Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Lời mời gọi của Chúa mãi còn vang vọng cho mỗi chúng ta hôm nay. Lên đường vì được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, lên đường để tiếp nối sứ mạng của Đức Giê-su. Trong bài Tin Mừng hôm nay: “Được Thần Khí thúc đẩy Đức Giê-su trở về miền Galile ….” , Ngài trở về quê hương để bắt đầu một sứ vụ mới là rao giảng Lời Chúa cho muôn dân.
Trong sắc lệnh “ Về hoạt động truyền giáo của Giáo hội” AD GENTES có viết: “Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để trở nên “ bí tích cứu độ phổ quát”, đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đức tính công giáo, và mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập, Giáo hội dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người… những người kế vị các Tông đồ có nhiệm vụ tiếp nối công trình này, để “Lời Chúa được lan rộng và tỏa sáng ” (2 Ts 3, 1), để nước Chúa được công bố và lan rộng khắp trần gian”.
Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su trở về quê của Ngài ở Galilê rao giảng. Tin mừng nói “Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh” (Lc 4, 15). Chúa Giê-su về thăm quê ngoài việc được gặp lại những người họ hàng, Ngài vẫn giữ nối sống thân quen hằng ngày là cầu nguyện, nghe đọc Sách Thánh và giảng dạy hay giải thích Kinh Thánh. “ Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa bát, và đứng lên đọc Sách Thánh” (Lc 4, 16). Ngài cầu nguyện và nói chuyện với Chúa Cha mỗi ngày và lãnh nhận thánh ý của Cha.
Ngày hôm nay chúng ta có còn học theo gương Chúa đến nhà thờ để cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa qua việc tham dự Thánh lễ và nghe giải thích Kinh Thánh nữa không? Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nên chúng ta phải nghỉ các sinh hoạt công giáo để cùng cộng tác trong việc phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng thời điểm hiện tại chúng ta đã được tạo điều kiện hơn cho việc tham dự thánh lễ nhưng số người đi lễ đã giảm đáng kể? Làm gì để mọi người bắt đầu lại những thói quen tốt đẹp trước đây? Và làm sao để truyền giáo giữa hoàn cảnh này?
Hôm nay Chúa Giê-su lên đền thờ, Chúa Giê-su đọc Lời Chúa và bắt đầu giảng giải Kinh Thánh. Sứ vụ của người được sai đi là rao truyền Lời của Chúa cho muôn dân, không phân biệt người giàu hay người nghèo, người tự do hay đang bị giam cầm, người sáng mắt hay kẻ điếc, mù lòa. Vì tất cả chúng ta đều là con cái Chúa nên chúng ta được nhận hồng phúc này từ Thiên Chúa. Đồng thời sứ vụ của chúng ta là sống và rao truyền Lời Chúa bằng chính đời sống của mình. “Người đời hôm nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy” (ĐGH Gio-an Phao lô II ). Vì vậy chúng ta hãy luôn sẵn sàng để ra đi loan tin mừng Nước Trời. “ Nhưng tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại vào một hoàn cảnh mới, vì thế Giáo Hội, là muối đất và ánh sáng trần gian, càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài thụ tạo, để mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô, và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa” (AD 1).
Lời tiên báo của tiên tri Isaia nay được ứng nghiệm với sứ mệnh của Chúa Giê-su đó là cứu độ nhân loại. Ngôn sứ Isaia đã diễn tả sứ mạng, kế hoạch và chương trình hành động của Chúa Giê-su. Nhờ sứ vụ này Chúa Giê-su đã mở ra một kỷ nguyên hồng ân của Thiên Chúa cho muôn dân. “ Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19). Lời của tiên tri Isaia được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su và lời Chúa Giê-su cách đây hơn hai ngàn năm đã và đang được Giáo hội hiện tại hóa trong đời sống của mình. Như thế sứ vụ cứu chuộc của Chúa Giê-su được tiếp tục trong Hội Thánh và nhờ Hội Thánh. “Sứ mệnh của Giáo Hội tiếp nối và triển khai qua dòng lịch sử sứ mệnh của chính Chúa Kitô, Đấng đã được sai đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, vì thế được Thánh Thần Chúa Kitô thúc đẩy, Giáo Hội cũng phải tiến bước trên chính con đường Chúa Kitô đã đi, con đường của nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân mình đến độ sẵn lòng chịu chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người” (AD 5).
Chủ đề của Thượng Hội Đồng lần thứ 16: “ Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông- tham gia – sứ vụ” một lần nữa nhấn mạnh đến việc đi trên cùng một con đường vì cùng được một thần Khí thúc đẩy và hướng dẫn. Tất cả các Ki-tô hữu cùng hiệp thông sâu xa với nhau vì có chúng một sự sống thần linh và làm nên một Hội Thánh duy nhất. Trong thư gửi tín hữu Cô- rin-tô Thánh Phao lô đã làm nổi bật sự hiệp nhất giữa các bộ phận trong thân thể: “ Vậy anh em. Anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,27) , “ Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr12,13). Chúng ta được mời gọi sống hiệp nhất trong cùng một tinh thần bác ái, yêu thương nhau.
Các sứ giả Tin Mừng được Giáo Hội sai đi khắp thế gian để thực thi phận vụ rao giảng Phúc Âm và gầy dựng Giáo Hội nơi các dân tộc, hoặc nơi những cộng đồng chưa tin vào Chúa Kitô, được gọi chung là “sứ vụ thừa sai”(AD,6). Hãy mau lên đường, hãy đi rao giảng Tin mừng. Trước khi trở nên một thừa sai đích thực mỗi chúng ta được mời gọi sống Tin mừng cách triệt để và hiệp hành. Như mẹ Têrêsa Calcutta chúng ta hãy dâng lên Chúa lời khẩn cầu tha thiết: “ Lạy Chúa Giê-su thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin Chúa hãy đổ tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa… Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim đầy yêu thương của Chúa.” Amen.
Cỏ Mật, fmm