Chúa Nhật 4 Mùa Vọng báo hiệu cho ngày kỷ niệm biến cố Chúa Giáng Sinh rất cận kề. Các giáo xứ và gia đình đã hình thành những hang đá đầy nghệ thuật để đón Mầu nhiệm Chúa Giáng Trần. Trong bầu khí nhộn nhịp đón mừng sinh nhật Chúa, chúng ta cũng lặng để nghe các bài đọc hôm nay như đang diễn tả mối tâm giao giữa Chúa và con người chúng ta, bởi lẽ sự gắn kết huyền nhiệm này đã có từ khởi thủy trong vườn địa đàng, nhưng rồi mối thâm tình này bị chia cắt bởi tội. Tuy nhiên, tình Chúa lớn hơn lỗi lầm của chúng ta, nên Ngài luôn tìm kiếm để gặp được chúng ta. Và chính chúng ta cũng sẽ gặp được Chúa khi chúng ta biết ngưỡng vọng về nơi mình xuất phát. Mối tâm giao giữa ta với Chúa chỉ có được khi ta biết tìm kiếm và chờ đợi Chúa với lòng mến yêu.
Trong bài đọc I, vua Đa-vít nói với ngôn sứ Na-than: Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải” (Sm2, 2). Lòng quay quắn nghĩ về Chúa của Đa-vít chứng minh cho lòng yêu mến Chúa của ông một cách chân thành. Ông muốn xây một nơi xứng đáng cho Chúa ngự. Lòng đơn thành này Chúa hiểu rõ tình mến ông dành cho Chúa, nên thay vì để Đavid xây nhà cho Thiên Chúa, thì chính Chúa đã xây dựng cơ đồ cho Đa-vít, đó không phải là căn nhà vật chất mà là triều đại của Đa-vít : “Nhà của Ngươi và triều đại Ngươi sẽ đứng vững mãi mãi trước nhan Ta. Ngôi báu của Ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời”(2Sm 7,16).
Trong bối cảnh của Đa-vít, hẳn có thể gắn kết với những hang đá vật chất mà hiện nay ta đang làm cho Chúa ngự. Những mô hình hang đá lớn, nhỏ, sang trọng hay đơn sơ đều toát lên một sự trân trọng và ý nghĩa tôi làm hang đá để đón Chúa Giáng Sinh. Với tâm tư này ta có thể lặng sâu hơn để thấu hiểu tình Chúa thương ta như Chúa thương Đa-vít. Việc chúng ta chuẩn bị đón Chúa bằng hang đá vật chất, nhưng điều Chúa cho ta không phải những thứ vật chất chóng qua, nhưng là bằng chính những giá trị tình yêu nhập thể. Đó là một tình yêu cho đi, thuần khiết và thủy chung.
Cho và nhận. Mối tâm giao chỉ đồng điệu khi cả hai cùng cho và nhận. Biến cố truyền tin cho Đức Maria diễn tả mối thân tình thâm sâu giữa Thiên Chúa và con người. Thiên thần Gáp-ri-en đến với Đức Maria, một thiếu nữ giản dị nhưng lại có một tâm hồn gắn kết mật thiết với Chúa. Vì vậy, trong bối cảnh đã đính hôn với Giuse, nhưng Mẹ đã đón nhận Thiên Ý với lòng tin tưởng phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. (Lc 1, 26-27.30-33). Khác với Đavít, để có được Giêsu, vị cứu tinh của nhân loại Mẹ phải đối diện với nhiều thách đố áp lực dư luận: hiểu lầm, dị nghị và có thể bị hành hình. Thật vậy, lời Chúa hứa với Đa-vít năm xưa nay đã thực hiện nơi Đức Maria bằng đời thưa VÂNG của Mẹ. Mức độ thách đố để đón nhận Đấng Cứu Thế không chỉ đơn thuần là tìm căn nhà vật chất cho Chúa ngự như Đa-vít hay là những hang đá nghệ thuật, sang trọng đắt tiền, nhưng là tâm tình khiêm tốn và tràn đầy lòng mến như Đức Maria để đối diện với những khó khăn mà lòng vẫn tín trung.
Khoảng cách thời gian Chúa thực hiện lời hứa cứu độ ngay khi con người phạm tội trong vườn địa đàng ngày một rõ nét và hướng đến tính toàn vẹn của ơn cứu độ. Với Đa-vít, Chúa chỉ nói đến dòng dõi, với Đức Maria là lời mời gọi cộng tác vào công trình cứu chuộc bằng đời thưa VÂNG. Tiếng Vâng này dường như trọn vẹn hơn để cứu lại sự bất tuân của Adam và Eva. Và tiếng VÂNG của Đức Maria được trọn vẹn khi đón nhận Đức Giêsu trong hình hài của trẻ thơ. Lúc này tiếng VÂNG của mẹ đã trở thành đức TIN. Làm sao TIN nổi khi vị Cứu Thế đến với hình thể một đứa trẻ đầy yếu đuối như bao đứa trẻ khác và thêm vào đó sự cưu mang của Maria là cả một huyền nhiệm không sao hiểu được! Huyền nhiệm của Đức Tin này hôm nay vẫn là mầu nhiệm mà mỗi người Kitô hữu chúng ta dần dần khám phá bằng chính kinh nghiệm sống cá vị với Chúa. Một kinh nghiệm đức tin cá vị với Chúa chính là mối TÂM GIAO mà chỉ có mình và Chúa mới gặp nhau trong mức độ mến yêu.
Chúa sắp đến rồi, những hang đá nghệ thuật sang trọng đắt tiền hay những hang đá thô sơ nghèo hèn, tuy có khác nhau về hình thức, nhưng có cùng chung một tâm tình đón Chúa. Dù sang hay hèn Chúa vẫn ngự, nhưng điều quan trọng nhất ở mối tâm giao là Chúa có đó, nhưng ta có thực sự gặp Chúa hay không ? Chúa trong hang đá hay Chúa trong lòng ta là cả một sự khác biệt mà chỉ riêng cá nhân mỗi người mới cảm được trong niềm vui và hạnh phúc. Xin Chúa cho tâm hồn con tìm gặp Chúa bằng chính lòng yêu mến của con, cho dù phải vượt nhiều thách đố và rào cản trong cuộc sống hàng ngày. Amen.
Anna Phạm Tuyết, fmm.