Của Ăn Đích Thực

Của ăn vật chất khi vào trong con người thì biến thành thịt máu chúng ta, còn của ăn Thiêng Liêng mà Chúa Giê-su ban tặng lại biến đổi chúng ta nên giống như Ngài.

Hôm nay, cùng với Hội Thánh toàn cầu, chúng ta long trọng mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô. Chúa Giê-su đã chết để chúng ta được sống. Ngài chấp nhận chịu đánh đòn, chịu đổ máu qua cái chết thập giá hầu trở nên của ăn của uống nuôi sống loài người chúng ta.

Bài đọc một: sách Đệ Nhị Luật nhắc lại biến cố dân Ít-ra-en trong sa mạc, được Thiên Chúa ban Man-na bởi trời nuôi sống phần xác nhưng đồng thời cũng nhắc nhở họ: Man-na mà họ được ban cho là dấu chỉ của một của ăn khác cần thiết hơn cho con người và phát xuất từ Thiên Chúa.

Bài đọc hai: trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, thánh Phao-lô đã khẳng định: “khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, là dự phần vào Thân Thể Chúa Ki-tô”. Việc hiệp thông cách nhiệm mầu với Chúa Ki-tô không những là được gặp gỡ Đấng Phục Sinh mà còn được Ngài hợp nhất chúng ta trong cùng một thân thể là chính Ngài. Như vậy, Ngài có thể hành động trong chúng ta, trong cộng đoàn với một sức mạnh mới.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su tuyên bố: “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống”. Thực vậy, theo quan niệm người do thái xưa, khi nói đến thịtmáu là nói đến con người trong thân phận phàm nhân, có sinh có tử. Chúa Giê-su cũng muốn chúng ta đón nhận toàn diện con người cụ thể của Ngài (một con người có xương có thịt: đói ăn, khát uống). Vấn nạn được đặt ra ở đây, làm sao một người bình thường lại có thể lấy thịt và máu mình cho người khác ăn được? Và trong bài Tin Mừng, những người Do Thái cũng không hiểu được điều này nên họ đã tranh luận sôi nổi với nhau.

Thực vậy, điều Đức Giê-su muốn đề cập đến ở đây là cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Ngài chính là Bánh Bởi Trời đích thực mà Chúa Cha đã ban cho nhân loại. Đến lượt Chúa Giê-su trong tư cách là Con Thiên Chúa, Ngài đã ban cho nhân loại bánh từ trời, không phải là Man-na nữa nhưng là chính Mình Ngài. Không phải là của ăn vật chất, ăn một vài lần rồi cũng phải chết nhưng là của ăn, của uống đem lại sự sống đời đời. Thánh giáo phụ khi chiêm ngắm Bí tích Thánh Thể đã thốt lên rằng: “một Thiên Chúa trọng vô cùng, cả trời đất này chứa chẳng nổi. Vì yêu thương lại ẩn mình trong tấm bánh bé nhỏ… một Thiên Chúa vô cùng đã trở nên có cùng và giới hạn như chúng ta. Ngài chủ động trở nên tấm bánh hòa vào trong từng thớ thịt chúng ta”. Của ăn vật chất khi vào trong con người thì biến thành thịt máu chúng ta, còn của ăn Thiêng Liêng mà Chúa Giê-su ban tặng lại biến đổi chúng ta nên giống như Ngài.

Về phần chúng ta, nếu không sống trong truyền thống của Giáo Hội với con mắt Đức tin thì Bí tích Thánh Thể sẽ là một điều lạ lẫm đối với chúng ta. Vì thế, việc tham dự thánh lễ và rước lễ thôi chưa đủ để trở nên hoàn thiện. Đó là lý do rất dễ làm chúng ta hoang mang. Quả thế, Chúa Giê-su Thánh Thể mà chúng ta lãnh nhận mỗi ngày, tác động nơi cõi thâm sâu nhất của con người chúng ta, giúp ta sửa đổi những thói hư tật xấu và lối sống cũ để trở nên con người mới trong Chúa. Có như thế, chúng ta mới trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh chị em mình qua cách sống, cách cư xử, lời nói và việc làm của mình. Như Chúa Giê-su đã hiến mình cho chúng ta thì chúng ta cũng hãy sống yêu thương và hết tình phục vụ tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su! Mỗi lần chúng con tham dự Thánh lễ và rước Chúa vào lòng, xin giúp chúng con biết ý thức gìn giữ tâm hồn trong sạch, để chúng con được kết hiệp sâu xa với Chúa và để ơn thánh Chúa biến đổi cuộc đời chúng con. Chúa là tấm bánh bẻ ra nối kết tình nhân loại, xin giúp chúng con cũng biết sống yêu thương, gắn bó với những người sống xung quanh chúng con trong mọi môi trường hầu Danh Chúa ngày càng được nhiều người biết đến. Amen.

Maria Thịnh, fmm.