Các bài chia sẻ Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (02-11)

Niềm tin vào sự sống mai sau đem lại cho nhân loại niềm vui và hy vọng. Niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của con người hôm nay. Niềm tin đó thôi thúc mỗi người sống theo Tin Mừng Chúa Giêsu. Niềm hy vọng ấy thôi thúc người đang sống hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ, làm việc lành phúc đức nhiều hơn trong tháng 11 này để cầu cho những người thân yêu và các tín hữu đã ra đi trước được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu...

 

Các bài chia sẻ Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (02-11)

 

MỤC LỤC

1. “Sỏi đá cũng cần có nhau” (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
2. Báo hiếu – Một ý tưởng lành thánh (JM. Lam Thy ĐVD.)
3. Hiệp thông với cộng đồng các tín hữu Chúa (Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
4. Xin nhớ đến tôi (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
5. Dụ ngôn cây chuối (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

Bài 1. “SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Trong ca khúc “Diễm xưa”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết một câu rất triết lý: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”. Tại sao sỏi đá lại cần có nhau?

Có lần ghé thăm Chùa Hang ở Long Hương, tôi tình cờ “khám phá” ra ý nghĩa những ca từ đó.

Sỏi và đá không cân xứng nhau chút nào. Đá lớn, sỏi nhỏ. Những viên sỏi nhỏ phải cần tựa vào tảng đá lớn chứ. Nhưng thật lạ lùng, những tảng đá dù lớn cũng cần đến những viên đá nhỏ chèn bên dưới chân để nó vững vàng với thời gian. Đôi khi tảng đá lớn cần điểm tựa nơi viên sỏi nhỏ để đứng vững. Một dáng đá đẹp cũng cần những viên đá nhỏ đỡ nâng. Như thế, để tồn tại, sỏi đá cũng cần có nhau.

Sỏi đá cũng cần có nhau”, phương chi là con người. Người với người sống để yêu nhau. Người sống và người chết cũng luôn cần có nhau.

Mầu Nhiệm Hội Thánh Thông Công là một trong những mầu nhiệm đẹp của tình yêu. Tháng 11 đã về. Người sống nhớ đến những người đã an nghĩ, hiệp thông cầu nguyện, dâng những hy sinh hãm mình, những việc bác ái như là nghĩa cử biểu lộ lòng yêu thương đối với người đã khuất với tình hiệp thông trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Mỗi khi dâng lễ, đọc “Kinh nguyện Thánh Thể III”, tôi cảm nhận đây là kinh nguyện hiệp thông sâu xa của Đại Gia Đình Hội Thánh vinh thắng, lữ hành và thanh luyện: “Lạy Chúa, chúng connguyện xin Của Lễ hoà giải này đem lại bình an và cứu độ cho tất cả thế giới. Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến, cùng với tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng …và Đức Giám Mục… chúng con, cùng toàn thể hàng Giám Mục và giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa.

Xin Chúa thương nhậm lời cầu của gia đình mà Chúa đã muốn tụ họp trước tôn nhan Chúa đây. Lạy Cha nhân từ, xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi về với Cha.

Xin Cha thương đến anh chị em chúng con đã ly trần và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã sống đẹp lòng Cha mà nay đã lìa cõi thế. Xin thương nhận hết thảy vào nước Cha, nơi chúng con hy vọng sẽ tới để cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha muôn đời, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con, nhờ Người, Cha rộng ban muôn ơn lành cho thế gian. “. 

Lời kinh tuyệt đẹp, trọn vẹn trong tình yêu hiệp thông.

Giáo hội mở kho tàng ân xá là công nghiệp của Các Thánh để nhường cho các linh hồn nơi luyện tội. Giáo hội khuyến khích tín hữu dâng lễ, lần chuỗi, viếng thăm các nghĩa trang, tảo mộ, cầu nguyện cho các linh hồn. Đó là sự hiệp thông trong đức tin, trong bí tích, trong đức ái, trong cầu nguyện và là mối hiệp thông mật thiết trong đại gia đình Giáo hội.

Trong tương quan “cũng cần có nhau”, đặc biệt là với những người đã qua đời, Kitô hữu được gọi là người “tận tình với sự chết, nhiệt tình với sự sống”.

Mỗi khi thắp nén nhang trên phần mộ người chết, nhìn theo làn khói nhẹ toả bay, ta cũng nâng tâm hồn lên tới Chúa là nguồn sự sống.

Mỗi khi đặt bó hoa tươi trên phần mộ người thân yêu, ta thấy được mùa xuân vĩnh cửu đang bừng lên từ khắp những nấm mồ chung quanh.

Hương khói và những ngọn nến lung linh. Một bầu khí tĩnh mịch trầm lắng và thánh thiện nơi nghĩa trang. Cảnh vắng lặng của một thế giới đang tan thành bụi đất như đang nói về sự rũ bỏ những vướng víu để đạt tới thành toàn viên mãn. Vài người thắp nến trên phần mộ người thân thương, ánh sáng toả ra một vùng nhỏ,toả vào ký ức nhớ những người thân đã khuất bóng.Gia đình cùng đọc kinh rồi im lặng để hình ảnh người đã khuất hiện dần lên trong trí nhớ. Những kỷ niệm lung linh nhập nhoà, bởi hình hài thể phách vật chất không còn nữa. Nghĩa trang là thế giới của tan rã, chỉ có bụi đất và cỏ cây. Những người chết không còn nói năng,ăn uống,đi đứng, cảm xúc,nghĩ ngợi, nổi niềm, không ham muốn, không lo âu, không hoạch định, không gắng sức. Họ đã bước vào cõi đời đời sau khi đã đi qua thế giới hữu hạn. Họ trải qua mùa đông ảm đạm của sự chết để đi vào mùa xuân vĩnh cửu của sự sống thiên quốc. Như hạt lúa gieo xuống lòng đất tuy có bị thối đi, nhưng chính từ trong hạt giống mục nát, một cây lúa mới mọc lên (Ga 12, 24). Con người cũng vậy, chỉ có thể bước vào sự sống đời đời qua ngưỡng cửa sự chết. Chết là điều kiện để triển nở và thành toàn.Chết là một sự thay đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ sung mãn hơn. Cuộc sống đời này và mọi sự trong đó chỉ là tạm bợ và tất cả sẽ qua đi, để hướng đến đích điểm của nó. Tiến trình qua đi và hướng đến này được thực hiện bằng sự chết đi – sống lại liên tục trong chính sự sống của vạn vật và con người, trên phương diện vật chất cũng như tinh thần. Trong đó, định hướng thành toàn thì luôn luôn bền vững, nhưng phương cách biến chuyển để thành toàn thì luôn thay đổi.

Thường tình, phải có mùa đông giá lạnh, mới tới được mùa xuân ấm áp.Thường tình, lá cũ phải rụng xuống, mới nảy sinh ra mầm non. Cũng vậy, phải có những khổ đau, phải có sự chết mới có sự sống lại: “Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12, 25). Trong mạch thời gian, sự sống và cái chết đổi chỗ lẫn nhau. Sự sống thay đổi chứ không mất đi.

Chúa Giêsu đã đưa ra một chiều kích hiện sinh mới, mở ra cho nhân loại con đường tiến tới chân lý sự sống bằng sự chết mà Người đã thực hiện. Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa đã làm cho mọi cái chết trở thành Tin Mừng của sự sống.

Sự sống mới trong Chúa Kitô sẽ không còn bóng dáng của Thần Chết. Con người thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người cả xác lẫn hồn được sống lại. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn. Bởi vì: “Ðức Chúa là Thiên Chúa của Tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, đối với Người tất cả đều đang sống”.

Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết bằng chính cái chết trên Thập Giá và Người đã Sống Lại để trao ban sự sống mới, sự sống của Ðấng Phục Sinh.

Chúa Giêsu đã thắng được những xao xuyến, thắng được những tuyệt vọng. Người đã biến cái hố thẳm hay biển cả mênh mông ngàn trùng xa cách giữa con người và Thiên Chúa thành biển cả tình thương liên kết hiệp nhất Thiên Chúa và loài người.

Thập Giá Ðức Kitô trở nên con đường giao hoà và như chiếc thang nối liền trời và đất, kết hợp Thiên Chúa và loài người.

Từ nay, yếu tính sự chết đã được biến đổi. Sự chết không còn là tang tóc nữa mà đã trở thành Lễ Vượt Qua để tiến tới Vinh Quang Thiên Quốc. Thánh Phaolô viết: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (1 Cr 1, 12); “Chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, ngôi nhà vĩnh cữu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1). Những ai có lòng tin sẽ coi đời sống là một cuộc thử thách, đau khổ sẽ qua đi và chính đau khổ sẽ là phương tiện tiến tới vinh quang.

Cho đến lúc hồn ta trong hơi thở
Vẫn yên vui về cõi chết xa xôi.
Và u buồn là những đoá hoa tươi,
Và đau khổ là chiến công rực rỡ.
(Chế Lan Viên)

Tin và sống trong ân tình của Chúa Kitô chính là chiến thắng sự chết, chính là đã mang trong mình mầm sống của sự sống đời đời: “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết” ( Ga 11, 26; 1 Ga 3, 14 ). Không bao giờ chết chính là không bao giờ mất sự hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.

Niềm tin vào sự sống mai sau đem lại cho nhân loại niềm vui và hy vọng. Niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của con người hôm nay. Niềm tin đó thôi thúc mỗi người sống theo Tin Mừng Chúa Giêsu. Niềm hy vọng ấy thôi thúc người đang sống hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ, làm việc lành phúc đức nhiều hơn trong tháng 11 này để cầu cho những người thân yêu và các tín hữu đã ra đi trước được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.

Thiên Chúa dựng nên con người để con người được hưởng hạnh phúc đời này và cả đời sau. Sống là một cuộc hành trình tiến về đời sau. Cần có nhau trong cuộc sống và trong niềm tin để giúp nhau đạt đến hạnh phúc viên mãn.

Bài 2. BÁO HIẾU – MỘT Ý TƯỞNG LÀNH THÁNH
JM. Lam Thy ĐVD.

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là lòng thương yêu, không những chỉ là “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”; mà còn là “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Vì thế nên đã dành cả tháng 7 (Âm lịch) làm tháng Báo Hiếu, để tưởng nhớ công ơn những người đã khuất (“Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân”). Cũng với mục đích trên, có đôi nơi ảnh hưởng Trung Quốc, lấy tháng ba là tháng “thanh minh”, “tảo mộ” (“Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” – ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ của Nguyễn Du). Với Ki-tô Giáo thì lòng thương yêu thể hiện cụ thể nhất trong tính hiệp thông. Phạm trù hiệp thông không dừng lại ở Giáo Hội Lữ hành, mà còn xuyên suốt qua Giáo Hội Thanh luyện và Giáo Hội Khải hoàn nữa, để tất cả quy tụ trong Mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi (“ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hịêp của Chúa Thánh Thần” – 2Cr 13, 13). Vì thế, nên Giáo Hội đã dành cả tháng 11 hàng năm để “Kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được hiển vinh trên trời hay còn phải tinh luyện sau khi chết” (GH, 51). Đó phải chăng là một dịp “Báo Hiếu” để hợp hoan “Bản Hoà Tấu Lời” với các Thánh, đồng thời tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố còn đang trong thời gian thanh luyện, ngõ hầu được Thiên Chúa đoái thương, ân ban phần thưởng Nước Trời?

Tháng 11 thường được gọi vắn tắt là Tháng Cầu Hồn, thể hiện rõ nét nhất Mầu nhiệm Hiệp thông khơi nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, tuôn tràn qua 3 Giáo Hội quen gọi nôm na là GH Chiến Đấu (GH Lữ Hành), GH Đau Khổ (GH Thanh Luyện) và GH Chiến Thắng (GH Khải Hoàn). Bài viết này xin chia sẻ những cảm nghĩ về sự quan tâm đặc biệt của Ki-tô hữu dành cho những người quá cố trong suốt tháng 11 hàng năm: Từ xưng tội rước lễ, hiệp dâng Thánh lễ, đến cầu nguyện thông qua các giờ kinh Phụng vụ, rồi viếng Thánh đường, viếng nghĩa trang… nhằm mục đích tốt đẹp, lành thánh: cầu cho các linh hồn. Đó thật sự là một “ý tưởng lành thánh” rất đáng trân trọng (“Nhận biết sự hiệp thông này trong lòng toàn Nhiệm Thể Chúa Giê-su Ki-tô, ngay từ buổi đầu của Ki-tô Giáo, Hội Thánh lữ hành hết lòng kính mến, tưởng nhớ những người đã chết và dâng lời cầu cho họ “vì cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (2Mcb 12, 46; GH, 50). Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn.” – Giáo lý HTCG, điều 958)

Khi cử hành những hành vi bác ái đó, chúng ta thường nghĩ các linh hồn đang phải chịu thanh luyện bằng đau khổ. Ý nghĩ đó không sai, vì các ngài “sẽ được cứu như thể băng qua lửa” (1Cr 3, 15) để trở nên trọn hảo trước mặt Đấng Chí Tôn. Vâng, kể từ khi Nguyên Tổ loài người xa lìa Thiên Chúa, bị tội lỗi thống trị, có thể nói tội lỗi đã trở thành căn nguyên, là nguyên nhân chính làm cho con người phải đau khổ. Điều này chứng tỏ con người tự gây ra đau khổ để rồi cũng chính mình gánh lấy sự đau khổ ấy. Thế nên mới có định kiến “Đời là bể trầm luân, là bể khổ”. Và để thanh tẩy cho sạch mọi tội lỗi, giũ sạch mọi vết nhơ gây nên đau khổ, con người cần phải được thanh luyện. Nơi thanh luyện đó Giáo Hội định tín là “Luyện ngục” như sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo viết: Điều 1030: “Những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù chắc chắn được cứu độ đời đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đat được sư thánh thiện cần thiết để vào hưởng phúc Thiên đàng”. Và Điều 1031: “Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn là Luỵên ngục. Điều này khác hẳn với hình phạt đời đời của kẻ bị chúc dữ: Hội Thánh công bố giáo lý về Luyện nguc cách riêng trong các Công đồng Flôrence và Trentô. Dựa vào một số đoạn Kinh Thánh, Hội Thánh nói về lửa thanh luyện”  (1Cr 3, 15; 1Pr 1,7) ‘*’.

Vì tình yêu, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và muôn loài, trong đó Người đã dựng nên con người để “thống trị mặt đất” (St 1, 28). Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải đau khổ, “không muốn cho ai bị diệt vong” (2Pr 3, 9). Việc Người sai Con Một xuống chịu đau khổ và chịu chết thảm khốc trên thập giá để cứu nhân loại chứng tỏ điều ấy (“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.” – Mc 8, 31). Một vấn nạn được đặt ra: Với quyền năng vô hạn, Thiên Chúa chỉ cần phán một lời thì nhân loại sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi là nguyên nhân gây ra đau khổ; vậy tại sao Người không làm như thế, mà còn sai Con Một là Đức Giê-su Ki-tô – Đấng Trọn Lành, tinh tuyền không hề một chút bợn nhơ – phải chịu đau khổ và chịu chết như một tội nhân? Mấu chốt vấn đề chính ở điểm này: Nếu chỉ “phán một lời” thì nhân loại sẽ không thấu hiểu được công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, nên đây chính là một mạc khải Mầu nhiệm Cứu độ để loài người “thực mục sở thị” (trông thấy nhãn tiền) mà tin. Đển như vây mà sau 2000 năm vẫn còn quá nhiều kẻ không tin, huống hồ!

Quả thật Đức Giê-su Thiên Chúa “đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” (Kh 1, 5). Tuy nhiên, con người vẫn ngụp lặn trong tội lỗi mà không tự biết, nên muốn rửa sạch tội lỗi rất cần phải có một cuộc thanh tẩy, khổ luyện. Nếu tỉnh ngộ sớm thì cuộc thanh luyện sẽ diễn ra ngay ở trần thế mang tính chủ quan (bản thân tội nhân tự ý thức và chủ động bước vào cuộc khổ luyện để thanh tẩy tội lỗi), còn nếu không tỉnh ngộ sớm thì khi trở về thế giới bên kia sẽ có hai cửa: một là “Hoả ngục – lò lửa không bao giờ tắt” (Mt 5, 22-29; 13, 41-42) dành cho những phạm nhân mắc trọng tội mà không biết hối cải, ở đó họ sẽ phải “khóc lóc nghiến răng” đời đời (Mt 25, 41); còn cửa kia là “Luyện ngục”, nơi dành cho những tội nhân vẫn còn biết hướng thiện, ở đó họ sẽ được thanh luyện “như thể băng qua lửa” (1Cr 3, 15). Vậy thì đau khổ là do con người tự chuốc lấy khi phạm tội, duy chỉ có điều con người có thực sự nhìn ra được tội lỗi của mình hay không mà thôi.

Tất cả tội lỗi của con người ở trần gian có thể quy về một nguyên nhân chính là tính ích kỷ. Ngoại tình ư? Vì tôi muốn thoả mãn cơn thèm khát tình dục của tôi. Gian dối, lừa lọc ư? Cũng chỉ nhằm trục lợi cho bản thân. Trộm cướp ư? Vì tôi muốn không làm mà vẫn có ăn, thậm chí còn trở nên giàu có nữa. Kiêu ngạo ư? Cũng chỉ vì muốn đưa mình lên cao hơn mọi người để bản thân được hường lợi (đứng hàng đầu, ngồi “cỗ nhất”…). Đến như ganh ghét, thù hận, chém giết nhau, rồi khủng bố, chiến tranh … chung quy cũng chỉ là muốn đem về cho mình những lợi lộc (cả vật chất lẫn tinh thần). “Ích kỷ hại nhân” (   : lợi mình hại người) là đương nhiên vậy. Ích kỷ là mưu lợi cho bản thân, nên có thể nói con người chỉ thích “vị kỷ” ( :  vì mình) hơn là “vị tha” ( : vì người), để từ đó sa vòng tội lỗi rồi tự gây nên đau khổ như một án phạt tất yếu. Vì thế nên Hiến chế “Mục Vụ về Giáo Hội” viết: “Mọi sinh hoạt hằng ngày của con người đang lâm nguy vì kiêu ngạo, và lòng ích kỷ thái quá, cần được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ thập giá và sự sống lại của Chúa Ki-tô” (“Gaudium et Spes”, số 37).

Nhưng nếu ích kỷ là nguồn gốc phát sinh tội lỗi, thì tội lỗi lại là cơ hội Thiên Chúa biểu lộ tình thương xót nhân từ không biết mệt mỏi của Người, hầu đưa toàn thể nhân loại đạt tới cùng đích là sự sống đời đời. Quả thật “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”(Lc 5, 31-32). Chính vì thế nên “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20); “Khi từ cõi chết sống lại, Đức Giê-su Ki-tô đã đổ tràn ân sủng trên thế giới tội lỗi”  (Rm 5,21). Do đó, người ta chỉ có thể vào được Thiên Đàng khi họ có đầy tràn tình yêu và không còn chút tính ích kỷ nào nữa. Nắm vững điều này, ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa Lời dạy của Đức Giê-su, khi có người thanh niên – vốn đã giữ rất chu đáo các lề luật – hỏi Người về cách đạt được sự sống đời đời: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”  (Mc 10,21). Điều đó có nghĩa là phải biết yêu thương và thật sự thể hiện tình yêu ấy thì mới được hạnh phúc đích thực là sự sống đời đời.

Người trộm lành trong bài Tin Mừng hôm nay là một ví dụ. Anh đã thể hiện được tinh thần vị tha trong tình yêu ấy. Trong cảnh đau khổ tột cùng (bị treo lên thập giá) nhưng anh không như tên gian phi đối diện chỉ nghĩ tới đau khổ của bản thân và mong được cứu vớt (“Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” – Lc 23, 39). Trái lại, người trộm lành chỉ nghĩ tới đau khổ của Đức Giê-su, thương cho Người bị hàm oan: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”  Chính vì thế, anh đã được Đức Giê-su ân thưởng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Người trộm lành tuy đầy tội lỗi, nhưng cuối cùng tình yêu đã biến anh thành người tốt lành, xứng đáng hưởng hạnh phúc Thiên Đàng, đúng như lời dạy của thánh Phê-rô:“Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4, 8).

Thánh Gio-an Tông đồ đã viết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20). Hiểu được như vậy, người Ki-tô hữu cần phải thực thi những “chứng tá bác ái” bằng hành vi lành thánh như nêu trên, không chỉ trong tháng Cầu Hồn, mà là trong cả năm Phụng vu; hơn thế nữa, trong suốt cả cuộc đời của mình trên hành trình tiến về quê Trời. Ấy cũng bởi vì “cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (GH, 50); “Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn”(Giáo lý HTCG, điều 958). Thật thế, hành vi bác ái cầu cho các linh hồn chính là Tình Yêu, mà Thiên Chúa là Tình Yêu, nên “ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4, 16). Tình yêu đó không chỉ là “cho đi” mà còn là “nhận về” cho chính bản thân mình những lợi ích siêu nhiên, bởi vì “eros và agape – tình yêu nhận về và cho đi – không bao giờ có thể hoàn toàn tách rời.” (Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 7).

Kính nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất chính là thể hiện tình yêu “nhận về” và “cho đi”. Thực thế, chúng ta đã nhận về từ các ngài (tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và nói chung là các đấng tiền nhân) những gia sản từ vật chất tới tinh thần, bổn phận chúng ta là phải biết “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Nói cách khác là bày tỏ lòng hiếu thảo để tưởng nhớ công ơn tiền nhân như một hành vi “báo hiếu” – hành vi bác ái. Hành vi đó không hệ tại nhiều ở những việc bề ngoài bằng ở cường độ tình yêu tích cực bên trong, vì các ngài giờ đây không cần mâm cao cỗ đầy dâng cúng, mà cần những tấm lòng vị tha chia sẻ Tình Yêu Thiên Chúa cho các ngài. Một cách cụ thể là cầu nguyện xin Thiên Chúa thương ban cho các ngài sớm được hưởng phúc trên Thiên quốc, hon là những lễ giỗ, lễ tưởng niệm hoành tráng, tiệc tùng linh đình.

Như vậy là đã rõ, sở dĩ chúng ta cần cầu nguyện cho các đẳng linh hồn là vì các ngài đã mất khả năng tự “lập công chuộc tội” cho mình, mà chỉ trông nhờ vào công đức của chúng ta cầu thay nguyện giúp cho các ngài mà thôi. Vả lại, vì chúng ta cùng sống trong mầu nhiệm “các thánh thông công”, nên việc cầu nguyện cho các ngài thực sự là bổn phận của mỗi người chúng ta – những người đang sống trong Giáo Hội Lữ hành. Chúng ta là các chi thể trong cùng một “thân thể duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô”, nên chúng ta không thể nào làm ngơ giả điếc khi có một chi thể bị đau đớn. Hơn thế nữa, vì tình yêu là món quà vô giá chúng ta đã “nhận về” từ Thiên Chúa, thì không lý gì mà chúng ta lại quên “cho đi” với người anh em đang rất cần sự trợ giúp. Và khi đã “cho đi” như vậy, thì đừng nghĩ rằng mình sẽ mất đi tất cả. Ngược lại, chính sự “cho đi” ấy lại giúp chúng ta “nhận về” gấp bội từ Thiên Chúa, kể cả những tiền nhân nơi luyện ngục khi các ngài đã trở nên tinh tuyền hưởng nhan Thiên Chúa.

Ôi! Lạy Chúa, Thánh Gio-an Tông đồ đã dạy: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,18). Con cảm thấy chính khi con thật sự có tình yêu thì con không sợ đau khổ, mà sẵn sàng đón nhận đau khổ để người khác được hạnh phúc, đồng thời cũng là cách thanh luỵên cho chính bản thân con nên hoàn thiện, hầu được Đức Giê-su Thiên Chúa trìu mến nói với con như với người trộm lành năm xưa: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Ôi! “Lạy Chúa, xin đoái thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, để khi chúng con tin Con Chúa đã từ cõi chết sống lại, thì cũng được vững lòng trông cậy rằng các tôi tớ Chúa sẽ sống lại. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen”(Lời nguyện lễ “Cầu cho các tín hữu đã qua đời” – Lễ Nhất).

Chú thích:  ‘*’ – “Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1Cr 3, 15); “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1, 7).

Bài 3. Hiệp thông với cộng đồng các tín hữu Chúa
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Là việc rất hợp lý, khi chúng ta mừng lễ các thánh ở trên trời ngày hôm qua, thì ngày hôm nay chúng ta lại kính nhớ các linh hồn ở trong luyện ngục. Ðó có thể nói chỉ là hai mặt của một mầu nhiệm, mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Chúng ta tin rằng tất cả những ai đã an nghỉ trong Chúa vẫn còn hiệp thông với cộng đồng các tín hữu Chúa đang sống ở đời này. Hết thảy mọi người còn liên kết với Ðức Yêsu, thì cho dù họ chết hay họ sống, họ vẫn ở trong Thân Thể mầu nhiệm của Người. Và vì thế họ vẫn liên hệ với nhau như các tế bào và bộ phận trong cùng một thân thể.

Mầu nhiệm hiệp thông này, cộng đồng Dân Chúa không bao giờ muốn quên. Ðặc biệt mỗi khi họp nhau cử hành phụng vụ, những người sống vẫn nhớ đến những anh em đã ra đi trước về đời sau. Trong số những người này, theo quan niệm thông thường, một phần giờ đây đang ở trên Thiên quốc, tức là đã xứng đáng ở trước mặt Chúa, diện đối diện; phần còn lại đang chờ được tinh luyện thêm để đáng được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa mà không phải hổ ngươi.

Người ta phân chia ra như vậy căn cứ vào lòng tin đánh giá rất cao sự thánh thiện của Thiên Chúa và sự yếu đuối của con người trong cuộc sống ở trần gian này. Nhưng chẳng ai có thể biết tỷ lệ giữa hai thành phần như thế nào. Chỉ biết đang khi Lời Chúa mạc khải về số các thánh trên trời thì nhiều không thể đếm được, chẳng có mạc khải nào về số các tín hữu ở trong luyện ngục. Ðó có thể là một điều phấn khởi cho chúng ta mỗi khi nghĩ đến số phận anh em đã ra đi trước chúng ta về đời sau. Hơn nữa, chúng ta còn có những bài sách Thánh như Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cho phép chúng ta nghĩ về thế giới các linh hồn với lòng đầy tin tưởng.

A. Chúa Sẽ Tế Ðộ

Thật vậy, ngay Isaia cũng đã rao giảng cho Dân Chúa một niềm tin vô cùng phấn khởi. Có lẽ bấy giờ ông chỉ thấy Yêrusalem tiêu điều tang tóc vì bị quân thù tàn phá. Ông đã nói lên những lời tiên tri của Chúa để Dân đang khóc lóc tin tưởng vào Ðấng có thể tế độ. Ông nhìn thấy Chúa sẽ thết muôn dân một tiệc linh đình trên núi Sion. Các nước sẽ đổ về. Tiệc đầy cao lương. Rượu hãm từ lâu. Không còn thấy ưu sầu tang tóc nữa. Mọi người được lau sạch nước mắt. Dân Người hết mọi tủi nhục. Và đặc biệt nhất chính tử thần cũng bị vùi đi.

Như đã nói, có lẽ lúc đầu Isaia chỉ muốn đem lại cho con cái Yêrusalem một niềm tin vào sự thay đổi vận mạng trong một tương lai gần. Nhưng Thánh Thần đã đưa tâm trí ông đi thật xa và đã hướng dẫn tư tưởng ông về thời cánh chung, ông không nói riêng về vận mạng Yêrusalem nữa; nhưng đã nhìn thấy tương lai cuối cùng của moị dân tộc. Chúa sẽ ngự xuống trên Núi Thánh của Người để tế độ mọi dân nước. Người làm như một hoàng đế lớn mở tiệc đãi muôn dân thiên hạ, vì chính Người đã giơ tay gỡ đi cái khăn liệm phủ khắp muôn dân và cái màn sô đan khắp các nước, đã từng che mắt con người khi còn sống và phủ lên thân thể họ khi đã chết. Người sẽ vùi dập tử thần, là kẻ thù cuối cùng của con người. Người sẽ ban lại cho nhân loại nhục nhã và khóc lóc vì tội lỗi, vẻ mặt hân hoan sáng sủa của dân được cứu độ.

Viễn tượng ấy thật là táo bạo. Người ta không thể nghĩ ra được. Ðó thật là mạc khải của Chúa. Người cho chúng ta thấy lòng thương bao la của Người. Và cả quyền năng cao cả của Người nữa, vì không oai hùng và kỳ diệu sau khi vùi dập được tử thần, nhấc được khăn tang che khắp mặt đất, làm cho nhân loại khóc than, tủi hổ được hân hoan tươi sáng? Chắc chắn Isaia có thể tin như vậy là vì ông biết Chúa là Ðấng tín thành sẽ giữ mọi lời giao ước. Ngay từ ngày gọi Abraham, Người đã chẳng hứa sẽ chúc phúc cho dòng dõi của ông và muôn dân thiên hạ sao? Quang cảnh thời cánh chung mà Isaia mô tả trong bài sách hôm nay đã tựa vào Lời Chúa và vào chính Người. Thế nên ông đã kết thúc bằng những câu:

“Trong ngày ấy, người ta sẽ nói: này đây Thiên Chúa của ta; chính nơi Người, ta trông cậy… Ta hãy hân hoan sung sướng trong ơn tế độ của Người”.

Tuy nhiên, đối với chúng ta hiện nay, niềm tin vào hạnh phúc mai ngày còn có những cơ sở rõ ràng và chắc chắn hơn nữa, mà bài Tin Mừng hôm nay là một. Chúng ta hãy nghe Lời Chúa theo tác giả Yoan.

B. Người Ta Sẽ Ðược Sống Ðời Ðời

Theo mạch văn, hôm ấy Ðức Yêsu đang nói với người Do Thái về Bánh hằng sống… Họ đã đến tìm Người vì hôm trước thấy phép lạ Người nuôi mấy ngàn dân với 5 cái bánh và 2 con cá. Người bảo họ hãy tìm kiếm Bánh hằng sống chứ đừng chỉ lo có bánh ăn vào rồi lại đói. Họ xin Người giới thiệu thứ Bánh ban sự sống muôn đời đó. Và Người đã làm cho họ hiểu: Bánh đó là chính Người đã được Chúa Cha sai đến trần gian. Người đã nói lời hằng sống cho họ. Họ hãy tin và giữ Lời Người để được sống muôn đời.

Nhưng Bánh hằng sống cũng còn là chính Người nơi mầu nhiệm Thịt và Máu Người… Ðó là điều Người muốn tuyên bố trong đoạn Tin Mừng Yoan hôm nay.

Ðối với chúng ta đã có đức tin, những lời này thật là sáng sủa. Nhưng đối với người Do Thái thời bấy giờ và người chưa có đức tin ngày nay, đó là những lời rất sống sượng. Ai mà chấp nhận được? Trước hết, ai có thể lấy thịt máu mình cho người khác ăn? Họa chăng chỉ có nơi những bộ lạc man rợ ăn thịt người. Và cho dù có như vậy đi nữa, thì kết quả cũng chẳng thể nào có sự sống đời đời.

Thế nên, ở đây Ðức Yêsu đã không nói theo nghĩa đen. Chẳng bao giờ Người nghĩ đến chuyện có thể đem máu thịt trong thân thể hữu hình của Người cho người ta làm của ăn và của uống. Tuy nhiên khi nói như vậy, Người đã chắc chắn sẽ ban Thịt Máu của Người cho người ta. Và Người đã làm điều đó trong cuộc tử nạn. Người đã nộp mình và đổ máu ra vì phần rỗi của mọi người.

Cụ thể, việc ấy đã xảy ra một lần trong lịch sử, bởi vì Ðức Yêsu chỉ có một thân thể hữu hình thôi. Thân thể thịt máu ấy, Người đã ban cho nhân loại khi chấp nhận chịu nộp trong tay lý hình để chúng làm cho Người phải đổ máu ra cho đến giọt cuối cùng. Nhưng vì là Thiên Chúa, Người còn làm được việc mà chẳng con người nào có khả năng làm. Người có thể làm cho việc ban Thịt và Máu cho loài người vượt ra khỏi khuôn khổ thời gian và không gian.

Quả vậy, chiều tối trước ngày chịu nạn, Người đã ngồi bàn ăn với môn đệ. Và trong bữa ăn này Người đã cầm lấy bánh rượu đưa cho môn đệ và bảo họ hãy cầm lấy mà ăn mà uống vì đó là Mình và Máu Người sẽ bị nộp và sẽ đổ ra vì phần rỗi của loài người. Lúc ấy, Lời Người nói trong đoạn Tin Mừng hôm nay mới rõ ràng. Người ta mới thấy làm sao Người có thể ban Thịt và Máu Người làm của ăn của uống. Và bí tích Thánh Thể này ban sự sống, vì Mình Máu Chúa ban nơi đây là để chịu nộp và đổ ra trong mầu nhiệm Thánh giá vì phần rỗi của loài người.

Chúng ta tin như vậy và không cần giải thích thêm. Chúng ta chỉ cần lưu ý một điểm: Chúa đã ban Thịt Máu Người không những cho người ta được sống, sống sự sống Thiên Chúa, mà còn cho được sống đời đời, là sống mãi mãi; không phải sống sự sống trần gian nhưng là sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chính tư cách trường sinh này làm cho “Bánh hằng sống” của Chúa ban khác với mọi lương thực khác, kể cả manna mà người Do Thái đã được ăn nơi sa mạc, vì những kẻ ăn manna cũng đã chết; nhưng những người ăn Bánh của Chúa sẽ được sống muôn đời. Và để khẳng định rõ hơn, Người đã nói: Người sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết; nghĩa là Mình-Máu Chúa không giữ người ta trong sự sống ở đời này, mà chỉ đảm bảo sự sống đời đời của họ. Hiện nay sự sống ấy còn bị che giấu trong thân xác của họ, nhưng khi xác đất vật hèn này đã bỏ sự hư nát đi, sự sống ấy sẽ tỏ hiện và tồn tại muôn đời.

Ðó là niềm tin của chúng ta. Nó củng cố và giải thích niềm tin của Isaia cũng như của mọi người công chính. Ai ai cũng muốn sự sống đời đời và hạnh phúc trường sinh. Nhưng phải đợi Chúa Yêsu đến đem lại bảo chứng cho lòng trông đợi của người ta. Người thí mạng sống mình để tiêu diệt tội lỗi và sự chết. Việc phục sinh của Người làm chứng Thiên Chúa đã vùi dập tử thần và cất nhắc chiếc khăn tang trùm trên các nước. Người ban Thịt Máu Người cho chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể để chúng ta được sự sống đời đời ngay từ bây giờ. Chúng ta hãy đón nhận, giữ lấy và phát triển cho đến ngày đi vào cõi trường sinh. Bao giờ và thế nào?

Chúng ta hãy nghe lời thư Phaolô.

C. Anh Em Hãy Ở Kiên Vững

Các người Corinthô nói riêng và mọi tín hữu thời thánh Tông đồ nói chung đã có niềm tin như chúng ta. Họ tin rằng Lời Chúa hứa ban sự sống đời đời cho mọi kẻ ăn Thịt và uống Máu Người. Nhưng nhiều tín hữu của Chúa đã qua đời. Những người đang sống cũng sẽ chết nếu Chúa không mau trở lại vùi dập tử thần đang đe dọa đời sống con người. Phải hiểu Lời Chúa hứa làm sao?

Thú thật, thánh Phaolô bấy giờ cũng có lúc tưởng Ngày Chúa đến không còn xa. Về sau ngài không nghĩ như vậy nữa. Nhưng ngay từ đầu, ngài đã khẳng định không ai có thể đi vào sự sống đời đời với cái thân xác hư nát hiện nay. Nó phải biến đổi. Thân xác những anh em tín hữu đã qua đời đang biến đổi rồi. Thân xác những người đang sống mà gặp Ngày Chúa đến cũng sẽ biến đổi. Nó phải bỏ sự hư hoại để mặc lấy sự bất tử. Chúng ta không hiểu được sự biến đổi này thế nào. Nhưng chắc chắn sẽ có sự trường sinh, vì “nọc của sự chết là tội, mãnh lực của tội là Lề luật”; thế mà tạ ơn Thiên Chúa, Người đã ban cho chúng ta toàn thắng tất cả nhờ Ðức Yêsu Kitô. Chính Người đã giải thoát chúng ta khỏi Luật pháp, cứu chuộc ta khỏi tội lỗi, và toàn thắng sự chết cho chúng ta trong mầu nhiệm tử nạn – phục sinh. Thế nên ở nơi Người, chúng ta có sự sống đời đời – Người thông ban cho chúng ta nơi Bí tích Mình Máu Người. Chúng ta hãy kiên vững!

Lời khuyên này an ủi chúng ta ngày hôm nay khi nhớ đến các tín hữu đã qua đời. Chúng ta không chắc chắn về số phận cụ thể của họ bây giờ như thế nào. Nhiều người lại là thân bằng quyến thuộc của chúng ta. Nhưng chúng ta có niềm tin. Chúng ta tin vào Lời Chúa hứa ngay từ thời các tổ phụ Dothái, mà bài sách Isaia hôm nay còn nhắc lại. Ðặc biệt chúng ta tin vào Lời Chúa Yêsu Kitô. Các anh em tín hữu của chúng ta đã tin theo Chúa và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể là Bánh ban sự sống đời đời, thì chúng ta tin họ đang chờ ngày sống lại, trong ngày sau hết. Và khi tin như vậy, chúng ta thấy rõ nghĩa vụ hiện nay của mình; vừa phải năng chịu lấy Mình Máu Thánh Chúa cho mình, vừa phải cậy trông Bí tích tử nạn – phục sinh có sức tế độ các linh hồn đã qua đời. Nhất là chúng ta phải chứng tỏ sức mạnh của Lời Chúa và của Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận bằng nếp sống phù hợp hơn với mầu nhiệm thánh giá cứu độ của Chúa Yêsu Kitô. Chính khi có nếp sống như vậy mà nghĩ đến các tín hữu đã qua đời để dâng lễ và cầu nguyện cho họ, thì chúng ta chắc chắn Chúa sẽ cất khăn tang đang phủ trên họ và lau sạch nước mắt cho họ để họ được mừng rỡ trong ánh sáng của sự sống trường sinh.

Với những tâm tình như vậy, chúng ta hôm nay hãy dâng lễ và cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, đặc biệt cho bà con quyến thuộc và bằng hữu của chúng ta.

Bài 4. Xin nhớ đến tôi
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Người ta kể rằng: Có một người duy nhất sống sót trong một tai nạn đắm tàu và trôi dạt trên một hoang đảo nhỏ. Kiệt sức, nhưng cuối cùng anh đã gom được những mẫu gỗ trôi dạt và tạo cho mình một túp lều nhỏ để trú ẩn và cất giữ một vài đồ đạc còn sót lại. Ngày ngày anh nhìn về chân trời cầu mong được cứu thoát, nhưng dường như vô ích.

Thế rồi một ngày, như thường lệ anh rời khỏi chòi để tìm thức ăn trong khi bếp lửa trong lều vẫn cháy. Khi anh trở về thì túp lều nhỏ đã ngập trong lửa, khói cuộn bốc lên trời cao. Ðiều tồi tệ nhất đã xảy đến. Mọi thứ đều tiêu tan thành tro bụi. Anh chết lặng trong sự tuyệt vọng: “Sao mọi việc lại thế này lại xảy đến với tôi hở trời!”.

Thế nhưng, rạng sáng hôm sau, anh bị đánh thức bởi âm thanh của một chiếc tàu đang tiến đến gần đảo. Người ta đã đến để cứu anh. “Làm sao các anh biết được tôi ở đây?” – Anh hỏi những người cứu mình. Họ trả lời: “Chúng tôi thấy tín hiệu khói của anh”.

Những người đã chết cũng đang sống trong hoài bão chờ mong. Họ chờ mong có ai đó nhớ đến họ. Họ chờ mong có ai đó cứu thoát họ. Họ đã bị âm dương xa cách ngàn trùng. Cuộc đời của họ đã trôi dạt vào một bến bờ xa lắc. Không lối thoát. Không tự mình cứu mình. Họ chỉ còn trông mong nơi những người còn sống.

Người thanh niên trên đảo đã vô tình đốt lều tạo thành khói lửa báo hiệu cầu cứu. Những người đã chết theo những mạc khải tư họ vẫn hiện về với lửa, với nóng, với lời cầu xin “xin cứu giúp họ”. Những ánh lửa vẫn là lời mời gọi con người hãy nhớ đến những người đã khuất. Họ đang chịu sự hình phạt do tội mình gây nên. Họ đang phải thanh luyện nên hoàn hảo hơn. Thế nhưng, họ bất lực vì không thể làm gì khác hơn để cứu mình. Họ mong chúng ta hãy cứu giúp họ.

Trong bí mật Fatima chúng ta cũng thấy: Mẹ Maria đã mạc khải qua lời chị Lucia như sau:

“Đức Mẹ đã tỏ cho chúng con thấy một biển lửa lớn, dường như ở dưới lòng đất. Ma quỉ và các linh hồn dưới hình người bị chìm ngập trong lửa này, giống như những cục than hồng thông suốt, hoàn toàn như thỏi đồng đen đủi hay bóng láng, bập bềnh trong một đám cháy rực lửa, lúc thì bị tung lên không trung bởi những ngọn lửa xuất phát từ chính mình họ cùng với những đám khói cả thể, lúc thì bị rớt một cách nhẹ bỗng xuống khắp nơi như những tia lửa của một đám cháy khổng lồ, với những tiếng la thất thanh và rên xiết đớn đau tuyệt vọng, khiến chúng con kinh khiếp và rùng mình sợ hãi. Có thể nhận ra đám ma quỉ bằng những hình thù rùng rợn và ghê tởm giống các con thú kinh khiếp chưa từng thấy. đen ngòm và thông suốt. Thị kiến này kéo dài trong giây lát. Chúng con làm sao có thể tỏ lòng biết ơn cho đủ đối với Người Mẹ thiên đình nhân ái của chúng con, Đấng mà trong lần hiện ra thứ nhất đã sửa soạn trước cho chúng con bằng lời hứa sẽ đem chúng con về thiên đàng. Bằng không, con nghĩ rằng chúng con sẽ chết đi vì sợ hãi và kinh hoàng.

Tháng 11 giáo hội mời gọi chúng ta nhớ tới những người thân yêu của chúng ta đã ly trần. Họ có thể là ông bà, cha mẹ của chúng ta. Họ có thể là bằng hữu của chúng ta. Họ cũng có thể là những người đã gây nên không biết bao nhiêu đau khổ cho chúng ta. Họ đã hối hận nhưng không còn cơ hội sửa lỗi hay lập công. Họ đang trải qua ngọn lửa thanh luyện để được xứng đáng vào dự yến tiệc Con Thiên Chúa.

Theo giáo lý về luyện ngục, Giáo hội cũng khẳng định: “Tất cả những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, mặc dù chắc chắn được cứu độ đời đời, còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, nhằm đạt được sự thánh thiện cần thiết để vào hưởng phước Thiên Ðàng. Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn là luyện ngục. Ðiều này khác hẳn với hình phạt đời đời” (các số 1030-1031).

Vậy chúng ta có thể làm gì cứu giúp các linh hồn?

Trong sách Macabêô II, 12: 25, tác giả nói rằng việc nhìn nhận phần thưởng dành cho những người an nghỉ cách đạo đức mang ý nghĩa lành thánh; do đó ông Yuda ‘đã xin dâng lễ tế cầu ơn xá tội cho những linh hồn người chết để họ được tha thứ tội lỗi”.

Mỗi người chúng ta đều có những người rất thân yêu đã ly trần. Họ chỉ mong chờ chúng ta một lời kinh, một thánh lễ,một việc lành thay cho họ. Họ đang nói với chúng ta “Xin đừng quên tôi”. Xin cho chúng ta biết dùng tháng 11 như là một tháng đền ơn đáp nghĩa những người đã yêu thương chúng ta mà nay đã ly trần bằng việc nhớ và cầu nguyện cho họ. Amen

Bài 5. Dụ ngôn cây chuối
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Có một cậu bé hỏi bố rằng:

“Bố ơi, trong cuộc đời của một cây chuối nó sinh ra được bao nhiều buồng?”

“Chỉ một buồng duy nhất.” – Bố tôi trả lời.

Cậu nhỏ ngạc nhiên về câu trả lời của bố. Nó cứ đinh ninh trong cuộc đời của mình một cây chuối ít nhất cũng phải cho vài buồng quả.

“Khi buồng chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ chết đi.” – Bố nói thêm.

Thực vậy, nếu có dịp quan sát một cây chuối mang một buồng quả chín ta sẽ thấy: Lá của cây chuối mẹ héo rũ và xác xơ, và thân của nó oằn xuống như sắp gãy vì nó phải mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu quả. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống.

Trong quá trình nuôi buồng chuối, cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhất của mình – chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá – để dồn cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt.

Hóa ra lâu nay hàng ngày tôi vẫn ăn chuối và thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy một bụi chuối mà không hề hay biết cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh đẹp về sự hy sinh.

Cây tốt lại sinh trái tốt. Cây chuối từ đời này đến đời kia cứ tiếp tục dâng hiến, hy sinh để cho một mần sống mới phát triển. Phẩm chất của cây chuối không chỉ là thơm ngon, là chất bổ dinh dưỡng mà còn là bài học quý báu của tình yêu hy sinh đến quên cả tính mạng mình. Đó là mẫu gương của sự hy sinh, của tình yêu bất diệt.

Tháng 11 là dịp để chúng ta nhớ tới biết bao hy sinh của những bậc làm cha mẹ đã quên mình vì chúng ta. Họ đã đánh đổi cuộc đời cho chúng ta sự sống, cho chúng ta tiếng cười và bình an. Họ đã một cuộc đời tận hiến thân mình như cây chuối chỉ mong mang lại cho đời trái chin thơm ngon và chấp nhận gục ngã theo số phận an bài.

Vâng, khi nói đến cha mẹ, chúng ta không thể quên những hy sinh mà các ngài đã dành cho chúng ta. Điều này đã thể hiện qua biết bao ca từ của lời hát, của những câu ca. Văn học luôn phát triển cùng với những vần thơ ca tụng về tình cha tình mẹ. Và có lẽ, từ bé đến già, không nhiều thì ít, ai cũng cảm thấy thấm thía ơn đức cao cả của mẹ cha:

“Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ song thân”.

“Biết thờ song thân”, thờ trong khi sống, thờ sau khi chết, thờ thế nào cho phải đạo làm con, cho xứng đáng phần nào công lao tảo tần nuôi con của mẹ:

“Nuôi con buôn tảo bán tần

Chỉ mong con lớn nên thân với đời

Những khi trái nắng trở trời

Con đau làm mẹ đứng ngồi không yên

Trọn đời vất vả triền miên,

Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con”.

Thế nên, nếu so sánh công đức của mẹ hiền như non cao cũng chưa xứng đáng:

“Ai rằng công mẹ như non

Thực ra công mẹ lại còn lớn hơn”.

Tình thương của cha mẹ thật lớn lao. Tình thương ấy thật bao la, bát ngát, nên mỗi khi mẹ cất tiếng ru con thì đời con thêm tươi sáng:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi mẹ dắt con đi,

Con đi trường học mẹ đi trường đời”.

Vậy, những tình yêu mà cha mẹ dành cho chúng ta, các ngài cần gì nơi chúng ta? Chắc chắc không phải là tiền bạc, vì tiền bạc các ngài dành giụm để cho chúng ta. Chắc chắc đó không phải là danh vọng, vì tuổi gìa chẳng còn ham muốn những tham sân si của dòng đời. Các ngài cần tình yêu của chúng ta qua sự chăm sóc, thăm nom của chúng ta khi các ngài còn sống. Niềm mơ ước đó đã thể hiện qua những lời mẹ ru con:

“Ai về tôi gửi buồng cau,

Buồng trước kính Mẹ, buồng sau kính Thầy.

Ai về tôi gửi đôi giầy,

Phòng khi mưa gió để Thầy Mẹ đi”.

Trong đạo hiếu đôi khi những người con còn dám chấp nhận hy sinh hạnh phúc, hy sinh cuộc đời riêng tư của mình, một lòng chỉ quyết phụng dưỡng mẹ cha:

“Ơn hoài thai, to như bể!

Công dưỡng dục, lớn tợ sông!

Em nguyện ở vậy không chồng,

Lo nuôi cha mẹ hết lòng làm con”.

Không chỉ ở nhà mới phụng dưỡng cha mẹ mà ngay cả khi sang nhà chồng hay khi làm ăn nơi xa vẫn một niềm lắng lo, vẫn canh cánh bên lòng một cuộc đời già nua của cha mẹ:

“Chim đa đa đậu nhánh đa đa,

Chồng gần không lấy, để lấy chồng xa.

Mai sau cha yếu, mẹ già.

Bát cơm đôi đũa, kỹ trà ai dâng?

Lòng thảo hiêu ấy được tỏ bày một cách chân thành khi các ngài đã qua đời, luôn cầu nguyện, thắp hương tưởng nhớ mẹ cha.

Giáo Hội Công Giáo mời gọi chúng ta lấy tinh thần thảo hiếu của người Việt vào trong đời sống tôn giáo bằng việc dùng tháng 11 như là tháng ân hiếu mẹ cha.

Đạo hiếu luôn dạy chúng ta “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đạo hiếu luôn nhắc nhở chúng ta phải tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ. Xin cho chúng ta luôn sống thảo hiếu với cha mẹ. Khi còn sống biết kính trọng vâng lời. Khi các ngài đã qua đời luôn nhớ đến các ngài trong kinh tối, kinh sáng và trong thánh lễ hằng ngày. Amen./.