Chúa Cứu Người Trông Cậy Chúa

“Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh” (Mc 4, 41)

Cuộc sống chúng ta vốn luôn có nhiều khó khăn gian khổ và nó luôn xuất hiện trong mỗi hoàn cảnh của đời sống từ vật chất đến tinh thần. Mang thân phận yếu đuối, mỏng giòn, chúng ta dễ bị cuốn theo cơn bão của sự nghi ngờ, bối rối, lo lắng, bất an, căng thẳng và hoang mang khi đối diện với đau khổ và sự dữ.

Bài đọc I trích trong sách Gióp nằm trong chuỗi những lời Thiên Chúa nói với ông Gióp sau khi nghiệm ra ý nghĩa của sự đau khổ mà ông đang phải đối diện. Trước đó, các câu trả lời và khuyên răn của bạn bè ông đều không thỏa đáng, có khi đưa đến sự hoang mang, nghi ngờ. Chỉ có Thiên Chúa mới cho ông Gióp câu trả lời thích đáng về những đau khổ mà ông gặp phải. Thiên Chúa đã đưa ông đến bối cảnh khôn ngoan thần linh nhiệm mầu. Sự khôn ngoan đó chính là nhận ra quyền năng của Thiên Chúa làm chủ trên mọi tạo vật. Và Ngài chăm sóc cho từng thụ tạo của Ngài.

Đứng trước công trình tạo dựng vĩ đại của Thiên Chúa, con người chúng ta thấy mình thật nhỏ bé. Vì thế, chúng ta chẳng có quyền gì hay dựa vào lý do gì mà trách cứ Thiên Chúa. Giữa cơn bão táp, Thiên Chúa đã lên tiếng trả lời về những vấn nạn của ông Gióp. Thiên Chúa chính là Đấng Siêu Việt, làm chủ và đặt trật tự theo sự khôn ngoan của Ngài. Cho nên, câu trả lời cho những vấn nạn là ở trong chính Thiên Chúa. Cuối cùng ông Gióp học được bài học đó là con người phải tin tưởng Thiên Chúa ngay cả khi không hiểu về Ngài. Điều quan trọng là tin cậy và giữ mối tương quan với Thiên Chúa chứ không phải là lý giải về thực tại đau khổ trong cuộc sống.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa có sức giải thoát, quyền năng này được tỏ bày nơi Đức Giê-su. Đức Giê-su chứng tỏ thần lực của Người bằng cách dẹp sóng gió. Biển động tượng trưng cho những mãnh lực chống đối Thiên Chúa. Nếu đứng trước một hiểm nguy đe dọa sự sống, chúng ta cảm thấy nhát gan và sợ chết, thì đó là dấu hiệu cho thấy con người còn thiếu lòng tin cậy. Một khi đã đặt niềm tin tưởng vào Đức Giê-su, chúng ta cần phải biết: gần Đức Giê-su, con người không có quyền sợ hãi, mất lòng tin tưởng.

Con thuyền chở Chúa Giê-su và các môn đệ có thể coi như hình ảnh của Hội Thánh ở trần gian. Truyện Chúa Giê-su ngủ và trỗi dậy gợi lên mầu nhiệm Chúa chết và phục sinh. Chúa Giê-su phục sinh nắm mọi quyền trên trời, dưới đất, hằng ở với Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế, nên sóng gió không nhận chìm được Giáo Hội của Chúa, quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi Giáo Hội. Nhưng các tín hữu phải ý thức sự hiện diện của Chúa, sống theo đức tin và kêu cầu Chúa.

Giữa những hiểm nguy và thách đố của sự dữ, chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cho quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì Ngài có uy quyền và thống trị trên cả sự dữ. Chúng ta đừng sợ nhưng hãy vững tin vào Chúa. Chính Người đã chiến thắng thần chết để ban lại phúc bình an cho nhân loại. Do đó, chúng ta hãy cùng nhau kiên trì tỉnh thức và cầu nguyện trong niềm xác tín: Chúa sẽ cứu giúp chúng ta khỏi mọi cơn đại nạn và thử thách ở đời này. Chúng ta hãy xác tín một cách mạnh mẽ như Thánh Phaolô đã nói trong thư thứ II gửi tín hữu Cô-rin-tô “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.”

Lạy Chúa, Chúa biết sự yếu hèn của chúng con. Chúa biết chúng con nhát đảm là dường nào. Chúa cũng biết nhiều khi vì lo sợ mà chúng con quên mất rằng, Chúa vẫn đang hiện diện với chúng con. Xin thương nâng đỡ đức tin yếu đuối của chúng con và giúp chúng con vượt qua mọi sóng gió của trần gian để về bến bình an là sự sống đời đời nơi Chúa. A-men.

 

Tông đồ bé nhỏ