Chúa nhật Chúa Chiên Lành tuần 4 cho thấy mẫu gương nhân từ của Đức Giêsu, Mục Tử Giêsu đã hết mình vì đàn chiên. Ngài chăm lo cho từng con một ! Hôm nay, Chúa nhật 5 Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta không chỉ chiêm ngắm vị Mục Tử Nhân lành, mà cụ thể hơn đó là chúng ta thuộc phần thân thể của Người Mục Tử Giêsu.
Ca dao Việt Nam có nói : “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” để nói lên điểm tương đồng đó chính là dấu ấn của một tương quan máu mủ. Mạnh hơn thế, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho để nói về mối tương quan của Ngài với con người sâu đậm hơn, gắn chặt hơn trong sự thuộc về của một thân cây có cùng nhựa sống. Vậy hút nhựa cây nào thì sinh quả cây đó. Hút nhựa thân Giêsu nhân từ thì cũng cần sinh quả nhân từ Giêsu.
Cách mô tả về hình ảnh cành nho của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay thật dứt khoát và cương quyết : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (Ga 15,2-3). “Nho Giêsu là Nho thật và Nho ngon”. Giống Nho ấy là do Chúa Cha trồng, nên theo Logic: cành nho từ Thân Giêsu thì không thể sinh trái khác Giêsu. Mà để sinh được nhiều trái thì phải chịu cắt tỉa. Còn cành không sinh trái được là do không gắn liền với cây.
Hình ảnh mô tả sống động này bật lên trong chúng ta câu hỏi tự vấn lương tâm : Là Kitô hữu bao nhiêu năm, nhưng ta không gắn kết với Giêsu và ta cũng không hút nhựa Giêsu. Ta chạy theo xu hướng trào lưu về ‘cao sản’ các loại cây trồng nên dễ hút các loại nhựa khác khiến làm ‘biến đổi gen’. Thành quả có đó, nhưng lại không phải Giêsu. Còn điều Chúa cần là Chất Giêsu. Thế nào là chất Giêsu ta cùng nhìn gương sống của các tông đồ trong sự nhiệt thành đầy chất Giêsu.
Ông Ba-na-ba đã can thiệp vào tông đồ đoàn để họ tiếp nhận Phaolô, một người khét tiếng giết hết những người theo Chúa Kitô, nay đã được Chúa gọi vào hàng ngũ tông đồ. Trong bối cảnh đó, nhóm tông đồ đoàn không dễ chấp nhận Phaolô, nhưng lối sống hoán cải của Phaolô chân thành, nên họ đã đón nhận Phaolô vào hàng ngũ tông đồ để ngài được loan truyền tình Chúa bằng cả kinh nghiệm sống của mình. “Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa.” (Cv 9, 29). Sự sinh hoa kết trái của Phaolô là: từ kẻ giết người thành người hăng say nhiệt thành và cương nghị. Bản lĩnh của Phaolo là một chứng từ sống, ngài sinh hoa trái Giêsu trong lối sống giản dị nhưng mạnh mẽ, can trường và nhân hậu.
Bài đọc 2 , Thánh Gioan cũng nói : chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. (1Ga 3,18). Đây chính là hoa trái Giêsu: tình yêu cần thể hiện đúng đắn trong tương quan và trong sự hy sinh. Bởi vì chính Ngài đã hy sinh cho đến cùng vì chúng ta. Thế nên, không phải tôi nói yêu thương bạn là đủ, nhưng tôi cần thể hiện một lối sống chân thật và nhân từ; lối sống nhân từ của tôi phản ánh được gương mặt nhân hậu của Chúa trong cung cách phục vụ và lối sống của tôi với gia đình, bạn bè và xã hội.
Lạy Chúa, xin cho con biết gắn chặt đời mình với Chúa như cành liên kết với cây; xin cho con cũng biết lọc lựa những gì thuộc về Chúa, cho dù đó không phải là ‘cao sản’ như người ta muốn, nhưng đó là những hoa quả chân thành, tín trung và nhân hậu. Amen.
Anna Phạm Tuyết, fmm.