Chúa Luôn Hiện Diện

Chúa vẫn bên con dù đời con khó nghèo, dù tình con hèn yếu và dù cho đời con đắng cay thì Ngài đang dẫn con vượt qua cuộc đời đầy nghi nan với tình yêu không bờ bến. Dù cho con có như thế nào, tội lỗi và đầy yếu đuối Chúa vẫn chở che và nâng đỡ; cho con được nép dưới cánh tay của Ngài và Chúa cùng con bước song hành trên một con đường.

Tạ ơn trời mỗi sớm mai thức dậy

Con có thêm một ngày mới để yêu thương.

Mỗi ngày chúng ta nhận lãnh biết bao hồng ân của Chúa qua những cuộc gặp gỡ. Và sự gặp gỡ giúp chúng ta thêm hiểu nhau hơn. Cuộc gặp gỡ của hai môn đệ trên đường Em Mau là một cuộc gặp gỡ đức tin.  Ở đó, họ đã gặp được sự sống mới tuyệt vời nơi Đấng Phục Sinh.

Trời Em-mau về chiều càng thêm đượm buồn man mác vì hôm nay không có Chúa cùng đi. Hai môn đệ trở về với làng xưa sau những ngày theo Chúa, mộng vàng tan theo mây khói. Sự chán trường và thất vọng làm cho đôi chân thêm nhọc nhằn và cuộc hành trình dài lê thê. Không khí u buồn giống như cụ Nguyễn Du đã nói:“ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Nhưng bỗng có sự xuất hiện của vị khách lạ, Ngài đi đến và bắt đầu đồng hành với hai môn đệ. Sự xuất hiện của Ngài phá đi không khí buồn bã đang bao trùm. Như hiểu thấu tâm trạng hai ông Người bắt đầu bằng một câu hỏi: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”Cách mà Chúa đến thật nhẹ nhàng và tế nhị. Chúa để cho hai ông có cơ hội được trải lòng với nỗi buồn mênh mang. Chúa lắng nghe tất cả những ước mơ và thất vọng của họ. Chúa bắt đầu đi vào câu chuyện cuộc đời hai ông bằng việc giải thích để hai ông hiểu tất cả những gì Kinh Thánh đã viết về Ngài. Từ đó Chúa xây dựng lại niềm tin trong họ, niềm tin vào Kinh Thánh và những lời Ngài giảng dạy. Và họ đã nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh.

Kinh nghiệm của hai môn đệ Em- mau cũng là kinh nghiệm của mỗi chúng ta. Những lúc chúng ta buồn chán, cô đơn và thất vọng, hay ngay cả những nghịch cảnh thì Chúa vẫn đồng hành. Chúa vẫn ở bên dù cả khi chúng ta không nhận ra.  Viết đến đây tôi nhớ đến bài hát “Dấu Chân” của cố Đức Giám Mục Nguyễn Duy Thống: “Hôm nao, dưới nắng reo vui, một mình tôi rong chơi trên bãi biển. Chiều về, nhìn sau lưng mình  hiển hiện hình, một hàng dấu chân đôi. Này là dấu chân to, và kìa là dấu chân nhỏ. Cả hai cùng chiều đi tới, tựa hình với bóng bước song đôi”.  Chúa luôn hiện diện và Ngài đang ẵm chúng ta trên đôi tay của Ngài. Chúng ta có tin vào sự hiện diện Ngài hay không? Tâm tình của bài hát một lần nữa lại để lại trong tôi một sự an ủi và niềm tin vào sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời: “ Bao nhiêu dấu chân qua bấy nhiêu lời cảm tạ. Đôi khi có những lúc phôi pha, mà hình bên bóng chẳng rời xa. Hôm nao, thấy dấu chân đôi: Đó là Chúa đi bên tôi. Hôm nào còn một dấu chân thôi là bởi vì Chúa ẵm tôi nên rồi.” Chúng ta có mở lòng để nghe được tiếng Chúa đang nói với mỗi chúng ta? Tôi tin rằng trong cõi thâm sâu tâm hồn Ngài đang mời gọi chúng ta hãy luôn ở lại để được Ngài yêu thương, bổ sức; cảm nhận hơi ấm từ đôi tay Ngài truyền cho chúng ta.

Sau khi nhận ra Chúa, hai môn đệ  đứng dậy và quay trở lại Giê-ru-sa-lem để làm chứng về sự Phục Sinh của Chúa. Hai môn đệ đã cảm nhận được tình yêu mà Chúa dành cho họ, cảm nhận được sức sống Phục Sinh đang chảy tràn khắp con người mình. Chúa mời gọi họ làm chứng về kinh nghiệm này. Chúng ta cũng thế, sau khi được gặp Chúa và được Chúa biến đổi; chúng ta cũng được mời gọi trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày. Từ bỏ đi con người cũ để sống với con người mới, bằng việc thay đổi những thói quen và tập sống theo những nhân đức. Cuộc đời chúng ta phải trở nên những nhân chứng về tình yêu và diễn tả khuôn mặt của Ngài trong thế giới hôm nay. Như Thánh Phao-lô nói: “ Anh hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Và bằng những hành động cụ thể trong đời sống khi chúng ta biết quan tâm chia sẻ với người nghèo, thăm hỏi an ủi những người đang cô đơn, thất vọng vì Lời Chúa nói: “ Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

Chúa vẫn bên con dù đời con khó nghèo, dù tình con hèn yếu và dù cho đời con đắng cay thì Ngài đang dẫn con vượt qua cuộc đời đầy nghi nan với tình yêu không bờ bến. Dù cho con có như thế nào, tội lỗi và đầy yếu đuối Chúa vẫn chở che và nâng đỡ; cho con được nép dưới cánh tay của Ngài và Chúa cùng con bước song hành trên một con đường. Những ngày này ở nhiều nơi, mọi người tiếp tục phải ở nhà không được tham dự những hoạt động công cộng trong đó có Thánh lễ. Không được rước Chúa hằng ngày làm cho mọi người cảm thấy như thiếu vắng sự hiện diện của Chúa; cũng có những câu hỏi đặt ra Chúa ơi, Chúa ở đâu rồi? Nạn dịch tiếp tục lây lan và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngày ngày vẫn có những người qua đời vị nạn dịch này. Chúa vẫn hiện diện giữa chúng ta như giữa hai môn đệ Em-mau xưa. Ngài đang nghe những lời cầu nguyện của chúng ta và đang chia sẻ những đớn đau với nhân loại. Trong con mắt đức tin chúng ta có tự hỏi thời gian cách ly là cơ hội để chúng ta thanh luyện chính mình và nhìn lại mối tương quan của chúng ta với Chúa hay chăng? Tôi nghĩ mọi người nên tự vấn chính mình và tự tìm cho mình những câu trả lời. Vì chính Chúa đã hứa “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Và tôi tin Chúa vẫn đang thực hiện lời hứa của Ngài.

 Thánh Pi-ô Năm dấu đã cầu nguyện:“Xin ở lại với con, lạy Chúa vì con cần Chúa hiện diện, để con khỏi quên Chúa. Xin ở lại với con, lạy Chúa vì con cần Chúa trong đêm tối của cuộc đời. Xin ở lại với con, lạy Chúa vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn”. Tôi thiết nghĩ đây cũng là lời cầu nguyện chung của tất cả chúng ta vì chúng ta dù là ai, dù như thế nào chúng ta luôn cần có Chúa. Vì Chúa là cùng đích cho mọi điều chúng ta vươn tới.

                     Cỏ Mật, fmm