Lắng Nghe

Ngày nay trong thế giới chúng ta đang sống, con người đang chém giết lẫn nhau vì đánh mất niềm tin tưởng. Trong cơ quan, nơi khu xóm và ngay cả trong gia đình; cha mẹ cũng nghi ngờ nhau và đánh mất niềm tin nơi con cái gây nên những đổ vỡ khôn lường. Bài Tin Mừng ngày hôm nay họa lại cho chúng ta một bức tranh thật đẹp về gia đình thánh. Để hiểu được giá trị của sự tin tưởng vào sự trưởng thành của con cần thiết như thế nào chúng ta cùng nhau đi vào câu chuyện gia đình Thánh Gia.

Tin tưởng là một yếu tố cốt lõi trong mối quan hệ gia đình. Khi cha mẹ tin tưởng con cái, họ thể hiện sự tự tin vào khả năng và quyết định của con. Chúng ta điểm lại một chút về cách hành xử của cậu Giê-su cho chúng ta biết gì về cách giáo dục của cha mẹ Ngài. Tin Mừng có nhắc lại “Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giê-ru-sa-lem mà cha mẹ Người không hay biết.” Theo Bar và Bat Mitzvah là nghi lễ trưởng thành của người Do Thái. Khi một bé gái Do Thái được 12 tuổi và một bé trai Do Thái được 13 tuổi, chúng trở thành thành viên chính thức của cộng đồng Do Thái với các nhiệm vụ và trách nhiệm đi kèm.

Cha Mẹ cậu Giê-su đã rất tin tưởng ở nơi cậu bé, cậu được tự do để sống như một người trưởng thành có trách nhiệm. Và chính những hành động và lời nói của cậu sau này thể hiện cho chúng ta thấy rằng cậu thực sự rất tự do để chọn lựa những điều như vậy. “Đức Giê-su vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?”23 Đức Giê-su đáp: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga18, 21-22). Vậy để xây dựng sự tin tưởng, cha mẹ nên làm gì?

Điều đầu tiên là phải lắng nghe tích cực: Nếu muốn con lắng nghe, trước tiên cha mẹ cần lắng nghe trẻ. Trẻ học từ những điều mà trẻ nhìn thấy. Theo đó, cha mẹ nên thể hiện sự quan tâm thực sự đến những gì con nói. Loại bỏ những phiền nhiễu, duy trì giao tiếp bằng mắt và thực sự lắng nghe. Điều này chứng tỏ rằng bạn coi trọng suy nghĩ và cảm xúc của trẻ, khuyến khích trẻ cởi mở. Khi con chia sẻ suy nghĩ của bản thân, cha mẹ có thể đặt những câu hỏi thể hiện rằng bạn tôn trọng quyền tự quyết và quyết định của con.

Tiếp theo sự trung thực: Cha mẹ nên thành thật với con, ngay cả khi điều đó khó khăn. Giải thích mọi việc theo cách phù hợp với lứa tuổi. Nếu không biết câu trả lời, cha mẹ vẫn có thể nói như vậy. Sự trung thực của bạn sẽ dạy cho con rằng có thể thừa nhận khi không biết điều gì đó và vẫn có thể nuôi dưỡng sự tin tưởng lẫn nhau.

Điều cần thiết nữa là tôn trọng ranh giới: Nhận biết và tôn trọng ranh giới của con. Điều này cho trẻ thấy rằng cha mẹ thừa nhận quyền tự chủ và giúp trẻ phát triển ý thức tự chủ. Khuyến khích trẻ bày tỏ ranh giới của mình và đảm bảo hiểu rằng giới hạn của trẻ là quan trọng và sẽ được tôn trọng.

Không thể thiếu đó là sự kiên định: Nên nhất quán trong hành động và quyết định của bản thân. Khi con bạn biết những gì mong đợi ở cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và tin tưởng vào sự hướng dẫn của cha mẹ hơn.

Cuối cùng trao quyền cho việc ra quyết định: Cho con tham gia vào quá trình ra quyết định phù hợp với lứa tuổi. Để cho con chọn quần áo hoặc thậm chí đóng góp vào các quyết định của gia đình. Điều này trao quyền cho trẻ và giúp trẻ hiểu được giá trị của bản thân. Khuyến khích trẻ cân nhắc những ưu và nhược điểm và đưa ra hướng dẫn mà không áp đặt sở thích của cha mẹ. Đồng thời, cho phép trẻ thực hiện các kĩ năng ra quyết định.

Gia đình Nazaret đã cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời khi tôn trọng tự do và tin tưởng lẫn nhau.

Sự tin tưởng chính là cơ sở căn bản cho mọi mối quan hệ trong cuộc sống. Chỉ khi chúng ta có niềm tin vào đối phương, cha mẹ có niềm tin vào con cái, chúng ta mới có thể bước đi cùng nhau thật lâu dài. Vì vậy, hãy luôn giữ vững sự tin tưởng của mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Nhờ lời chuyển cầu của gia đình Thánh Gia, xin giúp cho mỗi gia đình có được niềm tin tưởng vào nhau để xây dựng tổ ấm thêm hạnh phúc và bình an hơn.

Anna Hương, FMM