Chúa nhật Lễ Lá năm B hôm nay, Phụng vụ Giáo hội cho chúng ta đọc và nghe bài Thương Khó theo Tin Mừng thánh Maccô.
“Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ‘Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con’” (Mc 15, 34b). Đằng sau câu nói này là một điều bí mật chúng ta chưa thấu hiểu được. Chúa Giêsu đã mang lấy sự sống chúng ta trên thân thể Ngài. Ngài đã đảm nhận công việc của chúng ta, đương đầu với những cám dỗ chúng ta phải gặp và chịu đựng những thử thách của chúng ta.
Ngài đã nhận lấy mọi đau khổ mà cuộc đời có thể đưa đến cho Ngài. Ngài từng trải việc bị bạn bè bỏ rơi, phản bội, bị kẻ thù oán ghét, bị địch thủ quỷ quyệt lừa gạt. Ngài từng biết những nỗi đau khổ ê chề nhất mà cuộc đời có thể mang đến. Cho tới lúc đó, Chúa Giêsu đã trải qua mọi kinh nghiệm của đời sống, trừ một việc, Ngài chưa hề biết đến hậu quả của tội lỗi.
Điều tội lỗi gây ra là phân rẽ chúng ta với Chúa. Nó đặt giữa chúng ta với Chúa một chướng ngại vật, như một bức tường không tài nào vượt qua được. Đây là kinh nghiệm duy nhất của loài người mà Chúa Giêsu chưa hề kinh nghiệm bởi vì Ngài vốn vô tội. Chính lúc ấy, từng trải đó đã đến trên Ngài. Nó đến không phải vì Ngài đã phạm tội nhưng vì Ngài phải trải qua kinh nghiệm đó để có thể hoàn toàn đồng nhất với nhân tính của chúng ta.
Trong giây phút kinh hoàng, đen tối, rùng rợn đó, Chúa Giêsu đã thật sự tự đồng nhất với tội lỗi loài người. Kinh nghiệm này gây đau khổ gấp bội cho Chúa Giêsu, bởi vì Ngài chưa hề biết đến hàng rào ngăn cách giữa Ngài với Chúa Cha là thế nào. Chính qua kinh nghiệm này Ngài có thể hiểu rõ tình trạng của chúng ta. Vì thế mà chúng ta không sợ đến với Ngài khi tội lỗi phân rẽ chúng ta với Thiên Chúa. Bởi vì Ngài đã vượt qua việc đó, Ngài có thể giúp người khác vượt qua. Không hề có chỗ sâu thẳm nào trong kinh nghiệm của con người mà Chúa Kitô không dò đến được.
Bên cạnh đó, tác giả Tin Mừng đã làm nổi bật lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng Rôma, người ngoại quốc. Sau khi tham dự vào số những người hành quyết Chúa Giêsu, chứng kiến tận mắt cảnh Chúa bị đánh đòn, bị ngược đãi, bị treo trên thập tự giá và trút hơi thở, ông đã phải thốt lên cách ngạc nhiên: “Qủa thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39b).
Cách Đức Giêsu thở hơi cuối cùng đã đánh động viên sĩ quan, và lời tuyên xưng của ông một cách nào đó được coi như hiệu quả của cái chết này. Ở đây, viên đại đội trưởng Rôma tiêu biểu cho thế giới dân ngoại nên tước hiệu Con Thiên Chúa có lẽ chỉ có nghĩa: một con người siêu phàm. Tuy thế, lời tuyên bố này lại gơi ý cho độc giả thấy trước lời tuyên xưng đức tin của các tín hữu xuất thân từ dân ngoại. Lời tuyên xưng này tương phản với thái độ của giới lãnh đạo Do Thái: họ đã không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, mà còn lấy đó làm cớ để kết án tử hình Người.
Maccô đặc biệt nhấn mạnh thêm: qua hình ảnh viên đại đội trưởng Rôma, thế giới ngoại giáo đang dần dà hoán cải. Hầu như tức khắc, người ngoại giáo này đã gọi Chúa Giêsu bằng tước hiệu cao cả nhất. Người Do Thái không chỉ mong chờ Đấng Mêsia, mà cả “Con Thiên Chúa” nữa. Tác giả Tin Mừng dùng những từ ngữ đó với ý nghĩa mạnh mẽ nhằm diễn đạt sự viên mãn của niềm tin Kitô giáo: Thiên Chúa đã hóa thân làm người nơi Chúa Giêsu Kitô.
Chúng ta thấy rõ sự tương phản trong tường thuật này: đang khi dân Do Thái chỉ nhăm nhe xỉ nhục Đấng Mêsia đang bị treo trên thập giá, thì một lương dân lại tuyên xưng một đức tin tinh tuyền nhất. Với lời tuyên tín của của người đại đội trưởng, bước quyết định đã được hoàn tất: Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa”.
Bước vào Tuần Thánh, chúng ta giục lòng tin thật, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại để cứu chuộc chúng ta. Amen.
Tông đồ bé nhỏ