ĐỨC GIÊSU KITÔ, MẪU GƯƠNG ĐỜI THÁNH HIẾN

Giáo Hội đã chọn ngày 2/2 hằng năm để cử hành Kỷ niệm Chúa Giêsu dâng mình trong đền thánh theo luật Do Thái và lấy đó là ngày lễ của đời sống Thánh Hiến tu trì. Chọn lựa này của Giáo Hội như nói với ta rằng đời sống Thánh Hiến phát xuất từ Chúa Giêsu. Khi đến trần gian Ngài không chỉ chọn lựa sống đời độc thân vì Nước Trời, nhưng Ngài muốn cho thấy giá trị và ý nghĩa thâm sâu hơn chính là ‘một lối sống chuyên biệt để là máng chuyển ơn cứu độ cho nhân loai.’

Trong thập niên 80 cuối thế kỷ 20, người ta ra vài tác phẩm để nói rằng Chúa Giêsu hay linh muc tu sĩ không thể sống độc thân như : Cơn cám dỗ cuối cùng, Tiếng chim hót trong bụi mận gai… Còn hiện nay, vì số giảm sút ơn gọi và nhu cầu truyền giáo tại các vùng xa xôi hẻo lánh đang thiếu vắng linh mục, tu sĩ… Cám dỗ tiếp theo là muốn truyền chức linh mục cho người có vợ, người nữ làm linh mục, và đấu tranh để linh mục có vợ… Những vấn nạn và thách đố trên là vấn đề cần được cân nhắc và soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Đọc Tin Mừng và ý nghĩa của ngày lễ hôm nay ta thấy, Đức Giêsu Kitô chính là người sống đời độc thân gương mẫu. Ngài không cần làm gì về chính trị, kinh tế để có nhiều tiền, Ngài chỉ  sống và dạy người ta làm điều tốt. Sự thánh thiện của Ngài chính là ơn cứu độ và sự an bình màThánh Phaolo đã nói : Chúa Giêsu giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (Pl 2,6-7). Ngay khi vừa được dâng vào đền thờ, ông Simêon và bà Anna đã nói tiên tri về Đức Giêsu là Đấng cứu độ :« Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân ». (Lc 2,29-31). Chỉ nhìn thấy Ngài là họ được an bình. Sự an bình và hạnh phúc chỉ tìm được nơi Chúa bằng niềm tin, chứ không thể dùng tiền bạc để mua.

Thế giới thực dụng ngày nay họ dễ đong đo đếm bằng tiền, bằng vật chất. Họ tưởng rằng tiền sẽ đem lại cho họ hạnh phúc. Nhưng rồi kẻ có tiền nhiều quá không biết làm gì cho hết thì đem rửa tiền bằng nhiều hình thức, còn kẻ khác thì sống sa hoa khoe của bằng những thứ sang trọng để đánh bóng tên tuổi mình… nhưng bên trong giá trị nhân phẩm và đạo đức của họ thì rỗng tuyếch và không khỏi những áp lực và thiếu hạnh phúc… Với xu hướng như thế, cũng ảnh hưởng không ít đến đời tu trì. Với giới trẻ để định hướng sống cho mình, họ dễ để cho mình bị cuốn hút bởi lối sống vật chất và hưởng thụ. Họ muốn tìm dễ dãi, vừa muốn có lý tưởng mà cũng vừa muốn có vật chất, của cải, danh vọng, thành đạt trong công việc… mà dường như giá trị sống nhân đức không còn đặt hàng đầu. Sự tha hóa này cũng len lỏi trong đời tu khiến cho người tu sĩ cũng bê tha trong việc tu tập nhân đức. Lối lý luận thực dụng dễ hướng họ đến vật chất trong sứ vụ : tìm tiền cho người nghèo đôi khi như là mục đích chính hơn là giáo dục cho họ nhận ra chân giá trị làm người và cũng chính họ cũng bị mê hoặc bởi tiền, danh và những thành công của sứ vụ.

Gương sống đời Thánh Hiến của Chúa Giêsu chính là lối sống công chính của Ngài. Ngài không chạy theo danh vọng khi được người ta tôn vinh, Ngài không sa ngã khi bị cám dỗ ngay cả khi tưởng như bị cha bỏ rơi trên thập giá, nơi mà bị coi là sự thất bại não nề ! Ngài không để mình bị lôi cuốn bởi tiền bạc vật chất khi ma quỷ hứa cho tất cả sự giàu sang và khi thầy trò bị đói khát trên đường rao giảng… Bài Giảng về đời sống Thánh Hiến của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay ngài nói : « Trong khi cuộc sống của thế giới này cố gắng nắm bắt chúng ta, thì cuộc sống thánh hiến hướng chúng ta quay lưng lại với những sa hoa trần thế ngõ hầu chiếm được Đấng tồn tại mãi mãi. Cuộc sống của thế giới này theo đuổi những lạc thú và những ham muốn ích kỷ; còn cuộc sống thánh hiến giải phóng tình cảm của chúng ta khỏi mọi ham muốn chiếm đoạt để yêu Chúa và yêu người. Cuộc sống thế gian hướng đến ham muốn làm bất cứ điều gì chúng ta thích; còn cuộc sống thánh hiến chọn việc tuân phục khiêm tốn như là một sự tự do lớn hơn. Và trong khi đời sống thế gian sớm làm chúng ta trắng tay và làm con tim chúng ta trống rỗng, cuộc sống trong Chúa Giêsu tràn ngập chúng ta với một sự an bình đến tận cùng, như trong Tin Mừng, khi ông Simeon và bà Anna an vui trong buổi hoàng hôn đời mình với Chúa trong tay và niềm vui trong trái tim của họ».

Giá trị đời thánh hiến không hệ tại ở những sung túc vật chất mà là nhân đức và đời sống thanh tịnh. Giá trị đó chỉ có được khi mỗi người tu sĩ chúng ta và những người trẻ tìm kiếm lý tưởng bằng chính đời sống công chính của mình như Chúa Giêsu, vị Thầy Chí Thánh mà chính tôi đã chọn và cất bước theo Ngài. Giá trị sống này không chỉ đem lại sung túc cho chính chúng ta, nhưng nhờ Chúa Giêsu mà những người thân yêu và cả thế giới này cũng được hưởng nhờ ơn lành của Chúa qua đời sống công chính của chúng ta.

Anna Phạm Tuyết fmm.