Ngài Đến Với Con

“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Đúng thế, để Ngài có thể cảm nhận đau khổ, niềm vui, hạnh phúc như ta và ta có thể cảm được tình yêu của Ngài. Bài Tin mừng hôm nay sẽ thể hiện rõ điều đó.

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa nghĩa là Ngài đi thêm một bước nữa là hạ mình xuống để hòa vào dòng nước và liên đới với mọi tội nhân. Như vậy, qua hành vi này, Chúa Giêsu sống tinh thần tự hạ, muốn trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Hr 4,15). Như thế ta mới có thể cảm nhận được một Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc, gần gũi như người cha người mẹ ruột thịt của mình. Một Thiên Chúa cảm được cái đau của tôi vì Ngài đã trải qua những đòn roi tàn bạo; Một Thiên Chúa cảm được cái nhục nhã của tôi khi Ngài bị kẻ thù nhổ nước miếng, bôi bác, sỉ nhục; Một Thiên Chúa hiểu được cái mất mát người thân của tôi vì Ngài đã từng khóc khi người bạn của Ngài là Lazaro mất; Một Thiên Chúa hiểu được tôi bị  phản bội vì Ngài đã từng bị Giu đa phản bội,… Vì thế tôi cảm được Thiên Chúa gần gũi đến độ tôi có thể tự do để cảm nghiệm, để chia sẻ, để trải lòng.

Điều này mời gọi tôi suy tư để yêu, để thương, để cảm để ai đó thuộc về mình hay cảm được một điều gì đó mà mình khao khát chắc chắn tôi phải có kinh nghiệm không chỉ trên ý tưởng hay suy nghĩ nhưng phải bằng chính đôi tay và đôi chân của mình. Nghĩa là tôi cần có một trải nghiệm thật sự sống động trên chính cuộc đời tôi. Như nhà văn Maxim Goocki đã từng cảm nghiệm và thốt lên rằng : “ Tôi đã khóc khi không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Và thật sự hình ảnh này đã đánh động tác giả khiến ông đi đến hành động từ bỏ dự định riêng tư của mình để đến với người nghèo.

Chúa ơi, hôm nay Chúa đã từ bỏ mọi sự để đến với con qua việc chịu phép rửa ở sông Gio-đan. Con cảm thấy vui sướng vì Chúa đến và ở với con. Chúa là người bạn, là người Thầy của con. Xin ban ân sủng tình yêu của Chúa để con luôn cảm nhận sự hiện diện, đồng hành của Chúa qua các biến cố của đời sống.

Bằng Lăng Tím