Lạy Chúa con đường nào Chúa đã đi qua...
Thời gian Mùa Chay đang dần đến đỉnh cao của Tam Vượt Qua. Hướng đến mầu nhiệm cao cả nhất của năm phụng vụ chúng ta được mời gọi chuẩn bị tâm hồn để cùng Chúa bước vào hành trình khổ giá này. Mở đầu cho tuần phụng vụ đỉnh cao là Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm Chúa vào Thành Giêrusalem để thực hiện điều tiên báo. Chúng ta thấy Chúa đã ba lần tiên báo về cuộc thương khó Chúa phải đi để hoàn tất thiên ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Tiếng thưa Vâng đã đem lại cho con người ơn cứu độ vĩnh viễn mà Chúa Giê-su luôn mong ước thực hiện: “Thầy đến thế gian để thi hành thánh ý Chúa Cha”. Và chính nhờ Đức Giê-su khai mở con đường hy sinh khổ giá để con người được ơn cứu độ.
Thời gian sống ẩn dật nơi làng quê Nazaret thật yên bình. Chúa Giê-su là người con của mẹ Maria và thánh Giu-se. Ba năm rao giảng đã có bao biến cố, sự kiện xảy đến ghi lại dấu ấn của Chúa Giê-su nơi thế gian này. Tất cả là phương tiện để Con Thiên Chúa bày tỏ chính mình và quyền năng của Ngài. Trong bốn Tin mừng Chúa Giê-su được nói đến dưới nhiều hình ảnh khác nhau: Mục tử nhân lành, người cha nhân hậu, là người Thầy và như người bạn đồng hành. Tất cả những điều Chúa dạy được tóm gọn nơi bài giảng trên núi qua các mối phúc. Và như thế Ngài hiện diện cùng với con người và ở với con người trong từng mỗi câu chuyện của họ. Chúa yêu thương và sẵn sàng hy sinh cho con người. Qua đó, Chúa mời gọi chúng ta yêu thương và sẵn sàng để dấn thân theo những lời mời gọi của Chúa.
Đỉnh cao của mùa Chay thánh là Tam Nhật Thánh. Cùng với Chúa chúng ta được mời gọi đi lại cuộc thương khó để cùng cảm nghiệm và chia sẻ nỗi đau khổ. Vì sao Chúa lại chịu chết cho con người? Thánh sử Maccô giúp chúng ta tìm câu trả lời. Từ sự ghen ghét người Do thái âm mưu giết Đức Giê-su vì sợ dân chúng sẽ tin vào Ngài. Vậy thì cái chết của Chúa có vô nghĩa theo như cách người Do Thái và Hi Lạp là sự điên cuồng, ngu dốt hay nhục nhã nhưng là sự vinh quang diễn tả thần tính Thiên Chúa. Ngày hôm nay khi vào thành Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su được tôn vinh như một vị Vua nhưng ngay sau đó Ngài bị kết án và đưa đi đóng đinh. Đây phải chăng là một sự nghịch lý? Nhưng đây là con đường Đấng Cứu Thế đã chọn để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Chúa Cha.
Chúa Giê-su đã đi chọn con đường Thập giá để đem lại ơn cứu độ. Đây là cách Thiên Chúa diễn tả tình yêu nhưng không của Ngài. Hành trình Thập giá của Chúa càng thêm thê lương khi Ngài chỉ một mình mà không được ai chia sẻ nỗi niềm đến nỗi Ngài đã kêu lên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc 15,35). Một sự cô đơn đến tột cùng khi người thì bỏ chốn, người thì chối Chúa và kẻ thì bánThầy; nhưng Chúa Giê-su vẫn luôn tín thác vào Chúa Cha. Trước cái chết ai trong chúng ta cũng sợ hãi và Chúa Giê-su cũng có lúc muốn thoái lui nhưng Ngài đã đặt thánh ý Cha trên hết mọi sự: “Lạy Cha nếu có thể xin cất chén đắng này xa con nhưng đừng theo ý con một theo ý Cha” Chúng ta thấy được sự bỏ mình thực sự của Chúa Giê-su như lời thánh Phao lô trong thư gửi tín hữu Philipphê: Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nhất quyết duy trì đia vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trân thế...(Pl 2, 5-11). Và Ngài đã chọn con đường hóa mình ra không để thánh ý Cha được thể hiện. Là con cái của Chúa chúng ta cũng được mời gọi sẵn sàng cho Chúa sử dụng và làm sáng danh Chúa. Cái chết của Chúa đã đem đến sự phục sinh vinh quang và sự sống muôn đời.
Mỗi ngày chúng ta cũng đang mang thánh giá của riêng mình, nhìn lên thánh giá Chúa chúng ta có được sức mạnh để vác đi. Vì trong mỗi thánh giá của chúng ta có Chúa cùng vác với chúng ta. Để thánh giá trở nên vinh quang của cuộc đời chúng ta, như lời nguyện: “Lạy cha, xin ban cho con điều khó hơn cả, đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha trong mọi nỗi khổ đau của đời con và ơn bước theo con Cha trên con đường Thánh giá bao lâu tùy ý Cha định liệu...Ước gì Thánh giá trở nên gương mẫu cho con, là ánh sáng cho con trong đêm tăm tối, nhờ đó con không còn coi khổ đau như một tai họa hay một điều vô lý. Nhưng như một dấu chỉ cho con đang thuộc về Cha mãi mãi”. Amen
Cỏ Mật, fmm.