Dừng lại ở đoạn đối thoại ngắn giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô chúng ta nhận thấy có sự xuất hiện của ba nhân vật: Chúa Giê-su, ông Phêrô và người anh em không tên. Vậy người anh em không tên mà Thánh Phê-rô nhắc đến là ai? Liệu có phải là một trong số 12 tông đồ, những người bạn mà Thầy Giê-su quy tụ, để cùng chung chia sứ vụ với Thầy không? Qua thắc mắc của Thánh Phê-rô đâu đó cho chúng ta thấy được bối cảnh cụ thể thời các tông đồ, giữa các tông đồ cũng đã xảy ra những va chạm, hiểu lầm và cả mâu thuẫn. Điều này đã làm cho thánh nhân bận lòng và thao thức, đẩy ông đến chọn lựa chủ động đi bước trước để ra khỏi mình.
Ông không dừng lại hay tự mình loay hoay nhưng đến với Thầy Giê-su để xin sự giúp đỡ. Ông khao khát tìm ra một hướng giải quyết thích đáng nhất cho vấn đề về “ Sự Tha Thứ”. Ông đặt câu hỏi và có ngay câu trả lời. Tại sao vậy? thiết nghĩ rằng, liệu có phải ông đã thực hành nhiều lần sự tha thứ và như thế theo kinh nghiệm của mình, ông nghĩ với sức của mình chắc 7 lần là nhiều, là được rồi.. ông khá tự tin và nghĩ chắc là Chúa tán thành và ủng hộ.
Nhưng khá bất ngờ và ngạc nhiên về sự hồi đáp của Thầy Giê-su: không phải bảy lần mà bảy mươi lần bảy, Ồ………. Có phải Thầy hơi mạo hiểm và thiếu thực tế không? Sao có thể làm được bảy mươi lần bảy. Nghe có vẻ không khả thi. Ông bối rối, ngạc nhiên và chưa đón nhận được câu trả lời của Thầy. Bằng chứng là Chúa Giêsu liền phải trích dẫn ngay một ví dụ đầy sức thuyết phục để soi sáng, củng cố và giúp ông hiểu hơn cách thực hiện lời mời gọi của Thầy.
Dụ ngôn nhấn mạnh đến hai cặp tương quan giữa: “vua - đầy tớ” và “tên đầy tớ - bạn mình”. Cùng trong một tình trạng là “mắc nợ”, cùng thái độ “cúi mình năn nỉ xin tha” nhưng khác nhau về cách phản ứng. VUA chạnh lòng thương và xóa hết, ĐẦY TỚ không xót thương bắt tống ngục. Tại sao người đầy tớ lại có chọn lựa đó? Tại sao người đầy tớ không biết xót thương đến người anh em của mình như mình đã được xót thương? Tại sao người đầy tớ không cảm được lời cầu xin của người bạn của mình? Không phải là ông cũng đã trải qua kinh nghiêm được xót thương được tha thứ là như thế nào ư?
Tin Mừng còn nhấn mạnh đến số tiền mà tên đầy tớ mắc nợ vua lớn hơn rất nhiều so với món nợ của người bạn mình. Một câu hỏi mở ra cho bạn và cho tôi cùng ngẫm nghĩ “TẠI SAO” .Hỏi người để giúp tôi một lần nữa hỏi lại chính mình. Nhìn lại hành trình cuộc đời đã nhiều lần tôi đã cảm nhận được tình thương, sự tha thứ và lòng thương xót của Chúa. Có những lúc cảm thấy như bất lực và bó tay đối với người đời thì Chúa lại không bó tay mà lại tiếp tục kiên nhẫn, xót thương và tha thứ. Vậy tại sao trong đời sống chung trước những hiểu lầm, hay lỗi lầm của anh chị em tôi lại tỏ ra khó chịu, khó tha thứ. Hình như đâu đó trong tôi hình ảnh “ người đầy tớ không biết xót thương” đang là chủ đạo.
Cám ơn Chúa vì một lần nữa qua Lời Chúa giúp con nhận ra tình trạng của mình trong tương quan với anh chị em. “Người đầy tớ không biết xót thương” . Lạy Chúa, xin giúp con biết ở lại sâu hơn để con cảm nhận được lòng xót thương của Chúa để con có thể vượt qua mức giới hạn 7 lần như con nghĩ, để chọn bảy mươi lần bảy như Chúa mời gọi. Lạy Chúa xin ban tặng con một quả tim mới, xin đặt thần khí mới vào lòng. Xin bỏ đi quả tim chai đá và ban tặng các ngươi một quả tim biết yêu thương (Ed 36,26).
MK, Fmm.