Các Bài Suy niệm Chúa Nhật 6 Phục Sinh – Năm C

Thánh Thần ngự đến không chỉ để trợ giúp chúng ta chiếm giữ được tinh thần các giáo huấn của Ðức Giêsu như chuẩn độ đúng đắn, nhưng còn là sức mạnh đỡ nâng chúng ta thực thi các giáo huấn đó trong cuộc sống cụ thể. Vậy, chúng ta hãy để cho sức mạnh đó được tự do hoạt động trong cuộc sống của mình...

Các Bài Suy niệm Chúa Nhật 6 Phục Sinh – Năm C

Ga 14,23-29

 

1. Thánh Thần, nguyên lý của bình an

(Suy niệm của Lm. GB. Trần Văn Hào)

Phụng vụ hôm nay hướng tâm hồn chúng ta mừng lễ Chúa lên trời vào tuần tới, bởi vì việc Chúa về trời là tột đỉnh của mầu nhiệm Sống lại và đi vào vinh quang với Chúa Cha. Các bài đọc trong phụng vụ phản ánh thực trạng xảy ra nơi các tông đồ cách đây 2000 năm. Trong giây phút ly biệt đầy xốn xang, Chúa đã trấn an các học trò mình không phải bằng liệu pháp tâm lý, nhưng Ngài hứa ban Thánh Thần, là nguyên lý của bình an đích thực. Ngài khuyến mời các ông hãy tuân theo những chỉ dạy của Thần khí để có được bình an thực sự trong tâm hồn.

Thầy để lại bình an cho anh em.

Chắc chắn đây không phải là một lời chúc mang tính khách sáo, nhưng là một động thái Đức Giêsu đã thể hiện giữa các môn sinh của mình. Trong mỗi Thánh lễ, Giáo hội vẫn cầu nguyện xin Chúa Giêsu ban bình an xuống trên toàn thể Hội thánh giống như ngày xưa Ngài đã phú trao bình an cho các tông đồ trước khi đi thụ nạn. Nhưng sự bình an Chúa nói ở đây là bình an như thế nào?

Người ta vẫn thường nói: “Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”. Cũng vậy, bình an mà Chúa Giêsu ban tặng đòi hỏi các học trò phải quyết liệt đi vào cuộc chiến đầy gian nan, đó chính là cuộc chiến đấu thiêng liêng. Trong cuộc chiến gian khổ ấy, chúng ta phải chấp nhận chết để được sống, phải đi vào mầu nhiệm tự hủy để được tái sinh trong đời sống mới. Vì thế, Chúa đã nói: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy không theo kiểu thế gian (c.27). Hòa bình theo cách thế gian chỉ dựa vào sức mạnh của vũ khí và tiềm lực quân sự, còn bình an mà Chúa Giêsu đem đến phát nguồn từ chính Thánh Thần. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô cũng viết: “Hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).

Trong lần tiếp ông Gorbachop và bà Raissa vào năm 1989, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã trao tặng ông Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ một cuốn Kinh thánh, bên ngoài đề hàng chữ ‘Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’. Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng trao tặng bà Raissa một cỗ tràng hạt với câu cắt nghĩa ‘Nữ Vương ban sự bình an’. Ngài muốn ngụ ý nói rằng, chỉ qua Đức Giêsu chúng ta mới tìm ra con đường của sự thật dẫn đến sự sống, đồng thời bình an thật sự đến với loài người không phải dựa trên vũ khí, tiền bạc hay sức mạnh quân sự. Chúa Giêsu ban bình an cho các học trò của Ngài không theo kiểu cách thế gian. Ngài mời gọi họ hãy rộng mở tâm hồn để Thần khí tác động và luôn sẵn sàng đi vào cuộc chiến nội tâm, đặc biệt khi đứng trước viễn ảnh đen tối của Thập giá.

Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.

“Đừng sợ”. Đây là điệp khúc được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. “Đừng sợ những kẻ giết được thân xác nhưng không làm gì được linh hồn anh em”. “Đừng sợ, ta đã thắng thế gian”… Đây không phải là một lời trấn an mang dạng thức tâm lý, vì Chúa Giêsu không bao giờ đóng vai một nhà tâm lý học đối với các môn sinh của mình. Ngài mời gọi các môn đệ can đảm đối diện trước viễn ảnh Thập giá và cái chết. Những lời Chúa nói trong Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh bữa tiệc ly trước khi đi thụ nạn. Trong bài diễn từ rất dài ấy, Chúa nhắc đi nhắc lại về nguyên lý của tình yêu, là yếu tố giúp ta thắng vượt mọi sợ hãi. Thánh Phaolô cũng đã viết: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Tình yêu sẽ giúp chúng ta thực sự lưu lại trong Chúa, Đấng hằng sống, và chính Chúa Giêsu đã mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu Thầy” (Ga 15,9) bằng cách tuân giữ những điều Thầy truyền dạy”(c.10). Cũng thế, ngày hôm nay, Chúa cũng khẳng định rằng yêu mến Chúa chính là tuân giữ lời của Ngài (Ga 14,23).

Sợ hãi là kinh nghiệm mà chúng ta vẫn thường hay có. Người trẻ sợ tuổi già mau đến. Thanh niên khỏe mạnh sợ lúc bệnh tật hay ốm đau. Đôi trai gái yêu nhau say đắm sợ những giây phút ân ái mặn nồng vụt tan biến. Người giàu sợ sẽ đến ngày khách kiệt… Nói chung, có muôn vàn lý do để phải sợ hãi. Khi đối diện trước cái chết, chính Chúa Giêsu cũng sợ. Sự sợ hãi dâng lên tột độ đến mức mồ hôi và máu toát ra. Ngài đã lớn tiếng và rơi lệ cầu xin với Đấng có thể cứu mình khỏi chết (Dt 5,7), vì Ngài lo sợ, nỗi sợ theo bản tính tự nhiên của con người. Ngài sợ, vì tội lỗi của cả trần gian đang đè nặng trên đôi vai Ngài và cuối cùng dẫn đến cái chết nghiệt ngã. Nhưng khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu đã trở thành nguyên lý cho chúng ta về sự bình an để thoát vượt sợ hãi. Khi hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đến giữa lúc các ông đang ngồi co rúm lại vì sợ sệt. Chúa thổi hơi vào các ông, ban Thánh Thần và trao chúc bình an. Thánh Gioan nêu ra tất cả những chi tiết này để liên kết sự bình an với ân điển của Thần khí, hầu giúp chúng ta thoát vượt sợ hãi. Ngài còn cho các môn đệ thấy những dấu chứng về cuộc khổ nạn nơi thân xác Ngài, và đó cũng là vết tích gây nên sự sợ hãi nơi các tông đồ trước đây.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị đã khởi đầu triều đại Giáo hoàng của Ngài với thông điệp ‘Đừng sợ’. Bước vào năm thánh 2000, Ngài nhắc lại lời hiệu triệu ấy và mời gọi chúng ta, đặc biệt các bạn trẻ: “Đừng sợ. Các con hãy mở tâm hồn để cho Chúa Giêsu chiếm ngự” (Open door to Christ).

Vì thế, thoát khỏi sợ hãi không phải là một liệu pháp mang tính tâm lý, nhưng là một thái độ của đức tin, cắm sâu niềm tin vào mầu nhiệm Đức Giêsu đấng đã chết và đã sống lại.

Thành thánh Giêrusalem, quê hương của bình an đích thực.

Không phải vô tình mà Giáo hội chọn bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay trích trong sách khải huyền, đan kết với sứ điệp Chúa nói trong Tin mừng Gioan. Chúng ta được mời gọi hướng về quê hương vĩnh cửu, là thành thánh Giêrusalem trên trời, nơi chốn của bình an viên mãn. ‘Thành thánh chói lọi vinh quang Thiên Chúa và Con Chiên chính là ngọn đuốc chiếu soi thành’. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng quê hương mai sau của chúng ta là một thực tại rất xa vời so với cuộc sống hiện sinh của ngày hôm nay. Không phải thế. Có một bài hát với ca từ rất ý nghĩa: ‘ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay’. Thành Thánh Giêrusalem mai sau đã được bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, nếu chúng ta biết sống sung mãn trong tình yêu, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.

Đây không phải là nguyên tắc của lý thuyết xa vời vợi, nhưng đời sống đức tin của chúng ta phải được thể hiện cụ thể, bằng cách đi sâu vào sự kết hợp thân tình với Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện mỗi ngày. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, người sẽ được tôn phong Hiển thánh vào ngày 4 tháng 9 năm nay, là một chuyên gia trong việc thực hành bác ái, đặc biệt đối với những người cùng khổ và bị bỏ rơi. Nhưng chúng ta đừng quên rằng Mẹ luôn nhấn mạnh và khuyên mời các con cái mình chuyên chăm cầu nguyện mỗi ngày. Trong cầu nguyện kết hiệp với Chúa, Mẹ đã nghe được tiếng Chúa Giêsu thét gào trên Thập giá: “Ta khát”. Khởi từ đời sống cầu nguyện, Mẹ đã hăng say lao vào những công việc bề bộn để phục vụ. Điều chính yếu không phải là chúng ta đã làm được những gì, nhưng quan trọng nhất, chúng ta đang là ai, chúng ta có thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu và có thường xuyên cầu nguyện để lưu lại trong tình yêu với Chúa hay không.

Kết luận

Chúa nói hôm nay: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy”. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch để có được bình an. Chân lý này cũng được Thánh Phanxicô Salê quảng diễn khi Ngài nói với chúng ta: “Ama et fac quod vis”, bạn hãy yêu mến đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm.

 

2. “Bình an cho các con”

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Trên những chuyến xe khách, xe buýt, các bến xe… người ta thường thấy những hàng chữ “chúc quý khách thượng lộ bình an”. Người tài xế Công giáo treo hình Đức Mẹ trên xe có kèm theo hàng chữ “Nữ Vương ban sự bình an”. Người tài xế Phật giáo treo hình Đức Phật, dù có hay không có hàng chữ nào, trong lòng họ vẫn cầu mong Đức Phật ban bình an.

Theo Hán tự, chữ “bình” có nghĩa là bằng phẳng, đều hòa, hòa hợp, thoải mái, chữ “an”, theo cách viết là “người nữ ở trong nhà”, có nghĩa là được bảo vệ, an toàn. Như vậy, bình an nói lên trạng thái tâm hồn, trạng thái nội tâm thư thái, an hòa, vui tươi, bình thản, vững chắc. Do đó, bình an khác với hòa bình. Hòa bình nói lên trạng thái bên ngoài: không còn cạnh tranh, không còn chinh chiến, xô xát, súng đạn, gươm đao. Cho nên có khi có hòa bình nhưng không có bình an. Nhân loại thì khao khát hòa bình, còn mỗi người thì khao khát bình an.

Chúa Giêsu sống lại từ ngày thứ nhất trong tuần đã hiện ra với các môn đệ và ban bình an cho các ông. Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh là: “ Bình an cho anh em” (Ga 20,19-21). Bình an là hồng ân của Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ (Ga 20,26; Lc 24,36).

Các sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến đều thấy các môn đệ hội họp trong nhà, cửa đóng then cài vì sợ người Do thái. Khi Chúa hiện diện, sự sợ hãi của các môn đệ tan biến và các ông có được niềm vui, bình an, can đảm.

Thầy ban bình an của Thầy cho anh em… anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi” (Ga14,27). Có một sự khác biệt cơ bản giữa bình an “thế gian ban tặng” và “bình an Đức Giêsu ban tặng”.

1. Bình an Chúa Giêsu là bình an trong tâm hồn.

Chúa Giêsu Phục sinh là niềm vui lớn lao nhất của các Tông Đồ và của các phụ nữ đạo đức. Niềm vui nhân lên gấp bội khi Chúa trao quà tặng Bình an.

“Bình an cho các con”. Khi tâm hồn của các Tông Đồ hoang mang lo lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc lành của Chúa Giêsu rất đúng lúc để củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của các ông.

“Bình an cho các con”. Sự bình an này không giống bình an của người đời ban tặng. Sự bình an của người đời là tạm bợ và sẽ không tồn tại, bởi vì người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy bất an. Người ta chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống. Người giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm. Người có địa vị thì sợ kẻ khác chiếm đoạt, lật đổ. Người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm.v.v… tất cả đều ở trong trạng thái mất bình an.

Có câu chuyện kể rằng: trong triều của một vua nọ có hai họa sĩ rất tài ba nhưng luôn ganh ghét đố kỵ nhau. Một hôm nhà vua phán: “Ta muốn phán quyết một lần dứt khoát ai trong hai ngươi là người giỏi nhất. Vậy hai ngươi hãy vẽ mỗi người một bức tranh theo cùng một đề tài, đó là bình an”.

Hai họa sĩ đồng ý. Một tuần sau họ trở lại, mỗi người mang theo bức vẽ của mình. Bức họa của người thứ nhất vẽ một khung cảnh thơ mộng: những ngọn đồi nhấp nhô bao quanh một cái hồ rộng với mặt nước phẳng lì không một gợn sóng. Toàn cảnh gợi lên một cảm giác thanh thản, thoải mái. Sau khi xem xong, nhà vua nói: “Bức họa này rất đẹp, nhưng trẫm chưa hài lòng.” Bức họa của người thứ hai vẽ một thác nước. Hình ảnh rất sinh động đến nỗi nhìn nó người ta như nghe được tiếng nước đổ ầm ầm xuống vực thẳm. Nhà vua nói: “Đây đâu phải là một cảnh bình an”. Họa sĩ thứ hai bình tĩnh đáp: “Xin bệ hạ nhìn kỹ hơn một chút nữa xem”. Nhà vua nhìn kỹ và khám phá một chi tiết mà ông chưa chú ý: Trong một nhành cây nép mình sau dòng thác lũ, có một tổ chim. Trong tổ, chim mẹ đang ấp trứng, đôi mắt nửa nhắm nửa mở. Chim mẹ đang bình thản chờ các con mình nở ra. Nhà vua nói: “Ta rất thích bức tranh này. Nó đã chuyển tải được một ý tưởng độc đáo về bình an, đó là vẫn có thể sống bình an ngay giữa những xáo trộn của cuộc đời”. Và nhà vua đã trao giải nhất cho tác giả bức hoạ này.

Bình an không phải giống như yên ổn, vì yên ổn là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong.

Bình an là tình trạng của một tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Thành tố quan trọng của bình an là sự công chính. Bởi thế, không có bình an cho kẻ dữ.

Bình an là kết quả của lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được.

Chỉ có Bình An của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài.

“Bình an cho các con”. Thế giới như đang sống trên một lò lửa. Chiến tranh, khủng bố, thiên tai, động đất… Thế gian chưa có bình an. Cho nên sự Bình An của Chúa Giêsu vẫn luôn có giá trị đích thực cho nhân loại, cho những tâm hồn khắc khoải tìm kiếm bình an trong cuộc sống.

2. Hoa quả của Bình An.

Có nhân thì có quả. Có tranh chấp thì sinh ra hận thù, có ghét ghen thì sinh ra mưu mô thủ đoạn. Đó chính là chuyện nhân quả mà hằng ngày chúng ta đều thấy và biết. Việc lành cũng như việc xấu, mọi thứ đều có nhân quả của nó.

Hoa quả của Bình An là: yêu thương, tha thứ, bao dung, quảng đại, khiêm tốn, nhẫn nại, nhịn nhục…

Khi trong tâm hồn có sự bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh, thì chúng biết thông cảm với người làm ta bực mình, dễ dàng cảm thông với những người không yêu mến, sẽ khiêm tốn hơn trong lời nói trong cử chỉ thái độ của mình… Hoa quả của bình an chính là tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta làm việc thiện, thúc bách chúng ta vì anh em mà phục vụ như Chúa Kitô đã phục vụ, như các thánh Tông Đồ đã phục vụ Giáo Hội.

Hoa quả bình an thể hiện bằng tiếng cười, niềm vui, hạnh phúc trong gia đình, an hoà thư thái trong tâm hồn.

Hoa quả bình an cũng chính là sự thật. Ta cảm thấy bình an khi mình sống ngay thẳng, sống theo sự thật.

Con người ta ai cũng muốn có bình an trong tâm hồn, nên luôn cầu chúc cho nhau được bình an. Nhưng sẽ không có bình an thật, nếu tâm hồn không có tinh thần Phục Sinh của Chúa Kitô, tinh thần đổi mới con người cũ trở nên con người mới sống theo hướng dẫn của Thánh Thần.

Con người ta ai cũng cần sự bình an, có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc nữa. Chúa luôn muốn ban bình an cho chúng ta. Giáo hội cũng mong muốn như vậy. Cho nên mỗi khi tham dự thánh lễ, linh mục thay mặt Chúa và Giáo hội cầu chúc: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, rồi linh mục nói với chúng ta: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Có bình an của Chúa ở nơi mình, chúng ta mới có bình an để chia sẻ cho nhau.

Bình an là một hồng ân Chúa ban và cũng là một trách nhiệm. Không phải chúng ta chỉ cầu khẩn và tìm kiếm bình an cho mình mà còn phải là “khí cụ bình an của Chúa”, góp phần tạo nên bình an cho mọi người và cho toàn xã hội.

Ước gì cuộc đời của tôi của bạn, trong mọi nơi mọi lúc, nhất là lúc cam go sợ hãi thử thách luôn nghe được lời chúc bình an của Chúa Phục Sinh: Bình an cho anh em.

 

3. Ân sủng Chúa

(Lm Vũ Đình Tường)

Phúc âm thánh Gioan minh xác Chúa Cha yêu mến thế gian đến nỗi sai Con Một yêu dấu của Ngài xuống thế gian để những ai tin vào Người Con thì được sự sống muôn đời. Đức Kitô xuống thế thực hiện ý Chúa Cha để tỏ tình yêu, lòng mến của Ngài với Chúa Cha. Con đường yêu mến Thiên Chúa là con đường vâng phục, giữ lời Chúa dậy

Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy c.23

Nên một

Bởi vì Chúa Cha yêu mến thế gian, những gì Chúa Cha yêu mến, Đức Kitô cũng yêu mến. Những gì Chúa Cha muốn cứu độ, thánh hoá, Đức Kitô cũng muốn cứu độ và thánh hoá.

Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều người thấy Chúa Cha làm, vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy Gn 5,19

Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết Gn 6,38-39

Có thể nói tình yêu Chúa Cha và tình yêu Đức Kitô dành cho nhân loại là một. Cả hai khối tình Chúa Cha – Chúa Con được thể hiện trọn hảo nơi Đức Kitô. Tình thương Đức Kitô thể hiện toàn thiện đến nỗi vượt quá trí hiểu nhân loại. Thể hiện trên thập giá, cho đi chính sự sống mình.

Nên một còn được hiểu theo một nghĩa khác nữa. Đức Kitô ban cho Kitô hữu chính sự sống Ngài và cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần chia sẻ mọi tình huống an vui, sầu khổ trong cuộc sống của các Kitô hữu.

Ngoài Đức Kitô ra còn có cả Chúa Cha và Thánh Thần Chúa cùng cư ngụ trong tâm hồn Kitô hữu. Đây là quà tặng vô cùng trọng đại vì mỗi Kitô hữu trở thành đền thờ Thiên Chúa và đền thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Dù Kitô hữu không xứng đáng nhưng Thiên Chúa không ngại miễn là Kitô hữu tự nguyện vâng lời và chân thành tâm đón nhận lời Thiên Chúa

Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy…. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy Gn 14,23

Nơi đâu Thiên Chúa ngự trị nơi đó tràn đầy ân sủng và bình an. Nơi đâu Thiên Chúa ngự trị nơi đó tràn đầy tình thương.

Ơn Thánh Thần

Khi yêu người ta luôn làm những gì tốt đẹp nhất cho người mình yêu và còn làm nhiều hơn cả điều người yêu mong muốn. Đó chính là mối tình Đức Kitô thể hiện với Chúa Cha. Chính nhờ mối tình này mà Kitô hữu nhận được vô vàn ơn đặc biệt, lạ lùng.

Ơn lạ đầu tiên chính là ơn Chúa Thánh Thần. Đức Kitô hứa ban Thánh Thần xuống để tiếp tục công việc hướng dẫn Kitô hữu. Thánh Thần hay Đấng Bảo Trợ đến không phải để thay thế Đức Kitô mà chính là để nối tiếp công việc Đức Kitô đã rao giảng. Thánh Thần làm công việc hướng dẫn, mặc khải những điều Đức Kitô dậy. Thánh Thần đóng vai thầy dậy trong mọi hoàn cảnh và không dậy điều gì mới nhưng chỉ dậy những gì Đức Kitô đã rao giảng

Thánh Thần sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy ra Gn 16,13

Như thế Thánh Thần sẽ làm sống lại lời Đức Kitô rao giảng và giải thích ý nghĩa lời Đức Kitô rao giảng. Từ chối đón nhận hướng dẫn của Thánh Thần là từ chối sự thật toàn vẹn. Thế giới chưa hết đau khổ vì từ chối hướng dẫn của Thần Chân Lí Đức Kitô sai đến.

Ơn bình an

Quà tặng thứ hai Đức Kitô tặng cho Kitô hữu là ơn bình an. Ơn bình an đặc biệt mà thế giới không thể có. Ơn đó phát xuất tự trong tâm hồn, bình an nội tâm, bắt đầu từ con tim yêu mến nồng nàn. Ơn bình an có sức mạnh giúp ta đón nhận ơn thống hối, tái nối kết tình bạn đứt đoạn và ban ơn chữa lành qua bí tích hoà giải và thứ tha.

Ơn bình an, Thần Khí Chúa và Chúa Ba Ngôi là những món quà đặc biệt, vô giá Đức Kitô ban cho nhân loại. Những ai đón nhận quà tặng Thiên Chúa trao ban trở thành Kitô hữu, dân riêng của Thiên Chúa.

Kitô hữu đón nhận quà tặng quí giá với tâm tình biết ơn, cảm mến với lòng tạ ơn, trìu mến sẽ tìm được bình an nội tâm và hưởng ơn cứu độ Chúa ban. Ơn đó đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngoài ra Kitô hữu còn vui mừng đón nhận một đặc sủng khác nữa đó là vui mừng chào đón Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang, đầy uy nghi. Lời nhắn nhủ này gói trọn trong lời hứa ra đi và trở lại của Đức Kitô khi Ngài nói lời giã biệt Gn 14, 3

Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ ở đó

Nhờ sức mạnh của lòng tin Kitô hữu mong chờ và xác tín ngày Chúa đến trong vinh quang. Ngày tất cả các Kitô hữu đoàn tụ trên thiên quốc.

 

4. Cuộc sống mới

(Lm. Nguyễn Hữu Thy)

Chu kỳ phụng vụ Mùa Phục Sinh sắp chấm dứt. Hàng năm nó đã mang lại cho tất cả chúng ta những suy niệm khẩn thiết về đức tin vào Ðức Giêsu và về tình yêu của Người, một tình yêu đã biểu lộ tính chất nhân bản qua cái chết của Người, nhưng đồng thời cũng bộc lộ uy quyền của Thiên Chúa qua cuộc Phục Sinh khải hoàn của Người! Từ những suy niệm đó, cuộc sống của chúng ta một khi đã được gắn liền với Ðức Giêsu, thì luôn phải đạt tới cứu cánh của nó.

Thứ nhất: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy…. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời các con nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Ðấng đã sai Thầy!” Ðó là điều đầu tiên trong chương trình hành động của một cuộc sống được gắn liền với Ðức Giêsu!

Giữ lời Ðức Giêsu có nghĩa là thâm tín rằng Thiên Chúa đã ban bố huấn thị của Người qua Ðức Giêsu; điều đó muốn nói rằng chúng ta không xếp đặt vũ trụ và cuộc sống theo sở thích, theo kế hoạch, theo mơ ước hay theo sự sợ hãi của mình; bởi vì Thiên Chúa đã thiết đặt một chuẩn độ rõ ràng trong Ðức Giêsu!

Giữ lời Ðức Giêsu có nghĩa là nhất thiết phải thực sự nhận biết huấn thị đó của Thiên Chúa. Dĩ nhiên điều đó không ý nói là nhất thiết phải đi rao truyền mọi lời của Người khắp nơi, nhưng là phải nhận thức được mục đích nền tảng của lời Người nói và của hành động Người làm qua việc lắng nghe Tin Mừng, tức: Tin nhận và yêu mến Thiên Chúa! Tiếp đến, chấp nhận và yêu thương người đồng loại; và không chỉ chấp nhận điều đó trên lý thuyết thuần túy mà thôi, nhưng phải hiện thực chúng một cách cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, đối với Thiên Chúa và tha nhân, và trung thành thực hiện cho đến cùng!

Thứ hai: “Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi lời Thầy đã nói với các con!” Ðó là điều thứ hai trong chương trình của Thiên Chúa: Biết đón nhận Thánh Thần Ðức Giêsu!

Ðón nhận Thánh Thần Ðức Giêsu có nghĩa là phải nhất thiết sống theo tinh thần các giáo huấn của Người. Nói cách khác, Thánh Thần ngự đến không chỉ để trợ giúp chúng ta chiếm giữ được tinh thần các giáo huấn của Ðức Giêsu như chuẩn độ đúng đắn, nhưng còn là sức mạnh đỡ nâng chúng ta thực thi các giáo huấn đó trong cuộc sống cụ thể. Vậy, chúng ta hãy để cho sức mạnh đó được tự do hoạt động trong cuộc sống của mình, và điều đó không có nghĩa gì hơn là chúng ta phải luyện tập cho mình tinh thần yêu thương, sự hy sinh xã kỷ của Ðức Giêsu; luyện tập biết chấp nhận kẻ khác, chứ không phải tìm mọi cách tự khẳng định chính mình; luyện tập biết cho đi, chứ không phải tìm cách chiếm đoạt mọi sự cho chính mình; luyện tập biết can đảm và trung thành với tinh thần xã kỷ đó, cả khi bị hiểu lầm, bị thiệt thòi về danh dự hay nguy hiểm đến tính mạng.

Thứ ba: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban cho các con sự bình an của Thầy. Thầy ban cho các con sự bình an, không theo kiểu thế gian ban. Các con đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!” Ðó là điều thứ ba của chương trình, là: Có được sự bình an của Ðức Giêsu trong tâm hồn!

Nhưng có được sự bình an của Ðức Giêsu, có nghĩa là hội được đủ điều kiện để có thể sống thực sự đúng với nhân vị của mình mà Thiên Chúa đã ban cho. Ðó không phải là sự bình an mà thế gian có thể cho được; đó không phải là một sự hoan lạc ích kỷ, khiến cho chúng ta không còn nhìn thấy được những cơ cực thiếu thốn của đồng loại; đó không phải là một sự giải hòa có thể mặc cả được, tức tìm một sự quân bình khả dĩ cho sự bất hòa. Sự bình an của Ðức Giêsu là sự an ninh chắc chắn, được phát xuất từ sự ý thức sâu xa: “Phải làm lành lánh dữ”, kể cả khi chúng ta phải hy sinh tính mạng, vì thâm tín được rằng, Thiên Chúa sẽ đền bù lại cho chúng ta gấp trăm sự mất mát!

Có được sự bình an của Ðức Giêsu, có nghĩa là có điều kiện để từ sự an ninh đó, kiến tạo sự bình an thực sự. Bởi vì chỉ có sự ý thức chắc chắn được rằng người ta phải sống công chính trước mặt Thiên Chúa, thì mới có can đảm để chấp nhận tất cả; thì người ta mới thông cảm hiểu biết nhau và mới loại bỏ mọi căng thẳng và va chạm, phát xuất bởi những tư duy ích kỷ và thiển cận, chỉ muốn bảo vệ quan điểm và ước vọng của mình trước đồng loại, cũng như chỉ muốn bảo đảm sự sống còn của mình!

Những lời Chúa phán cùng chúng ta hôm nay là sự hướng dẫn cho một cuộc sống theo gương Ðức Giêsu. Ðó là một chương trình sống tuyệt hảo, dẫn chúng ta đạt tới sự sống chân thật và hạnh phúc vĩnh cửu! Ðó là:

Giữ lời Ðức Giêsu.

Tiếp nhận Thánh Thần Ðức Giêsu.

Có được sự bình an của Ðức Giêsu trong mình.

Thật là cả một sự khác biệt to lớn với những chương trình thuần túy nhân loại, mà trong đó chúng ta chỉ nhắm tới những lợi lộc ích kỷ tư riêng của mình!

Chương trình của Thiên Chúa, là: Trong Ðức Giêsu, chúng ta có thể đạt tới một cuộc sống hạnh phúc chân thật. Chương trình đó có thể đổi mới vũ trụ. Chắc hẳn tất cả chúng ta đều nhất trí với chương trình đó?

 

5. Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

CHÚA THÁNH THẦN TIẾP NỐI CON ĐƯỜNG THƯƠNG XÓT

Trình thuật Tin Mừng hôm nay tiếp nối tuần trước trong bối cảnh bữa Tiệc Ly và nó nằm trong diễn từ ly biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ.

Trong diễn từ này, Đức Giêsu loan báo cuộc ra đi của Ngài bằng con đường thương xót theo ý Chúa Cha qua cái chết trên thập giá cho các môn đệ. Tuy nhiên, lời loan báo này đã làm cho các ông xao xuyến, hoang mang vì mất đi điểm tựa.

Nhưng, Đức Giêsu, nhân cơ hội này, đã giúp cho các ông hiểu rõ hơn về một cuộc hiện diện khác, cuộc hiện diện thần linh, nhiệm mầu.

Để cho sự hiện diện này được khăng khít, người môn đệ phải đi trên con đường của Thầy đã đi. Phải chung nhịp đập xót thương với Thầy. Chìa khóa để đi vào sự hiệp thông trọn vẹn ấy chính là yêu mến và tuân giữ Lời của Ngài.

Đây là con đường tình yêu của Thầy và trò. Đây cũng là đường thương xót để đến với tha nhân. Chúa Thánh Thần sẽ tiếp nối con đường xót thương ấy qua việc bào chữa, an ủi và trong vai trò khai trí mở lòng, nhằm giúp các ông hiểu tường tận những Lời Đức Giêsu đã dạy, để họ cũng thi hành cùng một hành vi xót thương đến với tha nhân như chính bản thân đã cảm nghiệm.

Tuân giữ Lời và thi hành là yêu mến cách trọn vẹn

Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan đã khéo léo trình bày tâm trạng hỗn độn, hoang mang, sợ hãi của các môn đệ khi nghe tin Thầy của họ sắp sửa ra đi để chịu chết. Họ lo sợ bởi tính háo thắng, ham danh, muốn được ưu đãi, trọng thị, mong được hưởng những đặc quyền, đặc lợi theo kiểu trần gian…. những lý tưởng đó sắp bị tan thành mây khói.

Đến đây, chúng ta hiểu thêm một điều nữa, đó là: vì những lựa chọn rất tầm thường đó chỉ đạo tâm tưởng của các môn đệ, nên những điều Thầy của họ giảng cũng như những việc Ngài làm… đã không ăn nhập gì với mục đích cũng như chẳng giúp các ông nhận ra sứ vụ Thiên Sai, đầy thương xót của Đấng Cứu Thế!

Thấu hiểu tâm trạng và diễn biến tâm lý nơi các học trò, nhất là nỗi hãi vì sự liên lụy đến cái chết của mình, nên Đức Giêsu đã trấn an: “Đừng xao xuyến và buồn sầu” (Ga 14,27). Ngay sau đó, Ngài đưa ra một chỉ dẫn để giữa các ông và Ngài có một mối thông hiệp cách chặt chẽ: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ các giới răn của Thầy” (Ga 14,5). Việc tuân giữ và thi hành Lời của Thầy, ấy là thước đo chính xác và cụ thể nhất lòng yêu mến của các ông đối với Ngài. Đồng thời, khi tuân giữ Lời của Thầy, các ông sẽ hướng đích cuộc đời mình dưới cái nhìn sứ vụ. Như thế, giữa trăm chiều thử thách trông gai, và ngay cả cái chết, các ông vẫn vui mừng và sẵn sàng thốt lên: “Không có gì tách chúng tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô”; và:“Đối với tôi sống là sống cho Đức Kitô và chết là một mối lợi”. Hơn nữa, khi yêu mến và giữ lời của Thầy, họ sẽ được hưởng trọn vẹn lòng thương xót, đến độ không còn gì có thể so sánh bằng, bởi nơi tình yêu ấy, có sự hiện diện và xót thương của cả Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Chúng Ta sẽ đến và ở lại với người ấy”(Ga 14,23).

Chúa Thánh Thần tiếp nối con đường thương xót

Để cuộc đời và sứ vụ của các môn đệ sang một trang mới, nên ngoài việc Đức Giêsu chỉ cho các ông tuân giữ Lời của Ngài, thì việc loan báo về Chúa Thánh Thần trong vai trò là Đấng An Ủi, Bào Chữa… là điều hết sức quan trọng.

Vì thế, Đức Giêsu đã nói với các ông: “Thầy ra đi thì có lợi cho các con. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với các con; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con”(Ga 16,7).

Khi Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ làm cho sự hiện diện của Thầy trò trong trạng thái “cách mặt, nhưng gần lòng”, bởi vì:“Đấng Bào Chữa là Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26).

Thật vậy, như đã nói: nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần là tiếp nối đường thương xót của Đức Giêsu trong vai trò dạy dỗ và nhắc lại những điều Đức Giêsu đã loan báo lúc tại thế. Khi nhắc cho các ông điều Đức Giêsu đã nói không phải chỉ là ôn lại, nhưng theo cách hiểu của Thánh Kinh là: khám phá ra ý nghĩa lời nói và cử chỉ của Đức Giêsu dưới ánh sáng của biến cố phục sinh. Qua việc tiên báo này, Đức Giêsu sẽ hiện diện trong Lời của Ngài cách cụ thể qua vai trò Trung Gian của Chúa Thánh Thần. Vì thế, mặc dù ra đi, nhưng lòng lại gần lòng hơn bao giờ hết, và các môn đệ không bao giờ bị cảnh mồ côi đơn chiếc, vì: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (x. Ga 14,18).

Để đảm bảo lời hứa, nhất là giúp cho các môn đệ được can đảm, trung thành đi đến cùng con đường thương xót mà Đức Giêsu muốn các ông tiếp bước trong lòng mến, nên Đức Giêsu hứa ban cho các ông sự bình an riêng của Ngài. Đây là sự bình an đặc biệt, bình an nội tâm, một sự bình an tuyệt hảo mà chỉ Thiên Chúa mới có và mới ban tặng cho chúng ta: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14,27).

Lời dạy và những ân ban của Đức Giêsu cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng là lời mời gọi và nhắc nhớ mỗi người chúng ta trong tư cách là người môn đệ của Đức Giêsu trong Giáo Hội của Ngài.

Sứ điệp Lời Chúa

Sống trong một xã hội đang bị đe dọa đủ thứ, nhất là sự xáo trộn về giá trị đạo đức trong mọi lãnh vực…! Ơn bình an đích thực dường như vắng bóng trong xã hội. Có lẽ con người không còn đủ niềm tin vào thực tại cuộc sống, bởi lẽ, sự “tử tế” gần như là một cái gì đó xa xỉ nếu không muốn nói là người ta không thích nhắc đến, bởi khi nhắc đến, họ sợ cái “bụng” bị đói!

Trong một môi trường “ô nhiễm” do nạn thượng tôn “ông chủ bụng” mà trà đạp lên sự “tử tế” như vậy, nhiều người muốn sống đàng hoàng cũng khó, bởi vì: “Thật thà, thẳng thắn thì thường thua thiệt”; “Gian tham lọc lừa lại lên lương”. Người ta coi: “Chân Lý và chân giò bằng nhau”; “Lương Tâm, lương thực và lương tháng cùng giá trị”!

Từ thực trạng trên, người nghèo trở thành đối tượng nhắm đến cho những nhu cầu bất chính nơi một số “Chủ nhân ông”. Từ đó gây nên sự bất an trong xã hội.

Nguyên nhân chính yếu đó là: họ đã không có lòng thương xót, đã tách Lời Chúa ra khỏi cuộc sống. Quan điểm: “Kính nhi viễn tri”; hay: “Mũ ni che tai” đối với Lời Chúa là điều mà nhiều người trong chúng ta chọn lựa.

Vì thế, họ sợ phải sống theo Lời Chúa dạy. Không dám đối diện với sự thật và lòng xót thương. Khước từ cũng như trối bỏ chân lý, nên không dám sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Luôn trung thành tuân giữ và yêu mến Lời Chúa. Đem Lời Chúa vào cuộc sống. Để Lời Chúa trở thành “khuôn vàng thước ngọc”; là “kim chỉ nam”, đem lại sự hợp nhất, yêu thương, tha thứ, biến đổi, nhất là sự bình an. Đây cũng là dấu chỉ của người đang đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và làm cho tâm hồn chúng con nóng lên ngọn lửa yêu mến Chúa. Amen.

 

6. Bình an đích thực của Chúa

(Suy niệm của Lm. Jos. Vinc. Ngọc Biển)

Trong cuộc sống, mỗi lần gặp nhau, chúng ta thường hay hỏi: “anh hay chị có bình an không?” Hay trước khi ra về, người ta cũng thường hay chúc nhau “về bình an nhé”… Khi lên đường khởi đầu một chuyến hành trình nào đó, ta cũng mong sao chuyến lữ hành của mình được bình an.

Ngày xưa, người Sêmít cũng có thói quen chào người sắp đi rằng: “ông; bà…hãy đi bình an” (x. 1 Sm 1,17; 20,42; 29,7). Ngày nay, người Arập cũng còn chào như vậy. Còn người Do thái thì rút gọn hơn khi nói: “Bình an” mà thôi.

Như vậy, hai chữ “bình an” là điều mà mọi người đều mong muốn. Tuy nhiên, mỗi người hiểu về bình an dưới những lăng kính khác nhau. Các tôn giáo cũng mặc cho nó một ý nghĩa riêng biệt theo giáo lý của tôn phái mình. Bình an mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ không phải là thứ bình an như người đời vẫn hiểu: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”(Ga 14,27).

Vậy bình an theo kiểu thế gian ban tặng là gì? Và bình an của Đức Giêsu trao ban là sao? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu:

1. Bình an theo lối hiểu của con người

Trong kinh nghiệm tự nhiên của con người, đói khát, mất quyền lực, thất bại, bất an hay sự chết là điều làm cho con người luôn sợ hãi và mất bình an. Đỉnh cao của nỗi sợ đó chính là sợ mất sự sống. Chính vì vậy, người ta đều mong muốn được an vui và hạnh phúc, tức là ơn bình an. Tuy nhiên, bình an mà Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ là một thứ bình an đặc biệt. Đặc biệt vì không phải theo kiểu người đời, mà theo thánh ý Chúa.

Hằng ngày, chúng ta vẫn thường thấy tại các công trường hay những nơi xây dựng, người ta căng những băng rôn có nội dung như: “an toàn là trên hết”; “an toàn là bạn – tai nạn là thù”. Qua những biểu ngữ đó, người ta mong sao cho công việc lao động, xây dựng của họ được an toàn. Ở đây, bình an chính là không xảy ra tai nạn trong khi lao động.

Khi tham gia giao thông, chúng ta, ai ai cũng đều mong muốn không bị đụng xe, cướp giật, mong đi đến nơi về đến chốn an toàn. Ở đây, bình an là không có chuyện bất trắc xảy đến.

Rồi, trong cuộc sống, lúc còn trẻ, ai cũng mong muốn được đáp ứng những nhu cầu về tiền bạc, quần áo… khi lớn lên một chút thì mong được thi cử đỗ đạt, nghề nghệp ổn định, lấy vợ gả chồng được vừa ý. Khi đã ngoài 50 tuổi, ai chẳng muốn con cái ngoan hiền, ổn định. Và, khi đã đến tuổi xế bóng, cái tuổi chân yếu tay mềm, “thất thập cổ lai hy” thì lại mong con cái hiếu thảo, không phải tất bật lo toan những chuyện như: cơm – áo – gạo – tiền nữa. Cuối cùng, cuộc đời an nhàn thư thái là điều mà ai trong chúng ta lại không mơ về nó?.

2. Bình an của Đức Giêsu

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật lại cho chúng ta về phần cuối của cuộc diễn từ ly biệt giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Trong lúc chuẩn bị Thầy trò chia tay nhau để Ngài lên đường chịu chết, chuộc tội cho thiên hạ. Vì thế, Đức Giêsu đã để lại cho các ông một gia sản quý giá hơn hết mọi thứ, đó chính là sự bình an. Ngài không nói: “Anh em hãy ở lại bình an”, mà nói: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”.

Bình an của Đức Giêsu trao tặng cho các môn đệ không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, mà còn đi xa hơn để đạt được thứ bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Bình an này hướng người ta về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ.

Đức Giêsu chính nội dung của bình an; hay nói cách khác: Ngài chính là nguồn bình an, Ngài ban cho các ông chính bình an của Ngài.

3. Sống đặc tính ơn bình an

Khi Đức Giêsu trao ban bình an cho các môn đệ, Ngài cũng muốn mời gọi mỗi người chúng ta sống đặc tính của ơn bình an. Đặc tính đó là đón nhận chính nguồn ơn cứu độ và đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa là nguồn cội của bình an.

Sống trong đặc tính ơn bình an của Chúa còn là ở lại trong sự quan phòng của Ngài: “…Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc […] Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?…” (Mt 6, 25-29).

Tiếp theo, đặc tính của ơn bình an mang tính siêu việt, quy hướng về Quê Trời: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6, 19-21).

Cuối cùng, đặc tính này mời gọi chúng ta yêu thương nhau. Khi đã có Chúa là nguồn bình an. Có Chúa là tất cả, chúng ta cũng phải biết yêu thương nhau và sống đức công bằng. Hành vi này đã được Dakêu cảm nghiệm và diễn tả thật sâu sắc. Chuyện kể rằng: một hôm, Đức Giêsu vào thăm nhà một người thu thuế tên là Dakêu. Ngài ở lại đó dùng bữa chung với gia đình ông. Sự hiện diện của Ngài làm ông rất cảm động. Những cử chỉ của Đức Giêsu được kể là một sự chúc bình an cho gia đình ông. Được ơn bình an đó, ông Dakêu tự nhiên không những cảm mến Đức Giêsu, mà còn cảm thấy có trách nhiệm yêu thương đồng bào mình. Để cụ thể hoá lòng thương yêu đó, ông thưa với Đức Giêsu rằng: “Này đây, phân nửa tài sản của tôi, tôi xin phân phát cho người nghèo. Và nếu tôi đã làm hại ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).

Như vậy, bình an mà Đức Giêsu ban tặng cho các môn đệ chính là bình an nội tâm. Bình an tuyệt đối. Bình an vượt xa lối hiểu của con người.

Đón nhận sự bình an của Chúa cũng chính là đón nhận chính Chúa, bởi vì Chúa là nguồn bình an (x. Ga 4,8,16; Rm 16,20).

Sống đặc tính của ơn bình an cũng chính là đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và tin tưởng phó thác vào Ngài. Và, khi đã có Chúa trong cuộc đời thì cũng phải biết đem Chúa đến cho người khác bằng những cử chỉ yêu thương, thân thiện và sống đức công bằng.

Mong sao lời chào chúc bình an trong mỗi thánh lễ: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi chúng ta, để tâm hồn chúng ta luôn được bình an và được hưởng ơn cứu độ.

Lạy Chúa, Chúa là nguồn bình an, xin ban bình an của Chúa xuống trên chúng con như xưa kia Chúa đã trao ban cho các môn đệ. Xin cho con được sống ơn bình an đó một cách sâu xa, để tận sâu thẳm tâm hồn, chúng con an vui hạnh phúc vì có bình an của Chúa ở cùng. Amen.

 

7. Đức Giêsu luôn luôn hiện diện

(Chú giải và suy niệm của Lm PX. Vũ Phan Long)

Sự kiện Đức Giêsu đã đạt tới mục tiêu là đảm bảo cho các Kitô hữu là họ cũng sẽ đạt tới đó, Người sẽ đón họ vào trong cuộc sống vinh phúc của Người.

1.- Ngữ cảnh

Đoạn văn này thuộc về Phần II của TM IV (“Sách về Giờ của Đức Giêsu”) và ở trong “Diễn từ cáo biệt thứ nhất” (13,31-14,31): Đức Giêsu nói những lời này sau khi đã rửa chân cho các môn đệ (13,1-20) và loan báo Giuđa phản bội (13,21-30). Người mời gọi các môn đệ đừng hoang mang trước viễn tượng Người ra đi (14,1): Chúa Cha sẽ cử đến một Đấng Bảo Trợ khác để trợ giúp các ông, đó là Thánh Thần (14,16-17). Còn chính Người thì sẽ trở lại với các ông; thế gian không thấy Người, nhưng những ai tin vào Người thì thấy được Đấng ấy (14,18-21). Giuđa đã diễn tả sự kinh ngạc của tất cả các môn đệ: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” (14,22). Ông mơ một cuộc tỏ mình cụ thể, khả giác, của Đức Giêsu; ông chưa hiểu là biến cố Đức Giêsu và Thánh Thần ngự đến chỉ có thể nhận biết trong đức tin.

Thoạt nhìn, dường như câu trả lời của Đức Giêsu (c. 23) không liên hệ đến câu hỏi và sự ngạc nhiên của Giuđa. Thực ra, câu trả lời đã đi thẳng vào câu hỏi, bởi vì Đức Giêsu loan báo sự hiển lộ mầu nhiệm của Người và lý do khiến thế gian không thấy được sự hiển lộ này.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Chúa Cha đến (cùng với Đức Giêsu) (14,23-24);

2) Chúa Cha sai phái Đấng Bảo Trợ đến giảng dạy (14,25-26);

3) Đức Giêsu ban bình an và ra đi (14,27-29).

3.- Vài điểm chú giải

– lời (23): Đối với một người Sê-mít, “lời” (logos) có tính cụ thể; “lời” diễn tả hữu thể thâm sâu, chính bản thân con người.

– Thánh Thần… Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều (26): Từ ngữ “Thánh Thần” (to pneuma to hagion) ở trung tính; vậy mà chủ ngữ “Đấng đó” (ekeinos) thay cho “Thánh Thần” (to pneuma to hagion, ho…) lại ở nam tính. Khi viết như thế, tác giả muốn cho thấy rằng Thần Khí còn hơn là một xu hướng hay là một ảnh hưởng; Người là một nhân vật, một Đấng. Có thể nói ekeinos ở nam tính vì thay cho paraklêtos, nhưng gần hơn, vẫn là thay cho to pneuma to hagion, ho…

– sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm anh em nhớ lại (26): Bultmann có lý khi cho rằng, “dạy” và “làm nhớ lại” không phải là hai chức năng khác nhau của Thánh Thần, nhưng là hai phương diện của cùng một chức năng. Như thế, “dạy anh em” và “làm anh em nhớ lại” song đối với nhau.

– bình an (27): Khi ra đi, Đức Giêsu nói shalôm (bình an) với các môn đệ. Nhưng đây không phải là lời chào thông thường, mà là ân ban cứu độ. Đây không phải chỉ là tình trạng không có chiến tranh, hay là chấm dứt sự căng thẳng về tâm lý, hay là một cảm giác thư thái. Theo ngôn ngữ Ga, “bình an”, “sự thật”, “ánh sáng”, “sự sống”, “niềm vui” là những từ mang nghĩa ẩn dụ để diễn tả các phương diện khác nhau của ân huệ lớn lao mà Đức Giêsu đã mang từ Chúa Cha đến cho con người. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” là một cách khác để nói “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời” (10,28). “Bình an của Thầy” ở đây cũng giống như “niềm vui của Thầy” ở 15,11 và 17,13.

– nếu anh em yêu mến Thầy (ei êgapate, 28): Động từ ở thì vị hoàn (imperfect) để nói về một điều kiện “không có thật”, chưa xảy ra[1].

– Chúa Cha cao trọng hơn Thầy (28): Câu này đã là đề tài cho nhiều cuộc tranh luận về Kitô học và về Ba Ngôi. Phái Ariô đã dựa vào câu này để biện minh cho Kitô học của họ, và do đó, để chống lại thần tính của Đức Giêsu. Đã có hai cách giải thích cổ điển: (1) Một nhóm Giáo Phụ (Origiênê, Téctulianô, Athanasiô, Hilariô, Êpiphanê, Grêgôriô Nadien, Gioan Đamát) cho rằng bản văn diễn tả sự phân biệt giữa Chúa Con và Chúa Cha: Con được nhiệm sinh trong khi Cha thì không.

Tuy nhiên, cách giải thích này phát xuất từ suy tư tín lý về Kinh Thánh sau này chứ không dựa trên chú giải câu văn. Cho rằng tác giả Ga đã giới thiệu Đức Giêsu nói với các môn đệ về quan hệ nội tại giữa Ba Ngôi là sai niên đại. (2) Một nhóm Giáo Phụ khác (Xyrilô Alêxandria, Ambrôsiô, Âutinh) đã giải thích rằng trong tư cách là con người, Chúa Con Nhập Thể kém hơn Chúa Cha. Lối giải thích này thoạt tiên có vẻ có lý hơn lối giải thích trước, nhưng vẫn nhằm phân biệt các bản tính nơi Đức Giêsu. Và đây là điều không chắc là Ga đã nghĩ tới. Không lẽ Ga lại nghĩ đến một sự phân biệt giữa Đức Giêsu nói như con người và Đức Giêsu nói như Thiên Chúa? Nhất là một cách phân biệt như thế có phù hợp chăng trong Diễn từ cuối cùng, vì ở đây hơn ở bất cứ nơi nào khác, Đức Giêsu, Đấng đang nói, siêu việt lên trên cả thời gian lẫn không gian?

Khi đã bỏ ra ngoài sự can thiệp của khoa tín lý hình thức của thời sau này, chúng ta thấy rất có thể chìa khóa nằm ở 13,16: “Kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi”. “Cha quan trọng hơn tôi” nghĩa là quan trọng hơn những gì anh em đã thấy nơi tôi. Đức Giêsu chỉ quan trọng do chỗ Người là Đấng “mạc khải” Chúa Cha. Sự phân biệt được đưa vào không đối lập bản tính nhân loại với bản tính thần linh trong Đức Kitô (theo cách giải thích truyền thống), mà là đối lập “cách giới thiệu bản thân Người trong hình thức nhân loại” (trong phẩm cách Mêsia) với ý nghĩa tròn đầy của bản thân Người trong tư cách là Thiên Chúa, đó là mạc khải Chúa Cha. Vậy vấn đề là nhận biết Chúa Cha nơi Đức Giêsu. Khi các môn đệ đã đạt được tới đó, sẽ không còn vấn đề thấp hơn hay cao hơn, bởi vì Chúa Cha và Người chỉ là một.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Chúa Cha đến (cùng với Đức Giêsu) (23-24)

Đức Giêsu khẳng định rằng người nào yêu mến Người, thì phải “giữ lời” Người, nghĩa là gắn bó với lời loan báo của Người và nhận biết bằng đức tin những gì Người đã yêu cầu (x. 14,15.21.23), và đáp lại bằng trọn cuộc đời dấn thân thực tế và quảng đại. Khi ấy, họ sẽ được đón tiếp Chúa Cha. Đối với Đức Giêsu, bằng chứng cho thấy Người liên kết với Chúa Cha là những việc Người làm (x. 14,10-11). Trong Cựu Ước, dân Israel đi tới chỗ biết Thiên Chúa của họ do họ thấy Ngài che chở kẻ nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất, những ngoại kiều, trẻ mồ côi, và các quả phụ. Nếu Đức Giêsu đang làm những việc tương tự, điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đang ở trong Người và Người đang ở trong Thiên Chúa.

Không những các môn đệ đầu tiên, mà bất cứ ai tin vào Người và yêu thương Người, liên kết với Người theo cách này (“giữ lời”), thì đều sẵn sàng đón Chúa Cha và Chúa Con khi các Đấng đến; các Đấng sẽ cư ngụ nơi người ấy và sẽ ở lại bền bỉ với người ấy. Người đã liên tục nhắc lại: “Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (16,32; x. 8,29). Điều này đúng cho bất cứ ai yêu thương Đức Giêsu: người ấy không phải cô độc, không bị lạc lõng và bỏ rơi; dù không hữu hình, Đức Giêsu và Chúa Cha vẫn ở bên người ấy.

* Chúa Cha sai phái Đấng Bảo Trợ đến giảng dạy (25-26)

Đức Giêsu nhắc lại một lần nữa là Thánh Thần sẽ đến (x. 14,16-17); Chúa Cha sẽ ban Thánh Thần theo lời Đức Giêsu thỉnh cầu. Đức Giêsu để lại cho các môn đệ lời của Người, sứ điệp của Người. Đây sẽ mãi là những yếu tố đưa các môn đệ đến với Người. Nhưng các môn đệ sẽ không phải dựa vào sức riêng mà hiểu lời Người: họ sẽ được Chúa Thánh Thần trợ giúp. Sự hỗ trợ hữu hiệu của Thánh Thần sẽ được biểu lộ rõ ràng trong việc dạy cho họ hiểu lời của Đức Giêsu. Thánh Thần sẽ không đưa đến một giáo huấn mới: thật ra toàn thể mạc khải đã được ban nơi Đức Giêsu. Tất cả hoạt động của Thánh Thần sẽ là quy về những gì Đức Giêsu đã nói và giải thích cho các môn đệ. Được Thánh Thần dạy dỗ, các ông sẽ có thể đi theo sát hơn nữa lời của Đức Giêsu và được chuẩn bị đi vào hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con.

* Đức Giêsu ban bình an và ra đi (27-29)

Đức Giêsu không để các môn đệ phải mồ côi (x. 14,18), nghĩa là bỏ rơi các ông, mặc cho các ông sợ hãi, không được hỗ trợ nâng đỡ. Người từ giã và ban sự bình an của Người cho các ông. Người từ giã các môn đệ nhưng ban một sự bình an, một sự đảm bảo và một sự che chở chỉ có thể phát xuất từ Người. Sự bình an này không phải chỉ là một lời nói (một lời chào), cũng không phải là sự bình an mà thế gian ban tặng: một sự bình an giả trá, một sự bình an được đặt trên sự chuyên chế, bạo động và bất công. Sự bình an Đức Giêsu ban chính là ơn cứu độ, là “sự thật”, “ánh sáng”, “sự sống”, “niềm vui”, dựa trên việc loan báo do Người thực hiện, dựa trên sự hiệp thông với Chúa Cha và với Chúa Con và dựa trên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông ấy đưa lại sự an toàn và che chở. Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ai có thể đe dọa chúng ta và đứng lên chống lại chúng ta?

Khi đi chịu chết, thật ra Đức Giêsu trở về nhà Cha (x. 13,1); như thế Người đã đạt được mục tiêu của hành trình trần thế của Người. Đối với Người, không có niềm vui nào to lớn hơn là sự hiệp thông trọn vẹn với Cha. Điều này hẳn cũng phải có giá trị cho các môn đệ Người. Sự thông hiệp với Cha và với Con, một sự hiệp thông được ban cho họ ngay từ bây giờ, là nền tảng cho sự bình an của họ. Sự hiệp thông trọn vẹn của Con với Cha, vì là mục tiêu Đức Giêsu đã đạt, là nền tảng chắc chắn nhất cho niềm vui của họ.

+ Kết luận

Mọi sự tùy thuộc vào việc nhìn các sự việc một cách đúng đắn. Nhìn từ bên ngoài, cái chết của Đức Giêsu dường như là tai họa và sự đổ vỡ tan tành thành mây khói. Nhưng ai tuân giữ lời của Người, thì đã không mất sự an toàn do cái chết của Người, mà lại còn được củng cố trong niềm tin vào Người và trong niềm vui vì chiến thắng của Người. Đức Giêsu làm cho chúng ta tất cả những điều này xuyên qua hoạt động của Thánh Thần: chính Thánh Thần sẽ dẫn dắt chúng ta, dạy bảo và nhắc chúng ta nhớ lại tất cả những gì Đức Giêsu đã nói.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Sự hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cất đi mọi mối bận tâm, sợ hãi và lo lắng bất an, nhất là khi ta sống sự hiệp thông ấy trong đức tin. Bởi vì chỉ Đức Giêsu mới giúp chúng ta đi vào hiệp thông với Chúa Cha, thì cũng chỉ Người mới có thể ban cho chúng ta sự bình an này. Người tín hữu phải luôn luôn biết rằng, ngay cả khi họ bị cái chết dằn vặt, Đức Giêsu và Chúa Cha vẫn ở bên họ, chứ không bao giờ bỏ rơi họ trong tình cảnh khốn quẫn. Sự hiệp thông với Đức Giêsu và với Chúa Cha không chỉ bắt đầu khi chúng ta được tiếp đón vào nhà Cha (14,2-3), nhưng là một thực tại đã có bây giờ và sẽ hoàn tất với cuộc hưởng kiến vinh quang.

2. Ngược với việc tuân giữ những luật lệ chi li cách tỉ mỉ và máy móc, không quan hệ gì với con tim của người tín hữu, Đức Giêsu đặt các tương quan của Người với các môn đệ trên nền tảng là các dây liên kết riêng tư trong tình yêu. Muốn thấy Đức Giêsu, muốn sống nhờ Người và với Người, người tín hữu phải “giữ các lời Người” (c. 24). Sự sống này, như Đức Giêsu xác định, lại chính là sự sống của Người và cũng là sự sống mà Người nhận từ Chúa Cha, nhưng cũng có chung với Chúa Cha.

3. Các Kitô hữu hôm nay cũng phải vui mừng cho chính mình: sự kiện Đức Giêsu đã đạt tới mục tiêu là đảm bảo cho họ là họ cũng sẽ đạt tới đó, Người sẽ đón họ vào trong cuộc sống vinh phúc của Người.

4. Cái chết của Đức Giêsu rất có thể có vẻ là chiến thắng của ông hoàng của thế gian này và của các quyền lực bóng tối, là sự khải hoàn của các đối thủ của Người. Nhưng Đức Giêsu không hề bị áp đảo bởi một quyền lực bên ngoài, chống lại ý muốn của Người. Người đã tự ý nhận lấy cái chết của Người, bởi vì Cha đã định đoạt như thế cho Người. Cái chết của Người là một dấu chỉ về tình yêu của Người đối với Cha.

——————————————–

[1] M. Zerwick, Biblical Greek.313.

 

8. Chú giải của Noel Quesson

 

Chúng ta tiếp tục suy niệm “diễn từ giã biệt” của Đức Giêsu vào chiều Thứ Năm Thánh. Đoạn văn mà chúng ta sắp đọc được Gioan giới thiệu như câu trả lời của Đức Giêsu trước câu hỏi của Giuđa: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Toàn thể văn chương Do Thái thời Đức Kitô đều minh chứng cho ta thấy, những người động thời với Người luôn ngóng đợi một Đấng Mêsia mạnh về chính trị, có thể chiến thắng cách hiển nhiên mọi quân thù và cưỡng bức các đối thủ phải phục lụy. Đó cũng là nỗi mong chờ của các tông đồ. Và chúng ta cũng không lường ước mong như thế nào?

Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy.

Đó là cách biểu lộ duy nhất mà Thiên Chúa đã quyết định thể hiện: người đến cư ngụ giữa những kẻ tiếp đón Người và tin tưởng nơi Người. Nói cách khác, Người chỉ được người ta nhận ra Người “hiện diện”, nhờ những kẻ yêu mến Người. Tình yêu không cưỡng chế ai, không thúc ép ai.

Cảm nghiệm về một sự hiện diện thân mật nào đó của một người, tuy “vắng mặt” về thể lý, chúng ta cũng có thể nhận ra trong khung tình yêu nhân loại, nếu chúng là chân thực: bất giác chúng ta sẽ nhận thấy đang khi nói, trong một cuộc đối thoại nội tâm, với người yêu, với bạn hữu, con cái, hôn phu, người chồng.

Đó là sự hiện diện của kẻ vắng mặt! Đó là cảm nghiệm mà chỉ có kẻ yêu thương mới nhận ra.

Chúng ta vẫn thường phàn nàn về sự vắng mặt của Thiên Chúa, về thái độ im lặng của Người. Người tín hữu luôn đụng chạm với lời thách đố của kẻ vô thần: “Thiên Chúa của bạn ở đâu?” (Tv 42,4). Nhưng ngày nay, câu chất vấn đó có chiều hướng đi tới một chối từ Giáo hội, phủ nhận nếp sống cộng đoàn của Giáo hội: người ta cảm phục Đức Giêsu như một mô hình của nhân loại; người ta không chống đối Người điều gì; nhưng người ta gạt Người sang một bên, như thể không có Người, bằng cách khỏa lấp qua một lời tuyên bố quá dễ dãi: “Tôi tin nhưng không hành đạo”.

Do đó, rõ ràng là có một ranh giới thực sự giữa “người môn đệ đích thực của Đức Giêsu với mọi người khác, dù họ rất có cảm tình với nhân vật Giêsu Nadarét. Đức Giêsu mạnh dạn quả quyết rằng, Người không chỉ là một kẻ chết, dù là tuyệt vời, của lịch sử xa xưa, cũng không chỉ là mẫu người đẹp mà sứ điệp có thể làm người ta phải suy nghĩ. Nhưng Người là một con người đang sống đang hoạt động, hôm nay vẫn còn hiển nhiên. Nhờ sự Phục sinh, Đức Giêsu Nadarét, con người lịch sử, đã bước vào thế giới xác định của Thiên Chúa: điều đó minh chúng. Người cũng trở nên kẻ đồng thời với mọi người.

“Đức Kitô của bạn ở đâu?”.

Chính Đức Giêsu trả lời: Đức Giêsu của bạn, chưa khi nào chúng tôi đã gặp thấy.

Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.

Đức Giêsu quả quyết, từ giờ trở đi Người đang hiện diện nhờ những kẻ yêu mến Người, nhờ các tín hữu đích thực mà Người đang cư ngụ trong họ.

Khi Đức Giêsu tuyên bố những lời đó, quả thực chỉ còn ít giờ nữa là Người sẽ phải chết. Người là Đền thờ mới, được dựng lại nội trong ba ngày (Ga 2,19-22), Đền thờ mà ở đó người Do Thái thường cảm thấy một sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa. Nhưng ở đây, Đức Giêsu còn đi xa hơn. Người dám quả quyết rằng, kể từ lúc Người ra đi, thì sự hiện diện không diễn tả thành lời này, chắc chắn bị che giấu, nhưng sẽ được bảo chứng nhờ các Kitô hữu.

Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

Giữa những người yêu thương nhau, cần có sự lắng nghe, đối thoại, nói năng, trao đổi. Trong tình yêu của chúng ta, không cố gì tệ hại hơn là “không biết lắng nghe”, không chịu nói năng.

Ở đây Đức Giêsu mạc khải cho ta một trong những chìa khóa mở tới đời sống Kitô hữu đích thực: Suy niệm Lời Chúa, như một dấu chỉ của sự Hiện Diện. Đó là một sự kiện. Chúng ta không có sự hiện diện thể lý hữu hình của Đức Giêsu, nhưng đối với kẻ yêu mến Người, thì thật là kỳ diệu, họ đã nhận được tư tưởng, lời nói của Người. Chúng ta cần ghi nhận, Đức Giêsu không chỉ nói đến một lời được đón nhận trong tâm trí, mà là một lời ta phải tuân giữ một lời phải đưa ra thực hành, một lời nhờ luôn “sống động” sẽ giúp kẻ ban lời cũng thực sự hiện diện. Sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh, sống động… có thể được “nhận biết” cách cụ thể (điều đó hẳn là thế được!) trong đời sống của các môn đệ đích thực.

Cũng như Đức Giêsu Nadarét là nơi thể hiện sự hiện diện và lời của Chúa Cha (“Lời anh em nghe thấy không phải là của Thầy”), cũng vậy từ giờ trở đi, các Kitô hữu, Giáo hội chính là nơi đó. Thật là trách nhiệm lớn lao.

Các điều đó Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Đúng vậy, Lời của Đức Giêsu không phải là một “sự vật” nhưng là một “con người nào đó”. Dù Đức Giêsu đã ra đi, nhưng vẫn có một “Đấng khác” đến để tiếp tục Lời của Chúa Cha, một thầy phụ đạo thần linh, một thầy nội tâm, được Chúa Cha sai đến nhân danh Đức Giêsu.

Thánh Thần không thêm gì cho Đức Giêsu, cũng như Đức Giêsu không thêm gì cho Chúa Cha. Đó là ba, nhưng chỉ một! Không có “ba Thiên Chúa”. Thiên Chúa là một. Người Israel vẫn nói như thế. Và Hồi giáo sẽ lặp lại như vậy. Dù có những khác biệt không tránh khỏi trong ngôn ngữ diễn tả, nhưng Kitô hữu không thể nói ngược lại đức tin cốt yếu trên đây. Chúa Cha, chính là Thiên Chúa trong tình trạng vô hình của Người. Đức Giêsu, cũng chính là Thiên Chúa, đã hiện diện, nói năng và hành động để cứu chuộc con người. Thánh Thần, cũng là Thiên Chúa, Đấng kéo dài cách thiêng liêng sự hiện diện, lời nói và hành động của Đức Giêsu và Chúa Cha.

Thánh Thần… Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy.

Chúng ta chiêm ngắm trong tâm hồn họa phẩm Chúa Ba Ngôi do Rublev vẽ một cách tuyệt đẹp, hiện được lưu giữ trong bảo tàng viện Trétiakov tại Mát-cơ-va và người ta từ thắp nới trên thế giới thường đến tham quan. Ba Ngôi vị đều có cánh, thông hiệp với nhau rất mật thiết, chung quanh một cái bàn kỳ diệu, làm nên một trong vòng tròn duy nhất và hoàn hảo, do ba đường chu vi của chúng tạo nên Chúa Cha, “vượt trên tất cả”, hiện diện sau chiếc bàn, đang ngắm nhìn đắm đuối Người Con dấu của mình, ngồi ở bên hữu và thông ban tất cả. Chúa Con, mặc áo màu da người hồng đỏ, đang để cho màu xanh của thiên tính Chúa Cha xuyên qua lấp lánh cũng nhìn đắm đuối Thánh Thần và thông ban tất cả. Nhưng mầu nhiệm của mối hiệp thông yêu thương giữa Ba Ngôi không dừng lại ở đó. Ôi, kỳ diệu thay! Trong Thánh Thần, vòng tròn tự mở ra, vì chính Thánh Thần đang ngắm nhìn và chỉ ngón tay về phía trái đất để thông ban cho trái đất tất cả. Chúa Ba Ngôi, đó là mỗi tình yêu thương mật thiết vĩnh cửu giữa ba mà chỉ là một: Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha, trong cùng một Thánh Thần. Do đó, Đức Giêsu đã đến dẫn đưa các môn đệ của Người vào trong “gia đình” đó nhờ Thánh Thần.

Thánh Thần sẽ dạy cho anh em mọi điều. Và làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Theo Đức Giêsu, Thánh Thần là Đấng sẽ thông truyền trọn vẹn sự sống của ‘Thiên Chúa cho nhân loại, khi giúp cho con người dần dần hiểu Lời Thiên Chúa, Lời đó là chính Đức Giêsu, Ngôi lời của Chúa Cha. Thánh Thần sẽ dạy dỗ và làm cho nhớ lại… Chính các Tông đồ tuy đã sống nhiều tháng năm với Đức Giêsu, cũng chưa có một đức tin đích thực nơi Người, vào lúc Người ra đi. Gioan thú nhận rằng, sau này ông mới nắm bắt được những gì Đức Giêsu đã nói (Ga 2, 17-22; 13, 6-19). Khi Đức Giêsu ra đi, trong một ý nghĩa nào đó, thì chưa có gì là hoàn tất, là cố định. Chính Thánh Thần sẽ giúp Giáo hội dần dần hiểu biết “điều đã được mạc khải”. Một số người nghiêm khắc đã vội ngạc nhiên vì Giáo hội “thay đổi” như họ phản đối. Nhưng rõ ràng đối với Đức Giêsu, Giáo hội còn phải thay đổi nhiều hơn do ảnh hưởng của Thánh Thần. “Thánh Thần sẽ dạy anh em và sẽ làm cho anh em nhớ lại..”.

Phần lớn những Lời của Đức Giêsu chỉ được bày tỏ khi được suy gẫm và cầu nguyện trong ký ức của Giáo Hội trong nhiều thế kỷ. Mọi tín điều kinh Tin kính đã có một quá trình lịch sử và chỉ được định tín sau một thời gian dài để cho chín muồi. Và tình trạng đó vẫn còn tiếp tục. Chúng ta có thực sự tin Thánh Thần hiện diện trong Giáo hội không? Tại sao Thánh Thần lời có thể ngừng hoạt động ở thế kỷ thứ III hay thế kỷ XV? tại Công đồng Ni-xê hay tại Công đồng Trentô? Ngày nay, hiển nhiên Thánh Thần vẫn đang làm việc. Đức Giêsu đã nói: “Thầy ở với anh em cho đến tận thế”.

Giáo hội vẫn còn nhiều điều phải hiểu biết, phải khám phá, phải sống động. Và điều, đúng thực sự với Giáo hội, cách tổng quát, với lịch sử của mình trong thời gian vẫn còn đúng thực, cách riêng biệt, với mỗi người chúng ta: Thánh Thần còn phải giúp tôi khám phá ra nhiều điều! Trong tôi vẫn có một khả năng lãng quên không thể tưởng. Như thế, khi lời Tin Mừng được chiếu sáng cho tôi, được Thánh Thần tác động vật soi sáng, tôi đừng chần chờ thực hành và tuân giữ lời đó để sớm hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa và con người.

Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng, Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”.

Bình an! Shalom! Đó là lời chào chúc quen dùng tại Israel. Nhưng ở đây, đó là lời chào chúc Phục sinh của Đức Giêsu sống lại: bình an phát xuất từ sự hiện diện của Đấng được coi là Vắng Mặt, nhưng Đấng đó không ngừng trở lại đối với những kẻ yêu mến Người… Một thứ bình an mà thế gian không thể nào nhận ra được, vì thế gian không nhận ra sự hiện diện đầy an ủi đó.

Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để anh em tin khi sự việc ấy xảy ra.

Trong khi thi hành sứ vụ tại trần gian, Đức Giêsu chỉ có thể hiện diện với tất cả những giới hạn của không gian và thời gian: đó là những giới hạn của “thân phận con người”. Đức Giêsu nhận biết điều đó: “Vì là con người, nên Thầy thấp kém hơn Chúa Cha!”. Một kiểu nói cần phải hiểu cho đúng, vì nó không phủ nhận những kiểu nói khác nhằm quả quyết Đức Giêsu ngang hàng với Chúa Cha. Chính các tông đồ cũng không hiểu biết gì vào chiều hôm đó.

Lạy Thánh Thần, xin hãy đến!

 

9. Bình an Chúa ban

(Suy niệm của Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn)

Vào trung tuần tháng 11 năm 2000, đang khi các giám mục Công giáo Hoa kỳ tiến hành cuộc họp thường niên, một số các nhà hoạt động bênh vực “quyền lợi” của những người đồng tính luyến ái đã đột nhập và phản đối ồn ào, chống lại những giáo huấn của giáo hội liên quan đến “quyền lợi” của những người đồng tính.

Được biết trong cuộc họp lần này, các giám mục Hoa kỳ đã đưa ra bản tuyên ngôn về hôn nhân, kêu gọi một sự tín trung hơn trong giao ước hôn nhân giữa nam và nữ. Bản tuyên ngôn xác định rõ ràng hôn phối là sự kết hiệp thánh thiện giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Không thể chấp nhận chuyện những người cùng phái lấy nhau.

Đã có khoảng 200 người tụ tập biểu tình đòi giáo hội chấm dứt tình trạng “khủng bố tinh thần” chống lại những người đồng tính hay đổi phái. Sau đó có khoảng 100 người biểu tình bị bắt giữ vì đã có hành vi bạo động quá đáng. Một số người trong tổ chức “Dignity and Soul Force” cho rằng Giáo hội không đi đúng đường lối Phúc âm khi không mang lại an bình cho tâm hồn người ta, lại còn tạo nên bầu khí phân cách đối với người đồng tính.

Đức Cha Joseph A. Galante, Giám mục Phó của địa phận Dallas đã trả lời những người trong tổ chức Dignity and Soul Force rằng: “Phúc âm vẫn là Phúc âm. Trong đó luôn có thách đố, nhưng chắc chắn không có việc khơi mào bạo động hay thù hận đối với ai. Tuy nhiên có những người dùng Thánh kinh như để phục vụ cho mục đích riêng của mình chứ không phải để trung tín bước theo ý nghĩa xác thực của Tin Mừng.”

Hoa trái của Tin Mừng là bình an, thứ bình an do Thiên Chúa ban tặng chứ không phải đến từ thế gian. Có nhiều người lầm tưởng bình an là những cảm giác yên hàn, mọi chuyện xuôi đẹp, không có chông gai, chiến tranh, thập giá. Đây không phải là thứ bình an đích thực. Nó tuỳ thuộc vào ngoại cảnh. Nó không phải là thứ bình an mà Đức Giêsu đã hứa ban cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Bình an Chúa ban luôn có bóng hình thập giá.

Danh ngôn thế giới có câu “Nemo dat quod non habet” – Không ai cho kẻ khác điều mình không có. Vậy thì làm sao Đức Giêsu lại có thể có được an bình để trao ban cho các môn đệ khi mà trước mắt Ngài là những đau thương và ngăm đe của khổ hình thập giá, cùng với muôn sự ruồng bỏ dể duôi của bao người?

Có lẽ chỉ khi nhìn vào Đức Giêsu trong thời điểm đối diện với những gian nan thử thách, chiến đấu cam go, người ta mới thấy rõ hơn sự bình an sâu thẳm mà Ngài để lại cho các môn đệ như món gia bảo cuối đời. Đây là thứ bình an nội tại, một thứ bình an được kết tinh nhờ sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, thế nên, dù bóng cao thập giá có mịt mùng thì hồn Ngài vẫn là nguồn sáng cho nhân loại.

Một khi có được sự hiệp thông với Thiên Chúa thì dù gặp thành công hay thất bại, may mắn hay rủi ro, giàu có hay khó nghèo, chống đối hay ủng hộ, đều không làm người ta xao xuyến, nhát đảm, hoặc bất an. Còn khi bước sai lệch nẻo đường đến với Thiên Chúa thì dù muôn sự tưởng như thuận buồm xuôi gió hay an nhàn vô sự, tâm hồn vẫn mãi bất an cho đến khi tìm lại được ơn giao hoà.

“Ta để lại bình an cho các ngươi; Ta ban bình an cho các ngươi” (Ga 14:27a). Hẳn là Chúa Giêsu muốn nói đến sự bình an mà Ngài sẽ mang lại cho con người qua mầu nhiệm thập giá. Bởi vì bấy lâu nay, kể từ ngày Adong Eva sa ngã, nhân loại mãi sống trong tội, chạy theo những đam mê thế tục, để cho những tên giặc xác thịt khuấy động và làm bất an tâm hồn. Nay qua cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu mà an bình được ban xuống cho nhân loại. Chiếc cầu giao hoà giữa trời cao với đất thấp được lập nên nhờ thập giá.

Biết bao bạo động, chiến tranh sảy ra đều phát xuất từ những dục tình xấu xa nơi tâm hồn người ta. Muốn dẹp chiến tranh bạo động trước hết phải học chế ngự những mầm mống nổi loạn của trí lòng. Muốn chế ngự được những mầm mống đó không thể không có sự trợ lực của hy sinh, khổ giá. Nhưng điều kỳ lạ mà Tin Mừng Đức Kitô mang cho con người lại là chính khi đón nhận khổ giá thì bình an và sự sống lại phát sinh dồi dào.

Những lời sau đây trích trong sách “Gương Chúa Giêsu” đáng để chúng ta suy gẫm giữa bao vinh nhục, thăng trầm của cuộc sống:

Đời hứa bình an cho những ai phụng sự đời. Nhưng thứ bình an nền tảng ở tiền tài, sắc dục, kiêu ngạo… đã đánh lừa những người theo đuổi nó, và nó đã tiêu tan đi như giấc mộng đẹp.

Trái lại, bình an thực nền tảng ở một lương tâm thanh thản. Nó hệ tại biết kìm hãm ước muốn, biết tự thoát, khiêm nhường, hơn là thoả mãn dục vọng, ăn trên ngồi trốc.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con thứ Bình an của Chúa, thứ bình an mà người đời không thể cho được, để chúng con được thư thả mà phụng thờ Chúa và được hạnh phúc an nghỉ trong Chúa cho đến muôn đời.

Thành tâm tuân giữ luật Chúa, bước theo Đức Kitô như Ngài đang “tiến đến với Cha” (Ga 14:28), dù bước tiến đó đầy chông gai, thử thách, và đau đớn xác thân, chắc một điều: an bình, niềm vui, và sự sống chính là phần thưởng cho những người môn đệ tín trung.

 

10. Quà tặng của Chúa

(Suy niệm của AM. Trần Bình An)

Sau khi chiến tranh lạnh vừa kết thúc (1991), thế giới chưa kịp hưởng thái bình được bao lâu, thì sự kiện ngày 9/11/2001 trên đất Mỹ, đánh dấu thảm họa khủng bố bắt đầu lan tràn trên toàn cầu. Phập phồng mối lo sợ sự dữ không hề thuyên giảm, mà càng ngày càng dồn dập lan nhanh khắp nơi.

Mới đây, ngày 15/4/2013 xảy ra vụ khủng bố tại đích đến của cuộc thi marathon Boston, khiến dân chúng Hoa Kỳ càng thêm kinh hoàng. Trong khi đó, cả thế giới còn đang lo lắng chiến tranh hạt nhân, đe dọa châm ngòi bất cứ lúc nào từ Bắc Triều Tiên.

Như thế nền hòa bình, sự bình an của thế gian chỉ tạm bợ, bấp bênh và rất phù du. Còn sự bình an trong tâm hồn mỗi người cũng phù phiếm và bất định không kém.

Hôm nay qua Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu lại trao ban sự bình an. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ. hãi.” (Ga 14, 27)

Bất an

Ngay từ khi Adam và Eva phạm tội, con người bắt đầu nếm mùi sợ hãi, bất an. Cả hai hoảng sợ, trốn tránh, xấu hổ, khi Thiên Chúa tìm đến họ nâng đỡ, an ủi. Sự bất an kéo đến xâm chiếm con người, khi mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người bị phá vỡ bởi tội lỗi. Thành ra con người mới cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa môi trường dù quen hay lạ.

Hệ lụy tiếp theo, con người cảm thấy bất an với chính đồng loại, khi Thiên Chúa không còn hiện diện trong cuộc sống, không còn là nơi nương tựa. Sự tham lam, giận ghét, ghen tuông, thù hận, theo cái ác phát triển như như cỏ dại, như gai góc, như thú dữ xuất hiện ngay trong Vườn Địa Đàng, sau khi xảy ra tội nguyên tổ. Cain đã lạnh lùng giết chết Abel, em ruột. Các cuộc xung đột giết chóc phát sinh vô tận giữa các bộ lạc, sắc tộc và dân tộc, liên miên suốt chiều dài lịch sử nhân loại.

Trong thâm tâm mỗi người, sự lo lắng bất an luôn đi cùng suốt cuộc đời, từ khi chào đời đến khi xuôi tay, nhắm mắt. Con người luôn cảm thấy yếu đuối, bất lực trước phong ba, bão táp, nghịch cảnh.

Khi Chúa Cứu Thế Giáng Sinh, món quà đầu tiên Người gửi đến nhân loại chính là hai chữ bình an: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm!” (Lc 2, 14)

Bình an

Chỉ con người thiện tâm, trở về với Nguồn Cội là Thiên Chúa, mới có thể đón nhận sự bình an, tặng phẩm Giáng Sinh cao quý. Sám hối trở lại, hàn gắn mối giao hòa với Thiên Chúa, từ bỏ tội lỗi, những đam mê xác thịt, những quyến rũ trần thế, những tham, sân, si, nghi, mạn, ác, con người mới xứng đáng đón nhận hồng ân bình an.

Điều tiên quyết khi đã trở về theo Chúa, chính là bỏ mình, bỏ tất cả con người cũ tội lỗi, chấp nhận đau thương, thánh giá Chúa gửi đến, sống theo Lời Hằng Sống, chấp nhận lội ngược dòng, chịu sỉ nhục và bắt bớ, nhục hình.

Ông Phêrô đã toan trốn khỏi thành Roma để khỏi chịu khổ nạn, thấy Chúa Giêsu đi ngược trở vào thành. Ông kinh ngạc liền hỏi: “Quo Vadis?” (Thầy đi đâu vậy?) Chúa đáp: “Romam Vado iterum crucifigi.” (Thầy đến Roma để chịu đóng đinh lần nữa). Nghe vậy, ông Phêrô bèn hối lỗi, giác ngộ, trở vào thành an tâm tiếp tục sứ vụ, để cuối cùng được phúc tử vì đạo, bằng cách chịu đóng đinh ngược. Nhờ đồng hành cùng Chúa, ông Phêrô mới cảm thấy bình an, dù đứng trước ngay thách đố sinh tử. (Henryk Sienkiewicz, Quo Vadis)

Khi đã thành tín giao hòa cùng Chúa, con người mới có thể giao hòa với tha nhân, với anh em mọi người, quen biết cũng như xa lạ, thân thiết cũng như thù địch, mà tâm hồn vẫn bình an, thanh thản, vô ưu. Do vậy, các thánh nhân mới can đảm và bình thản chịu nhục hình cho đến hơi thở cuối cùng.

Tái củng cố mối liên kết với Chúa, con người mới có thể thân thiện với tạo vật, với môi trường. Mới tôn trọng, gìn giữ môi trường xanh, sạch và đẹp. Mới thân thiết, yêu quý các loại động vật hoang dã. Đáp lại, môi trường không bị hủy diệt, tận diệt, không bị biến đổi khí hậu, không bị ô nhiễm, hay sa mạc hóa, mà trở nên Vườn Địa Đàng, hành tinh xanh đáng sống và đáng yêu.