy vọng có thể đạt tới contemplatio (ngắm) (... nếu có thể thì phải đạt được trước khi nửa giờ dành cho lectio divina kết thúc!). Đối với các ngài, tiếp cận với Lời Chúa là tiếp cận với lửa đốt nóng, lay động, khẩn thiết thúc dục hoán cải. Đối với các ngài, tiếp cận với Kinh Thánh không phải là một phương pháp cầu nguyện; đó là một cuộc gặp gỡ bí nhiệm. Và sự gặp gỡ này thường gây cho các ngài khiếp sợ, vì luôn ý thức được những yêu sách của nó.

Chú giải Kinh Thánh

Kinh Thánh luôn có một ý nghĩa mới, mỗi lần chúng ta đọc. Về điểm này khoa chú giải tân thời cũng theo trực cảm của các đan phụ rừng vắng: Các ngài theo khá sát điều thánh Augustinô quả quyết: “Hôm qua con đã hiểu một ít; ngày hôm nay con hiểu hơn; ngày mai con sẽ còn hiểu hơn nữa: ngay cả ánh sáng của Chúa cũng trở nên mãnh liệt hơn cho con” (In Ioh. tract. 14,5 CCL 36, p. 144, lignes 34-36).

Đối với các đan sĩ nơi rừng vắng, những lời của Kinh Thánh (cũng như những lời của các vị trưởng lão), vượt qua chiều kích giới hạn của “biến cố” trong đó những lời này được đọc và lúc đó được cắt nghĩa. “Những lời này” tỏa chiếu cả một “thế giới ý nghĩa” trong đó các đan sĩ tìm cách đi vào. Lời mời gọi bán hết của cải, phân phát cho người nghèo hoa lợi bán được, theo Tin Mừng (Mt 19,21), lời khuyên đừng bao giờ để mặt trời lặn khi còn giận ai (Ep 4,25), giới luật yêu thương; tất cả những bản văn này đã tạo nên cuộc sống của các đan phụ rừng vắng một cách rất đặc biệt và đã chiếu tỏa cả một “thế giới ý nghĩa” mà các ngài tìm cách đi vào, mà các ngài cố gắng thích ứng, đón nhận làm của riêng mình. Sự thánh thiện nơi rừng vắng, hệ tại ở việc biến cái thế giới thoát ra từ những bản văn Kinh Thánh thành một hình thức cụ thể, bằng cách giải thích chúng và thích ứng chúng trong cuộc sống cụ thể.

Đan phụ Nesteros (la Conf. 14 de Cassien) nói với chúng ta rằng “chúng ta phải có nhiệt tâm học thuộc lòng những bản văn Kinh Thánh, và nhắc đi nhắc lại không ngừng trong trí nhớ của chúng ta. Ngài nói, việc suy niệm liên tục này cùng lúc đưa lại cho chúng ta hai hiệu quả”. Trước hết là tránh cho chúng ta có những tư tưởng xấu. Tiếp đến, sự nhắc nhớ này hay suy niệm liên tục này giúp chúng ta có được sự hiểu biết luôn đổi mới. Đan phụ Nesteros có một câu rất tuyệt này: “Tùy theo mức độ, qua việc học hỏi này, tâm trí chúng ta đổi mới, Kinh Thánh cũng bắt đầu thay đổi bộ mặt (scripturarum facies incipiet innovari). Một sự hiểu biết bí nhiệm hơn được ban cho chúng ta, vẻ đẹp của sự hiểu biết này tăng dần với sự tiến triển của chúng ta. (Thêm một lần nữa, chúng ta thấy sự liên hệ bất khả phân giữa việc đem vào thực hành Kinh Thánh và khả năng hiểu biết Kinh Thánh ở một mức độ sâu xa hơn).

(Người ta có thể có thể so sánh cái nhìn này với quan niệm tân thời như của một Ricoeur chẳng hạn. Ông này nói rằng một bản văn một khi đã được thoát ra khỏi tay của tác giả sẽ có một cuộc sống độc lập, và mỗi khi được đón đọc thì đều có một ý nghĩa mới – mỗi lần đọc là một lần giải thích, sự giải thích này nói lên một trong những khả thể gần như bất tận chứa đựng trong bản văn).

Theo phương pháp tân thời của lectio divina, người ta phải đọc chậm rải và phải dừng lại ở một câu nào đó bao lâu câu đó còn nuôi được con tim, tâm trí, ngay cả những cảm xúc, rồi mới nên đọc sang câu khác khi cảm tính đã trở nên nguội lạnh hoặc sự chú tâm đã biến mất. Riêng các đan sĩ xưa, vẫn cứ dừng lại ở một câu nào đó bao lâu mà các vị chưa đưa nó vào trong thực hành..

Có một đan sĩ đến gặp đan phụ Pambo xin ngài dạy cho một thánh vịnh. Đan phụ bắt đầu dạy thánh vịnh 38: nhưng ngài vừa mới xướng lên câu đầu: “Tôi đã nói: mình phải giữ gìn trong nếp sống, để khi ăn nói khỏi lỗi lầm...”, đan sĩ này không muốn nghe tiếp. Thầy thưa với đan phụ rằng chỉ nguyên câu này đã đủ; Xin Chúa vui lòng cho con sức mạnh để học câu này và đem ra thực hành. Mười chín năm sau đan sĩ này vẫn còn luôn cố gắng... (Arm 19, 23 Aa: IV 163).

Cũng vậy, đan phụ Abraham là một kinh sư tuyệt với và đồng thời cũng là một người của cầu nguyện, có một đan sĩ xin ngài chép cho mình thánh vịnh 33. Ngài chỉ chép có câu 15: “Hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hòa”, rồi nói với thầy đó: “Thầy cứ thực hành điều này đi rồi cha sẽ viết tiếp cho...” (Arm 10, 67: III, 41).

Kinh Thánh đối với các đan phụ không là cái gì mà người ta biết nhờ trí hiểu, ngay cả với con tim, như ngày nay người ta thường nói ,(thường lẫn lộn giữa khái niệm của Kinh Thánh về con tim với khái niệm mới đây về “con tim” nghiêng về... tình cảm). Đối với các đan phụ người ta biết Kinh Thánh qua việc đồng hóa với Kinh Thánh tới độ đem Kinh Thánh vào trong cuộc sống. Tất cả những kiến thức khác với điều đó đều là phù vân.

Hiểu Kinh Thánh

Nhưng nói như thế không có nghĩa là muốn nói rằng không cần tiếp cận Kinh Thánh bằng trí thức của mình. Các đan sĩ luôn bận tâm tìm hiểu ý nghĩa chữ đen của Kinh Thánh (sens littéral) trước khi đưa ra áp dụng. Ví dụ như trong các đan viện Pacômiô, mỗi tuần đều có ba lớp giáo lý do bề trên giải nghĩa Kinh Thánh, sau đó các đan sĩ trao đổi với nhau điều họ hiểu để bảo đảm rằng mình đã hiểu đúng.

Việc giải thích một bản văn khó đòi hỏi trí tuệ phải cố gắng; nhưng sự cố gắng của trí tuệ cũng vô ích nếu không được ánh sáng Chúa soi dẫn, mà phải xin qua việc cầu nguyện. Theo đó thì cầu nguyện luôn phải đi trước việc đọc Kinh Thánh cũng như cầu nguyện có thể là kết quả của việc đọc Kinh Thánh. Trả lời cho hai đan sĩ hỏi về ý nghĩa khó của sách Lê-vi, thánh Antôn đã yêu cầu hai thầy chờ một thời gian để ngài có giờ cầu nguyện xin Chúa sai Mô-sê đến dạy cho ngài hiểu được lời đó” (Arm. 12, 1B: III, 148). Trước ngài, Origène cũng làm thế, ông xin các môn đệ cùng cầu nguyện với ông để hiểu được một bản văn Kinh Thánh đặc biệt khó, như ông nói, với mục đích tìm gặp được “sáng tạo thiêng liêng” chứa trong bản văn” (x. J. Wensingk, Mystic Treatises by Isaac of Nineve, Amsterdam 1923, par. 329, ch. XLV, p. 220). Điều người ta tìm trong một bản văn không phải là một ý nghĩa trừu tượng, ngoài thời gian, nhưng là một lực có khả năng biến đổi người đọc.

Những lý thuyết tân thời về lectio divina thường nhấn mạnh đến sự kiện lectio divina là một cái gì đó khác xa với việc học. Các đan phụ thuở xưa ấy chắc đã không thể hiểu được sự phân biệt và phân tách làm đôi này. Sự tiếp cận Kinh Thánh của các ngài luôn đồng nhất. Tất cả cố gắng để học hỏi, để hiểu, để đem ra thực hành đã luôn là một cố gắng đi vào đối thoại với Thiên Chúa và để cho Ngài biến đổi mình trong cuộc đối thoại này , một cuộc đối thoại đã trở thành cầu nguyện liên lỉ. Kể cả các đan phụ, kể cả Origène, người tuyệt vời của Kinh Thánh, - và nhất là kể cả thánh Giêrônimô, là người quan niệm rằng dốt, không biết Kinh Thánh là dốt, không biết Chúa Kitô (In Esaiam, Prol.CCL 73,2, CCL 78, 66) – đều không thể hiểu được rằng học hỏi Kinh Thánh lại không phải là một cuộc gặp gỡ tư riêng, cá nhân, với Thiên Chúa hằng sống.

Đối với thánh Giêrônimô, cầu nguyện trước tiên không phải là ở trong lòng nhưng là trong trí (rồi từ trí xuống tới lòng). Trước hết phải biết Chúa để yêu mến Ngài. Ai biết thật thì chắc chắn là phải yêu. Do đó quan trọng là học thấu đáo và hiểu Kinh Thánh nhờ trí tuệ của mình.

Nói về Marcella, hơn tất cả các nữ môn đồ khác của thánh Giêrônimô, đã học thấu đáo Kinh Thánh và thường xuyên đọc Kinh Thánh, thánh nhân đã nói: “Marcella hiểu rằng việc suy niệm không hệ tại ở việc lặp đi lặp lại những bản văn Kinh Thánh... và cô biết rằng cô chỉ xứng đáng để hiểu được Kinh Thánh một khi cô đã diễn tả những huấn lệnh của Chúa trong đời sống” (Ep. 127,4,  CSEL 56,148).

Trong Conférences 14, Cassien - một xướng ngôn viên tầm cỡ về linh đạo tu rừng ở Ai Cập là nơi ngài đã sống nhiều năm, cùng thời với Evagre – phân biệt hai trạng thức của khoa học, practikè (thực hành) và theoretikè (lý thuyết). Theoretikè là chiêm niệm những sự thuộc về Chúa và hiểu biết những ý nghĩa thánh thiêng nhất. Theoretikè này, hay chiêm niệm những sự thuộc về Thiên Chúa này, Cassien cũng gọi là :khoa học đích thực về Kinh Thánh”, mà ngài chia làm hai phần: giải nghĩa   lịch sử và hiểu theo nghĩa thiêng liêng. Cả hai đều thuộc về chiêm niệm.

Cassien nói thêm: “nếu các bạn muốn đạt tới khoa học đích thật về Kinh Thánh, các bạn hãy mau mắn đắc thủ một tâm lòng khiêm tốn không lay chuyển. Chính sự khiêm tốn sẽ dẫn đưa các bạn, chứ không phải khoa học là cái chỉ tổ gây kiêu ngạo, đến sự hiểu biết soi sáng, qua việc thực hành đức ái”. Do vậy, cái làm cho việc học Kinh Thánh có là một sinh hoạt chiêm niệm hay không, không phải là phương pháp đọc hay giải thích được dùng, nhưng chính là thái độ của tâm lòng mình.

Hiểu trước

Khoa chú giải Kinh Thánh của Ricoeur dạy chúng ta rằng khi người ta đọc một tác giả cổ, người ta không hẳn đi vào liên hệ với tư tưởng của tác giả cho bằng đi vào liên hệ với chính thực tại mà tác giả diễn tả. Chính vì thế không thể hiểu được một bản văn nếu không có một chuẩn bị để có thể hiểu trước về sự liên hệ đã có giữa người đọc và thực tại diễn tả trong bản văn. Người ta cũng đã cảm thấy điều này giống như ở nơi Cassien, vào cuối Conférence thứ mười. Đan phụ Isaac, sau khi đã giải thích những phương thế đạt được việc cầu nguyện tinh tuyền, nói thêm: “Được bổ dưỡng nhờ thức ăn này (Kinh Thánh) là thức ăn vẫn hằng dùng, người đọc đi vào trong thâm sâu lòng mình, đến độ tất cả những tình cảm được diễn đạt trong các thánh vịnh, mà từ nay họ đọc, dường như không còn phải do ngôn sứ viết ra, nhưng như chính họ (người đọc) là tác giả, và như là một lời cầu nguyện của cá nhân họ...” Và ngài thêm: “Quả thực chính Kinh Thành được tỏ bày cho chúng ta một cách rõ ràng hơn, và cách nào đó chính cái tâm, cái tủy của Kinh Thánh được tỏ hiện cho chúng ta thấy, khi kinh nghiệm của chúng ta, không chỉ cho phép chúng ta hiểu, nhưng còn gợi cho chúng ta sớm hiểu được, và ý nghĩa của những từ chúng ta hiểu không do cắt nghĩa, nhưng do thử thách chúng ta trải nghiệm” (Conf X,11)... “Hiểu được do chính điều chúng ta cảm nhận, nói đúng ra, đối với chúng ta, đó không phải là những sự chúng ta hiểu được do nghe nói, nhưng do chúng ta sờ mó – có thể diễn tả như thế - cái thực tại, để có thể hiểu được một cách thấu đáo; thực tại này không là cái gì được ủy thác vào trí nhớ của chúng ta, nhưng do chính chúng ta sinh chúng ta từ thâm sâu của lòng mình, như những tình cảm tự nhiên và thuộc thành phần con người của chúng ta; không phải việc đọc, hay bài đọc giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của những lời, nhưng chính là kinh nghiệm mà chúng ta đã có (Conf X, 11).

Người ta chỉ hiểu được điều người ta đã sống, ít ra trong một mức độ nào đó. Chính vì vậy thánh Giêrônimô hướng dẫn thứ tự học Kinh Thánh: trước hết là sách thánh vịnh, rồi đến Sách Châm Ngôn của Salomôn và Quohêlét, rồi Tân Ước. Và chỉ khi tâm hồn đã được chuẩn bị thật kỹ càng qua liên hệ mật thiết thân tình lâu dài với Chúa Kitô, lúc đó mới có thể tiếp cận sách Nhã Ca với hiệu quả tốt.

Lời của các vị Trưởng Lão

Các đan phụ rừng vắng đôi khi trả lời cho những người hỏi mình bằng một lời trong Kinh Thánh; nhưng dĩ nhiên các ngài cũng trả lời bằng những lời khác mà người ta cũng cho chúng có cùng một tầm quan trọng. Người ta xác tín rằng những lời này đến từ chính cuộc sống tinh tuyền của vị trưởng lão thánh thiện là người đã đọc Kinh Thánh, vì chính ngài đã được Kinh Thánh biến đổi.

B.- KHÁI NIỆM TÂN THỜI

Điều mà người ta gọi là lectio divina ngày nay được trình bày như một phương pháp đọc Kinh Thánh, hoặc cầu nguyện với Kinh Thánh. Nới rộng thêm, ngoài Kinh Thánh người ta còn có thể dùng các tác phẩm của càc Giáo Phụ hoặc các Đan Phụ. Phương pháp này đề nghị đọc chậm rải và suy nghĩ về một bản văn chọn lựa, đọc với con tim nhiều hơn là với trí óc, không phải để đạt được một mục đích thực tế nào, nhưng cốt là để thấm đượm Lời của Chúa.

Xét như là một phương pháp, cách đọc này bắt nguồn từ thế kỷ 12 và cũng có một liên hệ chặt chẽ với cái mà người ta gọi là “thần học đan tu”. Vào thời tiền-kinh viện này, phương pháp này đã biến dần từ đọc (lectio) sang đặt câu hỏi (quaestio), rồi biện luận (disputatio). Lúc đó các đan sĩ phản ứng trước trào lưu thay đổi này bằng cách khai triển phương pháp riêng của mình: Đọc (lectio), dẫn tới suy (meditatio) rồi cầu (oratio)... sau đó ít lâu lại thêm vào ngắm (contemplatio được phân biệt với cầu (oratio).

Xưa kia việc tiếp cận với Lời Chúa của các đan phụ rừng vắng được thực hiện chung với toàn thể dân Chúa (như đã trình bày trên đây), ngày nay sự tiếp cận mới này hay cũng gọi là “phương pháp” mới này (gọi là phương pháp bởi vì là một thao tác, một việc phải tuân giữ trong đời đan tu) vào trốn trong các đan viện!

Rất lâu sau đó, vào thời của devotio moderna (lòng sùng kính tân thời), việc đọc sách thiêng liêng (lecture spirituelle) lan rộng và người ta cố gắng phân biệt rõ ràng với lectio divina của giới đan tu. Theo một trào lưu chung, đời sống thiêng liêng từ đây đã được phân chia thành những ngăn khép kín.

Đến đây xin có một vài nhận xét. Nhận xét thứ nhất là người ta có thể tự hỏi làm sao thần học có thể phát triển nếu các đan sĩ đã không giận dỗi trước phương pháp mới phát sinh. Bởi vì, cái mà người ta gọi là “thần học đan tu”, cho tới thế kỷ 12, đã không có gì đặc thù đan tu. Nó đã chỉ là cách người ta áp dụng thần học trong toàn thể dân Chúa, với, dĩ nhiên, khá nhiều đa dạng trong các đan viện cũng như bên ngoài các đan viện. Cho đến lúc đó, cách thế khôn ngoan đầy chiêm niệm mà thần học này chấp nhận, và biến đổi (như người ta thường nói ngày nay là hội nhập) những đóng góp của các phương pháp và các luồng tư tưởng khác nhau. Người ta có quyền đặt câu hỏi làm sao nền thần học của những thế kỷ tiếp sau đó có thể khai triển nếu các đan sĩ lúc đó đã không giận dỗi trước phương pháp mới phát sinh và, và nếu cách thực hiện thần học gọi là đan tu đã không được giữ lại cùng với thần học kinh viện được nở rộ trong các trường bên ngoài các đan viện. Với thánh Thomas Aquinô, phương pháp mới còn được sử dụng trong chiều hướng rất chiêm niệm. Với các nhà chú giải – các nhà chú giải về các nhà chú giải, thần học này ngày càng thêm khô cằn.

Cũng như thế đối Kinh Thánh. Cho đến lúc này, các đan sĩ giữ một vai trò ưu thế trong việc giải thích và sử dụng Kinh Thánh, cho dù việc tiếp cận của họ không hẳn là khác biệt với sự tiếp cận của toàn thể dân Chúa. Kể từ lúc – thường họ không nhận ra – chịu ảnh hưởng của luồng tư tưởng mới, họ đã đề xuất phương pháp riêng của họ về việc đọc Kinh Thánh, song đôi với phương pháp kinh viện, như vậy trong Hội Thánh có hai cách tiếp cận Kinh Thánh rất khác biệt nhau: một cách nghiêng về đọc theo tâm lòng (ở vào vài thời kỳ đã quên bẵng khía cạnh trí), và một nghiêng về khoa học, cách này càng ngày càng trở nên khô khan.

Đàng khác người ta phải nhận rằng trong khi xác định phương pháp đọc Kinh Thánh riêng của mình, các đan sĩ đã bị lệ thuộc vào tâm thức mới, tiền kinh viện, đòi phải có một phương pháp. Các đan sĩ rừng vắng đầu tiên đã không có một “phương pháp” cho lectio divina. Các ngài không có phương pháp, nhưng có một tư thái trong việc tiếp cận Lời Chúa.

Thường, trong những thế kỷ vừa qua, các đan sĩ quên đi cách thức riêng của mình trong việc đọc Kinh Thánh và các đan phụ rừng vắng để học thần học và theo loại thần học của tất cả mọi người. Do vậy, rất cần thiết đối với các đan sĩ, vào thời đại chúng ta ngày nay, trở về cách thế thực hiện thần học khác với thần học của các thủ bản kinh viện, và cách thế đọc Kinh Thánh, các đan phụ (Giáo Phụ) khác với chú giải khoa học đương đại. Người ta phải biết ơn sâu xa đối với cha Jean Leclercq, người đã có công hướng đan tu trào ngày nay theo chiều hướng này, Người ta có thể vui vui nói rằng, khái niệm về thần học đan tu và lectio divina, như người ta quan niệm bây giờ, là hai con đẻ của cha Leclercq!

Tôi nghĩ thật là cần thiết đan tu trào phải tái khám phá cách đọc Kinh Thánh và cách thực hiện thần học. Nhưng phải đi xa hơn nữa: Phải nhận thật rằng cách thế đọc kinh Thánh và thực hiện thần học này chẳng có gì đặc thù đan tu. Cần cả dân Chúa tái khám phá vì, ở vào một thời kỳ nhất định, đó chính là cách thế toàn thể dân Chúa đọc Kinh Thánh và thực hiện thần học.

Tuy nhiên còn phải bước một bước khác nữa. Phải vượt qua xé lẻ của đời đan tu và của các kitô hữu. Cần phải tái khám phá sự thống nhất thuở ban đầu đã bị mai một qua các thế kỷ.

Chúng ta phải vui mừng vì lectio divina đã tìm lại được phần nào chỗ đứng trong đời sống các đan sĩ cũng như trong đời sống của một số kitô hữu từ sau Công Đồng Vaticanô II. Tuy nhiên trong việc thực hành lectio divina hôm nay có thể vấp phải một nguy hiểm.

Mối nguy hiểm đó là, rất thường, dù ít khi để ý tới, người ta biến lectio (đọc) thành một thao tác – một trong những thao tác khác, dù là thao tác quan trọng nhất. Người đan sĩ trung thành mỗi ngày dành ra nửa giờ, hoặc một giờ hay hơn nữa để làm lectio divina rồi sau đó dành giờ đọc sách thiêng liêng, học hành hay cho các sinh hoạt khác. Người đan sĩ này quảng đại dành giờ như thế để thực hành lectio divina và thường các giờ khác thì lao vào các sinh hoạt với cùng một nhiệt huyết, cùng một tinh thần tranh đua, cùng những thư giãn dường như là người đan sĩ đó đã không chọn một đời cầu nguyện liên lỉ, và bền bỉ tìm kiếm sự hiện diện của Chúa.

Không những tất cả những điều đó đều rất xa lạ đối với tinh thần của các đan sĩ tu rừng xưa kia, nhưng thái độ này lại còn trái nghịch hẳn với chính bản tính của lectio divina. Điều chính yếu làm nên lectio divina, như đã được các lý thuyết gia tầm cỡ mô tả, đó là thái độ nội tâm. Do đó, thái độ này không phải là cái gì người ta có thể tạo lấy được trong vòng nửa giờ, hay một giờ trong ngày. Người ta có nó – thái độ bên trong này - liên tục suốt ngày hoặc không có gì cả. Thái độ này thấm đượm trọn ngày sống của chúng ta hoặc là việc thao tác mà người ta gọi là lectio (đọc) đó chỉ là một cuộc chơi trống rỗng.

Để Chúa hỏi mình, để Chúa cật vấn mình, huấn luyện mình trải qua tất cả những yếu tố trong ngày sống, qua công việc cũng như qua những gặp gỡ huynh đệ, qua khổ chế trong công việc trí thức hay lao động, cũng như qua cử hành phụng vụ và ngay cả những căng thẳng thường có trong đời sống cộng đoàn – tất cả những cái đó rất ư là yêu sách.  

Đối với các đan phụ rừng vắng, đọc, suy niệm, cầu nguyện, phân tích, cắt nghĩa, dò xét, dịch Kinh Thánh – tất cả những việc đó hợp thành một toàn thể không phân cách nhau được. Có thể không hiểu nổi cho một Giêrônimô nếu coi việc ngài phân tích bản văn Kinh Thánh bằng tiếng hi lạp để hiểu rõ những tinh tế của bản văn chỉ là một việc làm không đáng gọi bằng cái tên lectio divina.

Chắc hẳn là phải vui vì người ta đã tái khám phá tầm quan trọng của việc đọc Lời Chúa bằng con tim, đọc Lời để được hoán cải. Nhưng sẽ lầm lẫn to nếu coi việc đọc này như là một thao tác hơn là để đưa thái độ này thấm vào nghìn lẻ một cách thế tiếp cận Kinh Thánh.

Hơn nữa, tin rằng bản văn Kinh Thánh có thể gặp được tôi trong đời sống sâu xa của tôi, cật vấn tôi và biến đổi tôi chỉ khi tôi đặt mình trước bản văn trần trụi, không cần đến sự trợ giúp của những phương tiện có thể  cho phép tôi hiểu được ý nghĩa đầu tiên của bản văn, sẽ có nguy cơ dẫn tôi đến thái độ chỉ chấp nhận giải thích Kinh Thánh theo từng chữ - ngày nay không hiếm – hoặc dẫn đến một thứ thần bí sai lạc, cũng rất hay xảy ra.

----------

KẾT LUẬN

Các đan phụ rừng vắng nhắc chúng ta về tầm quan trọng hàng đầu của Kinh Thánh trong đời sống người kitô hữu và sự cần thiết để mình được biến đổi không ngừng trong lò Lời Chúa.

Những trang ngắn ngủi trên đây cố ý đặt lại một số vấn đề liên quan đến những khía cạnh của quan niệm tân thời về Lectio divina, hay nói chính xác hơn muốn mời gọi chúng ta vượt qua chúng để tìm về ý nghĩa sâu xa hơn của tính thống nhất của  một kinh nghiệm sống. Đan sĩ, hơn bất cứ ai khác không được phép để mình bị chia cắt. Tên gọi của đan sĩ (monachos) luôn nhắc họ nhớ điều duy nhất của mối bận tâm, của ước vọng và thái độ hợp với con người đã chọn sống bằng một tình yêu với một con tim không chia sẻ.

 

Armand Veilleux, ocso

Fr. M. Bảo Tịnh Ocist chuyển dịch