Nhận Lãnh Và Cho Đi

Khung trời yêu thương chỉ có thể diễn ra trong quy luật trao tặng chứ không phải trao đổi.

Tinh thần bác ái và phục vụ của người Kitô hữu vốn là một điểm son và là một lời chứng cho sự chân thật của Đức Tin Kitô giáo. Nếu đặt trong dòng chảy duy nhất của sự sống nói chung và sự sống Kitô giáo, thì nguyên lý nhận lãnh đi trước nguyên lý cho đi. Xét từ cội nguồn, mỗi người đều đã được lãnh nhận từ tổ tiên, từ ông bà cha mẹ và từ xã hội tất cả những gia sản quý báu, vật chất và tinh thần. Chúng ta lãnh nhận ơn ban nhưng không từ Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu “tha thứ” - tình yêu vô điều kiện.

Ba dụ ngôn nổi tiếng trong Tin mừng Luca chương 15 hôm nay làm sáng tỏ về lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho từng người trong chúng ta. Hình ảnh người chăn chiên có một trăm con chiên lặn lội đi tìm cho bằng được con chiên bị mất và vác trên vai mang về. Hình ảnh người đàn bà có mười quan tiền thức đêm thức hôm tìm cho được một đồng bị mất. Xúc động hơn là hình ảnh người cha nhân hậu có thái độ khoan nhân đón nhận cả hai người con.

Sở dĩ Chúa Giêsu nói lên ba dụ ngôn này là vì những người Pharisêu và các kinh sư đã có thái độ không bằng lòng khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc cũng như đồng bàn với những người thu thuế và những người tội lỗi.

Người con thứ muốn hưởng sự tự do. Anh ta ra đi, lìa xa Cha mình vì không hiểu thấu tình yêu của Người và cảm thấy sự hiện diện của Cha đã trở nên nặng nề. Sau khi phung phí gia tài mà anh không biết trân trọng, anh đánh mất luôn cả danh giá của mình, đi làm tôi cho kẻ khác, với những hành động ô nhục là “chăn heo” (heo là giống vật ô uế đối với người Do-Thái).

Nhưng người con ấy đã trở về, anh ý thức tình trạng nô lệ của anh và biết chắc Thiên Chúa sẽ dành cho anh một tương lai tốt đẹp hơn. Anh dứt khoát lên đường trở về. Đến nơi, anh khám phá ra rằng Cha mình rất khác với những gì anh nghĩ về Người: Cha vẫn đợi anh và chạy ra đón anh, phục hồi thế giá cho anh và không muốn nhắc tới phần gia tài đã mất nữa. Rồi cả nhà mở tiệc ăn mừng, bữa tiệc mà Đức Giê-su hay nhắc tới.

Lúc này chúng ta mới hiểu ra rằng Thiên Chúa là Cha. Người không dựng nên chúng ta và cho chúng ta sinh ra ở đời này để lập công tích góp phần thưởng nhưng là để chúng ta khám phá ra rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Và tình yêu của Ngài luôn đổ tràn chúng ta ngay cả khi chúng ta là tội nhân. Lỗi lầm của chúng ta không làm cho Thiên Chúa ngạc nhiên, bởi lẽ khi dựng nên chúng ta là con người tự do, Người đã liều để chúng ta có khả năng sa ngã. Khi sống kinh nghiệm thiện ác, chúng ta có Thiên Chúa ở kề bên, cho tới khi nhờ Con Một Người là Chúa Giê-su, Người có thể gọi chúng ta là con. 

Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng từ hư vô và được Chúa đặt trong dòng chảy của ân sủng. Tất những gì chúng ta có là do “lòng thương xót” của Thiên Chúa ban cho. Ân sủng của Thiên Chúa đi trước, và con người lãnh nhận với lòng tri ân thì cũng biết san sẻ, hoặc nói đúng hơn, cần “xử lý” ân ban ấy một cách có trách nhiệm bằng thái độ biết cho đi. Khung trời yêu thương chỉ có thể diễn ra trong quy luật trao tặng chứ không phải trao đổi. Người con thứ đã nhận lãnh tình yêu nhưng không từ người cha, mỗi người chúng ta đã lãnh nhận biết bao ơn lành từ Thiên Chúa, đến lượt chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ ân ban với anh chị em đồng loại.

Trước mặt Thiên Chúa tất cả mọi người chúng ta đều là những con người đáng thương. Thiên Chúa sẵn sàng làm tất cả và chẳng tiếc gì miễn sao chúng ta được sống và sống dồi dào hạnh phúc. Ai trong chúng ta biết ăn năn sám hối trở về là niềm vui cho cả triều thần thiên quốc. Bởi vì: “Tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” (Lc 5, 10). 

Chúng ta không thể đón nhận mà không biết trao ban. Đón nhận càng nhiều bao nhiêu thì trao ban cần rộng lớn bấy nhiêu: trao ban tình thương cho nhau, trao ban sự quan tâm lẫn nhau, trao ban sự hy sinh cho nhau… Chúng ta trao ban cho những người thân yêu. Chúng ta trao ban cho những người chưa quen biết. Thậm chí chúng ta còn được kêu mời trao ban cho những kẻ thù nghịch với mình. Trao ban không phải là thái độ của người lớn cho kẻ nhỏ mà là thái độ của anh chị em con cùng một Cha – cùng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.


Hồng Xóm Núi, Fmm.