Bình an là một điều mà con người luôn đi tìm kiếm. Bình an không hệ tại ở giàu có, địa vị, danh phận, hay đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống mà là một cảm nhận từ sâu trong tâm hồn mỗi người. Mỗi giây mỗi phút trôi qua, có được một khoảnh khắc bình an thực sự là món quà vô giá.
Bình an là khi ta cảm nhận được những điều đang diễn ra quanh mình: trong chính ngôi nhà ta đang ở, bên những người mình cùng chung sống. Bình an không có nghĩa là không cực nhọc, không gặp khó khăn, sóng gió nhưng là cảm nhận có Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời.
Bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan trình thuật cho ta biết, sau khi Chúa Giêsu chịu chết, các môn đệ vì sợ chế nhạo và bắt bớ của người Do thái cũng như các chính quyền, các ông đã trốn vào phòng và đóng kín cửa. Chính lúc đó, Chúa Giê-su hiện đến và lời đầu tiên Chúa nói với các ông “bình an cho anh em”. Vẫn là căn phòng đó, nhưng không còn sợ hãi nữa vì các ông đã thấy Chúa. Chúa là chỗ dựa là sự an toàn cho các ông. Sự xuất hiện của Ngài đem lại bình an cho các ông.
Lời chào bình an của Chúa Giêsu được lặp lại hai lần: lần đầu là để trấn an và trao bình an đích thực là chính Chúa. Lần thứ hai là để nhấn mạnh sự cần thiết của sự bình an trước khi các ông rao giảng Tin mừng. Và quan trọng hơn nữa, Chúa Giêsu đã trao ban Chúa Thánh Thần, là nguồn mạch của bình an. Chúa Giêsu sống lại đem bình an, niềm vui cho các môn đệ. Bình an của Chúa Kito Phục Sinh là bình an trong tâm hồn. Bình an ấy không loại trừ việc phải đối đầu với kẻ thù, sự khổ đau, chống đối và thậm chí là cả cái chết.
Khi nhận ra Chúa và nhận được sự bình an của Chúa, các ông không còn ngại ngùng gì. các ông dám chấp nhận cả cái chết để thi hành sứ mạng Chúa trao. Sứ mạng của các ông phát xuất từ biến cố Phục Sinh. Ngài sai các ông đi, ban Thánh Thần của người để tiếp tục công cuộc của Ngài trên trần gian là rao giảng Tin mừng, sự sống của Chúa Phục Sinh. Thánh Gioan đặt sứ mạng này trong một diễn tiến liên tục với sứ mạng của Đức Giêsu bắt nguồn từ Chúa Cha: Chúa Cha sai Đức Giêsu. Đức Giêsu cũng sai các môn đệ. Quyền năng mà các ông lãnh nhận được liên kết với Thánh Thần là Đấng thanh luyện và ban sự sống.
Ngày nay, chúng ta cũng đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn của thời cuộc: chiến tranh, thất nghiệp, đói khổ, bệnh tật, nỗi đau mất mát người thân... Lúc này đây, hơn bao giờ hết, thế giới cần những con người có tâm an bình để mang niềm hy vọng và chỗ dựa cho anh chị em đang bị tuyệt vọng. Đứng trước những biến động đó, là Kito hữu, tôi mang trong mình sứ mạng loan báo Tin mừng bình an, tôi đã có được sự bình an nội tâm để làm nhân chứng Tin mừng bình an của Chúa cho người khác hay chưa? tôi đã và đang đào luyện bản thân tôi như thế nào để sống đúng với ơn gọi của mình? Sẽ chẳng thể nào có được an bình nội tâm nếu tôi không có Chúa Thánh Thần. Chúng ta cũng sẽ chẳng thể có được Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta không sẵn sàng cởi mở lòng mình ra để Ngài ngự đến và hướng dẫn.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con luôn khiêm tốn, mở lòng mình ra để Chúa ngự đến và hướng dẫn chúng con. Xin biến đổi chúng con trở nên những khí cụ bình an, khí cụ tình yêu và hy vọng của Chúa cho mọi người. Amen
Anna Hợp Nguyễn, FMM