Các Bài Suy Niệm Lễ Hiện Xuống – Năm C
Ga 20,19-23
1. Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
SUY NIỆM THÁNH LỄ VỌNG (Ga 7,37-39)
Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng về với Chúa Giêsu và chiêm ngắm Người vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, nghe Chúa giảng: “Ai khát hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông” (Ga 7, 37-38). Người muốn nói điều ấy về Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất
Nếu như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa tự sức riêng của mình muốn “xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời” (x. St 11,4). Hậu quả của hành động đó là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.
Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo
Câu đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết: “Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo…” làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang (x. St 1,2).
Phải khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là cộng cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, là lễ của Giáo hội. Nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Và vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm” (Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto nói: “Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa” (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).
Ðứng trước những hình thức khác nhau của việc lạm dụng trái đất, “mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta”. (Rm 8,22-24)
Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài? Bằng cách nào, chúng ta đến với Ngài và Ngài đến với chúng ta? Ngài tác động điều chi? Câu trả lời cho câu hỏi Chúa Thánh Thần là gì, Ngài làm điều chi và làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài. Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã buớc vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống và sự tự do. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.
Từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra
Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, các môn đệ nói mà không sợ hãi. Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban xuống cho Giáo hội như là “nước hằng sống chảy ra như giòng sông” (Ga 7,38) vì nước ấy ở trong cung lòng của Thiên Chúa, cùng một lúc, chúng ta khám phá ra rằng, cũng trong Giáo hội, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống thật. Thường chúng ta đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong phương diện cá nhân, tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay hiển nhiên cho thấy tác động Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Kitô hữu: “Thánh Thần mà những kẻ tin Người sẽ lãnh lấy” (Ga 7,39). Thánh Thần duy nhất biến cộng đoàn thành một thân thể duy nhất, thân thể Chúa Kitô. Hơn nữa, Ngài là suối bẩy nguồn đa dạng về các ơn: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như: tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… làm cho mỗi người chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.
Sự duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu. Điều quan trọng nhất của Giáo hội chính là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống. Với con mắt loài người nhìn vào Giáo hội, chúng ta không thể nhận ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để “các dân tộc chia tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa.” (Lời nguyện nhập lễ)
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa!” Amen.
2. Suy Niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần. Trong thực tế, chúng ta thường hay nói về Chúa Con, ít nói tới Chúa Cha, và rất hiếm khi nói về Chúa Thánh Thần.
Hôm nay, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là dịp thuận tiện để chúng ta nói về Chúa Thánh Thần: Ngài là ai? Hoạt động của Ngài như thế nào? Bổn phận của mỗi người Kitô hữu chúng ta đối với Ngài?
1. Chúa Thánh Thần là ai?
Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Ngài là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như Chúa Cha và Chúa Con. Ngài còn được gọi là “Đấng ban Sự Sống” (Ga 6, 63), “Đấng Bảo Trợ” (Ga 15,26 ) và “Thần Chân Lý” (Ga 16,13).
Kinh Thánh thường dùng những hình ảnh sau đây để chỉ về Chúa Thánh Thần: Nước, Lửa, Xức dầu, Áng mây và Ánh sáng, Dấu ấn, Bàn tay, Ngón tay và Chim bồ câu.
Mỗi hình ảnh đều mang một ý nghĩa biểu tượng: Nước: Tượng trưng cho sự tái sinh; Lửa: Tượng trưng cho năng lực biến đổi của các hành vi Chúa Thánh Thần; Xức dầu: Đồng nghĩa với danh xưng Chúa Thánh Thần; Áng mây và Ánh sáng: Vừa mạc khải Thiên Chúa vừa che khuất vinh quang siêu việt của Người; Dấu ấn: Đóng ấn ơn Chúa Thánh Thần vào người lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh; Bàn tay: Tượng trưng cho sự chữa lành; Ngón tay: Tượng trưng cho quyền năng tác động; Chim bồ câu: Tượng trưng cho bình an, hoà bình.
2. Hoạt động của Chúa Thánh Thần
Thời Cựu Ước, Chúa Thánh Thần hiện diện trong mọi hoạt động quan trọng như: Khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, khi Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ, trong các cuộc thần hiện và trong niềm mong đợi Đấng Cứu Thế.
Sang Tân Ước, Chúa Thánh Thần hằng hướng dẫn đời sống và hoạt động của Chúa Kitô từ khi nhập thể cho đến phục sinh: Đức Trinh Nữ Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 35); Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên đầu Chúa Giêsu khi Ngài chịu phép rửa tại sông Giođan(x. Lc 3,22); Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ (Lc 4,1; Mt 4,1; Mc 1,12); Quyền năng của Chúa Thánh Thần đã toả ra trong các hành vi của Chúa Giêsu để chữa lành các bệnh tật và ban ơn cứu độ (x. Lc 6,19; 8,46); Chúa Thánh Thần cũng làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết (x. Rm 1,4).
Chúa Thánh Thần hoạt động cách mạnh mẽ nơi các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Ga 20, 22-23). Ngày lễ Ngũ Tuần cũng là ngày khai sinh của Giáo Hội. Chính trong ngày này, các môn đệ được biến đổi, nói được các thứ tiếng lạ, can đảm loan báo Tin mừng và sẵn sàng làm chứng cho Chúa Kitô. Trong việc xây dựng Hội Thánh và loan báo Tin Mừng, các Tông Đồ đều khẳng đinh rằng: “Thánh Thần và chúng tôi làm chứng” (Cv 5, 32).
Chúa Thánh Thần không những khai sinh nên Giáo Hội mà còn xây dựng và làm cho Giáo Hội được hình thành. Ngài cư ngụ trong Giáo Hội và trang bị cho Giáo Hội bằng Lời Chúa. Nhờ đó, Giáo Hội tin Lời Chúa, thực hành Lời Chúa và dùng Lời Chúa để giáo huấn. Thánh Thần còn trang bị cho Giáo hội bằng các Đặc Sủng, Ngài ban ơn cho các chi thể tuỳ theo ý muốn của Ngài. Thánh Syrilô nói: “Thánh Thần dùng miệng người này để giảng sự khôn ngoan, lấy lời ngôn sứ mà soi trí lòng người kia, ban cho kẻ này quyền xua trừ ma quỷ, cho kẻ kia ơn giải thích Thánh Kinh, thêm sức cho kẻ này sống tiết độ, dạy cho kẻ kia biết thương người, cho người này biết ăn chay và tập sống đời khổ hạnh, cho người kia biết khinh chê những thú vui thể xác, cho kẻ khác nữa ơn chuẩn bị tử đạo. Khác nơi những kẻ khác, còn Người không bao giờ khác với chính mình như có lời chép: Thánh Thần tỏ mình ra cho mỗi người một cách, là vì ích chung”.
Nơi các Kitô hữu, Chúa Thánh Thần là Thần khí Tái Sinh, Thánh Hoá và làm cho họ được Vinh Hiển.
Chúa Thánh Thần là Thần khí Tái Sinh: Vì Ađam, con người trở thành nô lệ tội lỗi, trở nên kẻ thù của Thiên Chúa, bất tuân Thiên Chúa dẫn đến sự hư mất đời đời. Tự con người không thể thay đổi được tình trạng đó. Thánh Thần Thiên Chúa đã can thiệp để thay đổi con người. Trước hết, bằng việc tái sinh qua Bí tích Rửa tội (x. Ga 3, 5-6). Sau đó, bằng việc tái sinh qua bí tích Giao Hoà. Nghĩa là, Chúa Thánh Thần soi sáng để người kitô hữu nhận ra mình là kẻ có tội, cần được thanh tẩy để hưởng ơn cứu độ. Chúa Thánh Thần còn giúp các kitô hữu biết hoán cải để lãnh nhận Bí tích Giao Hoà.
Chúa Thánh Thần là Thần Khí Thánh Hoá: Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chiến thắng con người cũ, giết chết việc làm của xác thịt (Rm 8,13) để chúng ta xứng đáng là đền thờ của Ngài. Thánh Phaolô kê khai các việc của xác thịt như: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (x. Gl 5, 19-21). Chúng ta không thể chiến thắng được, nếu không nhờ Thần Khí. Khi chúng ta nhờ Thần Khí mà chiến thắng các việc của xác thịt trên, thì chúng ta sẽ thu lượm được những hoa quả dồi dào của Thần Khí, đó là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (x. Gl 5,11-23). Chúa Thánh Thần còn cho chúng ta biết sự thật, dạy chúng ta biết cầu nguyện, thúc đẩy chúng ta sống mến Chúa yêu người và làm chứng cho Chúa Kitô.
Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Kitô được phục sinh vinh hiển, thì Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta được sống lại vinh quang. Con người và thân xác của chúng ta không còn nô lệ sự hư nát, nhưng sẽ sáng láng vinh hiển, thông phần sự sống bất diệt của Thiên Chúa Ba Ngôi (1Cr 15,42-45).
3. Bổn phận của chúng ta đối với Chúa Thánh Thần
Người Kitô hữu chúng ta cần xa tránh các tội phạm đến Chúa Thánh Thần, có bốn tội phạm đến Chúa Thánh Thần:
Thứ nhất, lộng ngôn chống lại Thánh Thần (Mt 12, 31-32). Đó là tội “Cứng tin”, không chấp nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô.
Thứ hai, dập tắt Thần Khí (1Tx 5,19-22) thường được giải thích theo nghĩa “không biết tôn trọng các đặc sủng” mà Thánh Thần ban cho để xây dựng Hội Thánh.
Thứ ba, đối đầu với Thần Khí. Đó là chiều theo xác thịt, để các khuynh hướng xấu đưa tới hành vi xấu, nghĩa là phạm tội thực sự. Mỗi lần để cho xác thịt làm động lực chi phối hay làm chủ cuộc sống là một lần đối đầu với Thánh Thần.
Thứ tư, làm phiền lòng Thánh Thần. Khi mọi hành vi và các cư xử không phù hợp với cương vị của người Kitô hữu đều làm mất lòng Thiên Chúa làm phiền lòng Thánh Thần (Ep 4,30).
Tóm lại, Thánh Thần là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban cho những kẻ tin vào Đức Kitô. Mỗi người Kitô hữu chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đặc biệt là khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Vì vậy, chúng ta không những cần phải xa tránh các tội phạm đến Chúa Thánh Thần, mà còn cần phải tin kính, thờ phượng, năng cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta biết sống theo lương tâm ngay thẳng, cùng tôn trọng hồn xác ta là đền thờ của Người (x. 1Cr 6,19).
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, xin tiếp tục đồng hành với chúng con trong bổn phận xây dựng Giáo Hội và loan báo Tin Mừng. Xin giúp chúng con biết xa tránh tội lỗi tôn trọng thân xác là đền thờ của Người. Amen.
3. Ngày sinh nhật của Giáo Hội
(Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long)
Ai là con người cũng có ngày mở mắt chào đời, ngày sinh nhật. Ngày đó được ghi lại trên tấm giấy khai sinh.
Hội đoàn tổ chức đời đạo nào trong xã hội cũng có ngày khai sinh thành lập. Ngày đó được ghi chép trên giấy tờ tài liệu lưu giữ của Hội đoàn tổ chức như bằng chứng.
Người Mẹ Giáo Hội Công giáo cũng có ngày sinh nhật, ngày khai sinh thành lập. Nhưng ngày này của Giáo Hội Công giáo lại không có ghi lại trên giấy tờ khai sinh hay chứng từ sổ sách ghi lại bằng chữ viết, bằng con số.
Như thế, làm sao có thể nói đến ngày sinh nhật của Giáo Hội công giáo được?
1. Tờ giấy khai sinh
Khi một em bé lọt lòng mẹ mở mắt chào đời, bệnh viện nơi em sinh ra ghi lại trên giấy tờ ngày giờ năm tháng, nơi chốn em sinh ra. Căn cứ vào chứng thư đó, sở hộ tịch làm giấy khai sinh trong sổ bộ đời sống xã hội cho em bé.
Không phải tờ giấy đó làm ra em. Nhưng sống trong cộng đồng xã hộị, em cần tờ giấy khai sinh đó. Tờ giấy khai sinh này gắn liền với đời sống em. Nó là tờ giấy căn bản hộ thân cho em, để sau này làm những giấy tờ cần thiết khác trong suốt đời sống.
Không chỉ khi làm những giấy tờ cần thiết khác ở ngoài công sở xã hội, mới cần đến giấy khai sinh. Nhưng cả khi cha mẹ em bé xin cho con mình nhận lãnh Bí tích Rửa tội gia nhập Giáo Hội Chúa Giêsu, ít là bên Giáo Hội nước Đức, cũng phải cần có kèm theo giấy khai sinh của em bé.
Tên em, ngày tháng năm sinh, nơi chốn quê quán em sinh ra là những dữ kiện quan trọng liên quan đến bản thân đời sống. Tờ giấy khai sinh giúp em giữ lại những dữ kiện đó, giữ lại chút kỉ niệm đầu đời ngày em bắt đầu đời sống trên trần gian.
Còn trong niềm tin đạo giáo có giấy tờ khai sinh không?
2. Dấu ấn giấy khai sinh
Dấu ấn Bí tích phép Rửa tội ghi khắc trong tâm hồn người được rửa tội là tờ khai sinh gia nhập đạo Công giáo. Nhưng để lưu trữ ghi nhớ sau này khi cần tra cứu, nơi nhà xứ nào cũng có sổ Rửa tội. Trong cuốn sổ đó, lần nữa ngày tháng năm sinh, nơi sinh cùng tên cha mẹ của em bé, ngày tháng năm rửa tội được ghi lại.
Nhiều người vì hoàn cảnh di chuyển, di cư nơi này sang nơi khác, mất hết giấy tờ, không còn nhớ dữ kiện ngày tháng bản thân của mình nữa. Lần tìm về nơi ngày xưa đã sinh ra, đã được Rửa tội, họ tìm lại thấy những dữ kiện đó.
Trong đạo Công giáo, khi xin cử hành bí tích hôn phối lập gia đình, người ta truy tìm lại sổ rửa tội, để biết xem có đúng là người Công giáo đã được rửa tội chưa, đã có chịu Bí tích hôn phối lập gia đình lần nào chưa. Vì sau hôn phối, có báo lại ghi thêm vào sổ đó: Đã chịu Bí tích Hôn phối.
Những người được chịu chức Thánh trong Giáo Hội, những ai khấn Dòng, những vị thẩm quyền trong Giáo Hội cũng lần dở tìm lại sổ Rửa tội để truy tìm nguồn gốc. Và sau khi người đó lãnh Chức Thánh hay Khấn Dòng báo ghi thêm vào sổ đó: đã chịu chức Thánh hay đã khấn Dòng.
Cuốn sổ Rửa tội trong Giáo Hội là giấy chứng minh để có thể tiếp tục tiếp nhận lãnh những Bí tích khác. Như thế sổ Rửa tội có khác gì giấy khai sinh đâu.
Sổ Rửa tội, một lọai giấy khai sinh trong đạo Công giáo, không chỉ cho nhu cầu đó. Nó còn là một chứng tích lịch sử nữa.
Một ai đó được Giáo Hội phong lên làm bậc Thánh, người ta truy tìm đền cuốn sổ Rửa tội nơi ngày xưa vị đó đã được Rửa tội. Lúc đó cuốn sổ Rửa tội nơi đó có tên vị đó trở nên thời danh, một chứng tích lịch sử.
Cuốn sổ Rửa tội ghi tên cùng ngày tháng Rửa tội của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. Joseph Ratzinger ở nhà xứ Marktl am Inn trở nên thời danh như một chứng tích lịch sử cho việc tra cứu.
Giáo Hội Công giáo của Chúa có gì giấy tờ gì chứng nhận như giấy khai sinh không?
3. Ngày sinh nhật của Giáo Hội
Giáo Hội Công giáo có ngày khai sinh khởi đầu. Nhưng ngày khởi đầu, ngày sinh nhật đó không có giấy tờ khai sinh cùng sổ sách ghi lưu lại.
Không có giấy khai sinh. Không có cuốn sổ Rửa tội. Nhưng Giáo Hội có sách Kinh Thánh ghi chép lại ngày giờ khai sinh của mình. Thánh sử Luca đã thuật lại ghi lại trong Sách Tông đồ công vụ chương hai, từ câu 1-11.
Căn cứ vào Thánh Kinh, đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. đã diễn tả về ngày sinh nhật của Giáo Hội Chúa Giêsu:
Thánh sử Luca, người đã soạn viết công trình Kinh Thánh với những suy tư rất thận trọng. Ông trình bày quy dẫn hướng trở lại về sự nhập thể làm người của Chúa Giês. Khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên địa cầu mọi người cũng đón nhận Chúa Giêsu nữa. Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống đổi mới, và Giáo Hội “thân thể của Chúa Giêsu” khai sinh chào đời trong dòng thời gian lịch sử.
Điều này xảy đến qua những dấu hiệu làn gío thổi đến và ngọn lửa bùng sáng lên, nhất là qua dấu hiệu của sự lạ lùng phép lạ ngôn ngữ. Trong điều kiện đó, Giáo Hội đã loan truyền và được loan truyền đi khắp nơi, cùng được chấp nhận bằng những ngôn ngữ khác nhau. Điều này trái ngược với lịch sử xây tháp Babel ngày xưa.
Điều khác nữa, một cộng đoàn xã hội mới nảy sinh, mà Thiên Chúa qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần, qua ngọn lửa của Thiên Chúa, đã xây dựng nên từ trong tận trái tim tâm hồn con người.
… Nếu Thánh Thần Thiên Chúa được trình bày vẽ như hình một cái lưỡi, như ngọn lửa, điều này nói lên Ngài ngự xuống trên mỗi người cách cá nhân riêng biệt. Đây là những hình ảnh căn bản diễn tả cho chúng ta hiểu, sự cư ngụ ở lại, điều mầu nhiệm bí ẩn của Thánh Thần Thiên Chúa, sự khai sinh chào đời của Giáo Hội. Và cùng với sự lạ lùng phép lạ ngôn ngữ cũng nói lên tích cách công giáo phổ quát của Giáo Hội. (Papst Benedickt, Gott und die Welt, ein Gespräch mit Peter Seewald, Von der Kirche, Knaur Verlag, April 2005, S. 376.)
Như thế, Giáo Hội Công giáo của Chúa không phải là sản phẩm của một ai, hay của một trào lưu xu hướng thời đại nào, cùng không giới hạn trong một quãng thời gian nào. Nhưng do chính Chúa qua ân đức sức mạnh Chúa Thánh Thần thiết lập nên, cùng luôn đổi mới trong dòng lịch sử thời gian trên từ hơn hai nghìn năm qua, và còn kéo dài trong tương lai tiếp nữa.
Nếu hiểu Giáo Hội của Chúa như một “Bí tích” của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong tình yêu của Chúa Thánh Thần, thì cơ cấu của Giáo Hội không chỉ là mặt tiền bên ngoài và như hàng thứ yếu. Nhưng là dấu chỉ ẩn chứa trình bày một nội dung thần học về hiệp thông trong đức tin, cùng về sự hợp nhất nên một.
“Những lời sỉ nhục bỉ báng đấng thay mặt Chúa cùng các đấng làm thầy”, như lời kinh đọc trong kinh đền tạ trái tim cực Thánh Đức Chúa Giêsu, là lời xét mình, ăn năn tạ lỗi, cùng nhắc nhở hãy có lòng yêu mến kính trọng Giáo Hội của Chúa. Đừng lạm dụng ngôn ngữ, nhân danh tự do mà coi khinh thường vô phép với Giáo Hội của Chúa, công trình của Chúa Thánh Thần.
Hàng giáo phẩm trong Giáo Hội của Chúa như Bí tích ở trần gian, là những người được Chúa tuyển chọn trao ban cho trách nhiệm gìn giữ cai quản Giáo Hội của Người. Phải, họ là những con người với những giới hạn yếu hèn, do Chúa dựng nên. Họ không phải, hay chưa là thánh. Nhưng họ có bổn phận cùng với mọi người trong Giáo Hội sống trở nên thánh thiện tốt lành như ý Chúa muốn.
Chúa Thánh Thần, Đấng khai sinh cùng nuôi dưỡng Giáo hội Chúa, hằng luôn đổi mới làm tươi trẻ trong dòng lịch sử thời gian công trình Ngài đã lập sáng tạo nên bằng bảy ân đức căn bản cho đời sống: Khôn ngoan, lo liệu, sức mạnh, thông hiểu, suy biết, đạo đức và kính sợ Chúa.
4. Đức Chúa Thánh Thần, nguồn suối nước sự sống
(Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long)
Tin kính Đức Chúa Thánh Thần trong tâm hồn và tuyên xưng ra ngoài môi miệng. Nhưng không ai đã nhìn thấy Đức Chúa Thánh Thần như thế nào.
Đức Chúa Thánh Thần, vì thế, được diễn tả vẽ trình bày theo nhiều hình ảnh khía cạnh khác nhau. Một trong những hình ảnh đó là dòng nước.
1. Nước trong đời sống con người
Nước chảy thành dòng, và không thể nắm giữ lại được như một vật rắn chắc. Nếu muốn giữ nước lại, phải có ly tách, hay chậu… mới có thể quy tụ giữ nước lại được.
Nhà hiền triết Aristoteles người Hylạp, đã suy nghĩ theo lý luận triết học đi đến kết luận có bốn yếu tố quan trọng nền tảng trong thiên nhiên: đất, nước, lửa và khí. Nước là một trong bốn yếu tố nền tảng đó.
Cũng theo nhà hiền triết người Hylạp, Thales, nước là yều tố duy nhất làm nên thân thể.
Hai phần ba trái đất được bao phủ bằng nước. Không có nước, không có sự sống. Vì tất cả mọi con đường sự sống đều tùy thuộc cần đến nước.
Nước là thành phần chính yếu quan trọng của các cơ quan thân xác con người. Từ 55-60% nước chiếm trọng lượng trong thân thể con người.
Nước là viên gạch xây dựng các tế bào trong thân thể.
Nước đóng vai trò là dung dịch làm tan biến tiêu hóa những chất nặng đặc trong các cơ quan thân thể.
Nước cũng đóng vai trò vận chuyển những chất dinh dưỡng cho các cơ quan trong thân thể.
Nước điều hòa nhiệt độ nóng ấm trong thân thể con người.
Vì thế, nước là thành phần chính yếu cùng quan trọng cho cơ thể con người. Và cũng vì thế con người cần phải uống nước hằng ngày, để cho các cơ quan làm việc giúp cho sự sống phát triển và sức khoẻ được điều hòa.
2. Nước trong niềm tin các tôn giáo
Trong niềm tin các tôn giáo, nước là điều thánh thiêng cùng quan trọng.
Theo niềm tin Hồi giáo, nước là dấu hiệu khởi nguyên của sự sống, và là mối dây tương quan nối liền với Thần Thánh.
Theo Phật giáo, nước quan trọng. Vì nước là một trong bốn yếu tố trong vũ trụ. Dòng nước chảy trong sông là hình ảnh giáo lý Phật giáo, con đường chiêm niệm đời sống con người cho tới khi đạt được cứu độ nơi Niết Bàn.
Theo Ấn Độ giáo, nước là sức mạnh tẩy rửa thân thể cùng tinh thần con người.
Theo Kyto giáo, nước là khởi nguyên của mọi sự sống. Trong bài tường thuật về sáng tạo vũ trụ, Thần Linh Thiên Chúa bay là là trên nước, và Thiên Chúa sáng tạo trước tiên vũ trụ trái đất từ nước. Từ đó phát sinh nẩy nở sức sống mọi loài trong vũ trụ.
3. Nước, hình ảnh Chúa Thánh Thần
Thánh Gioan dùng hình ảnh làn nước sự sống diễn tả về Đức Chúa Thánh Thần (Ga 7,37-39).
Ai chúng ta cũng đều đã có kinh nghiệm cùng cảm nghiệm về sự phấn khởi tươi mát mang đến năng lực cho đời sống. Lúc khát nước hay khi gặp trời nóng nực mà nhận được ly nước uống vào, ngay tức thì cơn khát được hạ dịu bớt, sức sống phấn khởi bừng lên trong thân thể nơi làn da thớ thịt, cùng nơi tâm trí. Lúc đó ly nước mát quan trọng qúy gía biết chừng nào!
Vào mọi thời đại và ở nơi nơi, nước luôn là yếu tố căn bản cho phát triển về ruộng vườn, cây cối ngoài thiên nhiên; cho nhu cầu ăn uống,vệ sinh sạch sẽ của con người cùng thú động vật.
Dòng nước chảy trong dòng suối, khe lạch, nơi sông ngòi đến đâu mang chất phân bón phù sa cho cây cỏ, ruộng vườn được phát triển tươi tốt. Và dòng nước là vùng, là ngôi nhà chỗ ẩn thân sinh sống cho mọi loài cá tôm. Trong dòng nước chúng sinh sản lớn lên phát triển làm thức ăn dinh dưỡng nuôi sống con người từ ngàn xưa.
Đức Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa, tựa như làn nước làm cho sức sống sự xanh tươi chảy thông cuồn cuộn bừng lên.
Chúng ta nhìn thấy dòng nước. Nhưng Thiên Chúa, Đấng dựng nên nước, ký thác sự bí ẩn mầu nhiệm sức sống trong đó, khiến mắt ta không nhìn thấy sức mạnh ẩn dấu trong nước.
Bằng đôi mắt thường chúng ta quan sát dòng nước chảy. Nhưng tâm trí ta, dù có thể dùng phương pháp khoa học thực nghiệm phân tích chất chứa trong nước, cũng không hiểu được mầu nhiệm bí ẩn sức sống của nước do Trời cao tạo dựng nên. Sức sống ẩn chứa trong dòng nước mang lại không chỉ sự tươi mát cho da thịt, mà còn sức mạnh cho tâm hồn lẫn gân cốt bắp thịt, sự phấn khởi tỉnh táo cho tâm trí suy nghĩ biểu hiện qua nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, trên ánh mắt con người.
Giống như mầu nhiệm sức sống ẩn chứa trong dòng nước, Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là sức mạnh cho sự sống đức tin vào Chúa thể hiện theo nhiều phương cách, mà tâm trí ta không sao nhìn thấu cùng thông hiểu nổi, hay không như ta chờ đợi mong muốn.
Đức Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu hứa ban gửi đến cho Giáo Hội luôn hằng có mặt trong Giáo Hội. Ngài là Đấng vô hình, nhưng không phải là một „bóng ma thánh“.
Ngài là dòng nước mang sức sống đến cho đời sống thiên nhiên của Giáo Hội.
Dòng nước chảy mang đến sức sống cùng sự đổi mới. Dòng nước sức sống Đức Chúa Thánh Thần tác động âm thầm tiệm tiến trên sự đổi mới trong lòng sự sống Giáo Hội.
Chúng ta chỉ có thể tìm cách cắt nghĩa diễn tả Đức Chúa Thánh Thần bằng hình ảnh, như Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh dòng nước là nguồn sức sống nói về Thần linh Thiên Chúa, Đấng là mầu nhiệm ẩn dấu với tâm trí con người.
Đức Thánh Cha Phanxico trong bài giáo lý ngày 08.05. 2013 đã nói về đức Chúa Thánh Thần
* Con người của mọi thời đại và mọi nơi đều muốn có một cuộc sống sung mãn và tốt đẹp, công bằng và tốt lành, một cuộc sống không bị đe dọa bởi cái chết, nhưng có thể trưởng thành và phát triển một cách trọn vẹn.
Con người như một khách lữ hành, đang băng qua hoang địa cuộc đời, khát một nước hằng sống, vọt lên và tươi mát, có khả năng làm thỏa mãn ước vọng sâu thẳm tận đáy lòng về ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và bình an của người ấy. Tất cả chúng ta đều cảm thấy ước vọng ấy!
Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng phát sinh từ Chúa Cha, và là Đấng mà Chúa Giêsu đổ vào lòng chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).
5. Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý
(Suy niệm của Lm. Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Trong lịch sử cứu độ của Dân Chúa, Chúa Thánh Thần đóng vai trò rất quan trọng trong nhiệm cục cứu độ từ khi sáng tạo cho đến ngày tận cùng của nhân loại. Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Người chính là Sinh Khí trong thân xác. Sự sống thiêng liêng của con người không thể sống nếu thiếu Sinh Khí là Chúa Thánh Thần.
Khi xuống trần gian, Chúa Giêsu đã mặc khải cách tiệm tiến về Chúa Thánh Thần. Cuối cùng, Ngài đã trao ban Chúa Thánh Thần cho nhân loại thông qua việc thổi hơi trên các Tông đồ. Khi Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các ông, Người đã biến đổi các ông. Ngài ban cho các ông sức mạnh, lòng cam đảm và sự trung thành để làm chứng cho Chân Lý là chính Đức Kitô.
1. Chúa Giêsu trao ban Chúa Thánh Thần để biến đổi các Tông đồ
Khi các Tông đồ phải đối diện với cái chết của Chúa Giêsu, các ông hoang mang, sợ hãi và tìm mọi cách để chạy trốn thoát thân. Hình ảnh Phêrô, một Phêrô chối Chúa, cho chúng ta thấy sự yếu đuối của con người đứng trước những thử thách. Rồi sau khi Chúa Giêsu chết, tất cả các ông đều sợ hãi, vì thế, họ đã đóng kín cửa. Các ông sợ vì Thầy mình mà họ ghét mình; họ đã giết Thầy thì họ cũng sẽ tìm cách giết môn đệ của Thầy để dẹp luôn những tư tưởng của Thầy đã gieo vào trong lòng của các ông. Nhưng điều quan trọng là các ông có thể cũng đang hoang mang về chính ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Các ông cũng như những người đương thời, họ cho rằng Chúa Giêsu chết là hết. Thất vọng, chán trường và sợ hãi là tâm trạng của người thất bại. Đang lúc đó, Chúa Giêsu hiện đến, thổi hơi vào các ông và phán: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Chúa biết rõ các ông đang trong tình trạng tâm lý xáo trộn và bất ổn… Chúa trao ban bình an tức là trao ban chính Chúa. Những ngày các ông sống với Chúa lúc Ngài chưa chịu chết, các ông cảm thấy hạnh phúc như thế nào thì giờ đây, cũng chính Chúa Giêsu đó đem lại cho các ông sự bình an sau những ngày trốn chạy. Ngài trấn an các ông bằng chính sự hiện diện cụ thể của Ngài, qua đó, Ngài xoá đi mọi nỗi sợ sệt nơi các ông. Rồi ngay sau đó, Ngài đã trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
Hãy đi rao giảng, thì cũng sẽ chết như Thầy. Chết như Thầy thì mới được Phục sinh như Thầy. Qua đó, Ngài dạy cho các ông một quy luật tất yếu là: muốn vào vinh quang thì phải qua đau khổ, phải chịu chết thì mới có sự sống viên mãn. Nhưng để làm được điều đó quả thật không dễ chút nào. Chính vì vậy, Ngài đã ban Chúa Thánh Thần đến trên các ông, để Người đổi mới tinh thần, trái tim và ở cùng các ông cũng như những người đón nhận lời rao giảng của các ông mọi ngày cho đến tận thế. Người chính là Đấng làm cho các ông nhớ lại những lời Chúa Giêsu đã rao giảng và giúp các ông can đảm làm chứng về những điều mắt thấy tai nghe.
2. Chúa Giêsu trao ban cho các Tông đồ Thần Chân Lý
Chúa Thánh Thần, Người chính là Thần Chân Lý: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi: đó là Thần Khí sự thật”. Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, Ngài sẽ giúp cho các môn đệ hiểu được những lời Chúa Giêsu đã rao giảng. Ngài sẽ bào chữa cho các ông khi phải ra trước mặt quan toà để làm chứng cho sự thật: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12,11-12).
Thật thế, nếu xét trên bình diện con người, các ông làm sao có thể thi hành một sứ mệnh cao cả và quan trọng đến như vậy. Bởi vì các môn đệ là những người rất bình thường trong những người bình thường nhất. Họ là những người quanh năm suốt tháng chỉ biết sống với nghề chài lưới, vật lộn với sóng nước biển khơi, học vấn thì kém cỏi, khả năng diễn thuyết trước công chúng thì quá xa vời đối với các ông. Thế nhưng, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông đã hân hoan lên đường để làm chứng cho Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu đã chết và sống lại. Quả thật, ngay sau Lễ Ngũ Tuần, Phêrô đã có bài giảng đầu tiên và ngay ngày hôm ấy, đã có khoảng 3.000 người tin theo (x. Cv 2,41). Như vậy, Chúa Thánh Thần chính là Đấng Bào Chữa, Đấng ban sức mạnh để các Tông đồ ra đi làm chứng cho sự thật. Một sự thật mang tính siêu việt để cứu độ qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
3. Chúa Thánh Thần và đời sống chứng nhân của người Kitô hữu
Ngày xưa, khi các Tông đồ chưa nhận được ơn Chúa Thánh Thần thì họ lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin… Nhưng khi các ông đã nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã hân hoan lên đường để trao truyền chân lý. Các ngài đã coi đó như là mối lợi tuyết đối mà Chúa dành cho mình. Còn chúng ta ngày nay thì sao?
Trước tiên, cần phải xác định thật rõ: rao giảng chân lý là rao giảng về một chân lý tuyệt đối, bởi vì không có chuyện nước đôi hay nửa vời. Đã tôn thờ Thiên Chúa thì chỉ tôn thờ mình Ngài mà thôi. “Phải tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra, không được có thần nào khác” (x. Đnl 6,4-7). Là người Công giáo, được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, là chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần cách dồi dào. Chúng ta có trách nhiệm loan truyền Chúa Kitô và làm chứng về Ngài trong gia đình, làng xóm, xứ đạo và thế giới hôm nay bằng đời sống tôn thờ Thiên Chúa duy nhất và sống những giá trị Tin Mừng đòi hỏi.
Thế nhưng, thực tế thì khác nhiều lắm! Nếu được hỏi: “Ông bà, cô bác… có tin Chúa không?”, ngay lập tức ta sẽ nhận được câu trả lời là “có”, thậm chí còn bị mắng vốn là “hỏi thế mà cũng hỏi”; “hỏi ấm ớ…”. Nhưng thực tế, thử hỏi trong đời sống đức tin, chúng ta sống đạo hay chỉ giữ đạo? Hẳn nhiều người cũng đã chứng kiến những cảnh cãi vã nhau gay cấn ngay khi vừa ra khỏi nhà thờ sau thánh lễ và không nhân nhượng khi tuyên bố: “Tao mà không Rước lễ trong lễ vừa rồi thì hôm nay tao sẽ xé xác mày”; rồi những lần đi lễ “ôm”, những cảnh “đạo gốc” (đi lễ nhưng ngồi ở những gốc cây quanh nhà thờ). Khi buôn bán: 1kg ăn 800gr; bơm nhồi hoá chất độc hại vào những rau, củ, quả… mà mình sẽ bán, và còn biết bao nhiêu cách làm lợi bất chính khác nữa…
Như vậy, trên lý thuyết: tin thì vẫn cứ tin, ít ai có khái niệm bỏ đạo, nhưng cách sống thì cứ bon chen quỷ quyệt… vẫn cứ ung dung hàng hai ta đi, không thiếu gì những khối “ung nhọt” nằm trong thân xác tráng kiện bên ngoài với cái mác hai chữ Công giáo. Lại nữa, chúng ta cũng thấy không ít người Công giáo sống đạo theo kiểu “lâm thời”. Khi gian nan thử thách đến là sẵn sàng khấn “ông nọ” vái “bà kia” thay Chúa ngay lập tức. Đây phải chăng là những căn bệnh trầm kha trong cách sống đạo của nhiều người Công giáo hiện nay.
Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, đồng thời Ngài cũng trao phó sứ vụ loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất cho những người kế vị các ông. Chúa Thánh Thần chính là Thần Chân Lý, Ngài được trao ban cho các Tông đồ để các ông nhớ lại những điều Chúa Giêsu loan báo. Ngài còn là Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi. Ngài đến để tăng sức mạnh cho các ông, khiến các ông sẵn sàng ra đi làm chứng cho Đức Kitô, làm chứng cho chân lý. Rồi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải lên đường, bởi vì là người Công giáo, sứ mạng loan báo Tin Mừng thuộc về chúng ta. Chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm đó như là cứu cánh của mình. Có nhiều cách loan báo Tin Mừng như: rao giảng; gương sáng; thật thà; vui tươi… Dẫu có gặp phải gian nan thử thách, ngay cả tù tội và chết chóc, chúng ta vẫn cứ lên đường vì biết rằng: sau cơn mưa trời lại sáng. Mây đen không thể che mãi được mặt trời, sự giả dối hay tội lỗi không thể nào phủ lấp được chân lý.
Chỉ có chân lý mới giải thoát chúng ta cách toàn diện (x. Ga 8,32). Chỉ có chân lý mới dẫn đưa ta đến sự sống đời đời, bởi vì cuộc đời con người không chỉ có ở đời này mà còn cuộc sống mai hậu nữa.
Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta cũng cầu xin Chúa cho các chứng nhân đang xả thân trên cánh đồng truyền giáo, luôn được ơn Chúa phù trợ, để kiên định trong đức tin, bền lòng trong đức cậy và nhiệt thành trong đức mến, để không ai và không có gì tách các ngài ra khỏi tình yêu Đức Kitô.
Để kết thúc, xin mượn lời của Thánh Amrôsiô khi nói về sứ mạng của người Kitô hữu khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần như sau: “Hãy nhớ, bạn đã lãnh nhận ấn tín thiêng liêng của Chúa Thánh Thần là Thần Trí khôn ngoan và thông hiểu, Thần Trí lo liệu và sức mạnh, Thần Trí suy biết và đạo đức, Thần Trí dạy cho biết kính sợ Thiên Chúa. Hãy gìn giữ những gì bạn đã lãnh nhận. Chúa Cha đã ghi ấn tín của Người nơi bạn. Chúa Kitô đã tăng sức cho bạn và đặt trong bạn bảo chứng của Chúa Thánh Thần”.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến để Người đổi mới mặt địa cầu; để Người dẫn chúng con đến sự thật toàn vẹn và xin ban sức mạnh; lòng cam đảm để chúng con sẵn sàng ra đi làm chứng cho sự thật là chính Đức Kitô và luôn sống những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
6. Thánh Thần trong đời sống
Ngày lễ ngũ tuần có nguồn gốc sâu xa, được cử hành hàng năm của người Do Thái xưa họ mừng 50 ngày sau lễ Vượt Qua, còn gọi là ngày lễ Ngũ Tuần. Lễ này, người ta ăn mừng mùa gặt mới, đồng thời nhớ lại biến cố Thiên Chúa ban hành lề luật qua Môsê trên núi Sinai. Y nghĩa này nói lên tuyển dân là dân giao ước, Thiên Chúa đã chọn và gọi giữa các dân tộc và trong thử thách sa mạc Sin.
Dĩ nhiên trên đây không phải là lịch sử chi tiết của ngày lễ, nhưng để chúng ta có chút khái niệm về nguồn gốc và ngộ ra nội dung súc tích của lễ này đối với tín hữu tiên khởi. Như vậy lễ Năm Nươi có liên hệ trực tiếp với lễ Vượt Qua, kỷ niệm khổ nạn, cái chết, phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu. Nó cũng mừng mùa gặt mới. Bởi lẽ các môn đệ tụ họp nhau ở gian phòng trên lầu, nơi Chúa Giêsu ăn bữa tiệc ly cùng các môn đệ, để lãnh nhận “Thánh Thần”, nghĩa là mùa gặt mà Chúa Giêsu đã gieo trồng bằng cuộc đời, khổ nạn, cái chết, phục sinh và lên trời của Ngài. Chắc chắn mùa gặt này đầy nước mắt và đau khổ. Trong Công Vụ Tông Đồ có điễn tả những điềm lạ khi Chúa Thánh Thần xuất hiện “Khi đến ngày lễ ngũ tuần… Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào nhà… Và ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần, họ bắt đầu nói thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho…”. Và kết quả là: mọi người từ các nơi quy tụ về Gierusalem: Từ Pacthia, Mêđia, Pontô, Elam… để nghe các tông đồ rao giảng và chứng kiến các điềm thiêng dấu lạ. Nhưng để được điều này cac ong cần phải
1. Để Thánh Thần hướng dẫn.
Chúa Thánh Linh là dấu hiệu của sự hợp nhất Công Vụ khởi đầu bằng việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Hội Thánh non trẻ, chẳng mấy chốc sẽ “hành động” một cách rất tích cực, nhờ Thánh Linh, mà loan truyền danh Đức Kitô cho đến tận cùng hành tinh, bất chấp vất vả, khó khăn, bách hại và cái chết. Nhưng ngày nay, những nhà truyền giáo trong nhung lụa, tiện nghi, biện minh rằng để “tiện lợi” cho việc tông đồ. Người ta quen đặt tên cho Công vụ là Phúc Âm của Thánh Linh. Điều đó không hề sai, nếu chúng ta nghiền ngẫm hoạt động của Ngài trong Hội Thánh tiên khởi. Ngày xưa các tông đồ rao giảng bằng sự soi sáng của Thánh Thần. Còn chúng ta ngày nay rao giảng bằng ngôn ngữ gì? Có lẽ tiền bạc, chức quyền, khoái lạc, hứa hẹn? Toàn là mị dân, thảo nào, chẳng ai hiểu được! Vậy thì lễn Năm Mươi vẫn chính xác là lễ “mùa gặt mới”. Chúng ta góp công thế nào vào mùa gặt thiêng liêng này?
Chúa Kitô đã gởi Chúa Thánh Thần xuống và chúng ta đã lãnh nhận. Hãy bắt trước các tông đồ, ra đi khắp thế gian rao giảng Đấng phục sinh cho muôn dân, dạy dỗ họ hy vọng lớn lao: thân xác dầu phải chết, cũng sẽ sống lại. Còn sứ vụ nào cao quý và chân thật hơn? Đấu tranh giai cấp, thần học giải phóng, hiện sinh, tiến hoá, Freud, Jung, Karl không thể so sánh bằng. Đốt cháy cả bản thân bằng lửa nhiệt thành truyền giáo vẫn chẳng nhằm nhò gì! Quý vị có cảm nhận như vậy chưa? An hưởng sung sướng, tiện nghi không mang ích lợi cho sứ vụ Chúa trao trong thời gian “đợi chờ” này. Chúng ta là một cộng đồng “chờ đợi” với các môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu, hoặc xa hơn nữa với các tổ phụ Do Thái trong đức tin chân chính.
2. Để Thánh Thần biến đổi
Vì thế giới này chưa phải là thiên đàng để vui hưởng khoái lạc. Một cái nhìn nhang chóng vào tình hình địa cầu ắt sẽ hiểu rõ ràng như vậy: Nghèo khó, chiến tranh, chém giết, biết bai trận khủng bố. Chưa hết, còn trong những đoàn thể Công Giáo, xem ra như đoàn kết với những phương châm lý tưởng, nhưng cũng không ít chia rẽ giáo xứ, tu viện, đoàn thể, ly khai khỏi Giáo Hội hoàn vũ vẫn là vấn đề nhức nhối triền miên của các môn đệ Chúa Kitô. Đáng lý, những sự kiện này phải là nhắc nhớ sống động cho chúng ta, chứ không phải nhởn nhơ như chuyện của thiên hạ, ngày ngày chỉ lo thư giãn, dã ngoại, đình đám, kỷ niệm. Vì thế, điều trước mắt là chúng ta hãy đem ngọn lửa Thánh Thần đến những nơi này và cầu xin cho các đau khổ của thế giới chấm dứt, cho đổ vỡ của Giáo Hội được hàn gắn, cho gia đình và thiên nhiên khỏi bị phá hoại, cho ước mong của Chúa Giêsu mau trở thành hiện thực.
Vậy lễ Hiện Xuống phải nên như biến cố nhắc nhở môn đệ thực sự của Chúa Kitô: Thiên Chúa không hề bỏ rơi Hội Thánh. Chúa Giêsu tuy không còn hiện diện hữu hình nữa, nhưng như Ngài đã hứa không để tín hữu mồ côi, Ngài sẽ sai Thánh Linh xuống dạy dỗ, an ủi, thánh hoá họ. Hôm nay, lời hứa đó đã được thực hiện và Giáo Hội đã ra đời, một cuộc khai sinh đầy hứa hẹn. Các môn đệ quy tụ ở phòng tiệc ly đã trở nên một cộng đồng, có đầy đủ thân xác và linh hồn. Thân hình này khởi sự một sức sống mới, thở hơi thở của Thần khí vĩnh cửu và toàn năng.
Ngoài ra, người ta rao giảng nhiều về hiệp nhất và tình yêu, nhưng chỉ là mông lung tưởng tượng chứ thực chất không hiểu chi về ý nghĩa của lưỡi lửa. Nó cụ thể, hữu hình và đốt cháy. Các môn đệ tiên khởi đã cảm nghiệm đúng thực tại ấy, các kẻ theo Chúa ngày nay thì sao? Nếu như họ được lưỡi lửa thiêu đốt thực thì không còn như hiện trạng, nguội lạnh và ươn lười. Thiên Chúa luôn sẵn sàng gửi Thánh Linh của Ngài xuống, để giúp đỡ họ giao lưu thân thiện với Đức Kitô, bất chấp những sự ác hiện tại: chiến tranh khốc liệt, nghèo đói cùng cực, khai thác tài nguyên cạn kiệt, bạo lực không phân biệt.
Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng lòng đón nhận tất cả dưới “lưỡi lửa” của tình yêu. Không còn chia rẽ, phân tán, thất vọng, bất đồng ý kiến, thương yêu giả hiệu, lừa dối trục lợi. Nhưng hiệp nhất trong mối dây tình yêu chân thành. Amen.
7. Thánh Thần Thiên Chúa
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ.)
Đức Giêsu đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ khi Ngài từ cõi chết phục sinh: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga.20, 22-23). Khi Đức Giêsu còn ở dương thế, Ngài đã xin Thiên Chúa Cha để Cha ban Thánh Thần cho các môn đệ (Ga.14, 16); và khi Ngài sống lại từ cõi chết, Ngài đã ban Thánh Thần như Ngài đã hứa trước (Ga.15, 26). Khi tại dương thế, Ngài sống thân phận con người, nên Ngài tùy thuộc tất cả nơi Thiên Chúa. Trong mọi chuyện, Ngài phải xin Thiên Chúa. Ngài tùy thuộc ý Thiên Chúa như con người cần của ăn: “của ăn của thầy là làm theo ý Đấng đã sai thầy” (Ga.4, 34).
Đức Giêsu tùy thuộc Thiên Chúa trong mọi chuyện, đến độ “tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con” (Ga.17, 10). “Ta và Cha là một” (Ga.10, 30). Đức Giêsu đã đồng nhất với Thiên Chúa trong tất cả, nhưng Ngài vẫn là Ngài, khác với Cha. Ngài vẫn cầu nguyện (Mc.1, 35), vẫn luôn tìm ý Thiên Chúa Cha trong mọi lúc, đặc biệt nơi vườn dầu (Lc.22, 42), có lúc Ngài cũng có cảm tưởng Thiên Chúa bỏ rơi Ngài (Mc.15, 34) nhưng Ngài vẫn hoàn toàn phó thác tất cả cho Thiên Chúa (Lc.23, 46). Ngài tùy thuộc Thiên Chúa đến độ Ngài không còn là Ngài nữa, mà là Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài (Ga.14, 10-11). Ngài tùy thuộc Thiên Chúa đến độ có thể nói Ngài là Thiên Chúa: “Ông là người mà dám cho mình là Thiên Chúa” (Ga.10, 33).
Thánh Thần cũng tùy thuộc Thiên Chúa Cha, và là Đấng được sai bởi Thiên Chúa Cha (Ga.14, 16). Thánh Thần cũng được chính Đức Giêsu Phục Sinh ban tặng cho các tông đồ (Ga.20, 22). Thánh Thần sẽ nhận lấy những gì của Đức Giêsu mà loan báo cho các tông đồ, vì tất cả những gì Đức Giêsu có đều là của Cha (Ga.16, 13-15). Nơi Thánh Thần cùng Đức Giêsu Phục Sinh và Thiên Chúa Cha, tất cả đều là chung; tuy nhiên vẫn phân biệt Cha, Đức Giêsu Phục Sinh, và Thánh Thần. Đức Giêsu nói với Philíp: “anh không tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy sao?” (Ga.14, 9-10). Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha tuy là một nhưng vẫn là hai, là Thiên Chúa Cha và là Đức Giêsu. Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu Phục Sinh, và Thánh Thần tuy là ba nhưng vẫn là một trong mọi sự. Thánh Thần tùy thuộc Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu Phục Sinh, đến độ có thể nói Thánh Thần là Thiên Chúa.
Khi dùng cụm từ “đến độ có thể nói,” có thể làm cho người ta hiểu rằng Đức Giêsu Phục Sinh và Thánh Thần khác và kém Thiên Chúa Cha, nhưng thực ra không muốn nói như vậy. Cả ba là một trong tất cả, nên không có vấn đề hơn kém nhau ở đây. Thiên Chúa chỉ là một; không có Con thì không có Cha; có Con có Cha thì có Thánh Thần Tình Yêu.
Thánh Thần đã được ban cho con người, để ở mãi với con người (Ga.14, 16). Thánh Thần sẽ dạy con người những gì cần thiết (Ga.14, 26), Ngài sẽ giúp các môn đệ làm chứng cho Đức Giêsu, và chính Ngài cũng làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh qua những con người (Ga.15, 26). Thánh Thần dẫn con người vào sự thật trọn vẹn (Ga.16, 13). Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, mà không nhờ bởi Thánh Thần (1Cor.12, 3). Mười tông đồ và các chị phụ nữ loan báo tin mừng phục sinh cho một tông đồ Thomas trong suốt cả một tuần nhưng vẫn không thành công (Ga.20, 24-25) nhưng với ơn của Thánh Thần, các tông đồ đã được biến đổi, các tông đồ đã làm được những điều kỳ diệu.
Thánh Thần biến đổi con người. Là những người ít học, nhát đảm sợ sệt nhưng khi Thánh Thần tỏ hiện quyền năng trong ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã can đảm đứng ra rao giảng làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh. Chính Thánh Thần đã quy tụ dân chúng lại để cho các tông đồ rao giảng (Cv.2, 5-6), cũng chính Thánh Thần làm cho những người nghe được hiểu và tin nhận lời rao giảng của các tông đồ, giúp họ tin vào Đức Giêsu, và cho họ chịu phép rửa (Cv.2, 37.41). Điều con người không làm được, thì Thánh Thần đã làm một cách tuyệt vời (Ga.14, 12).
Trong suốt dòng lịch sử, Thánh Thần vẫn đã và đang tiếp tục làm những điều kỳ diệu. Bao nhiêu người đã tin vào lời rao giảng của các tông đồ và của những người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Bị bách hại, các tông đồ và các Kitô hữu tiên khởi đã không hề sợ hãi, sẵn sàng bỏ nhà cửa tài sản để sống niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Chính đời sống tự do, hân hoan, và tràn đầy niềm tin sức sống của họ đã trở thành lời rao giảng và là bằng chứng của Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Người, đã làm nhiều người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Chính Thánh Thần đã làm tất cả những điều này trong dòng lịch sử.
Trong dòng lịch sử, bao nhiêu giáo đoàn của những nơi xa lạ đã được các nhà truyền giáo tới rao giảng. Những nhà truyền giáo là những người của Thánh Thần. Họ sẵn sàng bỏ tất cả để sống theo tác động của Thánh Thần. Họ bỏ cha mẹ, anh chị em họ hàng, bao nhiêu ước vọng của tuổi trẻ, để trở thành tình yêu của Thiên Chúa nơi đất khách quê người, nơi những dân tộc xa lạ. Chính Thánh Thần vẫn tiếp tục làm lời rao giảng của họ được tiếp nhận cho dù họ rao giảng với những giới hạn của ngôn ngữ nơi địa phương xa lạ. Và rồi với những bách hại do hiểu lầm, do những thế lực ác, Thánh Thần vẫn làm các nhà truyền giáo trung kiên sống giữa môi trường nguy hiểm đó, vẫn làm các ngài coi nhẹ cái chết để loan báo Tin Mừng, vẫn làm những tín hữu tiên khởi dám hy sinh mạng sống để trung thành với Thiên Chúa, giữ vững đức tin.
Ngày nay, Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong lòng mỗi người, nơi những người sống đời dâng hiến cũng như những người đang sống trong những môi trường khác nhau. Để trở thành những người con ngoan của Thiên Chúa, con người vẫn cần Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt, để sống trung thành và yêu mến, cả trong môi trường tu viện và trong môi trường đời. Thánh Thần vẫn đang hiện diện nơi những môi trường bị sự dữ thống trị, để đánh động, để nâng đỡ những người khốn khổ đang quằn quại dưới ách sự ác, để làm bao người tội lỗi ăn năn sám hối trở lại với Thiên Chúa, sống theo đường ngay nẻo chính. Thánh Thần quả là Đấng tuyệt vời, đang ở gần gũi mỗi người, để dạy dỗ, hướng dẫn, thêm sức, và giúp con người tự do hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có kinh nghiệm “bất lực” và cần Thiên Chúa giúp bạn làm điều tốt không?
2. Bạn có ý thức và cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không? Theo kinh nghiệm của bạn, Thánh Thần là ai? Ngài có chỗ trong đời bạn không? Xin chia sẻ kinh nghiệm.
8. Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Ngày nay, tại sao Giáo Hội lại kém phát triển về số lượng, chưa nói tới chất lượng? Có phải vì cách loan báo Tin Mừng của chúng ta không phù hợp với thời đại? Người thời đại mong mỏi Giáo Hội làm gì cho xã hội, thế giới?
2. Con người thời đại, nhất là người nghèo, người bị áp bức, cần chúng ta thể hiện tình thương đối với họ qua sự chăm sóc, giúp đỡ, nâng họ lên, hay họ cần chúng ta rao giảng Đức Kitô cho họ? Họ cần chân lý hay tình thương?
Suy tư gợi ý:
1. Thánh Thần tạo biến đổi lạ lùng nơi các tông đồ
So sánh tâm lý của các tông đồ trong bài Tin Mừng và trong bài đọc I hôm nay, ta thấy có sự biến đổi hết sức lạ lùng trong một thời gian hết sức ngắn: chỉ hơn một tháng. Sau khi Thầy mình bị giết, các ông sợ hãi người Do Thái đến độ phải ở chung với nhau cho đỡ sợ, và phải đóng kín cửa. Thế mà ngay sau khi Thánh Thần hiện xuống, các ông trở nên hết sức dạn dĩ: dám công khai biểu lộ và làm chứng niềm tin của mình vào Đức Giêsu Kitô và sự sống lại của Ngài, bất chấp bị bắt bớ, tù đày và cả cái chết lúc nào cũng sẵn sàng đến với các ông. Bị tù nhiều lần, nhưng lần nào cũng như lần nấy, vừa ở tù ra là các ông lại tiếp tục rao giảng Đức Kitô một cách công khai, không lén lút. Chính vì thế, hầu hết các tông đồ đã bị giết một cách thê thảm vì danh Đức Giêsu.
Tâm lý con người ai cũng ham sống sợ chết, ham sướng sợ khổ, ham giàu sợ nghèo, ham vinh sợ nhục. Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa và nhân loại, cùng với ơn biến đổi của Thánh Thần, đã làm các tông đồ và rất nhiều Kitô hữu vượt lên những nỗi sợ đó, để dám làm những gì lý tưởng và lương tâm mình đòi buộc: «Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm» (Cv 5,29).
2. Thánh Thần biến đổi là để thi hành sứ mạng
Bài Tin Mừng cho ta thấy lời chúc bình an, lời sai đi, và việc lãnh nhận Thánh Thần đi chung với nhau. Đức Giêsu nói: «Chúc anh em được bình an! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em». Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần». Như vậy, việc lãnh nhận Thánh Thần là để thực hiện sứ mạng mà Đức Giêsu sai chúng ta làm, với tâm hồn bình an, không sợ sệt lo lắng. Thánh Thần làm cho tâm hồn các tông đồ bình an, và có bình an trong tâm hồn, các ông mới đủ can đảm để công khai làm chứng cho Đức Giêsu. Do đó, để lãnh nhận Thánh Thần và ơn bình an, chúng ta phải có lý tưởng là sẵn sàng làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, cho Thiên Chúa, cho chân lý, cho công lý, cho hòa bình giữa mọi người. Thánh Thần không ban ơn của Ngài cho những người không có lý tưởng, không có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Vì giả như có được ơn Thánh Thần, họ cũng chẳng ích lợi gì cho ai, mà thậm chí gây hại, vì khi không có tình yêu và lý tưởng, họ sẽ lạm dụng những ơn ấy.
3. Sứ mạng của người Kitô hữu
Ngày nay, tỷ lệ Kitô hữu tại châu Âu bị suy giảm trầm trọng, và có vẻ như không tăng lên tại châu Á. Điều ấy khiến mọi Kitô hữu phải suy nghĩ và đặt lại vấn đề cách thức loan báo Tin Mừng của mình, có thể nó không hợp với nhu cầu hay đòi hỏi của thời đại. Con người thời đại này đã thay đổi rất nhiều so với cách đây 50 năm. Hoàn cảnh (văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, trình độ khoa học kỹ thuật, nhu cầu con người, v.v…) đã thay đổi, khiến não trạng, cách nhìn, cách suy nghĩ, lối sống của con người không còn như xưa. Vì thế, nếu chúng ta vẫn giữ cách thức loan báo Tin Mừng như thời tổ tiên ta, e rằng việc loan báo không còn hợp thời và hữu hiệu nữa.
Người thời nay chịu ảnh hưởng não trạng khoa học thực nghiệm rất nhiều. Họ không thể tin vào lời nói xuông như cha ông họ cách đây 50 hay 100 năm. Họ cần thực chứng, vì đầu óc của họ thực tế hơn xưa rất nhiều. Ngày nay, người ta không thể tin được một Kitô hữu miệng thì luôn luôn nói về tình thương, mà cách sống thì tỏ ra chẳng tình nghĩa với ai. Giới trẻ thời nay đã chán ngấy cái cảnh cha mẹ mình hằng ngày đi lễ, rước lễ, xin Chúa xót thương ban cho mình đủ thứ ơn lành, nhưng lại luôn luôn tỏ ra ích kỷ, bảo thủ quyền lợi, và lãnh đạm trước sự đau khổ hay nhu cầu cấp bách của người chung quanh. Não trạng thực tế khiến người thời đại nhìn thấy rất rõ sự tương phản giữa lời rao giảng và cách sống của những người chuyên loan báo Tin Mừng. Lời rao giảng dù có hay, hùng hồn, hấp dẫn, nhưng không được minh chứng bằng đời sống thực tế của người rao giảng, thì chẳng lôi cuốn được ai!
Ngày nay, khắp nơi trên thế giới, chỗ nào cũng có những bất công, đàn áp, người nghèo bị khinh miệt và càng ngày càng nghèo hơn, người bị gạt ra ngoài lề xã hội ngày càng nhiều, sự bóc lột giữa người với người ngày càng tinh vi, sự chênh lệch giữa người giầu và người nghèo, giữa nước giầu với nước nghèo ngày càng lớn, và biết bao thảm trạng khác. Nhưng thử hỏi: mỗi người Kitô hữu chúng ta đã làm gì trước tình trạng xấu ác đó? Biết bao Kitô hữu không hề quan tâm, đến nỗi không ý thức gì về tình trạng ấy! Biết bao Kitô hữu biết nhưng mặc kệ, ai ra sao thì ra, miễn đời sống mình bình an đầy đủ là được rồi! Biết bao Kitô hữu đã im lặng vì muốn an thân, không muốn bị liên lụy, cho dù sự lên tiếng của mình có thể cải thiện được tình trạng không nhiều thì ít! Biết bao Kitô hữu chẳng những không lên tiếng, mà còn thỏa hiệp hay hùa theo sự ác, chỉ vì quyền lợi của mình!
Bất chấp và mặc kệ cho sự ác, sự khổ, bất công, nghèo đói hoành hoành, nhiều Kitô hữu vẫn an tâm rao giảng thứ Tin Mừng giải phóng, là «Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị áp bức được tự do, v.v…» (Mt 4,18). Làm sao người thời nay với não trạng khoa học thực nghiệm có thể tin vào lời của những ngôn sứ không hề có những hành động nào đích thực là ngôn sứ? Những người nghèo khổ, những người bị áp bức, những người bị bất công đang chờ đợi hay mong mỏi chúng ta làm gì? Họ mong chúng ta cứu họ thoát khổ, lên tiếng chống lại áp bức bất công, hay họ mong chúng ta rao giảng Đức Giêsu Kitô cho họ, hoặc cho họ biết rằng Ngài là Cứu Độ duy nhất? Họ cần chúng ta cụ thể hóa tình thương của ta đối với họ, hay họ cần chúng ta rao giảng chân lý? Chúng ta đã làm gì?
Đã từ lâu, chúng ta quá hăng say rao giảng chân lý, mà quên mất hoặc không để ý đến những nhu cầu cụ thể và thực tế của dân chúng. Họ cần tình thương, nhưng chúng ta chỉ cho họ chân lý! nói đúng hơn là cho họ một mớ lý thuyết về chân lý! Đạo của chúng ta mà như thế thì còn hấp dẫn được ai? Vì thế, đừng lấy làm lạ tự hỏi tại sao Kitô giáo lại bị giảm sút tại châu Âu và không phát triển được tại châu Á. Người Kitô hữu hãy yêu nhau và yêu tất cả mọi người trước đã, đừng quan tâm tới việc rao giảng vội! Chính đời sống yêu thương của người Kitô hữu mới là lời giảng hùng hồn và hữu hiệu nhất cho thời đại khoa học thực nghiệm hiện nay. Người Kitô hữu cứ sống yêu thương và thực hiện hay làm chứng cho công lý trước đã, toàn thế giới sẽ tự động trở nên Kitô hữu sau. Còn hăng say rao giảng mà không yêu thương, mà coi nhẹ công lý, thì mọi lời rao giảng đều «chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng» (1 Cr 13,1), hoàn toàn vô ích!
4. Cần có sự biến đổi
Giáo Hội hiện nay cần Thánh Thần biến đổi hơn bao giờ hết. Biến đổi trước hết là não trạng loan báo Tin Mừng. Chúng ta chỉ thích loan báo bằng lời nói, chứ không phải bằng đời sống, bằng việc làm cụ thể. Cần phải thay đổi não trạng đó nếu muốn Giáo Hội tồn tại và phát triển. Sứ mạng của Giáo Hội là sống và thực hành yêu thương hơn là rao giảng chân lý. Tôi không có ý coi nhẹ việc rao giảng chân lý, nhưng phải coi việc sống yêu thương là quan trọng hơn, và quan trọng hơn rất nhiều. Và chỉ có tình thương đích thực mới làm chúng ta mạnh dạn, can đảm như các tông đồ, dám coi thường tất cả (bắt bớ, tù đày, chết chóc) để nói lên tiếng nói ngôn sứ của mình. Cũng như chỉ có tình thương đối với con mình mới có thể thúc đẩy người cha hay người mẹ xông vào hiểm nguy để cứu lấy con mình. Ơn Thánh Thần mà Giáo Hội và mọi Kitô hữu rất cần hiện nay là tình yêu thương.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần, xin đổ ơn của Ngài xuống trên từng người chúng con, đặc biệt ơn biết yêu thương, biết hy sinh vì người khác, để chúng con loan báo Tin Mừng một cách hữu hiệu bằng chính đời sống yêu thương được biểu hiện bằng những hành động cụ thể như Đức Giêsu đã dạy, chứ không chỉ loan báo bằng lời nói xuông. Amen.
9. Ân huệ Chúa Thánh Thần
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Khi hai người quý mến nhau, hay thương yêu nhau, để biểu lộ tình yêu họ sẽ tặng cho nhau những món quà quý giá: một cánh hoa, một tấm thiệp, một món quà… Một tặng phẩm hay một ân huệ mà một người đem tặng cho người khác là do lòng quảng đại và nhân hậu. Quảng đại vì người tặng hoàn toàn tự nguyện. Nhân hậu vì tình thương được thể hiện qua tặng phẩm.
Sự sống, sức khoẻ, tài năng, bình an, của cải, con cái… là những ân ban của Thiên Chúa cho con người. Ân huệ lớn nhất, ơn trọng đại nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là Ân Ban lớn lao cho Giáo Hội và cho Đức Maria.
1. Ân huệ Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội
Đức Kitô là người đầu tiên đã quan niệm tình yêu một cách vị tha chưa ai từng nghe thấy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng mình vì bận hữu” (Ga 15, 13). Vì yêu thương con người, Ngài đã chịu khổ nạn, đã phục sinh và trao ban sự sống mới cho nhân loại. Đó là sự sống thần linh, là Chúa Thánh Thần.
Hôm nay đây trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ đang họp nhau cầu nguyện trong nhà Tiêc Ly cùng với Đức Maria. Chúa Thánh Thần đã Hiện Xuống dưới hình lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi người, ban tràn đầy sức sống mới. Quyền năng Chúa Thánh Thần đến trên Giáo hội với sức lay động và chuyển thông.
Sức lay động vì Chúa Thánh Thần đã đến như thể cuồng phong thổi vang dậy đầy nhà. Ghế bàn không bay bổng, tường – mái nhà vẫn nằm yên, nhưng lòng người đã được lay động. Quyền năng Chúa Thánh Thần như gió mạnh đã làm bật tung các ổ khoá, các cửa to cửa nhỏ của ngôi nhà các Tông Đồ đang ẩn náu. Quyền năng Thánh Thần tung họ ra khỏi pháo đài để với hai bàn tay không và một trái tim đầy nhiệt huyết họ đi vào thế giới rao giàng Tin Mừng Đức Giê-su Phục Sinh.
Được sức lay động và đầy lửa Thánh Thần, các Tông Đồ cùng lên tiếng cao rao những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Phê-rô, lòng đầy Thánh Thần, đã hùng hồn thuyết giảng vể Chúa Giê-su Thương Khó và Phục Sinh. Có 3,000 người xin được Rửa Tội. Giáo Hội được khai sinh từ đó vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Thánh Thần đến, Giáo Hội khai sinh.
Tác động của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội thật mãnh liệt. Chỉ một nhóm Tông Đồ nhỏ bé, sợ hãi, co cụm, hoang mang, lúc nào cũng cửa đóng then cài. Thế mà giờ đây khi được tràn đầy Thánh Thần họ đã trở nên mạnh mẽ phi thường, hiên ngang, can trường làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Các Ngài được trang bị bằng quyền năng Thánh Thần để bẻ gãy sức mạnh của sự dữ, tội lỗi.
Dù bị đe dọa đòn vọt, dù gông cùm tù tội, các ngài vẫn trung kiên một niềm tin vào Chúa. Các Ngài đã lấy máu đào minh chứng cho lời rao giảng. Dù bị đàn áp bách hại, Giáo Hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Hai mươi thế kỷ qua, con thuyền Giáo Hội do người dân chài Ga-li-lê cầm lái vẫn lướt qua mọi thăng trầm của lịch sử với muôn vàn thử thách giông tố để luôn đi tới.
Vậy thì bí quyết ẩn tàng trong đó và lý do tồn tại vĩnh cửu của Giáo Hội là gì nếu không phải chính là sức mạnh là quyền năng Chúa Thánh Thần.
Ngày nay, Giáo Hội vẫn chỉ có một sức mạnh đặc biệt, đó là quyền năng Chúa Thánh Thần. Với quyền năng này Giáo Hội không bao giờ chịu đóng chặt cửa để an hưởng hay cố thủ. Nhưng luôn ra khỏi tháp ngà để rao truyền Tin Mừng, dấn thân vào cuộc sống muôn mặt của thời đại, đồng hành và thích ứng với nhân loại trong thế giới ngày nay.
Công Đồng Vatican II là một Lễ Hiện Xuống Mới của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần vẫn luôn thổi sinh khí mới và ban cho Giáo Hội những ân huệ lớn lao. Mẹ Têrêxa Calcutta, Cha Thánh Piô, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là những gương mặt vĩ đại đã và đang làm bừng lên sức sống tình thương, hoà bình của Chúa Thánh Thần trong thế giới sục sôi vì chiến tranh và hận thù này.
2. Ân huệ Thánh Thần cho Đức Ma-ri-a
Ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Ma-ri-a cũng tràn đầy Thánh Thần. Khi các Tông Đồ ra đi rao giảng tin mừng thì Đức Mẹ lại rút vào nơi thanh vắng, thinh lặng sống ẩn dấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa (Col 3,3). Chính Đức Mẹ đã khai sáng trong Giáo Hội ơn gọi sống đời ẩn dật và cầu nguyện bên cạnh đời sống tông đồ hoạt động.
Điều đó cho chúng ta thấy, trong Giáo Hội hoạt động cho dù vì NướcTrời chưa phải là tất cả. Giáo hội còn cần đến những tâm hồn cầu nguyện để lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần trước khi dấn thân vào sứ vụ. Thư Mục Vụ năm 1999 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã xác định: “Người loan báo Tin mừng phải là một nhà chiêm niệm trong hoạt động” (Số 14). Giáo Hội cần lời cầu nguyện cũng như cần hoạt động cho công cuộc Truyền Giáo. Đức Mẹ là nguyên mẫu cho đời sống cầu nguyện này. Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su suốt đời sống trong Dòng Kín, thế mà Giáo Hội đã đặt Ngài làm Bổn Mạng các xứ Truyền Giáo.
Lễ Ngũ Tuần kết thúc chu kỳ Phụng Vụ mùa Phục sinh với Ân Huệ Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội cầu nguyện và hoạt động. Mỗi người tín hữu được mời gọi sống hai chiều kích ấy mỗi ngày để hoa trái Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, hiền hoà, tiết độ… được trổ sinh trong tâm hồn và cuộc sống của mình (Gl 5, 23-23).
10. Chú giải của Noel Quesson
Chiều ngày thứ nhất trong tuần…
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Thánh Thần được trao cho các tông đồ, ngay chiều Phục sinh, trong bước đầu của cuộc sống lại, và Giáo hội được khai sinh nhờ khí thế của Đức Giêsu. Trong trình thuật trên, so sánh với bản văn của Luca trong Công vụ Tông đồ, Đức Giêsu xem ra giữ ưu thế hơn Thánh Thần. Thánh Gioan giúp chúng ta quen nhận ra trong Tin Mừng của ông, một nội dung thần học phong phú, nhờ các biểu tượng Kinh Thánh.
“Ngày thứ nhất trong tuần”. Một thế giới mới khởi sự một cuộc tạo dựng mới. Đó là một Sáng Thế mới. Thiên Chúa lại cầm “con người” trong bàn tay, và nhào nắn nó lại trong một thứ “đất sét” hoàn toàn mới.
Và từ hôm đó, các Kitô hữu không ngừng tụ họp lại từ “ngày thứ nhất trong tuần” này đến ngày thứ nhất trong tuần khác…. từ Chúa nhật này đến Chúa nhật khác. Giáo hội phát sinh từ cuộc tập họp nhịp nhàng như thế, trong suốt dòng thời gian, ngày nay vẫn còn tiếp diễn. Cần phải tổ chức những Chúa nhật, để giúp mọi Kitô hữu dần dần… sống nhịp theo những lần “hiện đến” của Đức Giêsu. Chúng ta không thích “nghĩa vụ dự lễ Chúa nhật” một cách nhạt nhẽo, với vẻ bề ngoài quá vụ luật. Vì đó là một nhu cầu sống! “Cần phải thở hít mà”? Do đó, không phải một năm chỉ dự lễ một lần.
Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái.
Sợ hãi! Thế giới của chúng ta luôn được xây dựng trên sợ hãi. Ngăn ngừa nguyên tử, là vì nó “gây khiếp sợ”.
Trước khi đi sâu hơn vào cầu nguyện, tôi cần phải nhìn thẳng thắn vào đời sống riêng tư của mình, xem những nỗi sợ hãi của tôi là gì? Nơi “xảy ra biến cố Phục sinh”, là nơi mà các môn đệ đóng cửa, tự đề phòng, là nơi họ đang sợ sệt.
“Nơi” mà Thần Khí Thiên Chúa có thể xuất hiện trong tâm hồn tôi, đó là điểm gây thương tích nội tâm, là nơi dễ bị tổn thương, rủi ro, đau khổ.
Đối với tôi tình huống nào làm tôi dễ “đóng cửa then cài”?
Trường hợp, tội lỗi, băn khoăn nào thường đồng kín tôi? Thánh Phao lô đã ý thức về thực tại này, như một kiểu chết chóc: “Sự chết hoạt động nơi chúng tôi… Nhưng, chúng tôi không chán nản, bởi vì, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới… Thật vậy, một chút gian truân tạm thời: trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng tôi cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4, 12. 16. 17).
Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông
Không phải ngẫu nhiên mà Gioan liên kết biến cố Phục sinh của Đức Giêsu với việc trao ban Thần Khí. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta quả quyết rằng, Thánh Thần là “Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống”. Việc trao ban sự sống này, trước hết chính Đức Giêsu đã đón nhận: khi lôi kéo Đức Giêsu ra khỏi quyền lực của tử thần, Thần Khí của Thiên Chúa đã đạt thành tích của bậc thầy!
Trong con người thụ tạo của ta, vì không phải là thần linh, nên mang tính hữu hạn, thì “tinh thần” và “thân xác” liên kết với nhau trong mọi tình huống. Nhưng dù mạnh đến đâu, tinh thần trong ta cũng nhận ra một suy sụp cuối cùng, không cho phép nó cầm giữ lại thân xác của mình: “con người” cũng có nghĩa là phải chết! Nhưng trước vũ trụ thụ tạo hay chết đó, Đức Ki tô không những được trang bị những năng lực hữu hạn của tinh thần con người, nhưng Người còn nhận được những năng lực vô biên dành riêng cho Thiên Chúa. Đức Kitô mang trong mình một Thần Khí hoàn toàn khác với tinh thần của con người, nên không sử dụng Thánh Thần, là Đức Chúa và là Đấng ban sự sống? Đức Giêsu phá bỏ mọi thứ rào cản sự kiện Ngài đột nhiên xuất hiện giữa các môn đệ đang bị nhốt kín, chứng tỏ rằng Người không để cho bất cứ một chướng ngại vật nào có khả năng cầm giữ được Người đến “đứng giữa các người thuộc về mình. Sáng nay, Người đã nhận một luồng sinh khí đặc biệt mới mẻ, biến Người trở thành một “thân thể thiêng liêng”, một thân thể được sống sự sống của Thánh Thần tác động (1 Cr 15, 44). Trước khi trực tiếp trao ban Thần Khí cho các bạn hữu của mình, Đức Giêsu
Phục sinh đã được Thiên Chúa Cha Người, ra tay uy quyền nâng lên cao và trao cho Người Thánh Thần đã hứa” (Cv 2,33). Chính Thánh Phêrô đã công bố mạc khải kỳ diệu trên, vào ngày Lễ Hiện Xuống.
Vâng, sự Phục sinh là một công trình, của Thánh Thần.
Người cho các ông xem tay và cạnh sườn
Bạn muốn tìm nơi xuất hiện biến cố Phục sinh: Bạn sẽ thấy khó phát hiện ra sự hiện diện của Thần Khí?
Do đó, hôm nay, bạn hãy cố khám phá ra những vết sẹo những thương tích đang ở đâu trong trái tim, trong đời sống bạn, cũng như trong thế giới hay trong Giáo hội.
Chúc anh em được bình an! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
Từ sợ hãi đến vui mừng, nhờ lời chúc bình an.
Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.
Họ đang bị “nhốt kín”, giờ lại được “sai đi”.
Việc sai đi thi hành sứ vụ, không hẳn được nhìn theo quan điểm một tổ chức nào đó: không phải là một thứ “xí nghiệp” quảng cáo được trang bị đầy đủ đồ hàng. Và Đức Giêsu không thực dụng giúp Giáo hội bước vào con đường “thừa sai” Theo Người, chỉ có một điều quan trọng: đó là nguồn gốc phát sinh công cuộc thừa sai: “mối dây thân mật liên kết Đức Giêsu với Chúa Cha”. Thực vậy, chỉ có một sứ vụ: sứ vụ của Chúa Cha, cũng là sứ vụ của Đức Giêsu, và trở thành sứ vụ của Giáo hội.
Nói xong, Người thổi hơi vào các ông
Ở đây Gioan sử dụng một thứ ngôn ngữ Kinh Thánh, đặc biệt ám chỉ tới hai bản văn sáng giá sau đây:
Cuộc tạo dựng đầu tiên: “Thiên Chúa thổi vào mũi con người một sinh khí” (St 2,7).
Cuộc sáng tạo cuối cùng: “Hãy thổi vào các bộ xương chết khô này, để chúng được sống” (Ed 37,9).
Có một cuộc sáng tạo trong quá khứ đó là sự phát sinh sức sống đầu tiên lúc khởi sự thời gian. Cũng sẽ có một cuộc sáng tạo trong tương lai, đó là sự sống lại sau cùng, vào ngày tận thế. Nhưng luôn có một cuộc sáng tạo hiện hành: đó là “Hơi thở” của Thiên Chúa đang hoạt động. Tôi tin Thánh Thần là Thiên Chúa, và là Đấng ban sự sống!
Đó là hơi thở mang sức sống! Tự nhiên bạn lại không thấy mình có khả năng để diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa và hoạt động của Người trong thế giới, nhờ vào sự kiện thông thường nhất nhưng cũng cốt thiết nhất: đó là hít thở hay sao? Mọi sinh vật, từ vi sinh vật cho đến những ác thú lớn lao, đều hít thở cùng một thứ ô-xy, được cống hiến cho tất cả chung quanh hành tinh chúng ta. Thế nên, chính tôi cũng hô hấp hơi thở của mọi sinh vật. Đó là hình ảnh cảm kích về Thiên Chúa duy nhất, Đấng làm cho tất cả chúng ta sống động! Khi đàm đạo với ông Nicôđêmô, Đức Giêsu đã dùng chính hình ảnh đơn sơ về gió trên đây: “Gió muốn thổi đâu thì thổi. Gió làm cho sống động” (Ga 3,6-8).
Anh em hãy nhận lấy
Tôi cầu nguyện theo lời mời gọi trên. Tâm trạng của người thời nay không thích “nhận”: người ta từ chối việc lệ thuộc kẻ khác. Đó là thứ tội nguy hiểm nhất: tự phụ mình “như thần thánh”. Nhưng điều đó đâu có thuộc quyền năng của con người. Dù muốn hay không, con người vẫn là một sinh vật phải lệ thuộc, hoàn toàn phải phụ thuộc: Con người cần đón nhận sự sống để sống. Tôi nhận lãnh sự sống từ cha mẹ. Tôi nhận lấy sự sống của mặt trời, giúp tôi có lương thực. Tôi tùy thuộc vào từng ngàn sự việc, từng ngàn con người, và rất nhiều điều kiện.
“Hãy nhận lấy mà ăn. Này là Mình Thầy”. Cần phải “nhận “lãnh” “Thân Thể”. Nên cũng cần phải “nhận lãnh” Thần Khí đó!
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tiếp nhận, biết đồng ý nhận lấy ân huệ mà Chúa trao ban.
Thánh Thần
Nhân loại cần đón nhận cộng đồng Thần Khí hiện hữu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Dù nhiều, nhưng chỉ là một! Như thế, chúng ta cũng khám phá ra rằng, trong sứ vụ của Giáo hội, không chỉ có Chúa Cha và Chúa Con mà Người sai gửi đến, nhưng là mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
Giáo hội, như Công đồng Vatican II nói, là sự mở rộng tới mọi người, cộng đồng yêu thương luôn liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa.
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.
Vai trò và sứ vụ của Giáo Hội là loan báo ơn tha thư và hồng phúc cứu độ! Diễn tiến của trang Tin Mừng theo thánh Gioan trên đây thật sống động:
Một cộng đồng những con người đã trải qua kinh nghiệm với Chúa Phục sinh.
– Việc sai gửi đi thi hành sứ vụ của cộng đồng này phát sinh từ kinh nghiệm ai đó.
– Việc thông ban Thánh Thần làm cho cộng đồng có khả năng thi hành sứ vụ.
Sứ vụ đó chính là thông truyền ơn cứu độ, sự tha thứ, sự Thánh thiện.
Như thế, vai trò của Giáo hội là giải phóng! Là cống hiến tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Kiểu nói đối chiếu, có tinh tiêu cực trên đây, hiển nhiên không có nghĩa là: Giáo hội có thể hành xử một thứ quyền phán quyết độc đoán. Đừng bao giờ nên hỏi: “Liệu Thiên Chúa có tha thứ cho tôi không? Thập giá của Đức Giêsu đã trả lời cho câu hỏi này. Nhưng quan trọng, vẫn là câu hỏi: Liệu tôi có “lãnh nhận” ơn tha thứ đó không?