Bình An Là Hoa Trái Của Yêu Thương

Các bài đọc Kinh Thánh Chúa Nhật XIV Năm C hôm nay cho chúng ta thấy một chủ đề xuyên suốt, đầy hy vọng: Bình An. Từ lời tiên tri của ngôn sứ Isaia về sự trở về vinh quang của Israel - nơi Giêrusalem được ví như một người mẹ ban sự sống mới; cho đến Thánh vịnh đáp ca rộn ràng tiếng ca ngợi công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Tất cả đều vẽ nên một bức tranh về sự bình an tuôn chảy như dòng sông. Đó là một lời mời gọi sống vui tươi và tích cực, trong hiện tại và cả tương lai.

Thế nhưng, khi nhìn vào thế giới hôm nay, ta không khỏi trĩu nặng. Những cuộc nội chiến dai dẳng, xung đột quân sự giữa các quốc gia, rồi cả những cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ đang diễn ra đã đẩy thế giới vào một trạng thái hỗn loạn, bất an. Nỗi lo sợ về một Chiến tranh Thế giới thứ ba không còn là viễn cảnh xa vời. Hòa bình dường như quá đỗi mong manh. Trong bối cảnh ấy, lời chúc bình an của Chúa Giêsu qua Thánh sử Luca "Bình an cho nhà này!" nhắc nhở chúng ta, những người Kitô hữu, được mời gọi không chỉ sống trong bình an mà còn phải rao giảng Tin Mừng bình an cho thế giới.

Chúa Giêsu đã sai 72 môn đệ đi trước Ngài, từng hai người một, để loan báo Tin Mừng. Điều này không chỉ giới hạn ở Mười Hai Tông đồ. Đây là một lời nhắc nhở sâu sắc rằng sứ mệnh loan báo Tin Mừng không phải là trách nhiệm riêng của các linh mục hay tu sĩ, mà là của tất cả chúng ta, những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Tôi tự hỏi, liệu có phải đôi khi chúng ta quá dễ dàng "ủy thác" nghĩa vụ này cho người khác? Chúng ta mong có nhiều linh mục, tu sĩ thánh thiện dâng mình cho Chúa, phục vụ Giáo Hội. Và rồi chúng ta đôi khi quên khuyến khích con cái mình dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân. Làm sao binh an của Chúa có thể lan tỏa nếu chúng ta không chủ động mang nó đến? Vậy làm thế nào để chúng ta thực sự mang lại bình an cho chính mình cũng như những người sống xung quanh chúng ta?

Bước đầu tiên để chữa lành mọi đổ vỡ là rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Lời Chúa có sức mạnh biến đổi tâm hồn, mời gọi sám hối. Nhiều người đang lạc lối trong những ảo tưởng về hạnh phúc vật chất, để rồi chuốc lấy những mối quan hệ tan vỡ. Lời Chúa, khi được chia sẻ với đức tin và lòng xác tín, có thể mở lòng những ai đang khao khát bình an đích thực. Đôi khi, chỉ cần một lời chia sẻ chân thành từ Kinh Thánh cũng đủ để Thiên Chúa chạm đến những tâm hồn đang đau khổ.

Chúa Giêsu không chỉ rao giảng mà còn chữa lành. Chữa lành không chỉ về thể chất, mà còn là tâm trí, trái tim và linh hồn. Sự chia rẽ trong xã hội, trong gia đình, và sâu xa hơn là trong mỗi cá nhân, đều bắt nguồn từ những vết thương bên trong. Bí tích Hòa giải là một món quà vô giá, giúp chúng ta hàn gắn mối quan hệ với Thiên Chúa và với anh chị em. Khi tâm hồn được chữa lành, thân xác cũng thường tìm thấy bình an. Vì vậy, việc loan báo Tin Mừng phải đi đôi với các thừa tác vụ mang lại hy vọng và một vòng tay rộng mở đón nhận bất cứ ai bước về với gia đình giáo hội,  đặc biệt là thông qua tình bạn. Chúng ta cũng có thể đưa bạn bè của mình đến với Chúa Giêsu thông qua tình bạn của chúng ta với họ. Khi chúng ta là những người bạn chân thành, lời nói và việc chia sẻ đức tin của chúng ta dễ được đón nhận hơn vì họ biết chúng ta nói từ tình yêu, không có ý định cải đạo. Do đó, chúng ta nên tự hỏi: lần cuối cùng tôi mời ai đó đến nhà thờ, hay chia sẻ kinh nghiệm về Thiên Chúa của chúng ta, hay Lời của Ngài là khi nào? Nếu chúng ta không mời bạn bè mình biết Thiên Chúa, điều đó có nghĩa là chúng ta không yêu họ đủ để quan tâm đến đời sống tâm linh và sự cứu rỗi của họ, hoặc chúng ta không thực sự yêu Thiên Chúa đủ để nghĩ rằng Ngài xứng đáng được giới thiệu. Vậy thì, hãy chia sẻ niềm vui, bình an và tình yêu của chúng ta bằng cách chia sẻ Chúa Giêsu với họ. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể mang lại sự bình an thực sự, ngay cả giữa những lo lắng và đau khổ của chúng ta.

Chúng ta không thể rao giảng Tin Mừng bằng sức riêng. Chuyên cần cầu nguyện và sự phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa là điều cốt yếu. Chúa đã dạy các môn đệ đừng mang theo gì, hãy hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài. Hoa trái của thừa tác vụ không đến từ nỗ lực của chúng ta, mà là kết quả của sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Để trở thành một chứng nhân đáng tin, tôi cần phải gần gũi với Chúa mỗi ngày qua Lời Ngài, chiêm ngắm Thánh Nhan Ngài và đón nhận Ngài trong các Bí tích.

Cuối cùng, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi từng cặp. Điều này nhắc nhở chúng ta không làm việc một mình. Trong thế giới đầy thách thức, nơi chúng ta có thể đối mặt với sự từ chối, chế giễu hay thậm chí bắt bớ, việc đồng hành cùng anh chị em trong một cộng đoàn đức tin là vô cùng quan trọng. Sức mạnh đến từ sự hiệp nhất. Khi cùng nhau chia sẻ những tài năng mà Thiên Chúa đã ban, chúng ta sẽ tìm thấy can đảm để mang hy vọng, niềm vui và bình an của Tin Mừng đến cho mọi người. Bởi vì chúng ta biết rằng Chúa Kitô luôn ở cùng chúng ta.

TVTH