Từ Bỏ Và Bước Theo

“Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9: 24 b)

Chúng ta từ bỏ điều gì? Chúa Giê-su mời chúng ta bước theo Ngài một cách thong dong, bởi đó chúng ta bước kịp Ngài khi chúng ta đầy dẫy những thứ cồng kềnh, vướng bận những thứ bon chen, ham mê trần thế. Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao. cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Alexander từng nói: “Thắng được vạn quân còn dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.

          Bỏ được có thế là rất đau, nhưng đó là một đòi hỏi của Tin Mừng. Các thánh Tử Đạo đã thực hiện được điều này trong thời bách hại. Còn chúng ta hôm nay, một khi đã bước theo Chúa, đã trở thành một người con của Chúa trong Hội Thánh, chúng ta có để cho con người cũ của chúng ta mục nát đi? Có cởi bỏ những gì không thích hợp với một Kitô hữu không? Đặc biệt là hãy chết đi cho tội lỗi để được sống như Đức Kitô, nghĩa là từ bỏ những gì thuộc về thế gian trong con người cũ của chúng ta. Vì “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga: 12, 24)

          Các Thánh Tử Đạo ngày xưa đã đổ máu mình, chấp nhận hy sinh để hạt giống Đức Tin được trổ sinh trên đất nước Việt Nam. Các Ngài thay vì nghe lệnh vua quan mà chà đạp lên Thập giá, các ngài đã chấp nhận ôm lấy Thánh giá và vác đi. Các Ngài hy sinh, chịu thử thách và chấp nhận bỏ mình tuyệt đối kể cả mạng sống để theo Chúa đến cùng. Chúng ta ngày hôm nay, dù không phải đổ máu và chết đi cách trực tiếp vì sự bách hại công khai không còn nữa, nhưng vẫn còn đó những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của những điều tục hóa… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo hội mà giữ lễ luật Chúa, xứng đáng là con cháu của các Đấng tử đạo.

Chúa Giê-su đã nhắc lại hướng đi của cuộc đời chúng ta, “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất …”. Quan niệm của Người khác hẳn với con người, những ai chỉ lo “tránh tội” trong khi lòng vẫn chạy theo con đường danh vọng và tìm cách hưởng thụ tối đa ở đời này. Nguyên thái độ chỉ muốn sống an nhàn mà không biết liều mình vì người khác, vì lợi ích chung cũng đã đủ làm cho chúng ta xa rời đường lối Thiên Chúa. Bước theo Đức Giê- su là bước theo đường hẹp, con đường đòi hỏi phải bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày để đi theo. Phải chăng Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Hãy vác thập giá mình chứ không phải vác dùm người khác. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận đối với Chúa và Giáo hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.

Trong thời đại chúng ta hiện nay, những ai dám sống thật, dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là thiệt thân. Hiện nay, không ít người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các Bí tích, nhất là Thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm, hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh… Có thể vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức. Chúng ta muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật.

Câu chuyện sau đây phần nào minh họa cho việc dám chấp nhận sống thật và chết đi cho chính mình: Truyện kể rằng “Hôm ấy, có người nông dân mang thóc giống gieo trên thửa ruộng của mình. Đang khi gieo thì trời nổi gió lớn. Có nhiều hạt rơi xuống ruộng bùn nhưng cũng có nhiều hạt bị gió thổi bạt lên vệ đường kề bên.

Bấy giờ những hạt giống nằm trên vệ đường khô ráo cảm thấy mình quá hên so với bao nhiêu hạt thóc bạn đang phải ngoi ngóp ngụp lặn dưới bùn, bèn tỏ lòng thương hại và an ủi các bạn thóc dưới sình bằng những lời ngạo mạn: “Đáng thương thay thân phận khốn khổ của các anh. Đang khi chúng tôi đây thì được ở nơi khô ráo ngon lành, còn các anh lại phải chìm lỉm trong vũng bùn tanh tưởi. Đang khi chúng tôi được tắm mình dưới nắng, thì các anh lại phải ngụp lặn trong chốn tối tăm. Đang khi chúng tôi được nhìn ngắm bầu trời xanh, nhìn ngắm những bông hoa tươi đẹp bên vệ đường thì các anh chẳng thấy gì, chẳng biết gì… Cuộc đời chúng tôi đầy hào quang, còn cuộc đời các anh đang tàn tạ. Bất hạnh thay cho các anh!…”

Hạt lúa ấy vừa dứt lời thì bỗng đâu có một bàn chân nặng nề dẫm đạp lên mình nó, khiến nó bị gãy đôi. Sau đó, những bánh xe từ xa chạy đến, lạnh lùng chà nát nó và những hạt lúa khác nát tan. Những hạt lúa may mắn còn nguyên vẹn lại hoá thành mồi ngon cho côn trùng và chim chóc!

Trong khi đó, những hạt lúa tưởng là bất hạnh chìm lỉm trong bùn, thì qua vài hôm sau đã ngoi lên thành những mầm non đầy sức sống. Những mầm non ấy vươn lên phơi phới, triển nở thành những bụi lúa sum suê. Không đầy ba tháng sau, từ một hạt lúa nhỏ nhoi chìm ngập trong bùn, nó trở thành những bông lúa thơm tho tuyệt đẹp, kết thành hàng trăm hạt vàng khoe mình dưới nắng”.(trích nguồn Internet)

Lạy Chúa Giê-su, cuộc đời theo Chúa là một cuộc tử đạo trường kỳ với bao thử thách gian nan và bách hại, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen.

Hồng xóm núi, fmm.