Các Bài Suy Niệm Lễ Mình Và Máu Chúa Kito - Năm C

1. THÁNH LỄ TRONG NHÀ THỜ VÀ THÁNH LỄ NGOÀI CUỘC ĐỜI

Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Đức Hồng Y Hellder Camara về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối lăn lộn trên đất, đấm ngực khóc lóc than van như trong cơn đại hoạ. Đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm những bình đựng Mình Thánh. Kẻ trộm đổ Mình Thánh Chúa ra vườn, lấy đi những bình mà họ tưởng làm bằng vàng. Thật là một sự phạm thánh ghê gớm.

Thế nhưng trong bài giảng hôm ấy, Đức Hồng Y đã làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị hành hạ, bị chà đạp, bị giết chết trong những anh chị em nghèo khổ, vô gia cư, trong các trẻ em không cha mẹ, không gia đình, sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những anh chị em ấy chính là Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa Giêsu, là Thánh Thể Chúa.

Nói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình Thánh Chúa. Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta một khía cạnh thường hay bị lãng quên trong khi cử hành bí tích. Đó phải là cử hành bí tích không chỉ trong nhà thờ mà còn phải cử hành cả ngoài cuộc đời nữa.

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta hãy lưu ý hai điểm:

1- Diễn tiến phép lạ hoá bánh ra nhiều giống hệt như diễn biến một Thánh Lễ. Nếu Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phục vụ Thánh Thể thì trong bài tường thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã giảng dạy dân chúng trước rồi mới ban bánh sau. Dân chúng được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trước khi được nuôi dưỡng bằng bánh đã được chúc phúc. Đây quả là một Thánh Lễ cử hành giữa đời thường. Một Thánh Lễ không có nhà thờ, chẳng có bàn thờ.

2- Cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu khi hoá bánh ra nhiều, khi lập phép Mình Thánh Chúa và khi dùng bữa với các môn đệ làng Emmau giống y như nhau. Cả 3 đoạn văn trên đều tả Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ.

Tại sao có sự trùng hợp thế? Thưa vì Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng: Bí tích không chỉ là một nghi lễ, nhưng là một sự thực. Sự thực ấy phải đâm rễ sâu nơi cuộc đời, phản chiếu đời sống và đem lại lợi ích cho đời sống.

Nếu trong Thánh Lễ Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Người đã ban lương thực nuôi thân xác.

Nếu Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ, thì trong sa mạc hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã tổ chức một bữa tiệc long trọng, mỗi bàn ăn gồm 50 người để họ chia sẻ với nhau không chỉ cơm bánh mà còn tâm tư tình cảm nữa.

Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Đức Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Chúa Giêsu đã tự hiến mình trên thánh giá.

Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, thân xác Người cũng đã bị bẻ ra trong những sỉ nhúc, đòn vọt, đóng đinh.

Quả thật Chúa Giêsu đã dâng Thánh Lễ không chỉ trong nhà thờ, mà Người còn dâng Thánh Lễ ngoài cuộc đời. Người không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình. Người chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Người đã trở thành bí tích. Người không chỉ bẻ ra một tấm bánh mà còn bẻ chính thân mình ra để ban phát cho mọi người. Chính vì thế mà lễ dâng của Người có giá trị. Thái độ của Chúa Giêsu khiến ta phải suy nghĩ.

Làm sao ta có thể gọi Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ nếu ta vẫn còn giữ trong lòng những thù hận ghen ghét? Làm sao ta có thể đi dự tiệc Thánh Lễ nếu chung quanh ta còn biết bao anh em đói khổ, thiếu thốn? Làm sao ta có thể dâng Thánh Lễ nếu trong cuộc đời ta không hiến mình cho anh em?

Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Người còn muốn cho ta dâng Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời. Nghĩa là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết khiêm nhường nhịn nhục, biết sống đoàn kết yêu thương, biết hiến mình vì anh em.

Việc cử hành Thánh Lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng như việc cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Hơn nữa, nếu thiếu việc cử hành ngoài cuộc đời, những nghi lễ trong nhà thờ sẽ trở thành bùa chú, giả dối và phản chứng.

Xin cho bí tích Thánh Thể trở thành một sự thực trong đời sống. Xin cho chúng ta biết thờ lạy Chúa Giêsu không phải chỉ trong hình bánh mà còn nơi những anh em bé mọn trong cuộc đời. Xin cho chính đời sống ta trở thành một bí tích, chịu bẻ ra để đem lại lợi ích cho anh em. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Theo bạn, thế nào là tích cực tham dự Thánh Lễ?
  2. Rước lễ đem lại những ơn ích nào cho đời sống thiêng liêng của bạn?
  3. Bạn đã dâng Thánh Lễ trong cuộc đời chưa?

2. BÁNH TÌNH YÊU

Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Ăn uống là chuyện bình thường của mọi sinh vật. Khi tôi ăn uống, đồ ăn thức uống trở thành tôi. Tôi sống, tôi hoạt động, tôi lớn lên, nhờ chút rau xanh, cá tươi, đậu trắng. Tôi được nuôi bằng trời cao, đất rộng và biển cả. Từ lâu Ðức Giêsu mang một khát vọng lớn, đó là nuôi sống linh hồn con người, nuôi mọi tín hữu thuộc mọi thời đại, và nuôi họ bằng chính bản thân Ngài, bằng cái chết và sự sống của Ngài. Ngài có mắc bệnh hoang tưởng không? Cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển cho ta thấy Ðức Giêsu là con người bình thường khi Ngài cử hành bữa Tiệc Ly tối hôm đó. Ngài muốn ta tham dự vào cuộc Vượt Qua của Ngài, Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho ta; thành đồ ăn bằng cách biến tấm bánh thành Thịt Mình Ngài, thành thức uống bằng cách biến rượu nho thành Máu Ngài. Như thế ai ăn Tấm Bánh và uống Chén Rượu đã được Ngài biến đổi nhờ quyền năng Thánh Thần, người ấy nên một với Ngài. Không phải Ngài trở thành người ấy, cho bằng người ấy trở thành Ngài. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Mỗi thánh lễ là một lần nhớ đến và làm sống lại hy tế duy nhất năm xưa trên Núi Sọ. Bí tích Thánh Thể là một sáng kiến của Tình Yêu.

Tình Yêu luôn có nhiều sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. Cần ngắm nhìn cử chỉ bẻ bánh của Ðức Giêsu,

Tấm bánh trở thành Tấm Thân Ngài được bẻ ra và trao hiến trên thập giá. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu đã bẻ bánh để môn đệ phát cho dân. Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên mãi. “Anh em hãy cho họ ăn đi.” Như các môn đệ, chúng ta cũng lúng túng và bất lực trước cơn đói của con người hôm nay, đói cơm bánh, đói tình thương, đói được tôn trọng. Nếu chúng ta dám trao cho Ðức Giêsu tất cả những gì chúng ta có, dù chỉ là nhỏ nhoi; nếu chúng ta chịu để cho Ngài bẻ ra, và làm vỡ tan mọi tính toán ích kỷ, thì chúng ta có thể nuôi được cả thế giới. Thỉnh thoảng bạn nên cầu nguyện trước Thánh Thể. Bạn có thể học được nhiều điều. Con Thiên Chúa vinh quang rất mực, lại khiêm tốn hiện diện dưới dạng tấm bánh mong manh, lặng lẽ, đơn sơ. Tấm bánh không biết nói, không sống cho mình. Tấm bánh hiện diện là để cho người ta thưởng thức, và tan biến ngay sau khi được hưởng dùng. Chúng ta có thể bắt chước lối hiện diện ấy của Chúa Giêsu Thánh Thể không?

 

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,

ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,

và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.

Con mong sự hiện diện ấy lan toả khắp nơi,

để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.

Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,

nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,

nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,

nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,

nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ,

nơi các tiệm cho mướn băng video,

nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ…

Nhưng lạy Chúa, trước hết,

xin cho đời con là một ngọn đèn,

xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,

mời người ta dừng lại, trầm tư,

và gặp được Chúa.

3. BỮA TIỆC TÌNH YÊU

"Chúa cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng....họ phân phát cho dân chúng".(Lc 9,16).

Bữa ăn, bữa Tiệc, với người Á Đông, người VN, rất quan trọng, vì thế mà tục ngữ VN có câu, "Trời đánh tránh bữa ăn". Ngôn ngữ VN thường diển tả bữa ăn bằng những từ: ăn cưới - ăn giỗ - ăn tết - ăn hỏi - ăn đám. Những từ này nói lên Bữa Tiệc có tầm quan trọng lớn trong đời sống dân gian, chính vì thế người ta mới ví: Ông Trời có đánh ai cũng phải tránh bữa ăn của gia đình họ. Dĩ nhiên vì miếng ăn, cũng đã xảy ra những cuộc tranh chấp tồi tàn, "miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan trên đầu"; nhưng nhìn chung, miếng ăn, hay bữa tiệc đều nói lên nguồn hạnh phúc, tình bác ái huynh đệ, sự đoàn kết của mọi thành viên đang tham dự...Còn hình ảnh nào hơn hình ảnh của một gia đình: cha mẹ, con cái đòan tụ bên mân cơm cười nói rôm rả, dù thức ăn không cao sang? Đây chính là hình ảnh của Bữa Tiệc Thánh Thể, chính Thịt Máu Chúa Giêsu muốn ban cho nhân loại sau này. Chúa Giêsu muốn nói đến qua bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay...

a. Các Bữa Tiệc trong Kinh thánh là hình bóng của bữa Tiệc Thánh Thể: Tiệc Vượt Qua Cựu ước - Hóa bánh ra nhiều - Tiệc Ly Tuần thánh: Trước tiên, Tiệc Vượt Qua trong Cựu Ước: chính Môisen dạy dân chúng hàng năm cử hành Bữa tiệc này, tưởng nhớ việc Chúa cứu dân ra khỏi Ai cập. Đây chính là hình bóng của Bữa Tiệc Thánh Thể; Chúa Kitô chính là Con Chiên Tinh tuyền, không tỳ tích, Con Chiên vô tội, đã gánh tội trần gian. Kế đến, hai lần Hóa bánh ra nhiều: là để loan báo cho Bàn tiệc Thánh Thể, nơi đó Chúa Kitô không chỉ ban cho nhân loại bánh ăn nuôi thân xác, người sẽ ban cho họ thứ bánh có khả năng ban sự sống thật, sự sống vĩnh cữu trên Nước Trời. Sau cùng, Bữa Tiệc Ly: Chúa Kitô không chỉ ban cho nhân loại sự sống vĩnh cửu là Thịt Máu Chúa làm của ăn tại thế, Người còn loan báo Bàn Tiệc mới trong Vương quốc Thiên Chúa mai sau trên Nước Trời.

b. Tiệc Thánh Thể chính là Bữa Tiệc ban sự sống thần linh, nhờ đó người được lãnh nhận sẽ được hiệp thông với Thiên Chúa trong tình yêu, trở nên thân mật với Thiên Chúa, nên một với Thiên Chúa, như Công Đồng chung Vatican 2 nói: "con người được kết hợp với Thiên Chúa và liên kết với nhau, để cuối cùng, Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người." (S.C. số 48).

Chúng ta thử nghĩ: Chúa Kitô lập BT. Thánh Thể để trở nên của ăn cho nhân loại và ở lại với họ, điều này quá đúng và quá thực tế! Cái ăn đối với con người là một nhu cầu quá lớn, không ai chối cải được. Chúa Kitô muốn Thịt Máu mình làm của ăn cho nhân loại, để được ở cùng nhân loại, đồng thời cũng loan báo hạnh phúc vĩnh cửu, Bàn Tiệc Thiên quốc, hay cuộc sống thật và hiệp thông viên mãn bên Thiên Chúa, điều đó không quá đúng và quá đánh động chúng ta sao? Có một tôn giáo nào dám đem lại cho con người hạnh phúc vĩnh cửu, chân thật và cụ thể như thế? Hay nói cách khác: chính vì Thiên Chúa là Đấng quá thánh thiện, quá tốt lành, nên Người muốn chia sẻ cuộc sống thần linh, hay cuộc sống quá sung mãn của Thiên Chúa cho nhân loại; Người không có cách nào khác hơn là lấy Thịt Máu mình làm của ăn nuôi họ, điều đó không đủ gây ấn tượng và cảm động cho ta sao? Chúng ta có tại sao Chúa Giêsu không dùng hình ảnh nào khác?

c. Gợi ý sống và chia sẻ

Chúng ta giữ đạo đã mấy mươi năm, biết bao lần rước Mình Máu Thánh Chúa, vậy mà hiện nay, sức sống của Chúa có tràn ngập trong ta, Tình yêu của Thiên Chúa có tràn đầy trong ta chưa? Hay ta cũng vẫn như vậy không có gì khác, như hồi nhỏ mình rước lễ vỡ lòng? Hội thánh qua 20 tk đã sống nhờ chính lương thực thần thiêng, mầu nhiệm nầy. Còn ta thì sao?

4. THÁNH THỂ DẤU CHỈ TÌNH YÊU

1. Ăn uống là nhu cầu tất yếu để cho sự tồn tại và phát triển thể xác của một con người. Vì yêu thương, Thiên Chúa không những cho con người có thể xác mà còn có linh hồn, đó là điểm cơ bản để con người hơn hẳn các sinh vật khác. Đoạn Tin Mừng được chọn đọc Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, không những được ăn no nê mà còn dư thừa, đó là dấu chỉ Bí Tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập, để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta.

2. Phép lạ hoá bánh ra nhiều nầy có liên hệ gì tới Bí Tích Thánh Thể, tới Mình Máu Thánh Chúa? Thưa đây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Tin Mừng ghi lại, và đây cũng là phép lạ công khai trước một số đông người. Từ năm chiếc bánh và hai con cá ban đầu biến thành lương thực, thực phẩm cung cấp cho trên năm ngàn người ăn mà vẫn còn dư thừa! Cách ghi chép của Thánh Luca về phép lạ này có thể so sánh với việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể (x. Mt 26 và song song), như:

- Phép lạ xảy ra vào lúc ngày tàn; sau này Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể cũng vào lúc cuối ngày.

- Trong phép lạ này những hành động của Đức Giêsu như : cầm lấy bánh và cá đọc lời chúc tụng, bẻ ra, phân phát ; sau này Đức Giêsu khi lập Bí Tích Thánh Thể, Người cũng có những hành động giống như vậy.

Qua phép lạ hoá bánh, cá ra nhiều này và Bí Tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập. Đức Giêsu muốn nói lên, muốn dạy ta điều gì? Thưa qua đó cho ta thấy tình thương của Thiên Chúa, Đức Giêsu dành cho mọi người chúng ta và Chúa cũng đòi hỏi chúng ta cũng phải lấy tình người đối với nhau.

3.Trước hết, phép lạ nầy và Bí Tích Thánh Thể cho ta thấy dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Như đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu đã cứu chữa những ai cần được cứu chữa. Rồi khi trời đã xế chiều, rất có thể Người giải tán đám đông để họ tự túc đi vào các làng mạc gần đó để mua thức ăn cho khỏi bận tâm như lời đề nghị của các Tông Đồ. Thế nhưng chúng ta thấy Chúa không đồng ý với đề nghị này mà Người lo liệu cho họ có của ăn bằng phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều.

Không những lo cho dân chúng được no đủ về thể xác, mà quan trọng hơn bằng việc tự hiến bản thân của mình để ban của ăn thiêng liêng cho loài người. Vì Người là Đấng quyền năng, có thể dùng những phương thức khác để nuôi sống linh hồn con người, nhưng Người đã chọn con đường tự hiến máu thịt của mình : "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).

Tình thương của Người dành cho chúng ta không những một lần thôi, mà mỗi khi Thánh Lễ được cử hành là tái diễn việc hy sinh của Đức Giêsu, và hiệu quả của việc hy sinh này tiếp tục được thực hiện, như lời Đức Giêsu đã hứa : Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời(x. Ga 6,51-58).

4.Kế đến, phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều và Bí Tích Thánh Thể còn là dấu chỉ tình yêu thương của con người phải có đối với nhau. Khi các Tông Đồ đề nghị giải tán dân chúng để họ tự tìm thức ăn, thì chính Đức Giêsu đã nhắc nhở các ông : "Chính anh em, hãy cho họ ăn" (Ga 9,13). Vâng "chính anh em", "chính các con" phải có trách nhiệm lo lắng, chăm sóc cho anh chị em mình chứ không đợi một ai khác!

Rồi cảnh tượng bữa ăn lạ lùng thật vui, trên 5.000 người cùng chia sẻ lương thực thực phẩm với nhau. Một hình ảnh nói lên sự yêu thương và hợp nhất. Thật vậy, một buổi tiệc dù vui hay buồn (sinh nhật, cưới, tang...), thì những người tham dự cùng chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn, qua đó nói lên sự yêu thương, hợp nhất. Buổi ăn nơi hoang dã này càng đượm ý nghĩa hơn khi Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể.

Bàn tiệc Thánh Thể được Đức Giêsu thiết lập dưới hình thức một bàn tiệc hiệp thông huynh đệ. Vì vậy, Thánh lễ, qua đó Bí Tích Thánh Thể được cử hành là bàn tiệc thánh, thiêng liêng, mọi người không phân biệt giai cấp, già trẻ, sang hèn... đều được mời gọi tham dự, chia sẻ. Thánh Phaolô đã viết : "Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (1Cr 10,17).

Như vậy quả thật Bí Tích Thánh Thể không chỉ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa ban cho con người mà còn là dấu chỉ của tình người cần phải có đối với nhau.

5. Nhân ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, và qua những suy nghĩ trên, chúng ta có quyết tâm gì ?

Khi xác quyết Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình Chúa, chúng ta phải siêng năng tham dự Thánh lễ và rước lễ, để đáp trả tình yêu thương Ngài đã dành cho chúng ta. Đồng thời nhờ ơn Chúa giúp để chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, thử thách đời nầy và nhất là đảm bảo cho chúng ta được sống đời đời.

Khi xác quyết Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình người, mỗi chúng ta phải cố gắng sống yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Không phải chúng ta chỉ hiệp nhất và yêu thương trong việc thờ phượng Chúa, trong Thánh lễ... mà còn phải thực sự hiệp nhất và yêu thương nhau trong cuộc sống. Đức Giêsu phán : "Anh em hãy làm việc nầy mà tưởng nhớ đến Thầy" (Lc 22,19), chắc hẳn Chúa không chỉ muốn chúng ta chỉ cử hành lại Bí Tích Thánh Thể mà thôi, mà còn muốn chúng ta yêu thương, giúp đỡ nhau trong tình bác ái huynh đệ theo gương của Người. Bởi đời ta là Thánh lễ nối dài và như lệnh truyền của Chúa : "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy : là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).

5. CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ

Lm Jude Siciliano OP

Chúng ta thường liệt kê ai là những người quan trọng đối với một gia đình nào đó. Và điều mà ai cũng phải làm là cân nhắc về những người được mời đến dự tiệc sinh nhật, lễ tết. Thế nên, những gương mặt hiện diện quanh bàn tiệc tỏ dấu hiệu cho biết, ai là những nhân vật thế giá đối với gia chủ, đối với những người chiêu đãi bữa tiệc đó. Thỉnh thoảng, có một số người được mời vì những mối quan hệ kinh doanh, hoặc được làm khách cho có bạn có bè, tuy nhiên, đối với phần đông chúng ta, khi chúng ta muốn tổ chức tiệc mừng ai, hoặc một dịp đặc biệt nào đó, chúng ta sẽ hết sức đắn đo về những người mà chúng ta mời dự tiệc với mình. Ngoài chuyện chẳng đặng đừng, thì hầu hết chúng ta đều không muốn mời người mà chúng ta chẳng ưa, bởi lẽ, việc mời những người ấy có thể phá hỏng bữa tiệc của chúng ta và làm cho buổi lien hoan mất vui. 

Dân chúng vào thời Đức Giê-su thậm chí còn giữ nhiều lề thói nặng nề hơn khi có tiệc tùng. Nếu ở bên Đông Phương (Do-thái), thì khách dự tiệc mà qúy ông bà anh chị em mời đến đồng bàn với mình hẳn là những người đã có mối tương quan tốt đẹp, những người mà quý ông bà anh chị em cảm thấy an tâm và tin tưởng. Nếu quý ông bà anh chị em mời một người có thù hằn hoặc đã cắt đứt quan hệ với mình hay gia đình mình, thì việc dùng bữa với nhau thực sự là một hành động tỏ ý giao hòa. Sau bữa tiệc, mọi người sẽ không còn phải là thù địch của nhau nữa; việc chia sẻ với nhau trong bữa tiệc sẽ dỡ bỏ rào cản trong quá khứ. 

Một người giữ đạo nghiêm nhặt sẽ chẳng bao giờ dùng bữa với những người tội lỗi hoặc những ai về mặt nghi thức, bị cho là không thanh sạch, vì sợ rằng tình trạng nhiễm uế của những người ấy có thể lây sang những người đồng bàn với họ. Vào thời ấy, việc Đức Giê-su đã bị chỉ trích về chuyện đồng bàn với những kẻ tội lỗi và những người bị xã hội ruồng bỏ cũng chẳng có gì lạ. Và do đó, việc Đức Giê-su mời người ta đến dự tiệc với Người lại là một hành động khoan dung tha thứ và hơn thế nữa, đấy là một hành động khai mở một sự hiệp thông sâu xa hơn với Thiên Chúa qua Đức Giê-su.

Trình thuật hóa bánh ra nhiều trong bài Tin Mừng hôm nay hướng về lời mời gọi "từng người một, tất cả hãy đến dự tiệc." Người đang đói và không có khả năng tự chu cấp thực phẩm cho mình giữa một nơi hoang vắng là điều kiện cần để người ấy được nhận của ăn. Đề tài Đức Giê-su dự tiệc trải dài xuyên suốt trong Tin Mừng Lu-ca, Người không chỉ dung bữa với các môn đệ nhưng còn với những đối tượng bị khinh miệt. Chẳng hạn ở các bữa tiệc như, trước khi người chịu chết (vd. 5,27-32; 7,36-50); đêm bị trao nộp (22,14-38); và sau khi Người phục sinh (24,13-35; 24,36-43). Đức Giê-su cũng đã kể những dụ ngôn về các bữa tiệc (vd. 12,25-48; 14,15-24; 15,11-32). Lời mời dự tiệc của Người là một dấu chỉ loan báo rằng, bất kể ai, người đạo đức chính trực và phường vô đạo; người Do-thái cùng Dân ngoại; người thịnh đạt hay kẻ cơ hàn; nữ cũng như nam, tất cả đều được chào đón vào nơi Người đã khai mở là vương quốc Thiên Chúa.

Chúng ta đang cử hành "yến tiệc mình và máu thánh", yến tiệc dưỡng nuôi chúng ta ở bất kỳ chốn hiu quạnh nào mà chúng ta tham dự. Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nhắc nhớ điều mà Người đã "truyền lại" cho họ - chia sẻ bữa ăn mà Đức Giê-su đã trao ban là dấu chỉ về cái chết của Người và giao ước mới mà Người đã thiết lập với chúng ta. Thánh Phao-lô quả quyết rằng, Đức Giê-su được hiến trao cho chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể, Người hiện diện thực sự với chúng ta "cho đến khi Người đến." Thế nên, một cách nào đó bàn tiệc Thánh Thể cử hành cuộc biệt ly của Đức Chúa, đồng thời bàn tiệc ấy cũng dọn sẵn cho chúng ta một ân ban mai hậu, ấy là sự hiện diện tín trung và hằng cửu của Đức Giê-su.

Việc cùng nhau chia sẻ bữa ăn của đám đông, bữa tiệc khoản đãi mọi người được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay ("mọi người đều ăn và ai nấy được no nê") là dấu chỉ nói lên rằng, Đức Giê-su là lương thực dọn sẵn cho tất cả những ai đang đói khát. Những ai đã đến và dung tiệc, thì tìm thấy nơi Đức Giê-su thứ lương thực làm cho những kẻ vốn là thù nghịch trở nên nghĩa thiết với Thiên Chúa.

Sau khi thuyết giảng tại các giáo xứ trong suốt mùa Chay và những tuần sau lễ Phục sinh, tôi đã để ý thấy một lòng sùng kính thánh thể không ngơi, điều này làm tôi nhớ lại những ngày thơ ấu của mình. Trong giáo xứ tôi sống thuở thiếu thời tại Brooklyn, cũng vào ngày lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Ki-tô ("Corpus Christi") như hôm nay, chúng tôi đã tham dự một cuộc rước kiệu với Thánh Thể được đặt trong mặt nhật bằng vàng, rước quanh nhà thờ, rồi sau đó được đặt lên bàn thờ, nơi ấy người ta lặng lẽ sùng kính suy tôn Thánh Thể, và kết thúc với phép lành Thánh Thể cùng các bài thánh ca bằng tiếng La-tin. Một số giáo xứ tôi đã đến thăm trong những tháng gần đây vẫn còn dành một số giờ xuyên suốt trong tuần để giữ việc sùng kính Thánh Thể trong thinh lặng tương tự như vậy.

Có một giáo xứ đã "đặt Mình Thánh để chầu liên tục" trong một nhà nguyện tạm mở cửa suốt 24 giờ cho công chúng. Những người đến tôn thờ Thánh Thể đã chầu luân phiên suốt ngày đêm. Thiện ích mà việc chầu thánh thể nơi đây đem lại cho những người thuộc các giáo xứ đô thành chộn rộn là cơ hội giúp người tín hữu lánh khỏi cảnh xô bồ hối hả của cuộc sống thường nhật để dừng chân viếng chầu Thánh Thể, cũng như dành ra một số thời khắc thinh lặng trước nhan Chúa. Lần trở về lịch sử,

lòng sùng mộ Thánh thể theo lối đó vốn đã phổ biến kể từ thời tôi còn thơ bé ngược về thời điểm hơn một thế kỷ trước. Thời ấy, việc chầu Thánh Thể được dấy lên mạnh mẽ, đặc biệt với việc quy hướng vào sự hiện diện của Đức Ki-tô nơi Bí tích Thánh thể.

Từ Công đồng Va-ti-ca-nô II trở đi, chúng ta đã hướng đến việc nhấn mạnh sự hiện diện thật sự của Đức Ki-tô nơi cộng đoàn họp nhau lại. (Gần đây, trong một bữa tối tại giáo xứ nọ, cha sở đã nói rằng, ngài nghĩ người ta khó lòng mà chấp nhận việc Đức Ki-tô hiện diện trong phép rửa, dưới hình bánh trong mặt nhật hoặc trên đĩa bánh và chén rượu trên bàn thờ).

Ngày lễ hôm nay không quay lại theo lối xưa, không còn chỉ là thinh lặng kính thờ và bái quỳ trước Mình Thánh. Nhưng hơn thế nữa, thánh lễ hôm nay mời gọi chúng ta mở rộng nhãn giới đức tin ý thức sâu xa hơn về chức tư tế phổ quát của chúng ta, đặc biệt là trong các tác vụ khác nhau vốn được chứa đựng và khởi nguồn từ việc cử hành Bí tích Thánh thể của chúng ta, đó là các tác vụ như: công bố Lời Chúa; thực hiện vai trò của thừa tác viên Thánh Thể và trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân; hát thánh ca và thánh thi... Ngày hôm nay, người giáo dân cũng đóng một vai trò lớn trong các phân nhiệm phụng vụ của chúng ta. Cùng lúc chúng ta muốn về nguồn với cảm thức sùng kính và suy niệm trong thinh lặng trước Thánh Thể mang hình bánh, thì chúng ta cũng được đón

nhận ân sủng qua những công việc thực tế mỗi ngày, đó chính là việc cử hành sự hiện diện của Đức Ki-tô trong cộng đoàn "phụng vụ" và "thừa tác" của chúng ta.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng tưởng nhớ sự hiện diện của Đức Ki-tô giữa lòng thế giới, một sự hiện diện khởi đi với xác phàm nhân loại, với thịt thật và máu thật như chúng ta. Người cũng vốn mang lấy những cảm

xúc hỉ hoan, mến yêu, khao khát và đau đớn như chính chúng ta. Thế nên, chúng ta cũng ngợi ca chính xác phàm nhân loại của chúng ta, vì từ khi chịu phép rửa, thân xác chúng ta đã trở thành nơi Chúa hiện diện giữa lòng thế giới. Nhờ Đức Giê-su, sự hiện diện thể lý của chúng ta ở thế gian này cũng là dấu chỉ cho thấy tình yêu và quyền năng quan phòng gìn giữ của Thiên Chúa thông qua chúng ta, tức những người đang được dưỡng nuôi bởi Mình và Máu Đức Ki-tô. Thân xác chúng ta phản ánh tình thương Thiên Chúa cho người khác và phản chiếu lòng trắc ẩn của Thiên Chúa đối với những ai đang chịu đau khổ, bị lạm dụng, quẫn bách... về cả đàng linh hồn lẫn thể xác.

Ngày hôm nay, vị chủ tế sẽ nguyện xin Chúa Thánh Thần và đọc trên bánh, "Đây là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em...," và trên rượu, "Đây là chén Máu Thầy..." Những lời này cũng được đọc trên chúng ta nữa, vì chúng ta là thân thể với mình và máu của Đức Ki-tô được trao nộp và hiến dâng cho thế gian. Đức Giê-su đã trao nộp trọn vẹn sự sống của Người là thịt và máu cho chúng ta và, sự hiệp thông của chúng ta với Người cho phép chúng ta trao nộp đời sống của mình trong hiến lễ tình yêu cho thế gian như Người đã thực hiện. Như Đức Ki-tô, cuộc sống chúng ta được Thiên Chúa trao ban để trở thành "khí cụ" để giao hòa, yêu thương và công chính cho thế gian.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su biết đám đông vây quanh người đang đói. Người bảo các môn đệ, "Chính anh em hãy cho họ ăn." Các môn đệ nói rõ số lương thực chẳng thấm vào đâu của họ để trả lời cho thách đố mà Người trao. "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá..." Họ nói đúng, với những gì chúng ta có trong tay, thì trên thế giới này, quả là có quá nhiều những người lâm cảnh đói khát mà chúng ta cần phải trợ giúp. Tuy nhiên chúng ta không trợ giúp bằng những gì chúng ta có. Phép lạ hóa bánh ra nhiều biểu trưng cho điều chúng ta cử hành nơi Bí Tích Thánh Thể: Đức Giê-su đã trao hiến chính mình Người làm của ăn cho những kẻ đói khát ở trần thế này. Hôm nay, chúng ta cử hành việc Đức Giê-su trao nộp chính Người cho chúng ta, đồng thời, việc cử hành này cũng mời gọi chúng ta noi theo tình thương của Người bất kể khi nào chúng ta bắt gặp đám đông đang đói khát xuang quanh chúng ta. "Chính anh em hãy cho họ ăn." Giờ đây, trong bánh rượu là Mình và Máu Đức Ki-tô, chúng ta được nhắc nhở một cách cụ thể, chúng ta có thể dưỡng nuôi những người đói khát trên thế giới này, bởi lẽ chúng ta đã được Chúa dưỡng nuôi bất kể ở "nơi hoang vắng" nào mà chúng ta đã gặp phải.
Anh Em HV Đaminh Gò Vấp chuyển ngữ.