Hẳn ai trong chúng ta đều biết, nộp thuế là điều đúng với trách nhiệm bổn phận của mọi công dân ở khắp mọi nơi. Bởi lẽ, thuế vẫn phải được nộp để chính phủ có thể tiếp tục hoạt động. Nhưng bên cạnh đó, không ít người ‘đứng đầu’ thường có thói tham nhũng để vỗ béo ví của họ bằng tiền khó kiếm được của người dân.
Vào thời Chúa Giê-su, người Do-thái cũng phải nộp thuế. Họ nộp thuế đền thờ cho các cơ sở tôn giáo để bảo trì đền thờ Giê-ru-sa-lem và các dịch vụ khác nhau. Người Do Thái ngoan đạo chắc chắn sẽ vui lòng dâng cho Chúa những gì thuộc về Chúa, nhưng họ ghét phải nộp thuế cho hoàng đế Rô-ma. Đây là điểm gây tranh cãi trong bài Tin Mừng hôm nay.
Không còn nghi ngờ gì nữa về ý định của người Pha-ri-sêu: họ dự định gài bẫy Chúa Giê-su bằng lời nói của Ngài. Họ liên minh với những người phe Hê-rô-đê để có thể dễ dàng tố cáo Chúa Giê-su, mặc dù hai bên đang có mâu thuẫn. Nhưng để loại bỏ Chúa Giê-su, người Pha-ri-sêu sẵn sàng bắt tay với kẻ thù, thế là cái bẫy đã được giăng sẵn một cách hoàn hảo. Nếu Chúa Giêsu nói rằng việc nộp thuế là trái luật, Ngài sẽ chọc giận các quan chức Rô-ma; nếu Ngài nói rằng điều đó phù hợp với Kinh To-ra, Ngài sẽ xúc phạm những người theo nhóm Quá Khích và những người nói chung không có tình cảm với người Rô-ma.
Nhưng Chúa Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” (Mt 22, 18-19). Người Do-thái, kể cả nhóm Pha-ri-sêu, vẫn dùng đồng quan Rô-ma trong thị trường chung Pa-lét-tin hồi đó. Đồng tiền này mang hình và danh hiệu hoàng đế Rô-ma, bởi vì đúc tiền là quyền của người nắm tối thượng trên một dân tộc. Cho nên dùng tiền Rô-ma là nhận quyền hoàng đế trên dân tộc mình. Vậy thì tất nhiên phải nộp thuế cho hoàng đế Rô-ma, điều mà người Do-thái coi là một dấu hiệu của sự thần phục bỉ ổi dân tộc phải bày tỏ đối với Rô-ma.
Thế nhưng, Chúa Giê-su bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22, 21). Người muốn nói rằng, bên trên quyền lợi của hoàng đế là quyền lợi của Thiên Chúa, cũng phải trả về Người. Có hai quyền lợi: của Thiên Chúa và của con người; không phải song song với nhau, và càng không đối nghịch nhau; nhưng quyền Thiên Chúa ở trên và bao gồm quyền của con người, liên quan tới mọi dân, mọi thời. Đối tượng trực tiếp của quyền Thiên Chúa đòi con người phải thờ lạy và tuân phục Người, đồng thời bảo đảm cho con người những mối lợi trường cửu. Quyền lợi của người ta, cũng là do Thiên Chúa mà có, nhưng trực tiếp do con người nắm giữ, để phục vụ cho những ích lợi trần thế này.
Nghĩa vụ của con người đối với Thiên Chúa và với chính quyền không phải là không dung hoà được với nhau, nếu hiểu cho đúng. Nói cách khác, khi con người phục vụ quyền lợi chính đáng của nhà nước, của dân tộc, v.v... thì đó là phục vụ chính Thiên Chúa. Không ai được phép vi phạm quyền lợi của Thiên Chúa, để gọi là phục vụ quyền lợi của con người, dù người này là ai đi nữa. Vì lúc đó quyền lợi của con người là không chính đáng. Nên chú ý chi tiết hình và danh hiệu. Luật Cựu Ước cấm tạc hình tượng người và thú vật để tránh việc thờ ngẫu tượng. Danh hiệu hoàng đế Rô-ma có chữ thần linh, vì hoàng đế tự coi mình là thần linh. Điều này có thể gợi cho người Do-thái nhớ ngay lời tuyên xưng : Thiên Chúa là duy nhất và giới răn thờ phượng một mình Thiên Chúa. Vậy Chúa Giê-su trả lời: nộp thuế thì cứ nộp, vì sống dưới quyền cai trị của đế quốc, sử dụng đồng tiền của đế quốc... nhưng thờ phượng một Thiên Chúa thôi, không có thần nào khác.
Điều quan trọng hơn cả là phải trả lại cho Thiên Chúa quyền lợi của mình bằng cách làm hài lòng Người. Bởi Thiên Chúa mong đợi không những nơi người Do-thái mà nơi tất cả chúng ta một tấm lòng khiêm tốn, quảng đại và tuân theo các giới răn. Việc người Pha-ri-sêu dự định loại bỏ Chúa Giê-su cho thấy sự ác tâm của họ, điều đó có đang xảy ra trong ý định và tâm hồn của chúng ta hay không? Phải chăng, Chúa Giêsu cũng buộc tội chúng ta là những kẻ giả hình bởi những lần chúng ta ‘thử’ Người? Xin cho chúng ta biết ăn năn và tin yêu Chúa Giê-su - Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống ban ơn giúp sức và đồng hành với chúng ta.
Tông đồ bé nhỏ