Cuộc sống luôn mang lại cho chúng ta nhiều món quà quý giá. Đó là những bài học, trải nghiệm, sự yêu thương và tha thứ. Học sống yêu thương là cách để nối kết mọi người thêm gần gũi và đoàn kết. Và yêu thương là đón lấy, là tha thứ xóa đi những hiềm khích, hiểu lầm để đem lại niềm vui cho cuộc sống thêm ý nghĩa.
Ai trong chúng ta cũng có những lỗi lầm vì chúng ta là những con người nhân vô thập toàn. Nhưng chúng ta được mời gọi đón nhận và tha thứ cho nhau. Trong thư gửi tín hữu Rôma Thánh Phao-lô quả quyết: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình. Vì chúng ta có sống là sống cho Chúa và chúng ta có chết là chết cho Chúa” (Rm 14,7). Vì thế sự tha thứ và đón nhận là điều cần thiết cho người Ki-tô hữu nên giống Chúa hơn. Và sự tha thứ giúp chúng ta biết yêu anh em mình hơn. Thánh Phao-lô đã nêu gương để chúng ta sống yêu thương vì Thiên Chúa và vì Thiên Chúa chúng ta đón nhận nhau.
Đời sống cộng đoàn mời gọi chúng ta chấp nhận những khác biệt của nhau. Chính sự khác biệt làm nên sự phong phú về văn hóa trong đời sống. Nhưng sự khác biệt cũng đem lại những xung đột do hiểu lầm. Cộng đoàn của Thánh Phê-rô cũng thế, khi ông hỏi Đức Giê-su: “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”(Mt 18,22). Khi xưa các Rabbi dạy là tha thứ đến 3 lần. Còn Thánh Phê-rô, Ngài đưa ra con số 7 là hoàn hảo rồi và như thế với ông là đủ. Nhưng đối với Đức Giê-su thì vượt lên trên ý định của con người, Chúa mời gọi chúng ta: Tha không giới hạn, không điều kiện. Bởi vì lý do để tha thứ là ở nơi tình thương của Chúa, tình yêu của Ngài.
Trong suốt hành trình rao giảng chúng ta nhận thấy nơi Đức Giê-su là một tình yêu thương và sự tha thứ vô điều kiện cho hết thảy những ai chạy đến với Người. Ngài là gương mẫu về lối sống tha thứ cho con người. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn để làm sáng hơn bài học về sự tha thứ. Đọc dụ ngôn chúng ta nhận thấy ông chủ là một con người có tấm lòng thương người nên ông sẵn sàng tha thứ cho tên đầy tớ đang mắc nợ. Khoản tiền y nợ rất lớn, mà cả đời y cũng không thể trả hết. Vì đâu mà ông chủ có thể tha thứ cho người đầy tớ món nợ lớn như thế nếu không vì tình yêu.
Lòng nhân từ xuất phát từ lòng thương vô biên của Thiên Chúa, không cần điều kiện cũng không cần lí do. Và tình yêu thì vượt lên mọi sự. Trong dụ ngôn người đầy tớ đã không đón nhận sự tha thứ khi y đã không tha thứ cho người đồng bạn cũng đang mắc nợ y. Chúa Giê-su nói: Anh em hãy tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha (Lc 6,27). Nhìn vào thái độ của người đầy tớ chúng ta rút ra bài học gì cho chính mình trong đời sống? Sự tha thứ là cách thức giúp chúng ta đến gần và cảm thông với những người xung quanh. Câu hỏi của Ông chủ: “thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?”(Mt 18,33); một lần lại cật vấn chúng ta về thái độ của chúng ta đối với anh chị mình. Chúng ta được mời gọi tha thứ không chỉ bảy lần mà đến bảy mươi lần bảy nghĩa là sự tha thứ phải luôn thường xuyên và liên tục trong cuộc sống chúng ta.
Chúa Giê-su nói: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại … Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6, 38). Sự tha thứ giúp chúng ta yêu thương và xây dựng những tương quan tốt đẹp và đón nhận những giới hạn của anh chị em mình. Và tha thứ cũng giúp chúng ta mỗi ngày nên hoàn thiện như lời mời gọi của Chúa: “ Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Lc 6,36).
Lạy Chúa mỗi ngày sống Chúa ban cho con biết bao niềm vui và ân phúc của Ngài. Đặc biệt Chúa luôn dạy cho con những bài học về sự tha thứ. Xin Chúa mở rộng đôi tay con để con biết đón nhận tất cả mọi sự Chúa gửi đến trong cuộc sống của con. Dù cho có nhiều sự khác biệt nhưng xin hiệp nhất chúng con trong tình yêu. Để chúng con biết yêu thương và tha thứ với cả trái tim, cùng nhau chia sẻ mọi nỗi buồn và nâng dậy khi vấp ngã. Chúng con luôn tin rằng có Chúa là niềm vui, tình yêu và hạnh phúc suốt cuộc đời chúng con; và là tất cả của chúng con. Amen.
Cỏ Mật, fmm