Trong tình hình dịch bệnh ngày một lan nhanh với mức độ nguy hiểm khôn lường, việc siết chặt an ninh, dãn cách xã hội đã khiến cho không ít người lâm vào cảnh thiếu thối cùng cực. Lời Chúa trong sách Các Vua quyển thứ nhất của Chúa Nhật XIX hôm nay là một sự khích lệ và là nguồn trợ lực lớn cho con người. Câu Chuyện Ngôn Sứ Elia trong cuộc hành trình lên núi Khô-rếp, do đường xa nên ngài đã kiệt sức vì đói và khát. Nản chí, có lẽ có chút thất vọng, vị Ngôn Sứ đã xin Chúa cho mình được chết đi. Thế nhưng, chính lúc con người rơi vào bế tắc, không còn cậy vào sức mình nữa thì Thiên Chúa đã ra tay, Ngài đã sai Thiên Sứ mang bánh và nước đến. Ngôn Sứ Êlia đã ăn và uống nước, nhờ đó ông có đủ sức để tiếp tục hành trình của mình (x.1V 19, 4-8).
Đó là câu chuyện của thời Cựu Ước, tuy nhiên Lời Chúa luôn sống động và hữu hiệu, phù hợp với mọi thời đại, ngay cả trong hoàn cảnh chúng ta hiện nay, nhiều người đã rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng vì dịch bệnh kéo dài. Bởi đó đã có rất nhiều “vị ngôn sứ đời thường” được sai đến với họ, động viên khích lệ, bằng của ăn vật chất mời gọi họ “dậy mà ăn” để tiếp tục hành trình.
Những ngày qua, hình ảnh dòng người kéo nhau về quê xa bằng xe máy, xe đạp và thậm chí có người đã dám đi bộ đã khiến dư luận chú ý. Đây không phải là một dấu chỉ cụ thể sao? Trên hành trình dài hàng ngàn kilomet con người ta sẽ kiệt sức nếu như không có sự giúp đỡ của bà con hai bên đường. Nhờ đó họ đã có đủ sức để tiếp tục cuộc hành trình về tới quê hương bình an. Còn nữa, từng đoàn lớp lớp xe chở nhu yếu phẩm, lương thực từ khắp mọi miền nối tiếp nhau hướng về Sài Gòn, để tiếp tế cho bà con ở đây đang kiệt quệ vì dịch bệnh. Hay các thiện nguyện viên đã hăng hái lên đường để đến với bệnh nhân covid mà không màng đến tính mạng của mình...vvv. Tất cả những điều đó không phải là dấu chỉ của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa sao?
Lương thực của họ đem đến không chỉ bằng vật chất nhưng với tất cả tình thương mến, là sự động viên lớn cho các bệnh nhân đang trong cơn tuyệt vọng. Phải chăng, qua những con người, từng biến cố cụ thể, Lời Chúa trong những ngày qua không ngừng tha thiết mời gọi con người “dậy mà ăn” để nạp thêm năng lượng cho cuộc đời. Điều này cũng đồng thời khẳng định với chúng ta, Thiên Chúa không bỏ rơi nhân loại. Ngài vẫn đồng hành với con người trong thinh lặng. Chỉ những ai ở trong thinh lặng mới có thể nghe được tiếng của Người. Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân ái không bao giờ làm ngơ trước sự khốn cùng của con cái mình, Ngài luôn ra tay đúng lúc và kịp thời để cứu giúp họ. Thiên Chúa không tạo ra dịch bệnh, có chăng trong đó, Thiên Chúa giúp cho con người rút ra bài học cho chính mình.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su đã mặc khải cho người Do-Thái về chính Người, nhưng họ đã không đón nhận mạc khải đó vì họ cho rằng, họ biết Ngài quá rõ - một bác thợ mộc khiêm tốn nghèo hèn, là hàng xóm láng giềng với họ, có gì hơn họ đâu. Thái độ đó đã ngăn cản không cho họ gặp và nhận ra một Thiên Chúa nơi Đức Giê-su. Cách đây mấy hôm, chính họ đã tận mắt chứng kiến, hay ít ra cũng được nghe về các phép lạ Ngài làm. Tuy nhiên, họ đã công khai, loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ. Đây phải chăng cũng là thái độ của mỗi người chúng ta? Ít nhiều chúng ta cũng có những lần đã chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa một cách công khai bằng chính thái độ và cách đối xử của mình. Chúng ta thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của anh chị em mình. Hay sự xét đoán cách bất công đối với đồng nghiệp, người hàng xóm sống bên cạnh. Hay cũng có lúc chúng ta thiếu khoan dung với những lầm lỗi của anh chị em sống bên cạnh. Những lúc như thế chúng ta cũng giống như những người Do-thái, xầm xì phản đối Chúa Giê-su, khi Ngài mặc khải cho họ biết Ngài “là Bánh Hằng Sống từ trời xuống” (Ga 6, 41).
Ở trên chúng ta đã bàn về của ăn vật chất nuôi sống thể xác con người, ở đây xin đi sâu hơn một chút về “của ăn thiêng liêng” hay còn gọi là “món ăn tinh thần”, cũng là một trong những “nhu yếu phẩm” cần thiết cho mỗi người chúng ta trong lúc này.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã ra sức soi sáng chúng ta và quy hướng sự chú ý của chúng ta vào ân ban cốt yếu của Người. Lương thực Người ban cho đám đông, tức phép lạ hóa bánh ra nhiều chỉ là một dấu chỉ. Chúng ta coi thường dấu chỉ này, nếu chúng ta dừng lại với các mối quan tâm tức thời và chờ đợi Người ban cho cơm bánh và sức khỏe; thật ra Người muốn ban nhiều hơn thế nữa. Khi nói “Tôi là bánh hằng sống”, Đức Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa đang hiện diện nơi Người vì loài người và quan tâm đến chúng ta, đến đời sống chúng ta.
Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa Cha, Ngài thông ban sự sống vĩnh cửu của Ngài cho chúng ta. Đức Giêsu không chỉ muốn ban bánh, mà còn ban sự hiệp thông vĩnh cửu riêng tư là sự sống Thiên Chúa. Bí Tích Thánh Thể là dấu chứng tình yêu mà Đức Giêsu đã để lại cho nhân loại chúng ta. Tham dự thánh lễ và rước lễ là cử chỉ hữu hình, qua cử chỉ này các Kitô hữu được tham dự vào thực tại vô hình và sống kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh. Giáo Hội cũng định nghĩa Bí tích là một thứ hữu hình tượng trưng và sinh sản một thực tại thiêng liêng. Lúc này, một số các Kitô hữu không thể đến nhà thờ vì hoàn cảnh không cho phép nhưng việc tham dự Thánh Lễ trực tuyến, được nuôi dưỡng bằng Lời của Chúa và rước lễ thiêng liêng là phần tất yếu không thể thiếu đối với các Kitô hữu.
Lạy Chúa Giê-su, hoàn cảnh hiện nay không cho phép chúng con được đến nhà thờ, được tham dự thánh lễ và rước lễ nhưng chúng con tin rằng Chúa đang hiện diện ở giữa chúng con. Chúa cảm thông với sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần của chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con biết tin tưởng vào Chúa vì chỉ có Chúa mới đem lại bình an và nguồn sống đích thực cho chúng con. Amen.
Hồng Xóm Núi, Fmm.