Tình Yêu Trao Ban

“Ai là là người thân cận của tôi ?“ (Lc 10: 29 b)

Tình yêu trao ban là một tình yêu luôn lớn mạnh và trào tràn đến những người xung quanh đồng thời sản sinh hoa quả thật dồi dào phong phú. Tình yêu vị kỷ chỉ biết vun đắp cho riêng mình là một thứ tình yêu nhàm chán ắt hẳn cũng sẽ phai mờ theo năm tháng. Dưới đây là một nhân chứng về một tình yêu sống động minh chứng cho lối sống Tin Mừng trong thời đại hôm nay.

 Trên trang Website của Tổng Giáo Phận Sài Gòn ngày 02/12/2022 có đăng một bài suy có tựa đề  ““Người Samari nhân hậu” hôm nay”  có nhắc đến chuyện một cô gái tên là Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1984, ngụ P. Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, Tp. Hồ Chí Minh) bị bọn cướp mang trong người dòng “máu lạnh”, chém cánh tay phải gần đứt lìa, hiện đang còn nằm bệnh viện Chấn Thương - Chỉnh Hình Tp. Hồ Chí Minh. Tai nạn kinh hãi này đã làm cho biết bao người không khỏi bàng hoàng, xót xa và lo lắng; đồng thời đã làm dấy lên một làn sóng dư luận xôn xao phẫn nộ trước những con người tàn ác, hoặc những người đi đường vô cảm bỏ mặc chị Thúy bị cướp chém lìa cánh tay khi đang chạy trên cầu Phú Mỹ, hướng từ quận 7 về quận 2.

Thế nhưng, có một người đàn ông can đảm, tốt bụng, đã động lòng xót thương, ra tay cứu giúp chị Thúy trong cơn hoạn nạn “thập tử nhất sinh”. Đó là ông Đặng Văn Nỡ (42 tuổi, ngụ quận 2, Tp. Hồ Chí Minh). Trên tờ báo Dòng Đời số 28, thứ Sáu 30.11.2012, có đề cập đến tình huống ông Đặng Văn Nỡ bắt gặp người bị bọn cướp chém gần đứt lìa cánh tay phải: “Khi vừa đổ dốc cầu Phú Mỹ, trong ánh đèn lờ mờ, ông thấy một cô gái còn rất trẻ đang bò lết dưới đường, trên người đầy máu… Ông vội ra tín hiệu cho một số xe dừng lại cùng ứng cứu nạn nhân nhưng không một xe nào đáp ứng.”( WGPSG) 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, một người thông luật đến hỏi đức Giêsu về sự sống đời đời và thắc mắc về người anh em. Đức Giê-su đã dùng câu chuyện Dụ Ngôn Người Samari nhân hậu để chỉ ra đâu là người anh em, qua đó Đức Giêsu dạy chúng ta hai điều răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người.

Câu chuyện ngụ ngôn kể về một người kia đi từ Giêrusalem xuống Giê-ri-khô. Đây là con đường dài khoảng 25 cây số, băng ngang hoang địa Giu-đê-a, và thời bây giờ thường có những băng cướp rình rập để cướp hàng của những người đi buôn. Theo văn mạch, chúng ta có thể suy đoán, câu chuyện muốn nói đến nạn nhân là một người Do Thái và như vậy Ông ta là người đồng chủng với thầy tư tế và thầy Lêvi. Tuy nhiên, cả hai vị này đã bỏ qua đang khi một người Samari, dù bị coi là người ngoại thì dừng lại chăm sóc nạn nhân cẩn thận. Cử chỉ hai thầy lãnh đạo Do Thái Giáo tránh qua bên kia mà đi cũng có thể là một hình ảnh tương phản được sắp xếp để làm nổi bật nhân vật chính tức là người Samari. Ông đã không ngần ngại xuống lừa, sơ cứu vết thương cho nạn nhân rồi còn đưa về quán trọ chăm sóc. Qua câu chuyện dụ ngôn, Đức Giê-su đã giúp thầy thông luật tìm ra câu trả lời của chính mình đồng thời cũng là câu hỏi cật vấn của mỗi Kitô hữu chúng ta: “ai là người anh em của tôi ?

Trong trường hợp tai nạn thương tâm và kinh hãi của chị Thúy, xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 24.11 cũng tương tự như dụ ngôn người Samari nhân hậu trong Tin Mừng. Người đàn ông cứu giúp chị hoàn toàn xa lạ, không nghĩ đến chuyện sợ bị người khác làm liên lụy đến bản thân, sẵn sàng giúp người chị em đồng loại bằng tất cả tình người: “Lúc này, khi bọn cướp đã bỏ đi, nhiều người dân mới dừng lại xôn xao bàn tán. Cô gái đang trong tình thế rất nguy hiểm, máu tuôn xối xả từ cánh tay bị đứt lìa, ông Nỡ nhanh chóng lấy áo của mình bó chặt vết thương cho nạn nhân. Lúc này, có rất nhiều người đứng xem, ông Nỡ nhờ người phụ đưa nạn nhân vào bệnh viện nhưng ai cũng từ chối. Không thể trễ hơn, một tay điều khiển xe, một tay quàng ra sau ôm nạn nhân, ông vội đưa cô gái đi cấp cứu. Sau hai lần chuyển viện, ông ngủ lại ở Bệnh Viện Chấn Thương – Chỉnh Hình Tp. HCM. Chờ ca cấp cứu thành công và người nhà nạn nhân đến ông mới ra về.” (WGPSG)

Qua câu chuyện trên, cho chúng ta một câu trả lời thật rõ ràng và cụ thể. Người anh em là bất cứ ai đến gặp tha nhân với tình yêu, dù tha nhân là người đồng chủng, đồng đạo hay khác đạo. Do đó, câu hỏi giờ đây không còn là “ai là người anh em của tôi” nữa nhưng là “tôi là người anh em của ai? Tôi trở thành người anh em của người khác như thế nào?”. Trước sứ điệp Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giê-su, lối suy nghĩ cục bộ, thái độ nệ luật của người Do Thái và người thông luật cần phải được thay đổi. Theo Giáo phụ Ô-ri-zê-nê, các nhân vật trong câu chuyện dụ ngôn đều mang một ý nghĩa biểu tượng. Giê-ru-sa-lem biểu tượng cho Thiên Đàng, Giê-ri-khô là thế gian; nạn nhân chính là hình ảnh của con người bị quyền lực sự dữ đánh cho nhừ tử; hai vị tư tế và Lêvi biểu tượng cho lề luật và các ngôn sứ, hình ảnh người Samari ám chỉ Đức Giêsu Đấng đến cứu trợ nạn nhân là con người; dầu là các bí tích, nơi quán trọ là Hội Thánh.( Đài Chân Lý Á Châu)

 

Qua bài Tin mừng hôm nay, chúng ta cũng xác định lại thái độ và tương quan của chúng ta với người xung quanh. Người anh em của tôi chính là những người đang cần sự trợ giúp của tôi nhất, bất kể đó là người già hay trẻ, nam hay nữ, giàu hay nghèo… Nhiều khi, chúng ta phải đặt mình vào vị thế chủ động thay vì thụ động chờ người ta kêu cứu và xin giúp đỡ. Nói cách khác, tôi có luôn luôn trong tư thế sẵn sàng đi đến với những mảnh đời khó khăn cơ nhỡ, bị bỏ rơi trong cuộc đời này không?  Đừng trở thành người dửng dưng như thầy tư tế và thầy lêvi nhưng hãy mau mắn trở thành người anh em của hết mọi người. Bởi vì những người anh em đó chính là hiện thân của Đức Giêsu Đấng đã đến trần gian để trở nên người anh em, người hàng xóm của mỗi chúng ta.

Tuy nhiên, cần phải hiểu, chính chúng ta là những nạn nhân cần phải tìm đến với Đức Giê-su qua các bí tích, tìm đến với Lời quyền năng của Người để được đỡ nâng, có Người ở bên chúng ta không còn phải sợ hãi nhưng an tâm. Bên cạnh Người, chúng ta được mời gọi để san sẻ những nỗi đau, niềm vui, mọi sự khó khăn thất bại, thành công trong cuộc đời mình. Đàng khác, chúng ta cũng hãy mang ánh sáng, sức mạnh tình yêu của Người đến với tất cả mọi người, nhất là những cảnh đời đang gặp khó khăn đau khổ bị hắt hủi chà đạp trong xã hội và thế giới hôm nay.

Ba vấn đề được đặt ra trong bài Tin Mừng hôm nay là: lề luật, tình yêu và sự sống vĩnh cửu, trong đó tình yêu chính là yếu tố quan trọng nhất. Tình yêu đưa con người tới hạnh phúc vĩnh cửu, tình yêu cũng giúp con người chu toàn lề luật. Không có tình yêu con người không thể tìm thấy sự sống đời đời và luật lệ chỉ còn là ách đè nặng con người. Nếu chúng ta ứng xử như thầy tư tế và thầy Lêvi trong câu chuyện dụ ngôn, quá chú trọng đến luật lệ mà không để ý tới tình yêu chắc chắn sẽ bị lên án. Xin cho mọi người chúng ta luôn nhận biết tình yêu và lòng thương xót chính là những giá trị cao quý và cần thiết nhất trong cuộc đời những điều đó sẽ giúp chúng ta được bình an và hạnh phúc. Xin cho trái tim chúng ta luôn đầy lòng thương xót của Thiên Chúa để chúng ta luôn sống chan hòa với nhau trong tình yêu với anh chị em xung quanh. Amen. 

 

   Hồng Xóm Núi, Fmm.