Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân hình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó. Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ gieo mình xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì nên nó chết dần chết mòn. Trong khi đó hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đấy nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…
(Theo Hạt giống tâm hồn, NXB Trẻ, 2004)
Từ “câu chuyện về hai hạt lúa”, ta đi vào lời Chúa mời gọi ta trong bài Tin Mừng hôm nay: Hạt lúa rơi xuống đất, có mục nát, thì sinh nhiều bông hạt. Hạt giống thứ nhất tự chôn vùi mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn của bản thân và kết quả là bị héo khô nơi góc nhà. Hạt lúa thứ hai đã chọn cho mình một hướng đi khác – là can đảm dấn thân, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng một cây lúa nhỏ, mang đến cho đời những hạt lúa mới.
Hạt giống phải chết đi, phải mục nát đi mới sinh được mầm sống mới và trổ sinh hoa trái. Đó là quy luật của mọi mầm sống hướng tới ngày sinh hoa kết trái. Chúa Giê-su đã dùng quy luật tự nhiên ấy để diễn tả về sứ mạng cứu độ trần gian của Người. Thiên Chúa yêu thương con người nên đã ban “Hạt lúa mì” Giê-su. Vì muốn vâng phục Chúa Cha và muốn chia sẻ công cuộc cứu chuộc nhân loại, Người đã tự nguyện xuống thế, sinh ra bởi một người phụ nữ, Ngài đã can đảm chết treo trên thập giá, bị chôn vùi trong lòng đất, ngày thứ ba sống lại trong vinh quang.
Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự. (Pl 2, 6-8).
Đức Giê-su tự hủy chính bản thân mình để đem lại sự sống đời đời, tìm lại phẩm giá làm con Chúa mà Adam đã đánh mất ngày xưa. Ngài chấp nhận thân phận hạt lúa bị mục nát, chấp nhận chết đi để đem lại sự sống mới cho ngàn hạt lúa khác đang trông chờ từ cái chết của Ngài. Ngài đã sống lại khải hoàn đem lại ơn cứu độ cho muôn dân và cho họ được hưởng phúc trường sinh. “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10).
Vị giám mục thành Antiôkia, khi bị kết án cho sư tử ăn thịt, ngài viết: “ Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa, cứ để cho nanh thú dữ nghiền nát tôi ra như bột, để tôi thành một tấm bánh tinh tuyền của Chúa Kitô. Các đam mê trên đời của tôi đã bị đóng đinh vào thập giá, và trong tôi tắt hẳn ngọn lửa xác thịt rồi.” Thánh Ignatiô thành Antiochia đã trở thành hạt lúa gieo xuống đất và chết đi để minh chứng cho tình yêu của mình đối với Đức Ki tô.
Đến lượt chúng ta, những con người được Chúa tuyển chọn, được Ngài mời gọi đồng hình đồng dạng với Người, “hạt lúa mì”- chính tôi hiện tại đang như thế nào? Chắc chắn Chúa Giê-su không muốn chúng ta sống như hạt lúa đơn độc, chỉ lo chăm chút cho bản thân để rồi cuối cùng không được gì cả. Ngài muốn chúng ta trở nên hạt lúa sinh ra nhiều hoa trái. Để được như thế, đòi hỏi chúng ta chấp nhận hy sinh chính bản thân mình, sống vì người khác, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.
Hành trình theo Chúa là hành trình theo “năng động” của “hạt lúa mì”, tôi có dám mục nát để bước theo Chúa không? Mục nát đi tính kiêu căng, tự phụ để nảy sinh là lòng khiêm tốn, mục nát đi ý riêng của mình để mọc lên cây ‘làm theo thánh ý Chúa’, mục nát đi sự vun vén cho bản thân để hướng tới nhu cầu của tha nhân. Dẫu biết rằng, mục đích của cuộc đời là được hưởng sự sống đời đời nhưng điều đó không hề giản đơn. Mang trong mình thân phận “nhân vô thập toàn”, con người ta phải có rất nhiều can đảm và cậy trông vào ơn Chúa mới có thể đáp lại lời mời gọi của Ngài.
Lạy Chúa, chúng con ước ao trở thành “những hạt lúa mì mục nát” của Chúa, xin ban ơn trợ lực để chúng con dám hy sinh, dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình và trung thành đi với Chúa trên con đường Ngài đã đi. Với niềm hy vọng và xác tín, tôi sẽ mang đến cho đời những cây lúa mới, ước gì chúng con dám đi với Chúa trong mầu nhiệm Vượt Qua và bước vào cõi phục sinh với Chúa. Amen.
Anna Nguyễn Thị Hợp, FMM