Hai Con Đường Tìm Chúa

Ngôi sao đồng hành với ta không còn lúc mờ lúc tỏ nữa. Ngôi sao ấy chính là :” trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. (Ep 3,6). Với lời khẳng định này của thánh Phaolo giúp chúng ta thấy Ngôi Sao Kito đã và luôn mãi đồng hành và là sức mạnh cho hành trình cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Cuộc đời con người là một cuộc lữ hành. Trịnh Công Sơn coi cuộc hành trình ấy là ‘Trăm năm một cõi đi về’. Đi về là trở về nguồn gốc của mình. Nguồn gốc ấy là gì ? Khi tạo dựng con người, Chúa nói ‘Ta hãy làm ra con người giống hình ảnh Ta’. Và người thổi sinh khí của Người để con người có sức sống (St 2,7). Hình ảnh này cho thấy con người có nguồn gốc từ Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã nói chúng ta gọi Thiên Chúa là ‘Abba’ nghĩa là Ba ơi, hay Bố ơi ! Phải chăng chính sự kết chặt tình sự sống này với Chúa mà con người có khát vọng luôn tìm kiếm Chúa trong cuộc đời ?  Đó là lối nhìn về nguồn gốc con người theo kito giáo. Còn người khác cũng thế, trong sâu thẳm họ luôn khao khát một Đấng Thần linh mà họ chưa biết. Chính trong nghĩa này, mà ta thấy ba đạo sĩ từ Phương Đông đã đi tìm Đấng Cứu thế trong thân phận là Vua dân Do Thái dựa vào khoa chiêm tinh: Vua dân Do Thái vừa sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài xuất hiện và chúng tôi đến để triều bái Ngài” (Mt 2, 2).

Tin Mừng hôm nay cho thấy, mục đích của các nhà đạo sĩ tìm Chúa là để triều bái Người. Vậy cho dù con đường tìm Vua Hài Nhi Giêsu của ba đạo sĩ rất gian nan cực khổ bởi vì ‘map’ chỉ đường là một ánh sao lúc mất lúc hiện, nhưng lòng khao khát của họ không dừng. Khi mất hướng, xét theo lẽ thường con vua phải ở cung vua, nên họ tìm Hài Nhi trong hoàng cung. Một suy đoán logic nhưng tiếc thay Vua Hài Nhi ấy  không ở trong cung ! Nhưng nếu ba đạo sĩ suy đoán theo khoa học, thì đây là sự kiện bất thường, vậy Vua này ra sao ?

Họ tiếp tục kiên trì cuộc hành trình kiếm tìm dù nó bất thường! May thay Ngôi sao lạ lại tiếp tục đồng hành với họ. Phải chăng chính lòng tin, lòng can trường, kiên định kiếm tìm một Đấng mà họ kính phục cùng với lễ vật mang theo để triều bái Người nên họ lại được Ngôi sao lạ đồng hành ? Vâng, cuộc hành trình tìm kiếm nào cũng phải có gian nan. Và mục đích của cuộc tìm kiếm ấy mới chính là động lực vượt khó để đạt tới đích điểm. Với sự thành tâm kính mến Vị Vua bât thường này mà ba đạo sĩ đã: Thấy Vua Hài Nhi  lại nằm trong máng cỏ của chuồng bò hôi hám ! Lại thêm một thực tế hoàn toàn lạ ! Không gian của Vua đã không ở trong cung điện, cũng không phải ở trong căn nhà nhưng lại trong một chuồng của con vật ! CÁI LẠ này không làm lung lay đức tin của họ, nhưng họ càng xác tín niềm tin vào Ngôi Sao Chiếu mệnh mà mình đã thấy: họ quỳ phục để triều bái Hài Nhi Giê-su. Hãy dừng lại lặng gẫm: một đức tin mạnh mẽ! Một hành trình đẹp mang nhiều biến đổi của ba đạo sĩ đã đạt tới đích:” Gặp Chúa”. Vậy Hành trình cuộc đời của ta đang tìm Chúa hay đang tìm cái khác Chúa : quyền lực, danh vọng, thành công, giàu sang, hưởng thụ… Đây điều cật vấn ta!

Còn vua Hêrôdê, ông cũng đi tìm Chúa, nhưng ông không phải chính ông đi tìm mà ông dựa vào người khác: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (Mt 2,8). Ông không tìm Chúa với thiện ý! Nhưng là để tiêu diệt Hài Nhi, vì sợ mất “cái ghế quyền lực” chóng vánh của mình. Khi không được các nhà đạo sĩ quay về báo, ông không chỉ tìm giết Hài Nhi mà giết tất cả bé trai cùng độ tuổi như Hài Nhi để bảo về cái “ngai vàng đẫm mùi tử khí”

Thế giới ngày nay vẫn chưa hết những Hêrôdê tham quyền cố vị.  “Chiếc ghế quyền lực” đẫm mùi tử khí dễ là miếng mồi của những kẻ tham tiền, tham quyền, mê hưởng thụ! Trong trách vụ, tôi dễ là Hêrôdê khi tôi đặt sai mục đích : thay vì phục vụ thì tôi trục lợi; thay vì hy sinh để kiếm tìm hạnh phúc thì lại tìm những thú vui hưởng thụ cho bản thân dễ dàng loại bỏ những mầm sống đang cưu mang, những mầm sống đang cần sự khoan dung, trợ giúp; thay vì nâng dậy những người cần mình, những người mình có bổn phận chăm sóc thì minh lại sở hữu nó để nó làm thỏa mãn đam mê của mình; thay vì thăng tiến nó để nối tiếp kế thừa thì vì ganh tỵ mà tìm cách ‘dìm hàng’.

Vâng, nếu cuộc đời chúng ta là môt hành trình tìm kiếm hay một cõi đi về như triết lý sống của Trịnh Công Sơn, thì hà cớ gì mình lại để cho những ‘tử khí’ của đam mê dục vọng về những thứ chóng qua giết chết nhân phẩm, nhân cách sống của con người. Nếu mình dùng ‘tử khí đam mê’ đó là phương tiện ‘đi về một cõi’ nơi đó chính Chúa là cội nguồn, là nhà của mình thì phải chăng hành trình tìm kiếm của chúng ta đang bị lạc xa ! 

Hôm nay ngôn sứ Isaia vẫn vọng lại cho chúng ta : “Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. (Is 60,1). Israel là đại diện cho cả thế giới. Một thế giới đang đẫm mùi tử khí của đam mê : đau thương vì nạn lạm dụng tình dụng trẻ em, không còn thế giới an toàn cho mọi người từ thực phẩm cho đến môi trường thiên nhiên… Trong tăm tối này, thì ánh sang của Chúa vẫn chiếu soi, niềm hy vọng sẽ bừng sáng, nếu ta cùng hoán cải hành trình tìm kiếm là lấy Chúa là cùng đích, đến với Chúa để được biến đổi, tìm về Chúa là Cha của mình, thì ta đang làm cho ánh sang Chúa soi rọi và đẩy lùi ‘tử khí đam mê’.

Ngôi sao đồng hành với ta không còn lúc mờ lúc tỏ nữa. Ngôi sao ấy chính là :” trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. (Ep 3,6). Với lời khẳng định này của thánh Phaolo giúp chúng ta thấy Ngôi Sao Kito đã và luôn mãi đồng hành và là sức mạnh cho hành trình cuộc đời của mỗi người chúng ta. 

Anna Phạm Tuyết, fmm.