Thực Thi Ý Chúa

Lời mời gọi làm vườn nho cho Chúa vẫn luôn vang vọng cho chúng ta hôm nay. Vườn nho sẽ sinh nhiều hoa trái nếu mỗi chúng ta là những người thợ siêng năng và luôn biết làm việc vì lòng yêu mến.

Mỗi ngày sống chúng ta luôn có những lời mời gọi. Lời mời gọi xuất phát từ Thiên Chúa, từ những anh chị em đang sống chung quanh và lời mời gọi từ sâu thẳm nội tâm mỗi chúng ta.   Chúng ta thường có thái độ thế nào trước những lời mời gọi? Mau mắn đáp trả hay thờ ơ, lạnh nhạt? Trong bài dụ ngôn hôm nay cũng có một lời gọi như thế: “ Lời mời gọi hãy đi làm vườn nho”.

Khởi đi từ bài trích sách ngôn sứ Edekiel với sứ điệp: Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, nó sẽ được sống. Chúng ta được mời gọi sống một thái độ hoán cải khi bỏ đường tội lỗi để thực thi điều Thiên Chúa hướng dẫn. Vì đường lối của Chúa là đường ngay chính và mọi việc Chúa làm đem lại cho con người nguồn ơn cứu độ.  Lời ngôn sứ Edekiel không chỉ nhắn nhủ với dân tộc Do thái xưa mà còn cho cả chúng ta hôm nay nữa. Một thái độ luôn biết hoán cải, trở về và thực thi ý Thiên Chúa.

Trong thư gửi giáo đoàn Philliphê thánh Phao-lô nói: Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô. Vậy anh em đừng tìm lợi ích riêng cho mình nhưng anh em hãy tìm lợi ích cho người khác. Sự phục vụ luôn mang lại niềm vui và những ân phúc từ Chúa. Và để có thể phục vụ luôn cần sự hy sinh và quên mình vì Chúa và vì anh chị em mình. Khi đó sự hy sinh trở nên tròn đầy và ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đức Giê-su là gương mẫu cho sự hy sinh quên mình: “ Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân…” (Pl 2, 6-7). Và Chúa Giê-su đã nên gương sáng ngời cho chúng ta noi gương và chọn con đường đi xuống để nên giống Ngài hơn mỗi ngày.

Tin mừng Chúa nhật hôm nay Chúa dùng dụ ngôn để diễn tả lời mời gọi hãy thực thi ý Chúa trong cuộc đời của chúng ta. Người Cha trong Tin Mừng mời gọi hai người con trai làm vườn nho cho mình. Người con Thứ nhất nói: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó hối hận, nên lại đi (Mt 21,29). Còn người con thứ hai đã sẵn sàng nói xin vâng nhưng rồi lại không đi. Qua hình ảnh hai người con ta nhận thấy hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau. Nói đi thì sau đó lại không và ngược lại nói không đi thì sau đó lại đi. Nhìn vào mình chúng ta đã bao giờ hứa và thất hứa như người con thứ hai trong Tin mừng? Vì là con người vô nhân thập toàn nên chúng ta sẽ không tránh khỏi những sai sót nhưng ăn năn trở lại và bắt đầu lại là điều cần thiết để đón nhận ân thiêng của Thiên Chúa.

Thiên Chúa là tình yêu. Và vì tình yêu Ngài ban chúng ta sự tự do và tôn trọng sự tự do ấy. Nhưng đôi khi chúng ta đã sử dụng sai sự tự do này. Là một người trưởng thành chúng ta được mời gọi sử dụng tự do sao cho xứng hợp. Chúng ta có quyền nói có hoặc không trước những lời mời gọi nhưng đồng thời chúng ta cũng được mời gọi dám chịu trách nhiệm về những chọn lựa của mình. Phải chăng hình ảnh của hai người con giúp chúng ta nhìn lại thái độ sống của mình trước Chúa và anh chị em mình. Tôi có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của anh chị em tôi không? Tôi có sẵn sàng thực thi ý Chúa qua những lời mời gọi trung gian không? …và mọi điều chúng ta làm có phải vì yêu mến hay chăng? Chính khi chúng ta thực thi ý Chúa là lúc chúng ta đang diễn tả khuôn mặt của Thiên Chúa yêu thương. 

Hình ảnh hai người con trong Tin mừng diễn tả những ý nghĩa khác nhau. Nơi người con thứ nhất là hình ảnh của những người ngoại giáo, họ là những người không biết Chúa. Nhưng họ biết sống ăn năn, sống tốt lành theo tiếng lương tâm. Và nơi người con thứ nhất chúng ta nhận thấy sự hối hận, nhận ra lời mời gọi và thi hành. Còn người con thứ hai là hình ảnh của dân Do Thái, dân riêng Chúa chọn nhưng đã sống bất trung và không đáp lại tình yêu thương của Chúa. Cả hai người con đều là tấm gương để mỗi chúng ta soi vào cuộc đời mình. Lời mời gọi làm vườn nho cho Chúa vẫn luôn vang vọng cho chúng ta hôm nay. Vườn nho sẽ sinh nhiều hoa trái nếu mỗi chúng ta là những người thợ siêng năng và luôn biết làm việc vì lòng yêu mến.

Chúa Giê-su hỏi: “Trong hai người con đó ai đã thi hành ý muốn của người cha?” (Mt 21, 31). Hẳn chúng ta đã có câu trả lời nhưng câu trả lời của Chúa Giê-su khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Rồi sau đó là câu hỏi: Vậy ai là người có thể vào Nước Trời? Một lần nữa Chúa Giê-su lại khiến chúng ta bất ngờ khi nói những cô gái điếm và những người thu thuế là những người được vào Nước Trời. Điều kiện của Chúa của Chúa để vào Nước trời đó là tin – niềm tin giúp chúng ta phó thác và cậy trông vào Chúa và cũng nhờ niềm tin chúng ta tin tưởng để bắt đầu lại mỗi khi chúng ta vấp ngã. Chúa luôn ở bên chúng ta và những lời mời gọi của Ngài vẫn luôn thúc bách chúng ta thực thi ý Chúa. Chúng ta hãy luôn tin tưởng và sống vẹn đầy trong từng ngày sống.  

                                                                                                 Cỏ Mật, fmm