Nước Thiên Chúa – Giêrusalem Mới

Giữa những thăng trầm của cuộc đời và những khắc nghiệt của thế giới, khát vọng về một thực tại vĩnh cửu, một nơi an bình và hạnh phúc tuyệt đối luôn nhen nhúm trong trái tim nhân loại. Đối với người Kitô hữu, niềm hy vọng ấy được cụ thể hóa trong hình ảnh Nước Thiên Chúa, một vương quốc của tình yêu, công lý và bình an. Nước Thiên Chúa được ví như thành đô Giêrusalem Mới được hé mở từ những thị kiến kì diệu trong sách Khải Huyền.

Sứ mệnh của Chúa Giêsu ở trần gian là loan báo về Nước Thiên Chúa. Sau khi về trời, Ngài đã sứ mạng đó cho các môn đệ. Tiếp nối con đường của Thầy, các môn đệ cũng hiểu rằng hành trình vào Nước Thiên Chúa không trải đầy hoa hồng. Thế nhưng, vì lòng yêu mến son sắt vào Chúa và niềm tin vào Nước Chúa đã thúc đẩy Phao-lô và Banaba không quản ngại khó khăn, đi khắp các thành để rao giảng, vui vẻ chấp nhận mọi gian khổ vì danh Chúa. Những đòn vọt, tù ngục, sự chống đối quyết liệt không thể dập tắt ngọn lửa nhiệt huyết trong trái tim các ngài. Chính trong sự kiên trì chịu đựng và niềm vui khi chia sẻ Tin Mừng, vinh quang của Nước Thiên Chúa đã chiếu rạng. Hơn thế nữa, hai vị tông đồ không chỉ củng cố đức tin cho những người đã tin mà còn mở rộng cửa đón nhận những người ngoại đạo (Cv 14,27), làm cho vinh quang của Thiên Chúa được lan tỏa. Các ông cũng đã quên mình và số phận “khổ sở” của mình để khích lệ tâm hồn các môn đệ: “"chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa" (Cv 14,22).

Viễn tưởng về Nước Thiên Chúa được ví như Giêrusalem Mới là hình ảnh mà thánh Gioan đã được Thiên Chúa cho thấy trước. Giêrusalem cũ đã nhường chỗ cho Giêrusalem Mới là hội thánh. Và Chúa đã hứa ở cùng Hội thánh hằng ngày cho đến tận thế, nên Người là Thiên Chúa ở cùng Hội thánh và là đức lang quân của Hội Thánh. Trong thành mới này, “sẽ không còn sự chết, tang tóc, kêu than hay đau khổ nữa” (Kh 21,4). Thiên Chúa sẽ đích thân lau khô dòng lệ trên mắt họ, và Ngài tuyên bố một lời hứa đầy hy vọng: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Viễn cảnh này trở thành niềm hy vọng cho mọi Kitô hữu trên hành trình đức tin, giúp họ vượt qua những khó khăn hiện tại và hướng đến một tương lai tràn đầy niềm vui và bình an vĩnh cửu.

Tuy nhiên, để có thể bước vào Nước Thiên Chúa vinh hiển ấy, Đức Giêsu đã truyền một điều kiện tiên quyết: “Thầy ban cho anh em điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đây cũng là tâm huyết của Thầy Giêsu muốn huấn luyện và chia sẻ tình yêu với các môn đệ. Hơn nữa, tình yêu Thiên Chúa là căn tính của người môn đệ Đức Giêsu và chính khi con người sống yêu thương nhau, vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện cách rõ ràng nhất. Vì lý do này, mà Đức Giê-su nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Nước Thiên Chúa không phải là một nơi nào xa xôi, nhưng là một thực tại hiện hữu ngay trong đời sống thường ngày. Khi người ta yêu thương nhau, thì chính lúc đó nước Thiên Chúa đang hiện diện. Tuy nhiên, nhiều môn đệ của Chúa đã quên hay phớt lờ hoặc cảm thấy khó khăn để thực hiện điều này. Vì yêu thương đòi hỏi người ta hy sinh nhiều thứ, và thay vì đi tìm nước Thiên Chúa, họ lại tìm cho mình những giá trị nơi trần gian.

Viễn tưởng về Gierusalem Mới mang đến niềm hy vọng cho cùng đích đời sống của con người, điều quan trọng là chúng ta đáp trả thế nào trước lời mời gọi của Chúa. Lạy Chúa, xin ban cho chúng ơn ơn đức tin để chúng con biết dâng lên lời tạ ơn Ngài vì muôn ơn huệ mà Ngài ban và nhất là lời hứa Nước Trời cho chúng con. Xin Chúa khơi dậy nơi chúng con lòng bác ái yêu thương để chúng con sống trọn vẹn căn tính là môn đệ của Ngài, hầu được hưởng phúc Thiên đàng mai sau. Amen.

Anna Hợp Nguyễn