Đã mang thân phận con người, dù có tìm đủ cách để hưởng thụ, để an nhàn thì cũng không tránh khỏi khổ đau và chết chóc. Trong giao ước tình yêu hôn nhân, hai người cùng kết ước sống thủy chung suốt đời cho dù thịnh vượng hay gian nan, mạnh khỏe hay đau yếu. Vâng giao ước này cũng bắt nguồn từ giao ước của Thiên Chúa với dân. Sau cơn đại Hồng Thủy, Chúa đã hối hận vì sự giận dữ trừng phạt dân khi nó bất trung! Vì yêu thương dân, Chúa lập giao ước tình thương để bảo vệ và tín trung đến cùng. Đó là mục đích mà Chúa Giêsu đã đảm nhận thân phận con người đến cùng với tất cả yếu đuối và khổ đau để hóa giải cho nó thành phẩm hạnh cao quý của đời người.
Sách Sáng Thế của bài đọc 1 đã nói về việc Chúa lập giao ước với ông Noe, đại diện cho dân Israel:
“Ta lập giao ước của Ta với các ngươi : mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa.” (ST 9,11).
Thiên Chúa quyền năng có thể làm tất cả, thì giờ đây đã hạ mình với dân bằng một tình yêu được lập trên giao ước: Không hủy diệt, không tàn phá và chỉ còn chờ đợi và yêu thương. Chúa biết rõ dân ngỗ nghịch và tiếp tục bất trung, nhưng Chúa thay đổi lối yêu thương không bằng trừng phạt mà bằng tin tưởng, tôn trọng và yêu thương. Tình thương Chúa trải qua đời này đến đời kia mà chúng ta thường đọc trong thánh vịnh 88. Và kinh nghiệm chối Chúa của Phêrô đã giúp ông cảm nhận sâu sắc tình thương của Chúa trong lỗi lầm của mình, nên viết lại cho hậu thế bằng cả xác tín minh chứng lòng trung thành với Chúa của ông :
Anh em thân mến, chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi -Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. (1Pr 3,18).
Cầu nối Giêsu : dù là Đấng Công Chính, nhưng Ngài đã chết cho kẻ bất lương. Giao ước của Thiên Chúa không chỉ là không hủy diệt dân mà còn dạy và làm gương cho họ biết thế nào là sống tín trung với giao ước tình thương. Tình thương đó chính là chết vì hy sinh, chết vì yêu thương, vì đón nhận con người vào Thiên Quốc của Chúa, nơi hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng trước khi đến được cái chết vì giao ước, Chúa Giêsu không đốt giai đoạn, nhưng Ngài từ từ mạc khải và dạy cho chúng ta một lối sống để vào được nước Trời.
Bài Tin Mừng Chúa nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”(Mc 1,15)
Sám hối và tin vào Tin Mừng là lối sống công chính. Sám hối là phương tiện đến với Chúa cách dễ dàng nhất. Khi sám hối là lúc chúng ta nhận được sự bất toàn của mình để thấy được Chúa yêu mình nhiều hơn. Bởi lẽ tình thương của con người chỉ dành cho người tốt, cho người biết đáp lại tình thương của mình, cho người lành, chứ khó thấy ai thương kẻ khó ưa hay kẻ dữ. Còn Chúa thì Ngài thương và chết cho kẻ bất lương, để họ biết quay trở về lối đường công chính.
Chỉ sám hối để quay về với lối sống bớt tội lỗi thôi chưa đủ mà cần phải sống công chính như Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Vì đó là đường dẫn lối chân thực nhất. Lối sống công chính này làm phẩm chất của phận người có ý nghĩa và góp phần kiến tạo một thế giới an bình, hạnh phúc.
Thế giới cách mạng khoa học kỹ thuật và truyền thông giúp cho con người xích lại gần nhau. Sự tìm tòi khám phá mọi phương tiện của thời 4.0 hội tụ mọi công nghệ thông minh từ sĩ, nông, công, thương khiến cho công việc có hiệu năng. Thế nhưng công nghệ thông minh chưa làm cho con người có trái tim thông minh trong việc tín trung và hy sinh vì tình yêu; nó cũng không thể mang lại và giữ gìn sự sống cho con người mãi mãi. Vậy chỉ có đời sống hoán cải của mỗi người và sống theo Lời Chúa mới có thể thay đổi bộ mặt của thế giới để làm cho nó nên công bằng và yêu thương chân thật. Giao ước tình thương không sống bằng công nghệ khoa học, nhưng sống bằng “công nghệ của tình thương phát xuất từ trong trái tim và não trạng con người”
Cảm tạ Chúa vì giao ước tình thương Chúa thiết lập để yêu thương chúng con cho dù chúng con tội lỗi. Xin Chúa dạy chúng con biết hoán cải đời sống, làm việc tốt lành và tin vào Tin Mừng cách đặc biệt trong mùa chay này để đáp lại giao ước tình thương của Chúa, vì đó là cùng đích của cuộc sống của chúng con cả đời này và đời sau. Amen.
Anna Phạm Tuyết, fmm.