Con người trong xã hội, dù ở thời nào đi chăng nữa tiền tài, địa vị chức quyền là điều mà nhiều người vẫn tìm kiếm. Người ta mong có nhiều tiền vì nghĩ rằng có tiền sẽ làm được tất cả. Họ muốn có chức quyền lớn để có tầm ảnh hưởng trên người khác và được người ta kính nể, phục vụ mình. Để đạt được mục tiêu, người ta sẵn sàng dùng mọi phương tiện, kể cả những phương tiện xấu nhất. Đó đây, hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, ta bắt gặp những thông tin như ông lớn này hối lộ, tham nhũng,… những sự việc đó mỗi ngày một nhiều. Các môn đệ của Chúa cũng không nằm ngoài cái tham sân si của kiếp người. Chính vì lẽ đó, Chúa Giê-su dạy cho họ bài học về quyền bính đích thực của người môn đệ theo Chúa là thế nào.
Tin mừng Mác-cô (10,35-45) trình thuật việc hai ông Gia-cô-bê và Gio-an xin Chúa Giê-su “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả” khi thầy đạt tới vinh quang. Và Đức Giê-su đã dạy các môn đệ bài học về sự phục vụ của người có quyền hành. Hai ông Gia-cô-bê và Gioan muốn xin Chúa Giê-su cho họ được có chức vụ cao nhất trong vương quốc của Chúa. Họ lầm tưởng Chúa Giê-su đến để lập vương quốc ở trần gian. Thứ “vinh quang” mà các ông xin là vinh quang theo kiểu trần thế vì các ông tin Đức Giê-su sẽ lập nước và cai trị Ít-ra-en. Họ khát khao có được quyền lực và đó cũng có thể là lý do mà họ theo Đức Giê-su.
Chúa Giê-su quở trách các ông: “các anh không biết các anh xin gì”. Ngài hỏi: “các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không”. Chúa muốn nói đến cái chết trên thập giá của Người. Các ông thưa: “Thưa được.” Chúa Giê-su đã giải thích bằng cách đưa ra sự so sánh giữa quyền lực thế gian và quyền lực của người môn đệ. Cái nhìn của Đức Giêsu về quyền hành chức vị khác người đời quan niệm rất nhiều.
Với người đời, những người có chức có quyền được người khác phục vụ; quyền lực của họ để gây ảnh hưởng trên người khác và tìm lợi danh cho bản thân. “Những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân”.
Còn đối với Đức Giêsu và cả những người theo Đức Giêsu, những người muốn làm lớn nhất giữa anh em mình, thì phải làm người phục vụ anh em, phải là tôi tớ anh em. “Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người”. Quyền lực của Nước Thiên Chúa phải là một quyền lực nhằm mưu ích cho anh chị em, cho vinh danh Nước Chúa; một quyền lực nhằm phục vụ như một đầy tớ của mọi người trong tinh thần khiêm tốn và chấp nhận “hiến mạng sống mình” vì người khác. Đó là một sự thực thi quyền bính trong tự hạ và tự huỷ. Quyền lực đó chính là tình yêu.
Đức Giêsu đã thực thi quyền bính bằng cách này. Vì yêu con người, Ngài đã tự hạ trong thân phận con người, Ngài đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Ngài đã chấp nhận đau khổ, chấp nhận chén đắng. "Con đường của Chúa Giê-su cũng như người môn đệ của Chúa là con đường đau khổ, là chấp nhận chén đắng. Ðó là vinh quang đích thực của Ðức Giêsu và của những môn đệ Ngài. Cùng với Đức Giêsu. " (Mẹ Marie de la Passion )
Xin vâng dấn thân trọn vẹn cho con người, xin vâng dấn thân trọn vẹn cuộc đời cho danh Thiên Chúa. “Tôi đã thấy đời và tất cả mọi người đều nói: quyền lực đích thực là vàng bạc. Nhưng Đức Giê-su, vua người nghèo, và Phanxico, cha người nghèo, lại nói: quyền lực đích thực là tình yêu, tình yêu là nghèo, tình yêu là Thiên Chúa.” (Marie de la Passion)
Lạy Chúa Giê-su, chính vì yêu, Ngài đã nhập thể làm người, chịu chết và phục sinh để cứu nhân loại chúng con khỏi tội lỗi. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra tình yêu của Ngài, có được trái tim biết yêu thương và xin giúp chúng con biết trao ban “quyền lực tình yêu” cho mọi người. Amen.
Anna Hợp Nguyễn, FMM