Cuộc đời của chúng ta giống như một bản nhạc, có những nốt trầm và những nót bổng. Nốt trầm là những lúc ta buồn bã, khó khăn, trong khi nốt bổng là niềm vui, niềm hạnh phúc. Chắn chắn rằng mỗi người trong chúng ta đều muốn có nhiều nốt bổng hơn, vì niềm vui, hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn. Đặc biệt, đối với người Ki-tô hữu, niềm vui đạt đến trọn vẹn khi ta kín múc được từ nơi Thiên Chúa.
Trong xã hội ngày hôm nay, người ta đi tìm thú vui nơi hội họp, quán xá, tụ tập bạn bè hàn thuyên, hay những khu vui chơi nhộn nhịp. Nhưng niềm vui đó chóng đến rồi mau tan. Họ chỉ vui vui được trong chốc lát rồi lại quay về với cõi lòng trống rỗng. Chỉ có niềm vui trong Chúa mới là niềm vui trọn vẹn. Chủ đề của Chúa nhật III Mùa Vọng là Niềm vui trong hy vọng. Niềm vui của người Ki-tô hữu không phải vì những thành công hay vật chất dư đầy, nhưng niềm vui của họ là đến từ ơn cứu độ của Chúa. Chính Chúa đến ở với ta và làm cho cuộc đời ta thay đổi.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Xôphônia hô lên:” Hỡi thiếu nữ Sion! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem! Hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn, vì Thiên Chúa đến giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi” (Xp 3,14). Trong bài đọc II, thánh Phaolô tông đồ cũng mời gọi các tín hữu: “Anh em hãy vui lên, hãy vui lên trong niềm vui ơn cứu độ, vì Chúa sắp đến rồi” (Pl 4,4). Để có được niềm vui trong Chúa, điều căn bản là phải có sự hoán cải và sửa đổi đời sống.
Tin mừng thánh Luca (3,10-18) trình bày hoạt động của ông Gioan Tẩy Giả. Ông thúc đẩy mọi người chuẩn bị tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế đến. Lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả đánh động dân chúng đến độ họ hỏi ông: “chúng tôi phải làm gì?”. “Chúng tôi phải làm gì?” cũng là câu nói mà dân chúng, người thu thuế và binh lính hỏi ông Gioan. Câu hỏi xem ra bình thường nhưng nó có một ý nghĩa sâu xa. Có lẽ, trong lòng họ có nỗi khắc khoải, một nỗi khát khao từ trong sâu thẳm chính tâm hồn ước muốn tìm con đường để được gặp Đấng Mê-si-a. Họ mang trong mình niềm hy vọng, và đó là sức mạnh để họ hỏi ông Gioan cho dù họ là thành phần nào trong xã hội.
Dân chúng bắt đầu hy vọng: “Biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mê-si-a người ta vẫn trong đợi từ lâu". Nhưng lập tức ông làm cho họ vỡ mộng khi ông nói: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến.” Ông Gioan hướng dân chúng đến Đức Ki-tô là đối tượng thực sự của niềm hy vọng. Thực vậy, Đức Ki-tô chính là Tin Mừng, là niềm hy vọng mà ông Gioan loan báo.
Đức Ki-tô đến và đem niềm hy vọng đến với hết thảy mọi người, cho dù họ là ai đi chăng nữa đều được hưởng niềm vui ơn cứu độ của Người. Ân sủng cứu chuộc của Người mở rộng cửa cứu độ cho bất cứ ai đón nhận. Ông Gioan đã chỉ cách cho mọi người đến với ông, để họ được hưởng niềm vui, sự bình an trọn vẹn. Ông không phân biệt đối xử, trái lại, ông đón nhận tất cả mọi người và chỉ dẫn tùy theo hoàn cảnh, nghề nghiệp của họ.
Tuy nhiên, để đạt được niềm vui trong Chúa đòi hỏi phải có một đời sống hoán cải và một niềm hy vọng vào Chúa. Hoán cải đem lại cho ta niềm vui của sự đổi mới nội tâm, làm mới lại chính mình. Hoán cải là khi ta nhận sự yếu đuối, tình trạng mù lòa, khốn quẫn. Hy vọng đem lại cho ta sức mạnh, động lực để ta thay đổi chính bản thân, để rồi mầu nhiệm Giáng Sinh đem lại ân sủng cho ta và ta cảm nghiệm được tình thương và sự giải thoát của Thiên Chúa trong cuộc đời. Điều tối thiểu Chúa cần là lòng khao khát, và ta có sẵn lòng để Chúa dẫn ta đi hay không.
Ngồi lại với Chúa Giê-su Thánh Thể, chúng ta thân thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa Giê-su, con phải làm gì để đón Chúa, để có được niềm vui trọn vẹn?”. Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con được niềm vui từ trong sâu thẳm tâm hồn. Xin cho chúng con nhận ra chính con người thật của mình và biết hoán cải mỗi ngày để xứng đáng đón Chúa đến.
Anna Hợp Nguyễn, FMM