Ca dao Việt Nam có câu : « Yêu nhau vạn sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê nhau cho bằng » .
Hoặc là « Thương nhau củ ấu cũng tròn »
Điều đó có nghĩa là dù sai lệch vẫn cho là đúng, dù hình dạng méo mó như củ ấu toàn góc cạnh nhưng vẫn thấy nó tròn. Nhìn theo khía cạnh giáo dục, thì quan niệm trên diễn tả một tình yêu không mang tính chuẩn mực và giáo dục vì chỉ hoàn toàn dựa vào cảm xúc. Hôm nay Lời Chúa mời ta sống yêu thương cách chuẩn mực hơn đó là trong yêu thương, còn có giáo dục và sửa dạy cho nhau để chúng ta được sống đúng với phẩm chất đạo đức của mình.
Bài đọc của ngôn sứ Ezékiel hôm nay mời gọi chúng ta :«Nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó phải chết vì tội của nó ; còn ngươi, ngươi sẽ được cứu mạng sống mình » (Ez 33,9). Điều này cho ta thấy, để sống tính ngôn sứ của mình thì trước tiên, chính chúng ta phải sống ngay thẳng và thấy người anh em làm sai thì chúng ta phải góp ý sửa lỗi như là bổn phận của mình. Còn nếu chúng ta biết anh em sai phạm mà không sửa dạy, im lặng thì chính chúng ta cũng mang lỗi đồng lõa, đó là chúng ta giết chết anh em mình. Đối với luật dân sự, chúng ta biết người có tội mà không khai báo, khi biết được, họ cũng quy kết cho ta tội đồng lõa, che dấu. Còn Lời Chúa, mời ta sống sự liên đới trong tình huynh đệ để sửa dạy nhau.
Thế nên Thánh Phaolo đã cảm nghiệm thế nào là tình thương sửa dạy nơi cộng đoàn tiên khởi khi ngài được ơn hoán cải. Bằng chính kinh nghiệm sống yêu thương này, nên bài đọc hai hôm nay, thánh nhân mở đầu bằng câu « Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái (Rm 13,8). Sự ràng buộc chúng ta chính là tình thương, vì sâu thẳm hơn tình kết nối đó là chính Chúa. Và ngài khẳng định tình yêu thương là lề luật Chúa (Rm 13,10). Điều này Chúa Giêsu đã nói về điều răn mới đó là : « Anh em hãy yêu thương nhau » (Ga 15,12). Quả thật, yêu thương là nhu cầu thiết yếu của con người. Bởi ai cũng muốn yêu và được yêu. Tuy nhiên, Lời Chúa mời gọi chúng ta sống với nhau bằng tình yêu, nhưng là yêu chân thành để sửa lỗi cho nhau để sống đúng phẩm chất của mình chứ không phải thứ tình yêu khập khiễng che đậy mọi sự tội và việc làm đen tối và tàn ác của nhau.
Cách sửa lỗi thế nào để bộc lộ tình mến chân thành đó chính là đối nhân trong việc sửa dạy: « Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em » (Mt 18,15). Bước 1 không xong, thì mới đến bước 2 là nhờ đến nhân chứng, mà nếu cả nhân chứng vẫn chưa thay đổi thì mới cần đến cộng đoàn. Từng bước và từng bước trân trọng người anh chị em của mình để sửa lỗi và cùng cộng tác với nhân chứng tốt lành để kéo người anh chị em của mình ra khỏi tội để về với đường ngay nẻo chính. Mọi việc làm đều quy chiếu về Tình thương. Thương vì không muốn mất người anh chị em của mình vì tội ; thương vì muốn người anh chị em mình được tiến triển và tràn đầy năng lực sống ; thương vì muốn người anh chị em mình được hưởng niềm vui trọn vẹn như mình đang có ; Và chắc chắn thương vì đó là người anh chị em cùng chung sống với mình.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người cần thay đổi đời sống của mình. Người gian ác phải bỏ đường tội lỗi, người ngay chính không thể ngồi yên nhìn anh chị em mình sống tội lỗi ! Tính ngôn sứ của người kito hữu là phải lên tiếng sửa dạy trong yêu thương. Thế nhưng, sự tự do chọn lựa thay đổi đời sống từ u buồn đến ánh sáng của niềm vui, từ sự ù lì thiếu năng lực sống đến sự hăng say nhiệt thành quảng đại, từ tội lỗi đến công chính… là cả sự chọn lựa của từng cá nhân. Cơ hội cảnh tỉnh có đó, nhưng vấn đề chính là mỗi chúng ta có biết phản tỉnh để nhận ra mình đang cần được thay đổi và chữa lành không ? Xin Chúa chúng con biết nhận ra cơ hội Chúa cho để thay đổi đời sống cho nên tốt lành. Amen.
Anna Phạm Tuyết, fmm.