Trên trang Vatican news có dẫn lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm 03/12/2018 "về Mùa Vọng như là cơ hội để hiểu biết trọn vẹn biến cố giáng sinh của Chúa Giêsu tại Bethlehem và để vun trồng tương quan cá vị với Con Thiên Chúa”. Lời Chúa của Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, mang hương vị của tình yêu khi chủ tế mang lễ phục màu hồng, cho ta cảm nhận Thiên Chúa đang rất gần và yêu thương. Ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề, Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến và đang ở giữa chúng ta. Lời chứng của Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay, là một lời xác quyết hùng hồn về điều đó. “Có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.
Nhờ đâu mà Gioan lại có một xác quyết mạnh mẽ như thế, nếu không phải là ông có tương quan mật thiết với Đấng mà ông đang làm chứng. Ngay từ trong bào thai ông đã được mặc khải cho biết Đấng Kitô khi Đức Maria đến thăm bà Elisabeth sau khi sứ thần truyền tin. Bên cạnh đó Gioan cũng ý thức rất rõ về vai trò của mình: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri I-sai-a đã loan báo” (Ga 1: 23). Thực ra Gioan có thể nhận mình là một nhân vật quan trọng nào đó trong lịch sử, để được người ta tung hô, nhưng ông đã không làm điều đó. Gioan nhận mình chỉ là “tiếng kêu”, mà tiếng kêu thì chỉ vang lên trong giây lát, rồi ngay sau đó bị gió cuốn đi. Điều này cho ta chiêm ngắm một đức tính nổi bật của Gioan Tẩy Giả hay còn gọi là Gioan Tiền Hô là sự khiêm tốn, một sự khiêm tốn thẳm sâu.
Đọc lại suốt chặng đường sứ vụ của Gioan mà Tin Mừng thuật lại, Gioan không có bất kì một lời nói nào giới thiệu về bản thân mình nhưng tất cả đều quy hướng về Đấng Kitô, Ngôi Lời giáng thế. Ý thức sứ mạng là người đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế ngự đến, nên khi xảy ra tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và môn đệ Đức Giêsu ông đã xác quyết: “Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.
Một đức tính khác cũng khá nổi bật nơi con người Gioan là sự “can đảm”. Khi đối diện với các người đã được các nhà lãnh đạo Do Thái giáo sai đến cật vấn ông, Gioan khẳng khái trả lời: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Ê-li-a chăng?” Gio-an trả lời: “Tôi không phải là Ê-li-a”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gio-an đáp: “Không phải” nhưng tôi chỉ là “tiếng người hô trong hoang địa”. Trước mặt vua Hêrôđê, Gioan đã mạnh mẽ phản đối hôn nhân bất hợp pháp giữa nhà vua và bà vợ anh trai vua, dù hy sinh mạng sống.
Gẫm suy mẫu gương của Gioan Tiền Hô trong bối cảnh mùa vọng cho ta nhiều cật vấn về bản thân mình. Chúa Giêsu Kitô đã đến hơn 2000 năm, thời gian mùa vọng là thời gian chúng ta sống lại tâm tình chờ đợi Chúa đến lần thứ nhất, cũng như nhắc nhớ ta về thái độ sống và chờ đợi Chúa đến lần thứ hai. Vậy tôi đã sống như thế nào? Tôi đã chuẩn bị máng cỏ cho Ngôi Lời giáng sinh vào tâm hồn tôi chưa? Hay tôi chỉ lo chuẩn bị những thứ bên ngoài mà để cho Chúa cô đơn, lãnh lẽo trong tâm hồn tôi vào đêm Giáng Sinh?
Trong thế giới chúng ta đang sống, người ta có xu hướng nói chung thích phô trương, thích sự hào nhoáng bên ngoài. Các hang đá phải trang hoàng thật lộng lẫy, cây thông phải thật cao, các show diễn phải thật hoành tráng và linh đình mà quên mất mục tiêu quan trọng là nói cho thế giới biết rằng con Thiên Chúa đã hạ sinh. Thời gian mùa vọng là thời gian giúp chúng ta thanh tẩy ký ức, giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về biến cố Giáng Sinh. “Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô được sinh ra chứ không phải cây thông Noel được sinh ra, dù nó là một biểu tượng đẹp. Chính Con Thiên Chúa được hạ sinh, Đấng cứu chuộc được sinh ra, đã đến và cứu chuộc chúng ta. Đúng là ngày đại lễ,… chúng ta luôn gặp nguy cơ, gặp cám dỗ trần thế hoá lễ Giáng Sinh. Khi đại lễ thiếu vắng sự chiêm ngắm, khi ngày lễ của gia đình không đặt Chúa Giêsu là trung tâm, thì nó bắt đầu trở thành ngày lễ thế trần: mua sắm, gửi quà, thứ này, thứ khác. Và Con Thiên Chúa ở đó, bị lãng quên.” (ĐTC Phanxicô)
Bước vào Chúa Nhật tuần 3 của mùa vọng, chúng ta đã đi hết hai phần ba của chặng đường, ước gì mỗi người chúng ta không lãng phí thời gian còn lại, nhưng là biết trân trọng từng giây phút quý báu mà chúng ta đang có, biết chạy đến với các bí tích, thanh tẩy mình hầu giúp mỗi người ngày càng thêm gần Chúa hơn. Và khi Ngài trở lại hỏi mỗi người chúng ta: “Cuộc sống của con thế nào?” Đó sẽ là cuộc gặp gỡ cá vị. Ngay hôm nay, chúng ta cũng có cuộc gặp gỡ cá vị ấy nơi Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta không thể có cuộc gặp gỡ cá vị với Người trong biến cố Giáng Sinh của 2000 năm trước: chúng ta tưởng niệm về biến cố ấy. Nhưng khi Ngài trở lại, chúng ta sẽ có cuộc gặp gỡ cá vị ấy. Chính điều này thanh tẩy hy vọng của chúng ta. Tất cả chúng ta hãy vun trồng chiều kích mỗi ngày của đức tin, dù cho có nhiều âu lo và đau khổ, bằng việc “chăm sóc” ngôi nhà nội tâm của mỗi chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của “sự ngạc nhiên”, và những Kitô hữu cần phải nhận biết những dấu chỉ của Cha Trên Trời mỗi ngày. Ngài vẫn đang nói với chúng ta qua các dấu chỉ ấy từng ngày…”(ĐTC Phanxicô).
Hồng Xóm Núi, Fmm.