LẮNG NGHE và TIN THEO

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng được sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay tôi”(Ga 10: 27-28)

Chiên là loài động vật không có khả năng tự vệ, chính vì vậy mà người chăn chiên dùng một số công cụ để chăm sóc và giữ gìn đàn chiên của mình. Người sở hữu một cây roi dùng để canh giữ và bảo vệ, cùng một cây gậy có đầu cong để giải cứu đàn chiên…” Hình ảnh vị mục tử nhân lành ấy được Chúa Giêsu ví chính Người là mục tử nhân lành, rất yêu thương đàn chiên, dám chịu cực khổ, tận tụy hy sinh vì đàn chiên, bảo vệ cho đàn chiên được vẹn toàn. Người cũng cho biết: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta”. Quả vậy,  chúng ta là những con chiên thuộc đoàn chiên của Chúa. Khi chúng ta sống trong lòng Giáo Hội và Chúa Giê-su chính là vị Mục Tử nhân lành chăn dắt chúng ta.

 Như người chăn chiên sử dụng các công cụ là cây roi và cây gậy để chăn dắt và bảo vệ đàn chiên, Chúa Giê-su cũng dùng mọi cách thế để bảo vệ và dẫn dắt đoàn chiên Người đã chọn là Hội Thánh. Sinh thời, Người đã đi khắp nơi loan báo Tin Mừng tình yêu. Với lời lẽ đầy uy quyền và những phép lạ kèm theo, Người đã  bênh vực, bảo vệ và chăm sóc các chiên đau ốm, đưa về ràn những chiên đi lạc. Dụ ngôn “một trăm con chiên” là một ví dụ minh chứng tình yêu của Ngài “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” (Lc15: 14).

Lịch sử cho thấy khi xưa dân Do Thái đã sẵn sàng bỏ hết mọi sự, tụ tập chung quanh Chúa Giê-su để nghe Người giảng dạy và để được Người chữa lành bệnh về phần xác cũng như tâm hồn. Dù là thường dân hay cấp lãnh đạo, khi đến với Chúa đều bình đẳng vì tình yêu của Thiên Chúa chan hòa trên tất cả mọi người không phân biệt giai cấp, hoặc tôn giáo. Quả thế, niềm tin vào Chúa Giêsu kết hợp chúng ta nên một, gắn kết và bền chặt hơn cả những luật lệ trần gian.

Thế giới ngày nay không ngừng biến đổi, cái hôm nay tồn tại, thì ngày mai sẽ bị thay thế, từ những kiểu thời trang cho đến những hiệp ước, từ những loại xe cộ cho đến những thứ vũ khí, từ những lập trường cho đến những phương thuốc trị liệu… Thế giới như quay cuồng, đầy những phân rẽ và bất đồng trong dư luận, trong đảng phái, cũng như trong chính tâm hồn mình. Con người như chao đảo, ngả bên này, nghiêng bên kia. Nghe truyền thanh, xem truyền hình, đọc báo chí, chúng ta cảm thấy như người đang nói với chúng ta là có lý. Nhưng cái có lý ấy chẳng kéo dài được bao lâu, bởi vì khi kẻ đối lập với ông ta lên tiếng, chúng ta lại cảm thấy phần có lý ấy lại chuyển sang phe đối lập. Vì thế, chúng ta khó có thể tìm thấy chân lý, khó có thể nhận ra sự thật.

Giữa những cái trái ngược nhau như vậy, lời Chúa hôm nay vang lên, như muốn xác định cho chúng ta một lập trường dứt khoát và chắc chắn: Ta là mục tử nhân lành. Lời xác quyết này thắp lên trong chúng ta một tia sáng hy vọng, đồng thời tỏ cho chúng ta thấy một góc cạnh mới về Thiên Chúa.

Chuyện kể rằng: “Vào năm 1943, xảy ra vụ năm người lính Đức bị phục kích và bị sát hại gần thành phố Chani, miền bắc nước Ý. Và thế là viên chỉ huy Đức Quốc Xã liền ra lệnh bắt 50 người thế giá nhất của thành phố đem đi xử bắn để dạy cho dân thành một bài học.

Đức Cha chánh và Đức Cha phó đã cố gắng can thiệp nhưng không hiệu quả gì. Tất cả 50 người đều bị trói, bị bịt mắt và xếp thành hàng dài. Thế rồi giây phút đen tối nhất đã đến. Tiếng còi hú vang lên báo hiệu nhắm súng. Đức Cha chánh xin viên chỉ huy một đặc ân cuối cùng là được ôm hôn từng người sắp bị hành quyết. Ngài tìm cơ hội cho các nạn nhân được xưng tội để giao hoà với Chúa. May mắn thay, lời thỉnh cầu này được chấp nhận.

Nhưng cũng thật lạ lùng, bởi vì sau đó hai vị giám mục đã không trở về chỗ cũ, trái lại các ngài đã đứng vào hàng ngũ những người bị xử bắn. Đức Cha chánh đã lên tiếng nói với viên chỉ huy: Không phải chỉ có 50 người, nhưng tất cả là 52 người chúng tôi. Ông còn quyết định bắn chúng tôi, thì xin hãy ra lệnh. Xin Thiên Chúa tha thứ cho ông.

Vừa dứt lời, bỗng từ bầu khí nặng nề của chết chóc vang lên tiếng reo hò, bởi vì các khẩu súng đang ngắm bắn đều hạ xuống. Thế là cả chủ chăn lẫn đoàn chiên đều thoát khỏi những viên đạn của tử thần. Hôm đó từ pháp trường ra về, mục tử cũng như đoàn chiên đều sung sướng hát lời thánh vịnh: Khi Chúa dẫn tù nhân Xion trở về, ta tưởng như giấc mơ…”

Hình ảnh hai vị giám mục đứng giữa những người bị xử bắn làm cho chúng ta nhớ tới Đức Kitô, vị mục tử nhân lành của chúng ta. Thực vậy, Ngài là Đấng thánh thiện và quyền năng, Ngài đã xuống thế làm người để trở thành một Emmanuel, nghĩa là một Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Hơn thế nữa, Ngài còn đồng hoá mình với chúng ta, là những kẻ tội lỗi. Không những thế, Ngài còn hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta khỏi án phạt của tội lỗi, như lời thánh Phaolô viết: Chúa đã yêu thương tôi và đã nộp mình chịu chết vì tôi. Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Còn chúng ta thì sao?

Là những con chiên trong đoàn chiên của Chúa, chúng ta cần phải lắng nghe và bước theo sự dẫn dắt của vị mục tử như lời Ngài đã phán: Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Hãy thực thi những điều Chúa truyền dạy, để nhờ đó chúng ta thực sự là những con chiên trong đoàn chiên của vị mục tử nhân lành là chính Đức Kitô.

 

                                                            Hồng Xóm Núi, Fmm.