Đã trải qua hơn hai ngàn năm nhưng lời “thưa vâng” vẫn có sức hấp dẫn mãnh liệt, lôi cuốn biết bao nhiêu những thiện nam tín nữ chọn sống điều này. Những vị đó đã sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng họ tin thờ và dấn thân vào các sứ vụ khác nhau trong các dòng tu. Vậy lời đó phát xuất từ đâu? Phải chăng người đã phát ngôn lời này là một người nổi tiếng, một thần tượng có rất nhiều fan hâm mộ?
Thưa không, lời “thưa vâng” ấy được thốt lên bởi một thôn nữ làng Na-za-rét tên là Maria. Mẹ ý thức thân phận thụ tạo bé nhỏ khi đối diện với sứ mạng cao cả là làm mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể. Chính vì thế Đức Maria đã vô cùng bối rối trước lời chào của Sứ Thần Gáp-ri-en dành cho mình: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ” (Lc 1: 28). Theo tiếng Hy-lạp, đây không phải là một lời chào thông dụng, mà như là dư âm của những lời loan báo ơn Cứu Độ trong Cựu Ước: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp 3: 14). Hay trong sách ngôn sứ Da-ca-ri-a “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi…” (Dcr 9:9). Vì thế đây là lời chào nói lên niềm vui của người được đón nhận Tin Mừng.
Ngỡ ngàng trước lời chào của Sứ Thần, Mẹ không hiểu ý nghĩa lời chào: “Ma-ri-a đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ða-vít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Gia-cóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Mẹ không hãnh diện cũng chẳng tự hào. Tâm hồn Mẹ bình lặng, bởi tâm trí mẹ luôn dành trọn cho Thiên Chúa, luôn quy hướng tất cả về cho Thiên Chúa Tối Cao. Khi đối diện với điều vượt quá sức của Mẹ, dù có chút băn khoăn nhưng Mẹ không sợ hãi. Mẹ cố tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm vừa được mặc khải cách bất ngờ này: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”.
Như ông Da-ca-ri-a, Đức Maria đã đặt vấn đề, không phải vì Mẹ nghi ngờ kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng xuất phát từ một lòng tin đi tìm ánh sáng. Trong trình thuật Tin Mừng của Thánh Luca hôm nay, những câu hỏi của Đức Maria đưa đến một mặc khải về Đức Giêsu đầy đủ hơn: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa…vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Sau khi được soi sáng và xác tín mọi việc phát xuất từ Thiên Chúa, Đức Maria mau mắn thưa vâng. Một lời thưa vâng lịch sử đã làm thay đổi vận mệnh thế giới, Ngôi Hai Thiên Chúa đã rời cung lòng Chúa Cha đến thụ thai trong dạ Mẹ. Lời thưa vâng làm cho Trời và đất xích lại gần nhau hơn. Đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên ân sủng và bình an “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Đây là sứ điệp mà các sứ thần của của Thiên Chúa đã loan báo trong đêm Chúa Giêsu Giáng sinh.
Đức Maria đã được mời gọi cộng tác vào công trình cứu độ thế giới của Thiên Chúa và mẹ đã sẵn sàng thưa vâng, nhờ đó chúng ta mới có ngày hôm nay. Cám ơn Chúa đã cho chúng con có một người Mẹ là Đức Maria, mẹ đã đi trước nêu gương cho chúng con về thái độ và cách sống lời mời gọi của Thiên Chúa. Là những người con, chúng con cũng được mời gọi cộng tác với thánh ý Thiên Chúa, để làm cho Nước Chúa được hiển trị và lan rộng trên thế giới. Chúng con được mời gọi làm cho Chúa Giêsu được Giáng Sinh không chỉ trong đêm Noel nhưng mỗi ngày trong cuộc sống nơi tâm hồn mỗi người. Mỗi khi chúng ta sống trao ban chia sẻ và yêu thương chính lúc đó Chúa Giêsu được Giáng sinh trong cuộc sống hằng ngày. Nguyện xin Mẹ Maria giúp mỗi chúng ta sống xứng đáng với ân ban và sứ vụ mà mỗi người đã được nhận lãnh từ Thiên Chúa. Amen.
Hồng Xóm Núi, Fmm.