Thế giới của chúng ta không ai muốn sống nghèo. Người người muốn thoát nghèo để có được đời sống sung túc. Phạm trù của cái nghèo này chỉ nằm hạn hẹp trong mớ vật chất như cái ăn cái mặc… cái nghèo này không phải là giá trị sống của con người. Các bài đọc của Lễ Các Thánh hôm nay cho chúng ta thấy nghèo là một nhân đức và là một mối phúc. Đức Nghèo mang lại cho ta một sự thịnh vượng của phẩm chất con người mà còn là sự thịnh vượng trong nước Chúa. Vì vậy mà mối phúc đầu tiên Chúa Giêsu nói đến là “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (Mt 5,3).
Ca dao Việt Nam có câu : “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Câu này hàm chứa nghèo không phải là cái khổ, cái tội và cũng không phải nghèo làm giảm giá trị sống của con người. Do vậy đã là người, giá trị sống không dựa trên mớ vật chất của dáng vẻ bề ngoài, mà nó thật sự cao quý khi chúng ta thể hiện phẩm chất sống của mình từ nội tâm. Thế nên Chúa Giêsu mới mời ta sống Tinh Thần Nghèo. Tâm hồn nghèo là tâm hồn thánh thiện. Ngay cả người giàu nhất họ vẫn sống tinh thân nghèo và họ có tâm hồn nghèo. Có một chị giáo dân tại Phan Rang rất giàu có mà hay đi làm từ thiện. Chị nói với soeur: “về ăn uống, con không muốn ăn sang trọng, con không thích vào nhà hàng, vì mỗi lần sa sỉ như thế, con nghĩ đến người nghèo, họ không có gì để ăn…”. Vâng, chị giàu, nhưng chị lại sống sự nghèo khó vì người nghèo, vì chị muốn sẻ chia với họ. Vậy phạm trù của cái nghèo lúc này không phải là vật chất mà nó đã trở thành một giá trị sống, giá trị đó không chỉ nói về phẩm chất sống mà còn hơn đó là MỘT MỐI PHÚC ĐỂ ĐƯỢC GIA NGHIỆP LÀ NƯỚC TRỜI”.
Trong bài đọc của sách Khải Huyền 7,2-14 cho ta một bức tranh của những người sống trong đau khổ, cực nhọc và trải qua những thử thách lớn lao để họ được bước vào hàng ngũ các Thánh nhờ máu Đức Kitô. Để nói đến Đức Nghèo, thánh ca Philipphe đã nói đến gương sống nghèo là chính Đức Kitô : “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩa phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Người trút bỏ vinh quang làm người và hạ mình vâng lời cho đến chết trên cây thập giá !” (Pl 2,6-11). Chính cái chết đó mà Chúa Giêsu đã được tôn vinh. Và tất cả con người chúng ta cũng được vinh quang là nhờ Đức Giêsu. Đây chính là sự thịnh vượng đích thực của Đức Nghèo.
Thánh Phanxico đã gọi Nghèo khó là Bà Chúa Nghèo. Ngài không tôn vinh cái nghèo, nhưng đối với ngài Bà Chúa Nghèo là lối sống của Chúa. Vì nghèo mà cha Thánh Phanxico có tâm hồn hòa bình, có tấm lòng nhân hậu và huynh đệ không những với con người mà cả với tạo vật. Sống trong thế giới thịnh vượng về nhu cầu vật chất, thì trái đất và môi sinh đang bị nghèo nàn, kiệt quệ vì sự khai thác một cách tàn ác của con người. Sự thịnh vượng này không phải là Thịnh Vượng của Đức Nghèo mà là thứ hưởng thụ chóng vánh và tác hại.
Chúng cho ta hưởng thụ trước mắt, nhưng kéo theo bao tai hại cho toàn nhân loại. Một thứ tội ác dấu mặt mà có phần nào chúng ta đang bỏ tay vào một cách vô thức. Đó chính là khi ta chỉ biết thỏa mãn cho nhu cầu hưởng thụ của mình : chặt cây, dùng gỗ quý cho sang chảnh, nhưng đó đem lại hậu quả của lũ lụt; tiện xả rác, dùng bao ny long của các đồ ăn nhanh tiện dụng… gây ô nhiễm cho môi trường. Các nước phát triển công nghệ xả khí độc trong môi trường cách vô tội vạ. Một lối sống hưởng thụ không nghèo vật chất, nhưng lại làm cho cả thế giới nghèo vì lối suy nghĩ thiển cận và chật vật vì “thiên tai” mà nguyên nhân chính là do con người đang phá hoại. Đức Thánh Cha Phanxico muốn kêu gọi thế giới sống nền kinh tế Phanxico, phải chăng đó là nền kinh tế biết tôn trọng môi sinh và con người. Nền kinh tế này không là sự giàu có về vật chất nhưng giàu về giá trị sống huynh đệ không phải chỉ với con người mà còn với cả tạo vật.
Phàm ai đặt hy vọng vào Đức Ki-tô để làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch (1Ga 3,3). Nếu mục đích sống của chúng ta là giá trị phẩm giá con người hướng về cuộc sống vĩnh hằng, thì chính Đức Nghèo làm cho ta nên thanh sạch: không ham tiền, không hám danh lợi, không tham nhũng, không dối trá, không cướp giật, không bóc lột mà chỉ có chia sẻ và yêu thương một cách chân thành. Xin Chúa cho chúng ta hiểu và thấy được Sự Thịnh Vượng đích thực mà các Thánh nam nữ, là những vị đã sống Đức Nghèo và được hưởng trên quê hương vĩnh hằng với Chúa. Xin Chúa cho chúng ta biết chọn lựa Đức nghèo để sống như đích đến của cuộc đời. Amen.
Anna Phạm Tuyết, fmm