Ai trong chúng ta cũng cần chăm sóc và nuôi dưỡng. Nhờ tình thương mà chúng ta được hiện hữu và sống bình an. Chính nhờ Đức Ki-tô vị mục tử nhân lành chúng ta được sống trong đồng cỏ xanh tươi của Giáo hội và được nhận lãnh hết ơn này đến ơn khác. Đúng như lời thánh vịnh 22: “ Chúa là mục tử, là mục tử chăn dắt tôi. Tôi chẳng thiếu thốn chi, tôi chẳng thiếu thốn gì...”
Mở đầu bài Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su khẳng định “ Tôi là mục tử nhân lành” (Ga 10,11). Người mục tử sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên. Đây là một sự hy sinh vô cùng cao cả, giúp chúng ta thấy được chân dung một vị mục tử chân chính và hết lòng yêu mến đoàn chiên. Từ xưa ở Israel chăn chiên là một nghề rất phổ biến và người chăn chiên thường sống chung với bầy chiên của mình. Ban ngày họ dẫn chiên đi ăn còn ban đêm thì thức canh giữ đoàn chiên. Khi nhận mình là người mục tử nhân lành Chúa Giê-su muốn diễn tả Ngài là thủ lãnh đoàn chiên Giáo hội. Chúng ta là đoàn chiên mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài chăm sóc, một vị mục tử nhân hiền, yêu thương và lo lắng cho đoàn chiên mình.
Người mục tử là cửa cho chiên ra vào (Ga 10, 7), anh mở cửa cho chiên và chiên nghe tiếng anh. Anh gọi tên từng con một và dẫn chúng ra, anh đi trước và chúng theo sau. Người mục tử lo lắng cho đoàn chiên từ miếng ăn đến giấc ngủ, bảo vệ chúng khỏi nguy hiểm của sói dữ và kẻ trộm. Như thế đàn chiên luôn được bình an và được an toàn trước mọi kẻ thù. Chúa Giê-su khẳng định: “ Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Là con chiên trong đàn chiên Giáo hội, chúng ta được tham dự Thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa, được Chúa chăm sóc đầy đủ cả về đời sống thiêng liêng lẫn đời sống hằng ngày. Và chính trong đồng cỏ Giáo hội mỗi chúng ta được sống và sống dồi dào.
Người mục tử là người có uy quyền. Anh có toàn quyền trên đoàn chiên mình và chiên nghe tiếng anh gọi. Những con chiên ngoan thì luôn biết nghe lời, còn những con ham chơi thì dễ bị lạc xa đàn. Người mục tử luôn kiên nhẫn và đi tìm cho được con chiên lạc và đưa chúng về đàn. Với sự tự do mà Thiên Chúa ban, chúng ta thường có khuynh hướng thích làm theo ý mình. Hậu quả là nhiều khi chúng ta đi sai đường và bị lạc. Lúc đó Chúa sẽ tìm mọi cách để đưa chúng ta về với lòng thương xót của Ngài và ấp ủ chúng ta dưới bóng cánh yêu thương.
Không chỉ có chúng ta là đoàn chiên của Chúa nhưng Ngài có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một người mục tử. Để đến ngày sau hết, ngày mà mọi sự đều qui phục dưới chân vị thủ lãnh và quyền thống trị của Con Chiên vô tì tích là chính Đức Giê-su Ki-tô. Ngài chính là con chiên Vượt qua xóa tội trần gian. Chính nhờ cái chết và sự Phục sinh Chúa Giê-su đã đưa tất cả nhân loại về cho Chúa Cha và chúng ta được tham dự bàn tiệc thiên quốc với Ngài.
Người mục tử là người Cha yêu thương. Với tấm lòng bao dung rộng mở người mục tử chăm sóc, nuôi nấng và coi chúng như con mình vậy. Trong đoàn chiên Giáo hội chúng ta cũng được yêu thương một cách nhưng không. Chúa luôn yêu thương chúng ta và luôn mãi yêu thương dù chúng ta có nhiều lần bội nghĩa quên ơn: Thầy yêu chúng con Thầy ban trót thân mình. Chúa Giê-su đến trần gian để cứu độ con người và ôm lấy con người; cho con người được tham dự vào thần tính Thiên Chúa.
Chúa Giê-su luôn làm đẹp lòng Chúa Cha và Chúa Cha cũng yêu mến Ngài: “ Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống để rồi lấy lại” (Ga 11,17). Sau khi chết 3 ngày Chúa Cha đã cho Chúa Giê-su Phục sinh, sự hy sinh cao cả của Chúa Giê-su cho thấy Ngài yêu thương Chúa Cha và đoàn chiên mà Chúa Cha đã trao. Sự tự nguyện hy sinh mạng sống của Chúa Giê-su cho thấy thần tính của Ngài và thấy đươc quyền năng của Thiên Chúa trên mọi sự. Vì đoàn chiên, người mục tử cũng sẵn sàng chịu hy sinh để bảo vệ và giữ gìn đoàn chiên mình.
Trong ngày lễ Chúa Chiên Lành chúng ta được mời gọi cầu nguyện đặc biệt cho ơn thiên triệu, một ơn gọi đặc biệt được chính Chúa kêu gọi và chọn theo Ngài. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, vậy anh em hãy sai chủ mùa gặt ra gặt lúa về” (Lc 18, 2-3). Lời mời gọi đó vẫn luôn ngân vang trong lòng những ai đang khát khao dấn thân cho Chúa và ước muốn trở nên người thợ gặt lành nghề. Chúa Giê-su cần những người tiếp nối cho sứ mệnh của Ngài để lo cho đoàn chiên trên khắp thế giới.
Tiếng gọi của Chúa vẫn vọng vang trong mỗi chúng ta: nơi những người đói khát Lời Chúa, đói khát tình thương, đói khát bánh ăn và đói khát ý nghĩa cuộc sống. Khước từ tiếng kêu của con người là khước từ tiếng Chúa. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn thấy đám đông bơ vơ, những người bệnh hoạn tật nguyền, những trẻ em đường phố, những người lầm lỡ, tự đặt mình ở bên lề xã hội… Thấy họ bằng trái tim và sẵn sàng mở ra cho tim mình đáp trả. Và đồng lúa chín vàng vẫn cần nhiều thợ gặt, tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị lợi hơn.
Lạy Chúa xin cho chúng con luôn biết nghe tiếng Chúa kêu gọi và sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Ngài. Trở nên những khí cụ để Chúa sử dụng và làm sáng danh Chúa bằng những việc làm cụ thể. Và xin giúp chúng con luôn biết vâng nghe để bước đi trong đoàn chiên của Chúa.
Cỏ Mật