Trong đời người, không ai tránh khỏi những lần vấp ngã và phải đối diện với sự phán xét của người đời. Hơn hai ngàn năm trước, người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng Gioan cũng phải đối diện với một cuộc phán xét. Cô đứng giữa sự phán xét của thế gian và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Cô đứng giữa sự giằng co của tội lỗi và ân sủng. Cô đứng ở giữa một khoảnh khắc quyết định, nơi mà chỉ có tình yêu và sự tha thứ mới có thể giải thoát cô khỏi mọi đau khổ và nhục nhã. Hình ảnh người phụ nữ ngoại tình năm xưa nói gì với mỗi người chúng ta hôm nay?
Theo truyền thống Do Thái, một người phụ nữ ngoại tình có thể bị ném đá chết, vì đây là một trong những tội nghiêm trọng theo Luật Môsê (Lv 20,10; Đnl 22,22). Những người Pharisiêu và Luật sĩ đã bắt gặp người phụ nữ này trong tình trạng phạm tội ngoại tình và kéo cô đến trước Đức Giêsu. “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? (Ga 8, 4-5). Đức Giêsu đã làm gì? Ngài không lập tức trả lời những người chất vấn mình. Ngài cúi xuống và viết gì đó trên mặt đất. Sự im lặng và hành động này của Đức Giêsu chính là một lời mời gọi. Ngài mời gọi những người đang đứng đó nhìn nhận tội lỗi của họ trước khi phán xét người khác. Ngài nói: "Ai trong các ngươi sạch tội, thì hãy ném đá cô ấy trước đi" (Ga 8,7). Đức Giêsu không phủ nhận tội lỗi của người phụ nữ, nhưng Ngài làm rõ rằng mỗi người đều mang trong mình những tội lỗi riêng, và không ai có quyền lên án người khác khi chính mình cũng không hoàn hảo.
Người phụ nữ lúc này đang “đứng ở giữa”, cô đối diện với một bên là những kẻ lên án mình và một bên là Đức Giêsu - Đấng có quyền tha thứ tội lỗi. Thế nhưng, không chỉ có người phụ nữ "đứng ở giữa" mà còn có cả đám đông đang vây quanh cô. Với khuôn mặt đầy sự phán xét, họ cũng đang đứng giữa những đòi hỏi của lề luật và lời mời gọi của tình yêu thương. Đức Giêsu không chỉ cứu người phụ nữ khỏi cái chết thể xác, mà Ngài còn mời gọi cô và những người xung quanh nhận ra giá trị của sự tha thứ và lòng bao dung trong tương quan giữa người với người.
Sau lời nói của Đức Giêsu, từ người lớn đến người nhỏ đều lần lượt bỏ đi. Bởi lẽ, họ nhận ra rằng họ đều mang trong mình tội lỗi. Và rồi, chỉ còn lại người phụ nữ đứng ở giữa. Giờ đây, người phụ nữ không còn đứng giữa đám đông nữa mà là đứng giữa hai thái cực: giữa sự phán xét, mặc cảm của tội lỗi và sự tha thứ của Tình Yêu. Cô không còn bị kết án bởi những người xung quanh, nhưng cũng không thể trốn thoát sự cắn rứt trong lương tâm của mình. Lời cuối cùng của Đức Giêsu "Tôi cũng không lên án chị" không chỉ là sự tha thứ, mà còn là lời mời gọi cô bước vào một cuộc sống mới, một cuộc sống không còn tội lỗi nữa.
Mỗi người chúng ta đều có thể phạm tội, nhưng chúng ta cũng đều có thể nhận được lòng thương xót của Chúa. Đức Giêsu không muốn chúng ta sống trong sự phán xét lẫn nhau mà hãy sống trong sự yêu thương và tha thứ. Sự tha thứ không có nghĩa là bỏ qua tội lỗi. Tha thứ trong tình yêu không phải là sự dung túng cho hành động sai trái mà là mời gọi con người thay đổi và sống một cuộc sống mới. Chỉ có một người duy nhất có quyền phán xét: đó chính là Chúa. Con người không thể lên án nhau vì tất cả chúng ta đều có tội. Chỉ khi chúng ta nhận ra sự yếu đuối của mình, chúng ta mới có thể đến gần với Chúa và sống trong sự tha thứ và tình yêu của Ngài.
Như người phụ nữ trong câu chuyện, chúng ta cũng có thể đứng ở giữa. Giữa những lỗi lầm và sự cứu chuộc, giữa tội lỗi và sự tha thứ. Và chính Đức Giêsu, với tình yêu bao la của Ngài, là Đấng giúp chúng ta vượt qua tất cả những rào cản để bước vào một cuộc sống mới trên con đường hy vọng vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh.
Hạt Giống Nhỏ