Sửa Lỗi Trong Tình Bác Ái

Con người muốn nên hoàn thiện chúng ta cần biết rút kinh nghiệm và học từ những sai sót của mình. Sửa lỗi cho nhau là một điều cần thiết để giúp nhau vươn tới sự trưởng thành và tới Chúa. Nhưng để giúp sửa lỗi cho nhau chúng ta cần sửa lỗi trong tình bác ái và yêu thương luôn luôn ý thức có Chúa hiện diện.

“Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế” (Mt 17, 15-17).Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su nói về việc sửa lỗi cho người anh em. Việc sửa lỗi được làm trong tình huynh đệ và bác ái. Sửa dạy là điều hết sức cần thiết trong cuộc sống của chúng ta. Từ nhỏ chúng ta đã được ông bà, cha mẹ, thầy cô, anh chị sửa dạy mỗi khi chúng ta có lỗi, mỗi khi chúng ta làm sai trái. Và từ những điều đã được chỉ dạy chúng ta lớn lên hơn mỗi ngày, biết tránh để không phạm lại lỗi cũ nữa. Đó là khi chúng ta là những đứa trẻ, còn khi chúng ta lớn khôn rồi việc góp ý, sửa lỗi có thực sự dễ dàng? Chúng ta dễ có suy nghĩ, lớn rồi thì tự sửa chứ góp ý gì hoặc là chúng ta không dám góp ý vì sợ ý kiến nói ra không được đón nhận. Hôm nay Chúa Giê-su một lần nữa Ngài nhấn mạnh sự quan trọng của việc sửa lỗi. Vì sửa lỗi nhằm xây dựng tình bác ái và giúp cho người có lỗi biết hối lỗi trở về. Sửa lỗi vì tình yêu thương dành cho người anh em mình.

Chúa Giê-su hướng dẫn cách để chúng ta đi đến sửa lỗi cho người anh em. Lần đầu tiên thì chỉ mình anh với nó. Sự góp ý bảo đảm sự tế nhị, gần gũi và an toàn chỉ hai người với nhau. Và nếu sự góp ý thành công chúng ta đã chinh phục được người anh em của mình. Nhưng nếu người anh em  không chịu nghe, chúng ta hãy áp dụng bước 2. Đem thêm một hoặc hai người nữa để mọi việc được giải quyết nhờ hai hoặc ba chứng nhân. Việc đem thêm chứng nhân tới nhằm giúp cho mọi sự thêm sáng tỏ và hướng đến cách giải quyết tốt nhất. Và nếu nó vẫn không chịu nghe thì hãy đưa nó ra trước Hội thánh. Và khi đến trược Hội thánh nó cũng không nghe thì hãy coi nó như một người ngoại hay thu thuế. Khi đã đưa ra trước cộng đoàn Hội thánh thì người có trách nhiệm ngoài việc sửa dạy trong đức ái cũng cần có biện pháp kỉ luật để không tạo ra những gương xấu khác. Sự tha thứ giúp cho việc sửa lỗi nên trọn vẹn hơn. Quả thế, khi người có lỗi nhận ra lỗi lầm của mình, họ muốn được chúng ta tha thứ và đón nhận trở lại cộng đoàn. Để được sống đúng với ơn gọi của mình và xây dựng tình hiệp thông trong cộng đoàn.

Tha thứ là xây dừng tình bác ái. Trong Tin mừng Chúa Giê-su nói: “Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ” (Mt 17, 18). Khi chúng ta cầm buộc chúng ta chưa sống sự tha thứ. Có nhiều người giận nhau và giữ mãi những lầm lỗi của anh chị em mình. Không tha thứ khiến chúng ta trở nên ích kỷ, sống khép kín và cô đơn. Nhưng khi chúng ta biết tha thứ và đón nhận lỗi lầm của người khác, chúng ta biết cảm thông và đón nhận hơn. Nhờ đó chúng ta có khả năng để mở lòng san sẻ và sẵn sàng đi ra với mọi người.

Cầu nguyện giúp xây dựng tình bác ái và sự hiệp nhất. Lời Chúa Giê-su đã hứa: “Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy” (Mt 17, 19-20). Nhờ đời sống cầu nguyện giúp chúng ta hiểu nhau và đi cùng nhau. Nhờ thế đời sống cộng đoàn thêm hiệp nhất và vui tươi hơn, hạnh phúc hơn. Và khi chúng ta cùng nhau hiệp ý cầu nguyện thì bất cứ điều gì anh em xin sẽ được Cha Thầy ban cho.

Lời thánh Phaolô trong bài ca đức ái: “Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác” (1Cr, 9). Thật thế, khi chúng ta sửa lỗi anh em với tình bác ái chúng ta đang thể hiện sự yêu thương đối với người anh em mình. Vì thế luật yêu thương là yêu luật và “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13, 10).

 

Cỏ Mật, fmm